Ashui.com

Tuesday
Nov 05th
Home Tương tác Đối thoại GS Takeshi Nakagawa (Nhật Bản): Bản sắc văn hóa Việt trong di sản Huế

GS Takeshi Nakagawa (Nhật Bản): Bản sắc văn hóa Việt trong di sản Huế

Viết email In
Giáo sư Takeshi Nakagawa, chuyên gia hàng đầu thế giới về bảo tồn và tái thiết di sản, vừa có buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên - Huế về dự án tái thiết điện Cần Chánh trong Tử Cấm thành Huế.

Giáo sư đã trả lời phỏng vấn về việc tái thiết điện Cần Chánh và trùng tu di tích ở Huế.

Đủ cơ sở để tái thiết điện Cần Chánh

* Sau 15 năm hợp tác nghiên cứu, theo giáo sư, đến nay đã đủ cơ sở khoa học để phục nguyên điện Cần Chánh?

GS Takeshi Nakagawa (Ảnh: Thái Lộc)

Giáo sư Takeshi Nakagawa hiện là giám đốc Viện Nghiên cứu di sản thế giới của UNESCO (thuộc Đại học Waseda, Nhật Bản), giám đốc Chương trình bảo vệ Angkor của Chính phủ Nhật tại Campuchia (JSA). Dự án tái thiết điện Cần Chánh được giáo sư Nakagawa tư vấn về mặt chuyên môn, đồng thời ông còn đóng vai trò quan trọng trong việc tiến cử Chính phủ Nhật tài trợ hàng chục triệu USD cho dự án. 

- Dù điện Cần Chánh nay chỉ còn nền móng nhưng chúng tôi đã sưu tầm tất cả ảnh tư liệu cổ, đã đo đạc trên ảnh, trên nền móng... và đã trải qua rất nhiều phân tích để đi đến kết luận: có khả năng phục hồi. Nhiều công trình khác cũng được nghiên cứu, sử dụng các phương pháp khác nhau để rút ra quy luật chung.

Chúng tôi đã phỏng vấn thợ làm nhà rường truyền thống để “bắc cầu”, so sánh với cách thiết kế kiến trúc cung điện ngày trước. Thêm nữa, chúng tôi có thể lấy kinh nghiệm thực tế từ công trình điện Long Đức đang được tu bổ, từ việc nghiên cứu điện Long An và cả từ dự án tái thiết điện Chiêu Kính.

Đến nay hệ thống tỉ lệ cho việc tái thiết điện Cần Chánh đã được đúc kết. Dù chưa rõ được trang trí nội thất của điện nhưng theo tôi, việc này không khó và sẽ được tiếp tục nghiên cứu trong quá trình tái thiết hệ khung với sự hỗ trợ của các nhà nghiên cứu địa phương.

Cần nói thêm: khi phục nguyên điện Cần Chánh, ngoài giá trị khoa học của một di sản kiến trúc chúng tôi còn nghĩ đến chức năng phù hợp với đời sống đương đại - điện có thể trở thành hội trường tổ chức các hội nghị lớn, là nơi tiếp khách quốc tế sang trọng nhất, bởi nó thể hiện bản sắc văn hóa dân tộc.

Công trình phục hồi điện Cần Chánh sẽ có vai trò như chiếc chìa khóa cho việc tái thiết các hệ thống cung điện phía trong Tử Cấm thành và Hoàng thành Huế. Tôi khẳng định đã đủ cơ sở khoa học và cơ sở pháp lý để phục nguyên điện Cần Chánh.

* Theo giáo sư, còn bao lâu nữa mới chính thức phục hồi?

- Tôi không thể trả lời chính xác vì quá trình hợp tác phát sinh những vấn đề thuận lợi và không thuận lợi. Chúng tôi sẽ dành trọn năm 2012 để đúc kết toàn bộ kết quả nghiên cứu, quá trình hợp tác và đưa ra các chương trình hành động thực tiễn. Ngoài tiếp tục nghiên cứu trang trí nội thất, mô hình điện Cần Chánh tỉ lệ 1/10 đang được thực hiện để kiểm chứng hệ thống tỉ lệ kiến trúc đã nghiên cứu cũng như phương pháp chế tác những cấu kiện gỗ, sau đó sẽ tiến hành làm tỉ lệ 1/1 tái thiết bước 1 phần kiến trúc điện Cần Chánh.

Về kinh phí tái thiết, tôi mong muốn cả hai chính phủ Việt Nam và Nhật Bản cùng kết hợp hỗ trợ để thực hiện bằng được dự án này. Văn phòng Tịnh Minh lâu đã được thành lập, đó là nơi tập trung tất cả dữ liệu, nơi cùng làm việc của nhóm dự án hai phía Nhật Bản - Việt Nam và là đầu mối quan trọng để tái thiết điện Cần Chánh cùng nhiều công trình sau này. Tuy nhiên tình trạng văn phòng Tịnh Minh lâu không được đưa vào hoạt động như hiện nay thì mọi dự định tái thiết đều không thể thực hiện.


Kinh thành Huế với các pháo đài ziczac theo kiểu kiến trúc quân sự Vauban (Ảnh: Thái Lộc)

Đừng bắt nhiều thời kỳ quá khứ hội đàm cùng hiện tại

“Trong sự nghiệp bảo tồn di tích ở Huế, nhân lực và công nghệ bảo tồn, bảo quản (mà Việt Nam hay dùng là hóa nghiệm bảo quản) hiện nay đang rất thiếu. Huế vẫn chưa có những nghiên cứu cụ thể, những hiểu biết thấu đáo về sự biến chuyển của kỹ thuật các thời tại di tích Huế... do đó ý nghĩa của di sản văn hóa đã phần nào mất đi”. 

