Ashui.com

Tuesday
Nov 05th
Home Tương tác Phản biện Địa - Văn hóa quá đa dạng, đô thị mới quá đơn điệu

Địa - Văn hóa quá đa dạng, đô thị mới quá đơn điệu

Viết email In

Trong cơn bão "đô thị hóa lần thứ hai" bùng lên từ giữa những năm 1980, hàng trăm đô thị hình thành với quy hoạch liên tục được điều chỉnh dưới áp lực cụ thể của các dự án. Cuộc chiến giữa lợi ích toàn cục, toàn cộng đồng với lợi ích nhóm, cục bộ diễn ra gay gắt và phần thắng luôn thuộc về vế thứ hai. Vì vậy khó tìm thấy một đô thị được quy hoạch thành công để nhờ thế mà có bản sắc.

1. Đa dạng địa văn hóa là di sản quý nhất, là đặc điểm lớn nhất. Việt Nam là nước ven biển nối các nước ASEAN lục địa với các nước ASEAN hải đảo. Một nền văn hóa ngã tư được bồi đắp qua hai ngàn năm để mang tính lưỡng căn Đông Á và Nam Á rồi qua mấy trăm năm cận đại giao thoa với văn hóa phương Tây thành một ngã tư quốc tế Đông Tây -Nam Bắc khá đặc trưng. Đất nước Việt Nam quá dài và quá hẹp trải qua các miền khí hậu và địa chất, địa mạo liên tục thay đổi trên các diện tích nhỏ. Việt Nam có nhiều dân tộc chung sống trên các vùng khác nhau. Văn hóa Việt Nam không quá Đông Á, giống Trung - Nhật - Hàn như thoạt nhìn bên ngoài. Bản chất Đông Nam Á của nó lẩn sâu và cố kết bền chắc hơn người ta tưởng.

  • Ảnh bên: TP Đà Lạt (nguồn: Ashui.com) 

Cho tới nửa sau thế kỷ 19 có thể nói không có đô thị và văn hóa đô thị, không có lớp thị dân và giới quý tộc thực thụ. Ngoài các thành trì phong kiến thì văn hóa và kiến trúc truyền thống chủ yếu ở làng. Nếu đi từ Bắc vào Nam, từ núi ra biển ta thấy mọi thứ thay đổi trong cự li rất ngắn, vài chục km, từ tỉnh này sang tỉnh kia: phát âm, vốn từ vựng, cảnh quan, thời tiết, phong tục tập quán, món ăn, đồ uống, nhà ở, vườn cây và hoa trái, phong cảnh núi sông, đồng ruộng, ao hồ và sản vật nói chung… đã khác nhau. Và những sự khác nhau ấy là niềm tự hào của các "đồng hương". Và cái tình đồng hương rất bền chặt và là một giá trị khá kì lạ của người Việt Nam bắt nguồn từ sự khác biệt địa- văn hóa của "tỉnh nhà" của mỗi người: Quảng Ninh khác Thái Bình, Thanh Hóa khác Nghệ An, từ Huế qua một cái đèo sang Đà Nẵng tất cả đã khác hẳn. Quảng Nam, Quảng Ngãi khác Bình Thuận, Ninh Thuận rất nhiều, miền Đông Nam Bộ khác hẳn miền Tây Nam Bộ, Tây Nguyên khác hẳn Trung du, Miền núi Tây Bắc khác với miền núi Đông Bắc… Người ta nói đùa mà thật: mỗi tỉnh là nước riêng. Thậm chí  "Địa phương chủ nghĩa" còn luôn là một cản trở cho việc thông nhất chính trị, văn hóa, kinh tế.

