Ngày 13/9 tới, 13 tỉnh thành vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) sẽ giới thiệu 88 dự án gọi vốn đầu tư tại hội nghị xúc tiến đầu tư du lịch quốc tế tại TPHCM. Phóng viên đã trao đổi với ông Trần Hoàng, Trưởng ban thư ký Diễn đàn hợp tác kinh tế ĐBSCL về những vấn đề xoay quanh việc phát triển du lịch vùng.
Thưa ông, tại sao trong những dự án kêu gọi đầu tư trong hội nghị du lịch này lại chỉ tập trung vào hạ tầng mà không phải là dự án về dịch vụ nhằm tăng sản phẩm cho du lịch của vùng?
Ông Trần Hoàng (ảnh bên): - Vùng ĐBSCL có nhiều tiềm năng để phát triển du lịch nhưng tốc độ phát triển ngành công nghiệp không khói này vẫn ở mức thấp. Có nhiều nguyên nhân từ sản phẩm còn nghèo, trùng lắp đến vấn đề cơ sở hạ tầng còn yếu kém. Trong số đó, chúng tôi coi cơ sở hạ tầng là vấn đề quan trọng và cần phải hoàn thiện trước khi chuẩn bị những kế hoạch phát triển về dịch vụ, sản phẩm.
Vì thế, tất cả những giới thiệu và kêu gọi đầu tư trong lần này là dự án liên quan đến hạ tầng giao thông, hạ tầng cho du lịch như các cảng biển cho tàu du lịch, đường dẫn đến các khu du lịch hay xây dựng cơ sở lưu trú. Theo tôi, với cơ sở hạ tầng hiện tại thì du lịch ĐBSCL khó mà tăng trưởng đột biến trong hiện tại nên vấn đề lúc này là làm sao để lượng khách vẫn duy trì và tiếp tục đầu tư, hy vọng sau năm 2015 thì may ra mới có những bước phát triển đột phá. Có hạ tầng tốt thì ngành du lịch mới có cơ sở bền vững để phát triển.
Các dự án phát triển hạ tầng cần nguồn vốn lớn nên cần có sự tiếp sức từ nhà nước. Vùng ĐBSCL có chính sách nào để tiếp sức với nhà đầu tư không, thưa ông?
Theo quyết định số 388/QĐ-TTg do Phó thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng ký ngày 25-3-2010 về việc tổ chức Diễn đàn hợp tác kinh tế ĐBSCL thì diễn đàn có hai nhiệm vụ chính. Đó là, tập hợp ý kiến những nhà khoa học, quản lý, doanh nghiệp theo từng chủ đề để báo cáo, đề xuất Thủ tướng Chính phủ xem xét, ban hành về cơ chế, chính sách nhằm tạo điều kiện cho vùng phát triển và đẩy mạnh quảng bá hình ảnh, tiềm năng, hợp tác kinh tế, xây dựng các chương trình hợp tác giữa các tỉnh, thành phố trong vùng với nhau, với các tỉnh, thành phố trong cả nước và với các bộ, ngành. Theo quyết định này, ban chỉ đạo của diễn đàn là đại diện lãnh đạo của các cơ quan gồm Thường trực Ban chỉ đạo Tây Nam bộ, Bộ Công Thương, Ủy ban quốc gia về hợp tác kinh tế quốc tế, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Văn phòng Chính phủ và các tỉnh, thành phố trong vùng. |
- Thực sự nhà nước không đủ vốn đầu tư cho hàng loạt dự án như thế này, đặc biệt là đầu tư vào hạ tầng của ĐBSCL rất tốn kém, xây dựng 1 km đường ở đây tốn gấp 2-3 lần so với 1 km đường ở miền Trung. Chúng tôi cho rằng, trước mắt nguồn vốn ODA, NGOs sẽ là 2 nguồn vốn dẫn quan trọng để phát triển những dự án này, trước khi kêu gọi được vốn từ những dự án FDI.
Vì thế, năm nay, trong khuôn khổ của Diễn đàn hợp tác kinh tế ĐBSCL sẽ có hội nghị hợp tác quốc tế của vùng để các tổ chức tài chính quốc tế như World Bank, ADB, IMF đưa ra các ý kiến về vấn đề đầu tư. Từ đó, Ban chỉ đạo Tây Nam bộ và Diễn đàn sẽ đề xuất Chính phủ những cơ chế đặc trưng đối với việc thu hút nguồn vốn này.
Ông nhấn mạnh đến điểm yếu về cơ sở hạ tầng nhưng nhiều ý kiến lại cho rằng vấn đề thiếu liên kiết trong khâu phát triển sản phẩm, dịch vụ đã làm du lịch của vùng trở nên nhàm chán, loanh quanh không tìm được lối ra. Ông có ý kiến như thế nào về nhận xét này?
- Đó là nhận xét đúng và chúng tôi cũng đang tìm lời giải cho vấn đề này. Từ bấy lâu nay nói liên kết, không chỉ du lịch và các lĩnh vực khác đều là nói rất nhiều nhưng chưa tìm ra được cách làm hiệu quả. Vấn đề là không thể chỉ nói liên kết suông rồi sẽ phát triển mà phải có một cơ chế pháp lý cho việc này.
Ban thư ký đang phối hợp với Chương trình giảng dạy kinh tế Fulbright, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, các bộ ngành liên quan, UBND các tỉnh, thành và TPHCM xây dựng cơ chế về liên kết vùng, gắn với TPHCM.
Dự kiến, trong năm nay sẽ cho ra cơ chế mang tính pháp lý trước. Sang năm 2012, ban thư ký sẽ tiếp tục phối hợp với Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch, TPHCM cùng các tỉnh thành chọn ra những giá trị, những sản phẩm nào phải liên kết để thực hiện.
Theo số liệu từ Diễn đàn hợp tác kinh tế ĐBSCL, trong năm 2010, cả vùng thu hút được 9.236.000 lượt khách du lịch. Trong đó, có 1,2 triệu lượt khách quốc tế. Tốc độ tăng trưởng bình quân từ năm 2001 đến năm 2010 vào khoảng 16,4%, trong đó khách quốc tế tăng khoảng 8%. |
Đào Loan (thực hiện)
- "Chưa có cơ sở khoa học là xe máy gây ùn tắc"
- "Xây tượng đài hoành tráng cũng như nhà nghèo nuôi voi chơi"
- GS Takeshi Nakagawa (Nhật Bản): Bản sắc văn hóa Việt trong di sản Huế
- GreenBiz 2011: cùng đối thoại tìm giải pháp xanh
- Đừng để nhà công biến thành nhà riêng
- “Tiền dùng để mua bất động sản được người ta kiếm quá dễ”
- Dự án xe buýt nhanh BRT: Cơ hội cuối cho giao thông TPHCM?
- "Không vụ lợi để quy hoạch được thực thi tốt nhất"
- TP.HCM: triển vọng điện gió từ biển Cần Giờ
- Trao dự án cho nhà thầu nước ngoài: Đừng ham rẻ