Ashui.com

Tuesday
Nov 05th
Home Tương tác Phản biện Cái gốc của vấn nạn giao thông: Quy hoạch và Dân số

Cái gốc của vấn nạn giao thông: Quy hoạch và Dân số

Viết email In

Vấn nạn giao thông đang nhận được rất nhiều ý kiến trao đổi về cái gốc của hiện tượng này. Liên quan đến giao thông đô thị ách tắc, là quy hoạch đô thị và áp lực dân số. Tuần Việt Nam xin đăng tải bài viết dưới đây của tác giả Trần Minh Quân đã "động chạm" đến một trong những nguyên nhân rất cốt lõi. Và dường như nó cần bài toán chiến lược hơn, đó là quy hoạch tổng thể giữa Hà Nội, TPHCM và các đô thị vệ tinh, một chủ trương đúng, nhưng khó biến thành hiện thực.

Không "giải" được thì...cấm?

Giảm ùn tắc giao thông từ lâu đã là một bài toán nan giải tại các đô thị lớn như Hà Nội và TP.HCM. Đã có rất nhiều nghiên cứu, hội thảo, giải pháp, góp ý ... được đưa ra nhưng kết quả vẫn là một con số 0 tròn trĩnh, thậm chí khi một số giải pháp được áp dụng thì thực trạng ùn tắc lại càng nghiêm trọng hơn.

Trong mấy ngày qua, vấn đề ùn tắc giao thông lại một lần nữa nhận được sự quan tâm của dư luận khi Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng đề xuất một số giải pháp, nhất là một giải pháp được xem là truyền thống và đã từng gây nhiều tranh cãi: Cấm!

Xin nói ngay rằng "cấm" không phải là một giải pháp đúng nghĩa mà là dấu hiệu của sự bất lực.

Khi không quản lý nổi, không giải quyết được thì "cấm" được xem là đơn giản, hiệu quả và có vẻ tối ưu nhất. Nhưng, có một sự thật là người dân TP.HCM hay Hà Nội không ai dại gì mà xách xe máy chạy lòng vòng khi không có việc gì quan trọng trong giờ cao điểm để được "thưởng thức" món khói bụi và tắc đường.

Khi có nhu cầu đi lại thực sự thì dù có cấm phương tiện này người ta cũng tìm cho bằng được phương tiện khác để di chuyển. Sẽ thật là khủng khiếp nếu tất cả những ai bị "cấm" đi bằng xe máy lại chọn phương tiện di chuyển là ô tô hay taxi.

Khi đó, giải pháp cấm xe máy sẽ có tác dụng ngược lại và chẳng khác nào "đổ thêm dầu vào lửa", góp phần làm cho tắc đường càng thêm phần trầm trọng hơn.

Trước khi đề ra các giải pháp chống ùn tắc giao thông, Bộ trưởng Đinh La Thăng đã xác định nguyên nhân chính gây nên tình trạng này là các phương tiện cá nhân. Phát hiện này không sai nhưng nó chỉ đơn giản là hệ quả của một vài nguyên nhân chính khác. Tức là chỉ thấy được phần ngọn chứ chưa phải phần gốc. Cái gốc của vấn nạn ùn tắc giao thông phải là quy hoạch và dân số.

Quy hoạch: Cảnh báo không lấn át được lợi ích?

Cả hai đô thị lớn Hà Nội và TP.HCM được xây dựng chủ yếu từ thời Pháp thuộc và ban đầu chỉ đáp ứng cho khoảng vài trăm nghìn người sinh sống tập trung ở khu vực trung tâm thành phố. Phần lớn các cơ sở hạ tầng ở đây đều đã xuống cấp và quá tải.


(ảnh: Lê Hồng Thái /SGTT)

Có một điều dễ nhận thấy là mặc dù có đầy đủ các cơ quan làm nhiệm vụ quy hoạch, nhưng dường như các cơ quan, đơn vị này chưa làm đúng chức năng, nhiệm vụ của mình.

Lâu nay, khi nhắc đến quy hoạch thì mọi người chỉ nhìn thấy toàn là quy hoạch khu dân cư, đất đa ... mà nổi bật là vô số các quy hoạch đang treo lơ lửng hay thay đổi xoành xoạch, chứ người dân chưa cảm nhận được mức độ hiệu quả của quy hoạch giao thông đô thị.

Mặc dù đã có rất nhiều cảnh báo về mức độ quá tải của cơ sở hạ tầng tại khu vực trung tâm thành phố nhưng tất cả dường như đều bị bỏ ngoài tai. Có lẽ những cảnh báo này chưa đủ mạnh để có thể lấn át lợi ích của các nhà đầu tư hay các nhóm lợi ích khác. Kết quả là các công trình, các tòa nhà cao tầng, ... với hàng ngàn lượt người lui tới hàng ngày vẫn lù lù mọc lên.

Dĩ nhiên, lợi ích thu được từ các công trình này thì vô tư chạy vào túi của một vài nhà đầu tư còn trách nhiệm đối với xã hội, với cơ sở hạ tầng xung quanh khu vực đó đang bị họ tận thu theo kiểu "cưỡng hiếp" thì không thấy ai nhắc đến.

Trong quá trình phát triển của một thành phố thì việc xây dựng các tòa nhà cao tầng là xu hướng tất yếu. Tuy nhiên, sẽ không cần thiết nếu chỉ để chạy theo thành tích: Cao bao nhiêu, cao bằng ai hay ở đâu có thì mình cũng phải có.

Tại các nước phát triển, mỗi một tòa nhà cao tầng trước khi cho xây dựng đều đã được tính toán kỹ lưỡng lưu lượng người qua lại cũng như các giải pháp cho vấn đề giao thông. Các công trình cao tầng chỉ được xây dựng khi cơ sở hạ tầng và các phương tiện giao thông được đảm bảo đủ khả năng đáp ứng.

Mục tiêu của quy hoạch đô thị, thay vì phải kéo giãn mật độ dân số ra ngoại thành và phân bổ hợp lý cho các quận huyện khác để giảm tải cho khu vực trung tâm vốn quá chật hẹp, thì chúng ta đang làm ngược lại. Rõ ràng, công tác quy hoạch đang khiến cho thực trạng ùn tắc giao thông ngày càng đi vào thế bế tắc và khó có khả năng giải quyết trong một thời gian ngắn.

Áp lực dân số và chuyện người nông dân ly hương

Không khó để nhận ra mức độ gia tăng dân số tại các thành phố lớn diễn ra quá nhanh. Chỉ chừng hơn 10 năm về trước, ùn tắc giao thông vẫn được xem là hiện tượng cá biệt. Nhiều người mới đến TP.HCM lần đầu đều không hiểu nổi người ở đâu mà nhiều đến vậy. Và hiện nay, nguy cơ tắc đường luôn luôn thường trực ở bất kỳ đâu và bất cứ lúc nào. 

Sự gia tăng dân số đột biến là kết quả của quá trình di cư ồ ạt từ các địa phương khác đến. Có thể nói, áp lực kiếm được việc làm, nhu cầu mưu sinh đã khiến hàng triệu người dân phải chấp nhận tha phương để sống một cuộc sống tạm bợ, chật chội ... tại nơi được gọi là nhà trọ, đôi khi còn tệ hơn thế.

Ngoài ra, các đô thị lớn như TP.HCM và Hà Nội cũng là nơi có một lượng khách vãng lai như đi công tác, học hành, khám chữa bệnh ... rất lớn.

Với cơ sở hạ tầng đã quá tải đến nỗi không thể đáp ứng được mật độ dân số cao như hiện nay thì việc giảm thiểu số lượng người nhập cư là điều cần được xem xét. Nhưng bằng cách nào?

Một điều dễ nhận thấy nhất là càng ngày người nông dân càng không thể sống được trên chính mảnh đất của mình. Sau thời kỳ đổi mới, nhiều mảnh đất dạng "bờ xôi ruộng mật" đang dần thay thế bằng các dự án khác như nhà máy, sân golf ... Vì áp lực có việc làm, có cuộc sống ấm no, người dân đã chọn cách tha phương.

Do đó việc tạo việc làm, tạo niềm tin cho người dân cảm thấy an tâm và "sống được" với quê hương của mình là vô cùng cần thiết nhằm cân bằng quá trình phân bổ dân số.

Ngoài ra cần đầu tư, nâng cấp các cơ sở hạ tầng, cải thiện chất lượng dịch vụ giáo dục, y tế tại các khu vực nông thôn để người dân ở các khu vực này được hưởng các dịch vụ tốt nhất có thể.

Chuyện ùn tắc giao thông đã được nhắc đến rất lâu và tốn không ít giấy mực của báo chí, trí lực của xã hội ... nhưng xem ra tư duy về vấn đề này vẫn không hề thay đổi.

Cách đây vài tháng, tại TP.HCM cũng đã từng đề xuất phương án cấm xe vào trung tâm thành phố theo biển số chẵn, lẻ. Phương án này đã nhận được sự phản ứng dữ dội từ dư luận và người dân và cuối cùng biện pháp "cấm" này đã không được thực hiện. Nhắc lại việc này để thấy rằng phương án "cấm" là không khả thi và nó đi ngược lại xu hướng phát triển.

Muốn người dân từ bỏ thói quen sử dụng phương tiện cá nhân và chấp nhận sử dụng phương tiện công cộng thì không có cách nào khác là nhanh chóng thay đổi hoàn toàn chất lượng và hình ảnh của phương tiện này.

Còn về lâu dài thì phải rà soát lại các quy hoạch phát triển giao thông đô thị, đầu tư cơ sở hạ tầng và dần đưa các phương tiện vận chuyển hiện đại vào thay thế. Ngoài ra, những người làm công tác quản lý, cung cấp dịch vụ giao thông cũng cần thay đổi tư duy ban phát mà cần biết rằng, mối quan hệ này là mối quan hệ cộng hưởng và phục vụ, đôi bên cùng có lợi.

Khi cảm nhận được đầy đủ sự thuận tiện, tiện nghi, chất lượng ...  thì khỏi cần "cấm" người dân cũng tự tìm đến và vui vẻ sử dụng.

Trần Minh Quân 

[ Chuyên đề : Giao thông đô thị

 

Thêm bình luận


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo