Ashui.com

Tuesday
Nov 05th
Home Tương tác Phản biện Bài học đắt giá về chống ngập lụt đô thị

Bài học đắt giá về chống ngập lụt đô thị

Viết email In

Thái Lan, mà tâm điểm là thành phố thủ đô Bangkok đang chìm trong thảm hoạ lũ lụt. Chúng ta cũng cần tự rút ra cho mình những kinh nghiệm và bài học cần thiết. Cần tổ chức nghiên cứu nghiêm túc, nguồn gốc, diễn biến, và tác động của trận lụt này để chủ động xây dựng các kịch bản phòng ngừa, đối phó có hiệu quả phù hợp với điều kiện của Việt Nam.

Nhìn từ thảm hoạ ở Bangkok


Bangkok đang phải vật lộn với thảm hoạ ngập chìm bởi lũ, ngoài nguyên nhân do biến đổi khí hậu, lượng mưa lớn bất thường ở thượng nguồn đổ về, còn có nguyên nhân do chủ quan của con người. (Ảnh: Reuters)

Bangkok có điều kiện tự nhiên gần như tương tự TP.HCM, nguyên nhân gây ra ngập lụt do lũ thượng nguồn, lượng mưa tại chỗ và tác động của thuỷ triều. Trong vòng hơn chục năm gần đây, Bangkok đã kiểm soát được ngập lụt do mưa tại chỗ và thuỷ triều. TP.HCM đã từng cử chuyên gia sang tham quan, học tập kinh nghiệm chống ngập lụt của Bangkok. Vì sao hiện nay Bangkok đang phải vật lộn với thảm hoạ ngập chìm bởi lũ? Ngoài nguyên nhân do biến đổi khí hậu, lượng mưa lớn bất thường ở thượng nguồn đổ về, còn có nguyên nhân do chủ quan của con người.

Tổng thể, một điều rất lạ ở Thái Lan là lượng mưa lớn đổ xuống các miền Đông Bắc và trung du nước này suốt ba tháng trời, gây lũ lụt tràn lan các miền này, thế mà suốt thời gian đó không có cơ quan nào và chuyên gia nào tính toán để đưa ra cảnh báo cho vùng cuối nguồn. Đáng lẽ họ phải tính ra từng ngày: lượng nước bao nhiêu mét khối, đến khoảng ngày nào thì lũ tràn xuống, mức nước lũ cao đến đâu. Từ đó, đưa ra cảnh báo, và các cơ quan địa phương phải có kế hoạch ứng phó sẵn sàng như nơi này thoát lũ, nơi kia cần ngăn lũ, ai làm việc gì, làm ra sao, chuẩn bị những phương tiện gì để hô một tiếng là mang ra thi hành ngay.

Việc cảnh báo sớm này là rất quan trọng vì các miền trên có độ dốc lớn, nước lũ có thể thoát đi nhanh nên người dân ở đó chỉ chịu đựng một thời gian ngắn. Nhưng xuống đến vùng Ayuthaya, Pathum Thani và Bangkok thì độ dốc kém, nước lũ thoát chậm. Lại thêm nhiều vùng Bangkok có mặt đất thấp hơn mực nước biển, hàng năm bị lún sụt do khai thác nước ngầm quá mức, có triều cường ập lên trong các tháng 10, 11, nước lũ xuống đến nơi này càng gây lụt lâu hơn vì khó thoát ra biển.

Cần nghĩ đến kịch bản khi nước biển dâng việc thoát lũ càng khó khăn và gặp lúc thượng lưu mưa lớn vượt tần suất thiết kế, các hồ bắt buộc phải xả nước để đảm bảo an toàn cho đập thì thành phố sẽ ra sao? 

