Ashui.com

Tuesday
Nov 05th
Home Tương tác Phản biện Cải tạo, nâng cấp đô thị cần gắn với phát triển bền vững

Cải tạo, nâng cấp đô thị cần gắn với phát triển bền vững

Viết email In

Trong nhiều năm qua, cùng với phát triển kinh tế, phát triển đô thị cũng đã đạt được nhiều thành quả quan trọng. Mức tăng trưởng dân số đô thị từ gần 12 triệu người vào năm 1986 với tỷ lệ đô thị hoá 19.3% đến nay là 26,3 triệu người, chiếm 30,5% dân số cả nước [Nguồn: World Bank]. Hiện nay cả nước  có 755 đô thị gồm 2 đô thị đặc biệt là Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh, 10 đô thị loại I, 12 đô thị loại II, 47 đô thị loại III, 50 đô thị loại IV và 634 đô thị loại V [Nguồn: Cục Phát triển Đô thị – Bộ Xây dựng].


 
Tuy nhiên do quá trình đô thị hoá nhanh nên tại hầu hết các thành phố, thị xã hệ thống cơ sở hạ tầng cũng như dịch vụ đô thị không theo kịp tốc độ tăng trưởng dân số. Vì vậy các khu dân cư thu nhập thấp hoặc nghèo đã phát triển nhanh một cách tự phát, khó kiểm soát tạo nên những khó khăn trong việc thực hiện mục tiêu nâng cao cuộc sống cho nhân dân và khó khăn trong quản lý của chính quyền các đô thị. Việc tiếp cận các tiện ích xã hội và cơ sở hạ tầng thiết yếu của người nghèo đôi khi khá khó khăn. Đối tượng người nghèo cần được đặc biệt quan tâm để việc chỉnh trang đô thị thực sự hiệu quả cho toàn xã hội. Đây là yếu tố quan trọng trong phát triển bền vững.

Công ty CP Phát triển hạ tầng Thăng Long (Infra-Thanglong) là đơn vị tư vấn tham gia vào tất cả các lĩnh vực từ lập Báo cáo khả thi đến Thiết kế chi tiết, Đánh giá tác động môi trường, Lập báo cáo tái định cư và quản lý các hợp đồng thi công cho cả 2 dự án Nâng cấp đô thị Việt Nam do Ngân hàng Thế giới (World Bank) tài trợ, gọi là VUUP1 và VUUP 2. VUUP1 bao gồm 4 tỉnh, thành là thành phố Hồ Chí Minh, Cần Thơ, Nam Định và Hải Phòng; VUUP 2 đang được chuẩn bị để nâng cấp 6 đô thị thuộc miền Tây Nam bộ là Cần Thơ, Trà Vinh, Mỹ Tho, Cà Mau, Cao Lãnh và Rạch Giá.

Năm (5) kinh nghiệm về cách tiếp cận thực hiện dự án với sự tham gia của cộng đồng, phục vụ dân sinh, đặc biệt là nâng cao mức sống cho người nghèo trong quá trình thực hiện 2 dự án trên xin được chia sẻ dưới đây.

1. Cải thiện điều kiện sống cho người nghèo

Tại dự án VUUP 1, trước khi thực hiện dự án (2001), tỷ lệ hộ nghèo ở cả 4 thành phố là khá cao. Khi đó, hầu hết dân nghèo phải sống trong các khu đô thị với cơ sở hạ tầng xuống cấp. Họ không có điều kiện tiếp cận với các nguồn nước sạch, hệ thống thoát nước yếu kém, thường xuyên bị úng ngập, các nhà xí không hợp vệ sinh gây ô nhiễm môi trường sống. Mạng lưới cung cấp điện cũ nát. Hệ thống phòng cháy chữa cháy không đầy đủ. Rác thải không được quản lý tốt, vứt bừa bãi, vừa gây mất mỹ quan, vừa gây ô nhiễm môi trường cho chính các hộ dân đang sinh sống tại khu vực đó. Đấy là chưa kể đến các khiếm khuyết của hệ thống hạ tầng xã hội, thiếu trường học, xa bệnh viện…

Người dân với các điều kiện sống thiếu thốn sẽ có nguy cơ cao phát sinh các loại dịch bệnh, nhất là với nhóm người dễ bị tổn thương như trẻ em, phụ nữ và người già không nơi nương tựa. Người nghèo lại càng nghèo thêm vì ngoài việc kiếm kế sinh nhai, họ còn lo bươn chải để tiếp cận với các nhu cầu thiết yếu như cấp – thoát nước, vệ sinh và điện chiếu sáng. Thời gian mà các bậc cha mẹ có thể dành cho con cái còn lại quá ít và vì thế mà trẻ em không có điều kiện để tiếp cận giáo dục một cách đầy đủ. Nguy cơ tụt hậu với thời cuộc của nhóm trẻ em này là rất cao. Chi phí xã hội cho các loại dịch bệnh và nguy cơ tiềm ẩn các vấn đề xã hội do nhận thức giáo dục không đầy đủ của một bộ phận dân nghèo đô thị là rõ nét. Chúng ta không thể phát triển đô thị trên nền tảng một số đông người dân đô thị có mức sống nghèo khổ. Không thể tồn tại các khu ổ chuột bên cạnh những tòa nhà khang trang, đẹp đẽ. Chúng ta cũng không thể duy trì vận hành một hệ thống đô thị hiện đại mà ở đó dân trí đô thị còn thấp. Rõ ràng là nếu ta chỉ tập trung phát triển đô thị ra các khu mới hay mở rộng đường xá mà không quan tâm đến bộ phận dân nghèo đô thị thì khoảng cách giàu nghèo ngày càng bị nới rộng và vì thế mà không thể có phát triển bền vững được.



Cần phân biệt khái niệm Nâng cấp đô thị và Phát triển đô thị. Nâng cấp đô thị là cải thiện cơ sở hạ tầng tại chỗ và kết nối cơ sở hạ tầng ấy với hạ tầng chính của đô thị, nâng cao chất lượng sống cho người nghèo. Vì thế trong quá trình xây dựng các dự án nâng cấp đô thị cần tính toán kỹ số hộ nghèo được hưởng lợi, số khu nghèo được cải tạo để sao cho suất đầu tư tính trên hộ nghèo là nhỏ nhất có thể. Có như vậy thì cùng 1 lượng vốn đầu tư sẽ có nhiều hộ nghèo được hưởng lợi hơn. Trong khi đó, Phát triển và mở rộng đô thị chủ yếu là làm ra các khu mới, nơi ít có người dân sinh sống và vì thế không ảnh hưởng nhiều tới những hộ nghèo, những hộ dễ bị tổn thương trong xã hội.

2. Sự tham gia của cộng đồng

Để quá trình chỉnh trang, nâng cấp đô thị thực sự có hiệu quả thì cần lôi cuốn người dân tham gia đầy đủ vào dự án, ngay từ khâu chuẩn bị dự án cho đến khi thực hiện và vận hành dự án. Chỉ có người dân đang sống ở đó mới hiểu rõ nhất họ cần gì, họ muốn được cải thiện điều kiện sống gì là trước mắt và lâu dài. Do đó khi khảo sát chuẩn bị dự án, ngoài các yêu cầu về chuyên môn cũng cần tham vấn đầy đủ các ý kiến của người dân trong vùng dự án, những người sẽ được  hưởng lợi từ dự án. Từ đó, dự án được triển khai đáp ứng cả 3 yếu tố: (1) đúng định hướng, đúng quy hoạch phát triển của địa phương; (2) đảm bảo các yếu tố kỹ thuật chuyên môn và (3) đáp ứng tối đa có thể các nguyện vọng của người dân. Trên thực tế, trong quá trình triển khai thực hiện dự án tại các địa phương thuộc VUUP 1, có nhiều bản thiết kế đã được chỉnh sửa hợp với mong muốn người dân hơn, đơn giản là từ cốt nền mặt ngõ, hay chiều rộng con hẻm v.v.. cũng được thống nhất cao giữa chính quyền và người dân thông qua các buổi tham vấn cộng đồng mà tư vấn tổ chức lấy ý kiến kỹ lưỡng. Quá trình xây dựng dự án cũng được giám sát chặt bởi cộng đồng, những người đã tham gia vào quá trình lấy ý kiến thiết kế nay lại tiếp tục giám sát xem những cam kết trong thiết kế có được tuân thủ nghiêm túc trong quá trình thực hiện không. Nhờ vậy mà người dân khá hài lòng với dự án và nhiệt tình tham gia đóng góp cho dự án. Có nhiều người sẵn sàng hiến đất tự nguyện để dự án được triển khai nhanh hơn, vì họ hiểu rằng họ hy sinh chút lợi nhỏ để được lợi ích lớn hơn cho chính họ và cho cộng đồng xung quanh.

Nhân tiện, quan sát sang một số dự án được triển khai bằng các nguồn vốn khác, việc tham vấn người dân hầu như không được thực hiện nên hiệu quả không cao. Mặc dù Chính phủ đã ban hành Quy chế dân chủ cơ sở, rồi sau đó là Quyết định 80/2005/QĐ-TTg về việc ban hành Quy chế giám sát đầu tư của cộng đồng; trong đó có quy định cụ thể việc lấy ý kiến của người dân trong quá trình thực hiện dự án, nhưng trên thực tế thì ở nơi này nơi kia, công tác này chưa được coi trọng đúng mực. Dự án được triển khai chủ yếu vẫn theo cách tiếp cận từ trên xuống, nghĩa là có kế hoạch phân bổ, dựa vào kinh phí thì thiết kế “đúng định hướng” mà chưa thực sự quan tâm tới hiệu quả phục vụ thiết thực của dự án đối với người dân. Việc không tham vấn cộng đồng, không lấy ý kiến nhân dân trước khi triển khai thiết kế, xây dựng công trình khiến cho nhiều bất cập xảy ra. Sự chủ quan duy ý chí trong việc ra quyết định đầu tư nhiều khi không phát huy hiệu quả của đồng vốn, không đáp ứng đúng mong mỏi của người dân hoặc làm xáo trộn cuộc sống của người dân trong vùng dự án, gây nên hiện tượng có cái dân cần thì không làm mà lại làm cái dân không muốn, dẫn tới có nơi nhân dân không ủng hộ công trình, không muốn đóng góp công sức cùng thực hiện dự án, vì thế mà nhiều dự án bị kéo dài, gây lãng phí thời gian và tiền vốn.


Một hẻm nhỏ ở Cần thơ sau cải tạo. (Ảnh: T.A)

3. Chính sách an toàn về Môi trường

Nếu ta chỉ chú trọng vào việc phát triển hay nâng cấp đô thị ở một khu vực nào đó mà không có cái nhìn tổng thể thì có thể gây ảnh hưởng xấu cho môi trường ở khu vực khác. Thí dụ nếu ta thu gom nước thải ở khu vực này mà không chú trọng các biện pháp xử lý mà lại đổ ra đầu nguồn nước của khu vực khác thì lại gây ô nhiễm cho khu vực lân cận. Hay trong quá trình thiết lập dự án, nếu các biện pháp giảm thiểu về tác động môi trường không được tính đến thì các ô nhiễm về bụi bẩn, tiếng ồn khi thi công sẽ ảnh hưởng tới chính người dân trong vùng dự án, có thể gây lụt lội cục bộ hay làm phát sinh các ảnh hưởng xấu tới hệ thống hạ tầng hiện có. Vì vậy trong quá trình chuẩn bị và thiết kế dự án, các tư vẫn kỹ thuật không những đòi hỏi phải có kiến thức nhất định về môi trường mà còn phải kết hợp chặt chẽ với các chuyên gia tư vấn đánh giá tác động môi trường để tìm các biện pháp giảm thiểu ảnh hưởng môi trường. Các phương án kỹ thuật đôi khi cần phải thay đổi một cách khoa học theo các ý kiến phản biện của tư vấn môi trường để đảm bảo yếu tố phát triển bền vững.

4. Công tác đền bù, giải phóng mặt bằng

Có nhiều hộ dân đang sống bằng nghề kinh doanh buôn bán, khi cải tạo đô thị, người ta mất cửa hàng kinh doanh nên mất cả kế sinh nhai. Cũng có người dân đang sản xuất nông nghiệp, khi bị thu hồi đất, họ mất khả năng sản xuất. Hay có hộ dân phải di dời quá xa khỏi nơi họ kiếm sống thì nguồn thu nhập của họ bị ảnh hưởng. Đấy là chưa kể khi làm công tác đền bù, nếu giá thu hồi đất không sát giá thị trường hay chính sách đền bù không công bằng, thỏa đáng, dễ dẫn đến khiếu kiện kéo dài, làm ảnh hưởng đến quá trình thực hiện dự án. Ngoài ra các biện pháp phục hồi kinh tế cần được chú trọng đúng mực. Có nhiều hộ gia đình sau khi có dự án thì lại mất nguồn thu nhập, lúc đó đường xá có đẹp, nhà cửa khang trang với đầy đủ hệ thống điện nước nhưng họ không có thu nhập hoặc thu nhập không ổn định thì có thể họ sẽ phải bán nhà để sinh sống, vì thế nguy cơ tái nghèo hoặc vô gia cư là hoàn toàn có thể xảy ra. Vì vậy dự án nào cũng cần xây dựng chương trình phục hồi kinh tế cho những hộ dân bị ảnh hưởng nặng bởi dự án. Có thể cần tạo ra một số công ăn việc làm tại chỗ hoặc đào tạo nghề cho các lao động chính vào làm tại các cơ quan, xí nghiệp đóng trên địa bàn để người nghèo có cuộc sống thực sự tốt hơn so với trước khi có dự án. Công tác này cần phải được nghiên cứu kỹ ngay từ khi chuẩn bị dự án. Cũng giống như tư vấn môi trường, tư vấn tái định cư cần được huy động ngay từ khi chuẩn bị dự án để đưa ra các biện pháp điều chỉnh phương án kỹ thuật, giảm thiểu tác động xã hội và đảm bảo yếu tố bền vững cho cộng đồng.

5. Truyền thông, nâng cao nhận thức cộng đồng

Thực tế là dù dự án được triển khai ở đâu với cấp độ nào thì công tác truyền thông, nâng cao nhận thức cộng đồng cũng nên được chú trọng. Thông qua truyền thông, người dân có điều kiện hiểu sâu hơn về dự án, hiểu rõ hơn về quyền lợi và trách nhiệm của họ trong quá trình thiết kế, xây dựng và vận hành dự án. Việc truyền thông cần được tiến hành sớm ngay khi chuẩn bị dự án và cần tiến hành đồng bộ, có phương pháp khoa học để những người nghèo, những người yếm thế nhất trong xã hội cũng được tham dự vào quá trình xây dựng và đổi mới đô thị một cách dân chủ. Đây chính là nền tảng để vừa có thể duy trì các khu đô thị cũ với cơ sở hạ tầng tốt hơn, vừa có thể xây thêm, mở rộng các khu đô thị mới, tạo thành các khu đô thị hoàn chỉnh xứng tầm một quốc gia có nền kinh tế năng động trong thế kỷ 21 này.

Dù là Phát triển đô thị hay Nâng cấp đô thị thì cũng cần phải đạt được mục tiêu cốt lõi là phát triển bền vững. Kinh nghiệm mà Infra-Thanglong tích lũy được trong quá trình làm tư vấn cho Dự án nâng cấp đô thị trên đây và nhiều dự án phát triển khác là để đạt được mục tiêu cốt lõi thì phải làm thật tốt cả 5 khâu trong quá trình thực hiện dự án; đó là: Truyền thông – Tham vấn cộng đồng – Môi trường – Xã hội – Kỹ thuật. Cả 5 khâu này cần phải được tiến hành đồng thời ở tất cả các bước thực hiện dự án, từ khâu chuẩn bị đến thiết kế, thi công và vận hành dự án. Truyền thông để phổ biến dự án, huy động sự tham gia, tạo sự đồng điệu trong nhận thức của tất cả các bên liên quan, đặc biệt là người dân, những người trực tiếp hưởng lợi từ dự án. Tham vấn để giúp người dân (đặc biệt là nhóm dễ bị tổn thương) nêu được tiếng nói trung thực của mình, được bàn bạc dân chủ với cộng đồng về lợi ích của mình, qua đó thể hiện quyền sống chính đáng của họ. Những chính sách an toàn về Môi trường – Xã hội sẽ là những yếu tố cần được xem xét một cách tỷ mỷ và nghiêm túc khi lựa chọn các phương án thực hiện. Cuối cùng, một giải pháp kỹ thuật tốt nhất là giải pháp thỏa mãn được các vấn đề trên. Đó chính là mấu chốt, tạo nên nền tảng vững chắc để thực hiện dự án thành công./.

Nguyễn Quang Huân - Tổng giám đốc, Infra-Thanglong

 

 

 

Thêm bình luận


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo