Ashui.com

Tuesday
Dec 10th
Home Tương tác Phản biện Sửa luật đất đai để xóa quy hoạch “treo”

Sửa luật đất đai để xóa quy hoạch “treo”

Viết email In

Tình trạng quy hoạch “treo” vẫn đang làm khổ dân và đau đầu lãnh đạo nhiều cấp. Xóa bỏ quy hoạch “treo” vừa là nguyện vọng của dân, vừa là mong muốn của nhiều cấp chính quyền.

Chủ tịch UBND TP.HCM từng ra một chỉ thị xóa quy hoạch “treo”, song kết quả rất hạn chế, bởi Hiến pháp và Luật Đất đai đều xác định “Nhà nước thống nhất quản lý đất đai theo quy hoạch và pháp luật”. Cho nên muốn xóa quy hoạch “treo”, phải bắt đầu từ sửa Luật Đất đai.

Theo chữ nghĩa hiện hành, quy hoạch “treo” được hiểu là quy hoạch sử dụng đất đã được cơ quan có thẩm quyền xét duyệt, đã công bố, nhưng không thực hiện qua hết năm này đến tháng khác. “Treo” vài năm là chuyện thường, có trường hợp “treo” tới hàng chục năm. Nhưng bất an nảy sinh là ở chỗ nhiều quyền công dân trong khu vực quy hoạch cũng bị “treo” theo. Vì thế dân mới khổ. Lãnh đạo địa phương có thấy, nhưng muốn xoá cũng khó.


Quận 7, TP.HCM (Ảnh: Quý Hòa)

Khái quát thực tế, hai kịch bản đã diễn ra:

Kịch bản 1: quy hoạch được lập, được duyệt và được triển khai. Điều kiện cho kịch bản này là phải có một hoặc nhiều nhà đầu tư sẵn sàng bỏ vốn thực hiện quy hoạch.

Như vậy quy hoạch đi liền với dự án đầu tư. Sẽ có một số đất bị thu hồi và người đang sử dụng đất được đền bù. Nếu chính sách đền bù thỏa đáng, người dân chắc chắn chấp nhận, dự án triển khai suôn sẻ. Kinh tế phát triển hài hòa với an sinh xã hội.

Trong trường hợp dân không chấp nhận, không nên coi là họ phản đối quy hoạch, mà cần xem lại chính sách đền bù, hiện còn được hiểu nặng về đền bù thiệt hại. Nhưng nội dung thiệt hại của người bị thu hồi đất đến nay dường như vẫn chưa được minh định về mặt pháp lý. Phải mất nhiều năm, trong văn bản pháp quy mới có khái niệm đền bù “sát” giá thị trường.

Thực tế cho thấy đấy vẫn là một khái niệm khá trừu tượng, nói qua tưởng dễ nhưng trong thực hiện vẫn có nhiều điều chưa đủ rõ. Về mặt định tính, phải khẳng định rằng cuộc sống của người có đất bị thu hồi thật sự bị đảo lộn, thiệt hại của họ lớn về nhiều mặt. Nhưng nhiều khi chỉ được hiểu đơn giản là thiệt hại về chỗ ở, vế “lạc nghiệp” bị coi nhẹ.

Thêm nữa, các nhà làm chính sách dường như còn chưa thấy : ngoài đền bù thuần túy nhằm ổn định lại cuộc sống, còn có phần hiệu quả của phát triển phải dành cho người có đất bị thu hồi. Nhìn chung, với kịch bản như trên, sẽ không có tình trạng quy hoạch “treo”.

Kịch bản 2: Quy hoạch sử dụng đất được thông qua, được công bố, nhưng chỉ thể hiện mong muốn chủ quan của các nhà cầm quyền, không gắn trực tiếp với một dự án đầu tư nào, bởi người bỏ vốn đầu tư còn đang được đi tìm và mời gọi (!).

Quy hoạch được vẽ ra và treo lên. Nếu chỉ có như vậy thì tình hình vẫn yên tĩnh, không có gì sáo trộn. Nhưng chính quyền lại nhìn xa, sợ rằng khi triển khai sẽ gặp khó khăn về đền bù, giải tỏa, nên quyết định “treo” luôn nhiều quyền công dân của những người sống trong khu vực quy hoạch.

Vậy là quy hoạch “treo” kéo theo nhiều quyền công dân cũng “treo” luôn. Quy hoạch treo làm khổ dân bắt nguồn từ những vi phạm quyền công dân này. Nếu quyền công dân không bị “treo” thì chắc chắn cuộc sống của dân vẫn diễn ra bình thường, tình trạng dân bị hành vì quy hoạch “treo” không xảy ra.