Khu công nghiệp Nava Nakhorn có cả trăm ngàn công nhân, nếu họ được tổ chức bài bản, chủ động sẵn sàng ứng phó với sự cảnh báo kịp thời như nói trên thì có thể tự lo liệu phần lớn việc đắp bờ bao. Lúc đầu, giới chức chính quyền vẫn chủ quan, cứ nói không sao đâu. Thế nên mới có chuyện khu công nghiệp này khi được hỏi có cần người tình nguyện đến giúp đỡ không, thì họ trả lời không. Mỗi người công nhân chỉ đóng góp hai bao cát là khu công nghiệp đã có hơn 200.000 bao cát. Và 100.000 đôi tay hợp lực thì sẽ làm được nhiều việc. Các cơ quan chuyên môn cũng phải cử chuyên gia thuỷ văn, thuỷ lợi, kết cấu, cơ học nền móng đến tham mưu việc xây bờ bao cho các khu công nghiệp để đảm bảo có hiệu quả, chứ xây theo kiểu nghiệp dư thì không ăn thua. Mực nước lũ thấp, vận tốc dòng chảy nhỏ, thì chất bao cát lên vài tấc là xong, nhưng không thể tiếp tục chất bao cát như thế cho đến cao hơn 2m vì áp lực nước rất mạnh, bể bục bờ bao đắp tạm. Cũng cần phải có các biện pháp để tăng cường ổn định các đê đập và tường chắn bằng bao tải cát trong các tình huống khẩn cấp. Một số chuyên gia Việt Nam có kinh nghiệm chống lũ ở miền Trung cho rằng biện pháp tạo đê chắn bằng bao cát, gia cường vải bạt (loại mỏng rẻ tiền, hoặc nilông cuộn), dễ áp dụng. Trong trường hợp đã chặn bao cát thì vẫn có thể gia cường bạt bằng cách luồn bạt trong nước và chặn lại. Biện pháp này tuy đơn giản nhưng hiệu quả, có thể chịu được mức nước cao từ 1,5 – 2m.

Nhìn lại nguy cơ và khả năng phòng thủ của ta

Ở TP.HCM, khu vực thấp trũng, rộng khoảng 255.000ha (ngoài ra, tiếp giáp đó 80.000ha của tỉnh Long An, nằm ở vùng cửa của nhiều con sông lớn thuộc hệ thống sông Đồng Nai, nên chịu ảnh hưởng mạnh mẽ của những biến động dòng chảy trên sông, dòng triều trên biển). Địa hình thấp trũng, hướng ra biển với trên 60% đất đai của thành phố có cao trình thấp dưới 2m. Trong khu vực cũng có những hồ chứa lớn ở thượng nguồn nhưng dung tích phòng lũ không lớn.

  • Ảnh bên: Ngập nước trên đường Minh Phụng, quận 11, TPHCM. (Ảnh: SGGP) 

Vấn đề ngập ở đây chủ yếu là do mưa và thuỷ triều. Theo đánh giá hiện nay, dự án của JICA đã phát huy hiệu quả tiêu thoát nước vùng lõi nội đô nhưng cuối năm nay nếu dự kiến mực nước triều đạt đỉnh 1,58m thì sẽ lại là thách thức lớn (hệ thống tiêu thoát thiết kế theo các thông số cũ đã lạc hậu). Hơn nữa, cần nghĩ đến kịch bản khi nước biển dâng việc thoát lũ càng khó khăn và gặp lúc thượng lưu mưa lớn vượt tần suất thiết kế, các hồ bắt buộc phải xả nước để đảm bảo an toàn cho đập thì thành phố sẽ ra sao?

Vấn đề biến đổi khí hậu và nước biển dâng đã gây ra xâm nhập mặn, thiếu nước ngọt, gây úng ngập, khó khăn cho việc thoát lũ của vùng Đồng Tháp Mười và TP.HCM với xu hướng ngày càng gia tăng. Mưa cực đoan trên lưu vực sông Đồng Nai – Sài Gòn và tại khu vực TP.HCM, kết hợp triều cường – nước biển dâng sẽ càng gây sức ép đến hệ thống tiêu thoát nước, làm gia tăng tình trạng ngập lụt cho thành phố trong thời gian tới. Việc nghiên cứu các đề tài nghiên cứu là cơ sở khoa học cho dự án đê biển Vũng Tàu – Gò Công liên quan đến việc thoát lũ cho cả vùng Đồng Tháp Mười và khu vực TP.HCM, cần được đẩy mạnh, làm rõ để tránh đầu tư trùng lặp, lãng phí với các dự án thoát lũ của địa phương.

Hà Nội có những đặc điểm riêng khác Bangkok và TP.HCM. Trên hệ thống sông Hồng có hàng loạt hồ chứa có nhiệm vụ phòng lũ, chống lũ có thể chứa nhiều tỉ khối nước, lại có hệ thống đê bảo vệ và những khu phân chậm lũ, nếu lũ lớn uy hiếp Hà Nội, có thể phân lũ vào các khu đó. Bởi vậy, vấn đề phòng lũ của Hà Nội là vận hành tốt hệ thống phòng chống lũ và giữ gìn bảo vệ đê. Còn lại, là chuyện “nội tại” của thành phố này: phải giải bài toán thoát nước mưa tại chỗ (tương tự trận mưa lớn năm 2008) với hệ thống trạm bơm và các đường tiêu thoát nước theo các thông số kỹ thuật mới cập nhật. Các điểm ngập trong nội thành chưa được cải thiện, vì hệ thống cống từ các ngõ ngách tiểu khu đến các mương, sông chưa được đầu tư cải tạo và xây dựng, nên nước mưa không thể tập trung nhanh về kênh dẫn đã cải tạo. Hà Nội cần tập trung vào việc xây dựng các mạng cống cấp 3, cấp 2 và các đầu nối từ nhà ra mạng cấp 3, để công trình được đồng bộ, hoạt động có hiệu quả. Khu phố cổ Hà Nội bao lần mưa lớn không bị ngập là nhờ hệ thống thoát nước hợp lý. Nhiều nơi khác của thành phố bị ngập do các hồ điều hoà bị lấp, cống rãnh bị tắc nghẽn, hệ thống bơm chưa phát huy tác dụng, lỗi này do dân chịu một phần còn người lãnh đạo, quy hoạch, quản lý chịu một phần.

Các thành phố ở miền Trung nằm bên các dòng sông có nghiêm trọng hơn nhưng đều là những sông nhỏ nên lũ lên nhanh và rút cũng nhanh không như sông lớn Mekong. Cần phải rà soát lại quy hoạch phòng lũ các sông, những hồ chứa nhà máy thuỷ điện cần dành dung tích phòng lũ, những nơi có điều kiện có thể lên đê như thành phố Tuy Hoà.

Công việc quy hoạch thoát nước ở các đô thị hiện nay mới chỉ được lồng ghép trong các đồ án quy hoạch chung phát triển đô thị, cần được quản lý tổng hợp theo lưu vực sông. Quy hoạch đô thị nên có tầm nhìn dài hạn, tính đến tất cả mọi rủi ro, xem bài học các nước, nhất là thoát nước và sơ tán dân. Tuyệt đối không để mật độ xây dựng quá cao. Các công trình phải được thiết kế và xây dựng đồng bộ, thông số kỹ thuật hợp lý, không cấp phép xây dựng tại những nơi nguy cơ ngập cao. Giữ nghiêm số lượng và quy mô các hồ, duy tu, nạo vét kênh, cống thường xuyên. Kiểm tra và xử phạt nặng việc đổ rác thải, xây dựng, làm tắc nghẽn hệ thống cống rãnh thoát nước. Tổ chức đấu thầu giao cho các cơ quan có tiềm lực, năng lực, kinh nghiệm thực thi các dự án thoát nước của đô thị.

Tô Văn Trường

 

Thêm bình luận


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo