"Muốn phát triển đô thị phải có một quy hoạch tổng thể, đồng bộ các ngành gồm: quy hoạch đô thị, quy hoạch giao thông, quy hoạch thoát nước, quy hoạch cốt nền… Trong khi đó, tại TP.HCM, quy hoạch đô thị lại được thực hiện trước, các ngành khác chạy theo sau. Kiểu “quy hoạch đuổi” này sẽ không hợp lý, gây ra nhiều bất cập, trong đó có tình trạng ngập lụt."
TS Tô Văn Trường (ảnh bên), ban chủ nhiệm chương trình Nghiên cứu khoa học và công nghệ trọng điểm cấp nhà nước giai đoạn 2011 – 2015 về nghiên cứu khoa học và công nghệ phục vụ phòng tránh thiên tai, bảo vệ môi trường và sử dụng hợp lý tài nguyên thiên nhiên đã cho biết như vậy.
Cũng theo ông Trường, tốc độ đô thị hoá của TP.HCM quá nhanh, các công trình hạ tầng thoát nước kể cả hệ thống cống rãnh, kênh thoát nước, hồ điều hoà không theo kịp, nên hàng chục năm qua thành phố luôn chịu vấn nạn bị ngập lụt. Trong quá trình phát triển đô thị, cơ quan chức năng không những không quan tâm, tác động đến những phần mềm như khu chứa lũ, khu truyền nước, hệ thống cống rãnh... lại còn lấp những con kênh, khu chứa nước, mất hết nơi chứa lũ. Hơn nữa, một “lỗ hổng” lớn vẫn tồn tại là chưa chú trọng đúng mức đến khâu quản lý sau quy hoạch. Việc tập trung xây dựng quá nhiều nhà cao tầng ở nội đô, khiến cho nền đất ở khu vực này bị yếu, cộng với việc khai thác nước ngầm quá mức, gây nên tình trạng lún sụp, làm phát sinh điểm ngập.
Nhưng trong thời gian qua, thành phố cũng đã thực hiện nhiều biện pháp chống ngập, trong đó có những dự án chống ngập và ngăn triều, thưa ông?
- Quá trình thực hiện dự án chống ngập ở thành phố rất chậm, luôn phải lùi thời hạn kể cả các dự án ODA do nhiều nguyên nhân, trong đó có nguyên nhân chủ yếu do công tác giải phóng mặt bằng và năng lực của các cơ quan thực hiện.
Năm 2008, thành phố có khoảng 66 trận mưa gây ngập, tăng 46% so với năm 2007. Ngoài ra, triều cường có xu thế ngày càng tăng cao hơn, trong khi hệ thống tiêu thoát hiện hữu không đủ khả năng thoát nước. Thậm chí ngay cả trong mùa khô, không có mưa mà các khu vực có cao độ đất thấp vẫn bị ngập nước do triều cường.
Theo số liệu thống kê, nếu so sánh với năm 2007, thì tình hình ngập lụt ở TP.HCM năm 2011 đã giảm khoảng gần 60% (vẫn còn 38 điểm ngập). Các điểm ngập truyền thống ở quận 1, quận 3, quận 5 và quận 10 về cơ bản đã được “xoá sổ”, nhưng lại phát sinh nhiều điểm ngập mới chủ yếu ở ngoại thành thuộc các quận 2, quận 7, Thủ Đức, Bình Tân và huyện Bình Chánh do chưa có dự án kiểm soát ngập.
Hiện nay, thành phố mới hoàn thành về cơ bản dự án tuyến đê bờ hữu, đang khẩn trương thi công cống Nhiêu Lộc – Thị Nghè, đặt hơn 100 van một chiều ở các cửa xả, nâng tổng số hoàn thành gần 600 van, xây dựng trạm bơm Hồng Bàng, tiếp tục đấu nối các đường ống thoát nước.
Tuy nhiên, điều đáng quan tâm là các thiết kế của những dự án tiêu thoát nước mưa của thành phố vẫn dựa trên các chỉ tiêu cũ, nếu gặp các trận mưa lớn vượt tần suất thiết kế thì khả năng một số nơi ở nội đô vẫn có thể bị ngập trong thời gian nhất định.
Theo kế hoạch, đến năm 2015, các dự án từ nguồn vốn ODA sẽ kết thúc, cải thiện đáng kể việc chống ngập nội đô do mưa cục bộ. Thế nhưng, phía ngoại thành lại giống hệt “vết xe đổ” theo quy luật phát triển 20 năm trước ở nội đô, nghĩa là tốc độ phát triển đô thị quá nhanh, trong khi chưa quan tâm đến hạ tầng cơ sở thoát nước.
Biển Vũng Tàu (ảnh minh họa: dulichvungtau.vn)
Vậy theo ông, TP.HCM cần phải làm gì để có thể khắc phục những nhược điểm trên?
- Từ kinh nghiệm của Hàn Quốc và căn cứ vào các khiếm khuyết của các dự án chống ngập hiện nay, tổng cục Thuỷ lợi đã đưa ra ý tưởng xây dựng tuyến đê biển Vũng Tàu – Gò Công, trong đó có đề cập việc chống ngập cho cả vùng Đồng Tháp Mười và khu vực TP.HCM, khi xét đến yếu tố biến đổi khí hậu, nước biển dâng.
Đây là ý tưởng hay, táo bạo nhưng còn cần câu trả lời cụ thể từ kết quả của sáu đề tài nghiên cứu khoa học đang thực hiện đánh giá “được – mất” về các mặt kinh tế, xã hội, môi trường và kết quả khoan thăm dò địa chất của phía Hà Lan.
Tuy nhiên, trước mắt để chống ngập lụt, TP.HCM phải phối hợp kiểm soát đồng bộ cả ba nguyên nhân mưa, triều và chế độ xả lũ ở hồ chứa thượng lưu. Bởi có lần, hồ Dầu Tiếng mới chỉ xả ở mức 600m3/s đã làm dâng mực nước ở thành phố lên 1,52m. Nếu xả đúng như thiết kế sẽ dâng mực nước ở thành phố lên đến 1,75m. Phía hồ Trị An mới xả khoảng 6.000m3/s đã ảnh hưởng đến mực nước ở Phú An.
Để kiểm soát ngập do mưa và triều, thành phố có thể chủ động đối phó, nhưng để kiểm soát chế độ vận hành điều tiết các hồ chứa phải phối hợp với các cơ quan chức năng của Trung ương.
Hồ Quang (thực hiện)
- Thông tin thêm vụ thu hồi giấy chứng nhận đầu tư đối với dự án công viên phần mềm Thủ Thiêm
- Nhà nước sẽ "ra tay" giúp thị trường bất động sản?
- "Luật bảo vệ môi trường chưa được cụ thể, chi tiết"
- Giảm giá bất động sản đang bị quy chụp làm "vỡ" thị trường
- "TP HCM sẽ lụt như Bangkok nếu phát triển như hiện nay"
- Điều gì giúp Đà Nẵng đoạt giải môi trường ASEAN?
- KTS Trần Ngọc Chính: "Tổ chức giao thông không tốt thì đường rộng vẫn tắc"
- Kiểm soát chất lượng chưa chặt, đường sắt đô thị mất mỹ quan và thiếu an toàn
- Bất động sản sinh thái: "bội thực" hay chuyển hướng dòng tiền?
- TS Đỗ Tú Lan, Phó Cục trưởng Cục Phát triển đô thị: "Phải đấu giá đất để phát triển đô thị"