“Tôi đã đi mấy tuyến xe buýt, tôi thấy bình thường chứ không hẳn như mọi người kêu. Tôi sẽ đi và vận động cán bộ ngành giao thông ít nhất một tuần đi làm bằng phương tiện công cộng một lần”, bộ trưởng Giao thông vận tải Đinh La Thăng chia sẻ với báo chí khi được hỏi về biện pháp hạn chế xe cá nhân tại cuộc họp báo trưa 5/10 tại Hà Nội.
Bộ trưởng có bao giờ đi làm bằng xe buýt chưa?
Bộ trưởng Đinh La Thăng (ảnh bên): - Tôi đã mấy lần đi làm bằng xe buýt. Tôi đi tuyến 30 và 34, và có khảo sát đánh giá xem lộ trình nào thích hợp, đi nhanh hay chậm. Có lần tôi xuống xe ở Khâm Thiên và đi bộ về cơ quan (trên đường Trần Hưng Đạo, cách đó khoảng 300m – PV).
Bộ trưởng đánh giá sơ bộ về thực trạng xe buýt và làm sao để xe buýt đáp ứng tốt hơn nhu cầu người dân?
- Cũng có người kêu đi xe buýt chen chúc, khó thở, thái độ lái xe này nọ, nhưng có lần tôi cũng ăn mặc lôi thôi tí, lên xe nói chuyện với lái xe rất cởi mở, tất nhiên lái xe họ không biết tôi là ai. Tuy nhiên cũng có thể do tôi đi chuyến sớm, từ 6g 30 sáng nên chưa đông đúc.
Tôi thấy mấy tồn tại của xe buýt hiện nay là: điểm dừng đỗ, nhà chờ cho xe buýt chưa được đầu tư tốt, còn dột nát, bẩn thỉu. Còn hiện tượng xe buýt bỏ bến, phóng nhanh, đánh võng. Xe buýt chưa phù hợp như xe còn cao, chưa có hệ thống hạ xuống, xe thấp như nước ngoài để đón khách, thậm chí cho cả người khuyết tật. Ghế trên xe buýt của ta hơi nhiều mà đáng ra chỉ nên để ít ghế cho người già, trẻ em, còn lại lấy chỗ mà đứng. Hệ thống nhíp, phanh chưa tốt nên khi phanh bị dồn, dẫn đến đi nhiều bến, hành khách dễ say xe.
Trong tháng 10 này, chúng tôi sẽ tổ chức hội thảo, mời cả đại diện lái xe… làm sao để nâng cao chất lượng phục vụ của xe buýt.
Tìm hiểu tôi được biết lái xe bỏ bến do tình trạng khoán chuyến. Ví dụ một ngày lái xe phải đạt 9 tuyến nhưng do tắc đường khiến họ phải bỏ bến để quay vòng nhanh cho đủ chỉ tiêu. Tới đây bộ sẽ làm việc với tổng công ty vận tải Hà Nội tìm cách để tránh áp lực khoán chuyến cho tài xế, ví dụ như chạy đủ 6 tuyến thì được hưởng 100% lương chẳng hạn. Hoặc nghiên cứu tăng chuyến giờ cao điểm để bớt bỏ chuyến.
Trước đây để thực hiện bắt buộc đội mũ bảo hiểm, ngành giao thông đã vận động cán bộ ngành mình thực hiện trước 3 năm, vậy để hạn chế xe cá nhân, bộ trưởng có gương mẫu hay vận động cán bộ ngành thực hiện trước không?
- Chúng tôi, từ bộ trưởng đến thứ trưởng, cán bộ của toàn ngành, tôi vận động một tuần phải có ít nhất một ngày đi làm bằng phương tiện công cộng. Ai đi nhiều rồi thì nên phát huy. Tất nhiên phải thông cảm, bộ trưởng, thứ trưởng đến cơ quan còn đi họp chỗ này chỗ kia, trong khi hệ thống đường của ta chưa thuận tiện lắm nên chưa thể đi nhiều được.
Hạn chế xe cá nhân thì phải cùng với phát triển công cộng, vậy bộ trưởng có thể nói rõ lộ trình dự kiến?
- Sự yếu kém về cơ sở hạ tầng là đúng, phương tiện giao thông công cộng thiếu, chất lượng kém. Nhưng phải làm đồng thời, không thể chờ cái này trước rồi mới làm cái kia. Tất cả vừa nâng cao ý thức người dân, vừa nâng cao chất lượng dịch vụ, vừa phát triển giao thông công cộng, vừa giảm phương tiện cá nhân.
Chúng ta phải làm đồng thời và có lộ trình. Theo nghị quyết 88 Chính phủ giao bộ chủ trì làm đề án nâng cao phương tiện vận tải công công và hạn chế phương tiện cá nhân, thì đến quý bốn sang năm mới trình, nhưng chúng tôi phấn đấu quý bốn năm nay hoàn thành để quý một sang năm trình. Nhưng bây giờ hỏi bao giờ hạn chế xe cá nhân thì chúng tôi chưa nói được.
Chí Hiếu (lược ghi)
- Điều gì giúp Đà Nẵng đoạt giải môi trường ASEAN?
- KTS Trần Ngọc Chính: "Tổ chức giao thông không tốt thì đường rộng vẫn tắc"
- Kiểm soát chất lượng chưa chặt, đường sắt đô thị mất mỹ quan và thiếu an toàn
- Bất động sản sinh thái: "bội thực" hay chuyển hướng dòng tiền?
- TS Đỗ Tú Lan, Phó Cục trưởng Cục Phát triển đô thị: "Phải đấu giá đất để phát triển đô thị"
- "Chưa có cơ sở khoa học là xe máy gây ùn tắc"
- "Xây tượng đài hoành tráng cũng như nhà nghèo nuôi voi chơi"
- GS Takeshi Nakagawa (Nhật Bản): Bản sắc văn hóa Việt trong di sản Huế
- GreenBiz 2011: cùng đối thoại tìm giải pháp xanh
- Đừng để nhà công biến thành nhà riêng