Các tỉnh miền Trung tỉnh nào cũng có biển, nên tỉnh nào cũng cố làm cảng biển để tạo đà phát triển và hơn hết là “làm mặt” cho tỉnh nhà. Tuy nhiên, hệ thống cảng biển tại đây đầu tư tràn lan, quy mô nhỏ, trong khi nhu cầu thực tế ít... Vì thế, trong 6 tháng đầu năm 2011, lượng hàng qua các cảng biển từ Nghệ An đến Huế chỉ đạt 3 triệu tấn, trong khi cảng Hải Phòng đạt đến 8,8 triệu tấn.
Phong trào cảng biển
Với chiều dài bờ biển hơn 1.200km, các tỉnh miền Trung thi nhau làm cảng, có thời, làm cảng biển là “mốt”. Hiện toàn miền Trung có khoảng 20 cảng biển, nhưng thực tế lượng hàng thông qua các cảng rất hạn chế, hoạt động dưới dạng gom hàng rồi đem đến các cảng lớn như Hải Phòng, TPHCM để xuất đi các nước. Do đó, hiệu quả kinh tế không cao, hoạt động không hết công suất.
- Ảnh bên: Cảng biển Nha Trang (Khánh Hòa) vừa vận chuyển hàng hóa, vừa khai thác du lịch dẫn đến hoạt động chồng chéo.
Trong hai quý đầu năm 2011, lượng hàng hóa của các cảng Cửa Lò (Nghệ An), Vũng Áng (Hà Tĩnh), Hòn La (Quảng Bình), Cửa Việt (Quảng Trị), Chân Mây (Thừa Thiên - Huế) cộng lại chỉ hơn 1/3 cảng Hải Phòng.
Theo thống kê, lượng hàng hóa thông qua cảng biển của Việt Nam trong vòng 10 năm qua tăng từ 10% - 12%. Tuy nhiên, thị phần hàng hóa phân bổ giữa các cảng quá chênh lệch. Khu vực các cảng phía Bắc chiếm 25% - 30% khối lượng; các cảng miền Trung chiếm 13%, còn các cảng phía Nam chiếm đến 57%, riêng container đến 90%, hiện đang quá tải.
Theo các nhà nghiên cứu, các tỉnh, thành ven biển đầu tư xây cảng biển, nhưng thiếu trọng tâm, không đánh giá đúng lượng hàng thông qua cảng trước khi xây dựng, khiến nhiều cảng chỉ hoạt động 20% - 30% công suất. Với các cảng biển loại nhỏ, công nghệ lạc hậu sẽ không đủ sức cạnh tranh nguồn hàng, tất yếu sẽ thua lỗ hoặc phá sản.
"Phát triển cảng biển tại miền Trung còn nhiều bất hợp lý, ngay cả trong tư duy của người thực hiện quy hoạch vẫn còn nặng tính bao cấp, nên địa phương nào cũng cho xây dựng cảng nước sâu, mạnh ai nấy làm, thậm chí còn xây cảng ở những nơi mà luồng lạch ra vào không thích hợp, để rồi phải bỏ ra hàng ngàn tỷ đồng nạo vét hoặc làm luồng lạch mới, gây lãng phí lớn..." Ông Doãn Mạnh Dũng, nguyên Trưởng ban cơ sở hạ tầng cảng biển, Cục Hàng hải. |
Nhiều chuyên gia cho rằng, miền Trung nên đầu tư có trọng tâm những cảng thiết yếu, đừng chạy theo phong trào. Nên tập trung những cảng có thể xây dựng thành cảng nước sâu, đón tàu lớn và có nguồn hàng như cảng Quy Nhơn, Tiên Sa... Bên cạnh đó, các cảng biển miền Trung cần phải cùng nhau liên kết phát triển, không nên mạnh ai nấy làm.
Ông Nguyễn Hữu Thọ, Giám đốc Công ty TNHH MTV cảng Chân Mây (Huế), cho biết, cảng Chân Mây đi vào hoạt động, góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế, xã hội tỉnh Thừa Thiên - Huế và các địa phương lân cận. Tuy nhiên, sau hơn 7 năm đi vào hoạt động, cảng Chân Mây thường xuyên đối mặt với nguy cơ “chết yểu” trước nạn khai thác tôm hùm bông trái phép diễn ra ồ ạt trên luồng tàu ra vào cảng. Hậu quả, tàu thuyền ra vào cảng bốc xếp hàng hóa thường xuyên mắc kẹt vì lưới cuốn chặt chân vịt.
Lãng phí do thiếu tầm nhìn
Định hướng phát triển kinh tế Việt Nam là hướng ra biển, tuy nhiên, công tác quy hoạch cảng biển trong thời gian qua đặt ra nhiều thách thức. Bài học từ quy hoạch cảng Vân Phong cho thấy điều đó. Đến thời điểm này cả nước duy nhất có cảng Vân Phong được quy hoạch làm cảng trung chuyển quốc tế, nhưng sau 2 năm khởi công, đến nay, lại phải ngưng do thay đổi thiết kế: từ xây dựng cầu cảng đón tàu 6.000 - 9.000 TEU (container hiện nay tương đương 2 TEU) nay lên 12.000 TEU. Lý do được chủ đầu tư đưa ra là thay đổi cho phù hợp với thực tế ban đầu, vì thiết kế trước đó đã “lỗi thời” ngay cả đối với hệ thống cảng trong nước. Như vậy, một công trình trọng điểm quốc gia nhưng chỉ sau 2 năm khởi công đã bị lỗi thời. Phải chăng công tác quy hoạch chưa có tầm nhìn, chưa dự đoán được xu thế phát triển.
Tương tự, vào tháng 7-2007, cảng Cửa Việt (Quảng Trị) được bàn giao cho Tập đoàn Vinashin. Lập tức, Vinashin dự kiến sẽ đầu tư hơn 3.000 tỷ đồng để nâng cấp cảng Cửa Việt thành cảng biển lớn. Trong đó, 600 tỷ đồng đầu tư đến năm 2010 cho cầu cảng Cửa Việt để đón tàu 10 ngàn tấn; 1.600 tỷ đồng để xây dựng nhà máy đóng tàu 70.000 DWT (công suất 10 tàu/năm). Nhưng trận bão tháng 10-2007 đã làm cho cao độ đáy luồng cảng Cửa Việt bị bồi lấp từ độ sâu -4,2m xuống còn -2,5m, nên chỉ có tàu trọng tải dưới 500 tấn ra vào cảng, và đâu lại vào đó. Đây là bài học trong việc quy hoạch và phát triển cảng biển thiếu tầm nhìn, nếu không nói là vội vàng.
Hiện nay, các cảng biển Việt Nam nói chung, miền Trung nói riêng không thể tiếp nhận tàu container 4.000 TEU trở lên, mà chỉ tiếp nhận loại 2.000 TEU. Do đó, muốn xuất hàng hóa đi các nước, lâu nay, chúng ta thường tập trung hàng qua các cảng Singapore, sau đó mới dùng tàu cỡ lớn phân bố, vì vậy phải chịu thêm khoản phí 400 USD/TEU. Nếu tính, mỗi năm chúng ta xuất 4 triệu TEU thông qua cảng Singapore, số tiền phí lên đến hàng tỷ USD, một con số không nhỏ và sẽ tiếp tục lãng phí nếu chúng ta không khắc phục và đổi mới cách làm.
Chúng ta cần quy hoạch xây dựng cảng lớn một cách bài bản, có trọng tâm, thay vì làm tràn lan và thiếu tầm nhìn quy hoạch như hiện nay.
Văn Ngọc - Duy Phước
- Giao thông và những toan tính tiểu nông
- Đô thị vệ tinh, nhìn lại từ khái niệm đến luận chứng
- Đô thị vệ tinh hình thành không thể bằng quyết định hành chính
- Bài học đắt giá về chống ngập lụt đô thị
- Không gian công cộng - Những vấn đề chính và biện pháp kiểm soát
- Sửa luật đất đai để xóa quy hoạch “treo”
- Cái gốc của vấn nạn giao thông: Quy hoạch và Dân số
- Cải tạo đô thị cũ, vì sao khó?
- Để phát triển nông nghiệp đô thị và ven đô thị
- Ngành nào liên quan giảm ùn tắc giao thông?