Đến đây một câu hỏi cần đặt ra: Nếu chính quyền có thể và cần lập ra những quy hoạch nhằm phát triển kinh tế, nâng cao đời sống nhân dân, nhưng dựa trên cơ sở pháp lý nào mà chính quyền, thậm chí ở cấp thấp như quận huyện, lại có quyền hạn chế quyền công dân đã được xác định trong Hiến pháp?

Thí dụ không cho phép bán nhà đất, sửa chữa nhà, xây dựng và sửa chữa cơ sở hạ tầng như điện, nước, đường xá, cống rãnh, thậm chí không được nhập hộ khẩu...

Cung cách quản lý hiện hành của chúng ta diễn ra theo kịch bản 2. Do hệ thống cơ quan Tài nguyên – Môi trường được phân công lập quy hoạch sử dụng đất đai, nên quy hoạch này không gắn được với quy hoạch phát triển nông nghiệp, công nghiệp, giao thông, đô thị...

Và quan trọng hơn là dù các quy hoạch vừa kể có được lập, được duyệt, cũng chưa có nghĩa là các nhà đầu tư nhất định bỏ vốn thực hiện. Đây là đặc điểm khác hẳn thời kinh tế tập trung bao cấp, thời mà quy hoạch được coi như kế hoạch dài hạn.

Một khi quy hoạch được lập và duyệt, nó sẽ được Nhà nước ghi vào các kế hoạch 5 năm và hàng năm để từng bước thực hiện. Kinh tế thị trường không phải như thế.

Đất đai thời nào cũng là một yếu tố vật chất không thể thiếu trong sản xuất và đời sống. Song nó luôn là một yếu tố thụ động. Chủ động là lao động và vốn.

Cho nên quy hoạch sử dụng đất chỉ có thể coi là những dự kiến, những gợi ý của Nhà nước. Khi các nhà đầu tư chưa chịu bỏ vốn, quy hoạch tất bị “treo” để mọi người xem. Nhưng với cách làm hiện hành, quyền công dân cũng bị “treo” theo, mà không ai biết sẽ “treo” đến bao giờ.

Bi kịch bắt nguồn từ đó và chỉ chấm dứt khi có nhà đầu tư bỏ vốn thực hiện quy hoạch hoặc khi cơ quan “có thẩm quyền” thấy được rằng quy hoạch không có điều kiện thực hiện và quyết định xoá quy hoạch. Sẽ tính sao với quyền công dân bị hạn chế bao lâu nay?

Để xóa quy hoạch “treo”, luận điểm “Nhà nước thống nhất quản lý (đất đai) theo quy hoạch và pháp luật” trong Luật đất đai (và cả trong Hiến pháp) cần sửa thành “Nhà nước quản lý theo pháp luật”. Có nghĩa là chỉ quản lý nhà nước.

Ngành Tài nguyên – Môi trường không còn phải lập quy hoạch sử dụng đất đai, mà tập trung sức vào việc xây dựng, kiểm tra và xử lý vi phạm phát luật đất đai, bảo đảm đất đai được sử dụng đúng mục đích và có hiệu quả, giữ được tương quan hợp lý giữa đất nông nghiệp với đất phi nông nghiệp, bảo đảm an ninh lương thực và nhu cầu đất cho công nghiệp hóa, bảo vệ được môi trường.

Trong trường hợp còn quản lý “theo quy hoạch”, cần coi quy hoạch chỉ là định hướng, không mang tính cưỡng chế. Ở đây quản lý theo quy hoạch cần được hiểu với nghĩa là Nhà nước có những chính sách khuyến khích, ưu đãi đối với những đầu tư phù hợp quy hoạch.
 
Lê Văn Tứ

 

Lời bình  

 
0 # trhoa 11/06/2014 15:50
cu treo di.dan kho qua thi nha nuoc cung chang duoc gi,khong chung di nuoc khac song thoi.vn muon nam treo het len chi con ngheo kho va te nan song chung.dan giau va nuoc manh vo song.
Trả lời | Trả lời kèm trích dẫn | Trích dẫn
 
 
0 # VBeThi 07/12/2015 19:32
Những gì vướng mắc trong Luật đất đai làm không thể hủy bỏ những huy hoạch lâu dài thì các ngài đại diện nhà nước nên xem xét mà sửa luật đất đai để có thể hủy bỏ những nơi đã bị huy hoạch nhiều năm làm dân khổ, dân có giàu thì nước mới mạnh, dân nghèo khó sẽ xãy ra nhiều tệ nạn . Tôi nghĩ việc nầy các vị có thẵm quyền nên thực hiện trước tiên .
Trả lời | Trả lời kèm trích dẫn | Trích dẫn
 

Thêm bình luận


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo