Cấu trúc tương lai của TPHCM có thể chủ yếu bao gồm khu lõi trung tâm thành phố và các trung tâm khu vực. Khu lõi trung tâm thành phố sẽ là khu trung tâm hiện hữu và khu vực mở rộng của khu này. Khu Nam Sài Gòn và Thủ Thiêm hiện đang quy hoạch và xây dựng sẽ bao gồm trong khu vực này.
Phát triển trung tâm cấp khu vực
Thành phố đã xây dựng 15 khu công nghiệp và khu chế xuất. Một số khu công nghiệp đã trở thành cơ sở “tạo thị” cho việc hình thành 3 “trung tâm đô thị khu vực” (diện tích mỗi khu khoảng 100ha) bao gồm Cảng Hiệp Phước (huyện Nhà Bè), Tân Kiên - Tân Tạo (huyên Bình Chánh), Khoa học công nghệ cao (Q.9) và khu đô thị vệ tinh Tây Bắc Củ Chi.
Ba trung tâm cấp khu vực có vị trí tọa lạc cách trung tâm thành phố khoảng 10km, tại đây các chức năng thương mại dịch vụ cao cấp sẽ được phát triển. Thêm vào đó mỗi trung tâm cấp khu vực sẽ sẽ phục vụ cho khu vực có phạm vi bán kính 5-10km xung quanh. Các khu trung tâm đô thị khu vực nêu trên cần có sự tính toán cân bằng về nhà ở, việc làm và công trình công cộng để tránh giao thông con lắc.
Khu đô thị vệ tinh Tây Bắc đảm nhận đầy đủ các chức năng đô thị như khu ở, kinh doanh, thương mại, nghiên cứu giáo dục bậc cao và sản xuất công nghiệp. Tuy nhiên xây dựng đô thị vệ tinh theo kinh nghiệm quốc tế là cực kỳ tốn kém. Cũng cần có thêm các tiểu trung tâm ở khu vực phía Nam đô thị vệ tinh, vì không có trung tâm cấp khu vực nào tại phía Bắc thành phố.
Các trung tâm đô thị nằm bên ngoài ranh giới hành chính TPHCM nằm trong “vùng đô thị lớn” bán kính vươn tới 50km (theo kinh nghiệm tổng kết của Ủy ban Kinh tế - Xã hội châu Á Thái Bình Dương - ESCAP), bao gồm các khu đô thị như Biên Hòa, Thủ Dầu Một và Đức Hòa có thể sẽ có ảnh hưởng đến các khu vực kế cận thuộc TPHCM.
Khu trung tâm đô thị hiện hữu Q.1, Q.3 (trung tâm tài chính ngân hàng) đã được quy hoạch mở rộng sang Thủ Thiêm. Khu đô thị mới Thủ Thiêm (trung tâm thương mại dịch vụ) sẽ thu hút một phần quận Bình thạnh ven sông Sài Gòn, Q.5 và Q.4 để tạo thành một “cụm trung tâm lớn hơn”.
(Ảnh: Lê Hồng Thái /SGTT)
Giao thông định hình đô thị
TPHCM sẽ sớm trở thành thành phố đa trung tâm, đi lại dễ dàng, một tiêu chuẩn hàng đầu của thành phố kiểu mẫu. |
Sự di chuyển mới chính là trọng tâm của quá trình đô thị hóa. Nó ảnh hưởng đến hình dáng của thành phố vì chúng tạo ra phương thức mới trong việc sử dụng lãnh thổ đô thị. Sự di động là quy luật quan trọng của đô thị hóa chứ không phải hậu quả của quá trình này.
Tuy nhiên hiện nay các khu công nghiệp do không quy hoạch liên hợp giữa sản xuất và nhà ở (cho công nhân) và công trình công cộng nên nhà ở công nhân rải rác khắp nơi, dễ dẫn đến giao thông con lắc.
Ở TPHCM nhiều đường bộ sẽ tỏa ra vùng ngoại thành từ lõi trung tâm của thành phố. Chính các tuyến đường này định hình các trung tâm đô thị khu vực.
Những tuyến đường bộ liên vùng và tuyến hướng về phía Nam sẽ là những tuyến xuyên tâm chính. Đồng thời có những tuyến sẽ được xây dựng hoặc quy hoạch ở trong phạm vi bán kính 10-20km tính từ tâm.
Hiện đang có các tuyến xe buýt hướng đến các trung tâm khu vực. Song lượng khách chưa nhiều do: trung tâm khu vực chưa hình thành, nhận thức xã hội về lợi ích kinh tế xã hội của giao thông công cộng chưa đầy đủ để cộng đồng chủ động giảm lượng xe máy lưu thông trên đường, giảm bớt tình trạng kẹt xe.
Mặt khác, cần cải tiến để nâng cao năng lực dịch vụ xe buýt như các tiện ích còn sơ sài, luồng tuyến kết nối chưa hợp lý, thời gian đỗ dừng quá ngắn không an toàn cho khách, tinh thần thái độ phục vụ chưa theo hướng phục vụ khách hàng.
Trong tương lai, ít nhất có hai tuyến đường sắt cao tốc nội đô khối lượng lớn (UMRT số 1 và số 2) sẽ được xây dựng đến năm 2050.
Xét quy hoạch giao thông tương lai và xu hướng phát triển từ xưa đến nay, việc phát triển trung tâm khu vực có thể được triển khai theo bốn hướng: Đông (Q.9), Tây (huyện Bình chánh), Nam (huyện Nhà Bè), Bắc (huyện Củ Chi). Các trung tâm đô thị khu vực đều ở điểm nút giao thông.
Đây là cấu trúc đô thị hợp lý chuyển từ thành phố đơn tâm sang thành phố đa trung tâm.
Trong thực tế, các trung tâm khu vực như đô thị vệ tinh Tây Bắc Củ Chi, đô thị cảng Hiệp Phước đã có quy hoạch và đang triển khai song rất tốn kém và rất chậm, chưa có sức hấp dẫn. Trung tâm khu vực ở quận 9 gắn với khu công nghiệp kỹ thuật cao tuy có triển vọng nhưng chưa bắt đầu! Trung tâm khu vực ở huyện Bình Chánh gắn với khu công nghiệp Tân Tạo cửa ngõ phía Tây của thành phố lại đang xây dựng tự phát!
Vấn đề đặt ra hiện nay là phải xác định ranh giới các trung tâm đô khu vực nêu trên, quy hoạch chung, chi tiết và thiết kế đô thị để có cơ sơ thực hiện.
Các yếu tố thiết kế đô thị có thể bao gồm: Các khu vực cảnh quan đặc biệt, các khu vực bảo tồn, các mảng cây xanh, các cửa ngõ vào thành phố, các đường phố biểu trưng (tương tự như đang làm cho trung tâm hiện hữu).
Chính các trung tâm đô thị khu vực mới này là cơ hội để phát triển các dự án bất động sản như các trung tâm thương mại, giải trí cao ốc văn phòng, khu phức hợp, khách sạn, nhà ở cao cấp, biệt thự v.v...
Thế kỷ 20 có nhiều cuộc trao đổi và tranh luận về mô hình đô thị hóa song tựu trung có 2 mô hình: 1. Đô thị hóa tập trung: Hồng Kông thành phố tập trung, Sigapore thanh phố đa cực, Bangkok (Thái Lan) thành phố phát triển từng phân lan tỏa, Kuala Lumpur (Malaysia) và hành lang Klang, thành phố hành lang đô thị. 2. Đô thị hóa phân tán: Jakarkarta (Indonesia) thanh phố phân tán, Manila (Philippines) thành phố kết hợp các dạng đô thị. Bản Quy hoạch chung xây dựng TPHCM dường như đang kết hợp giữa các dạng đô thị: đa cực (đa trung tâm) lan tỏa và đô thị vệ tinh. |
Nguyễn Đăng Sơn - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Đô thị & Phát triển Hạ tầng
- Nói mãi chuyện di dời cảng biển
- Cải tạo, nâng cấp đô thị cần gắn với phát triển bền vững
- Từ chuyện quy hoạch đến sự phân tán nguồn lực kinh tế
- Ứng xử với giao thông: Bệnh nào thuốc đó
- Ô nhiễm môi trường làng nghề - Một thách thức lớn
- Việt Nam trước thách thức quản trị đô thị
- Quy hoạch sử dụng đất ở đâu?
- Đất đai thuộc “sở hữu toàn dân” nhưng dân thiếu chỗ ở
- Cầu Long Biên - từ giao thông sang văn hóa
- Địa - Văn hóa quá đa dạng, đô thị mới quá đơn điệu