* Thưa giáo sư, ngay sau điện Cần Chánh, các hành lang Tử Cấm thành hiện đang được phục nguyên trong khi những cung điện vẫn chỉ là nền móng. Đây có phải quy trình trùng tu ngược hay không?

- Công cuộc trùng tu di tích (ở Huế - PV) hiện chưa được hoạch định rõ tiêu chí, đâu là chính đâu là phụ. Ngay cả về mặt thời gian cũng chưa có quy định rõ ràng: phục hồi di tích thời Gia Long, Minh Mạng hay Khải Định - từ đó dẫn đến sự tùy tiện trong trùng tu. Đây cũng chính là vấn đề lớn hiện nay đối với công việc phục hồi, tái thiết.

Cần nhớ rằng công cuộc trùng tu di tích ở Huế phải tuân theo những kết luận của hội đồng di sản văn hóa thế giới và các tiêu chí về bảo tồn trùng tu di sản. Tuy nhiên có thể có những trường hợp biệt lệ. Từng là thành viên nhóm công tác UNESCO suốt 10 năm và là một trong những chuyên gia xây dựng nền tảng chính sách, nhất là chính sách đặc thù cho từng khu vực di sản, chúng tôi mong muốn được tham vấn trước khi Huế tái thiết hay làm một công việc gì đó với các di sản. Rất tiếc có một số trường hợp chưa tham vấn nhưng đã làm rồi!

Theo tôi, không thể vội vã đối với công việc trùng tu di sản khi chúng ta chưa hiểu thấu đáo về nó. Mà muốn biết rõ thì phải dày công nghiên cứu. Những di sản lớn của thế giới trước khi quyết định trùng tu đều phải mất rất nhiều thời gian nghiên cứu. Huế cũng vậy. Tôi xin nhấn mạnh: xét trên bình diện bản sắc văn hóa Việt Nam trong di sản thế giới thì Việt Nam chỉ có một - đó chính là kinh thành Huế.


Hành lang Tử Cấm thành: việc phục hồi hành lang Tử Cấm thành trước khi phục hồi các cung điện được nhiều người xem là quy trình ngược trong trùng tu di tích Huế hiện nay (Ảnh: Thái Lộc)

* Vì sao “Việt Nam chỉ có Huế”, thưa giáo sư?

- Sự ảnh hưởng văn minh Trung Hoa tại các nước châu Á lân cận có sự khác nhau, ngay cả trong từng quốc gia. Như trường hợp miền Bắc Việt Nam và có thể xứ Đàng Ngoài trước đó: ảnh hưởng của văn minh Trung Hoa rất trực tiếp và toàn diện. Hoàng thành Thăng Long là một minh chứng. Tuy nhiên với xứ Đàng Trong trước đây và miền Nam sau này thì ảnh hưởng rất có chọn lọc: lựa chọn những gì tinh túy nhất và giữ lại những gì phù hợp với văn hóa của mình.

Có thể minh chứng thông qua đề tài luận án tiến sĩ của TS Lê Vĩnh An (Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế) khi trình bày về sự khác biệt giữa kỹ thuật thiết kế kiến trúc của Trung Hoa và của người Việt. Trong khi ở Bắc bộ cơ chuẩn thiết kế chủ yếu dựa trên hai phương là thẳng và ngang, thì thiết kế kiến trúc Trung bộ và cung điện ở Huế lại dựa trên từng bộ phận và chiều nghiêng của mái. Đây là một phát hiện rất quan trọng.

Thêm nữa, việc đưa thiên nhiên vào trong quy hoạch kinh đô là nét rất đặc trưng của đô thị Huế, điều này rất mờ nhạt trong văn minh cổ Trung Hoa...

Tôi rất muốn so sánh Ngọ môn Huế và Ngọ môn Trung Hoa. Dù công trình cùng hình thức, tên gọi, song có sự khác biệt gần như hoàn toàn. Điều đó hết sức thú vị và cũng rất quan trọng. Ngọ môn Trung Hoa là tòa kiến trúc uy nghi dựng trên nền móng to lớn, ngược lại Ngọ môn ở kinh thành Huế được hình thành từ những cấu kiện rất khiêm tốn nhưng lại trở thành một kiến trúc có giá trị, đặc sắc.

* Ở Huế, để biện hộ cho một sự cố nào đó xảy ra trong việc trùng tu di tích, người ta thường đưa ra khái niệm “trùng tu thích nghi”, theo giáo sư, khái niệm này là thế nào?

- “Trùng tu thích nghi” có thể là một cách làm, cách ứng dụng, song theo tôi đây là một lý luận, một khái niệm hơi lạ. Sau trùng tu, có thể sử dụng công trình theo chức năng gần nhất với đời sống đương đại mà nó từng có, nhưng tuyệt đối không thể hòa nhiều chức năng trong lịch sử vào làm một để định hướng tu bổ. Không thể bắt nhiều thời kỳ quá khứ cùng hội đàm với hiện tại!

* Xin cảm ơn giáo sư.

THÁI LỘC (thực hiện)


Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

 

Thêm bình luận


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo

Tìm kiếm

Tạp chí

Hiện có 3222 khách Trực tuyến

Quảng cáo