Các đô thị thực thụ, từ rất nhỏ đến khá lớn đều chỉ xuất hiện trong thời kỳ thực dân tức gần 150 năm qua. Có thể do quy mô và tốc độ phát triển đô thị thời đó không to và nhanh như 30 năm lại đây nên nhìn chung cho tới ¼ cuối thế kỷ 20 các đô thị Việt Nam còn rất hòa hợp, làm nổi bật thậm chí ở những thí dụ thành công nhất về quy hoạch và xây cất chúng như "mọc ra" từ địa văn hóa cụ thể: Các đô thị cực nhỏ như Sapa, Tam Đảo, Đồ Sơn, các đô thị nhỏ như Đà Lạt, Nha Trang, Rạch Giá, Vĩnh Long, rồi Hải Phòng, Đà Nẵng, và Huế - một "bài thơ đô thị"; cuối cùng là Hà Nội và Sài Gòn từng được quy hoạch như hai đô thị lớn tầm quốc tế. Sự đa dạng và bản sắc (riêng) của các đô thị này còn rất rõ dù sự "Tây hóa" là toàn diện triệt để ở các mức độ khác nhau. Chỉ đi qua một lần là nhớ cả về mặt vật thể lẫn phi vật thể. Thậm chí một cái cầu, cây sấu, cây me, cây phượng, một dòng sông, một cái hồ, một quả đồi cỏ, một công viên nhỏ, vài tòa nhà, một cái chợ… cũng có thể trở thành icon, landmark ký ức khó quên của một đô thị. Một số thành công trong thời kì "đô thị hóa lần thứ nhất" này cần được coi là những bài học quý giá, một truyền thống cần được phát huy.

2. Tình hình đã khác hẳn, theo hướng ngước lại từ khi cơn bão "đô thị hóa lần thứ hai" bùng lên từ giữa những năm 1980. Có dịp đi đường bộ qua một loạt đô thi mới ở miền Bắc, miền Trung cũng như miền Nam ai cũng thấy là không thể phân biệt được nữa. Không nhớ được những nơi mình đã đi qua nữa. Sự giống nhau của các đô thị mới, đường phố mới, trung tâm mới, công trình mới thật thảm hại. Các đô thị phát triển bất chấp các đặc trưng và truyền thống làm tiêu tán nhiều giá trị địa - văn hóa địa phương. Một KTS nói chúng ta cưỡng bức đồng phục hóa các đô thị. Một nhà khoa học cảm thán: Có cảm tưởng ta xây thành phố như chọn nhặt các công trình có sẵn rồi cứ thế đặt vào bất cứ địa hình, địa điểm nào rồi buộc người nơi đó sống theo một phong cách giống nhau và xa lạ với họ. Ý niệm và tình cảm quê hương biến mất! Có thể những phát biểu đó là thái quá nhưng nó cũng thể hiện sự bức xúc, phẫn nộ của giới chuyên môn và người dân về tình trạng phi bẳn sắc của các đô thị đang phát triển.


(Ảnh: Lê Hồng Thái /SGTT)

3. Sau đây chỉ là một vài nhận biết của một người dân về những nguyên cớ cụ thể dẫn tới tình trạng phi bản sắc này: 

- Chia lô nhà ống 4/16m2 và tư duy mặt tiền là một phát minh riêng của Việt Nam, một tai họa không thể cưỡng lại. Một ông chuyên gia chuyên làm dự án đô thị, bất động sản đi qua dinh Thống Nhất nhẩm tính khu này chia được bao nhiều nền, trong đó có bao nhiều lô mặt tiền và chua thêm “có khi còn "ăn" hơn cả khu nhà Quốc hội mới ấy chứ!” Không biết cái standard 4x16m sinh ra từ đâu mà nay phải chiếm tới 80% thực khối nhà ở. Có lẽ chỉ tự phát từ việc các cơ quan, xí nghiệp, quân đội chia đất cho cán bộ công nhân viên vì không xây được nhà tập thể cho họ. Hình mẫu để chia lô nền ấy có lẽ do bắt chước cái nhà ống của thợ thủ công và nhà buôn bán lẻ ở đô thị cũ. (Vốn là ước mơ của dân nghèo từ quê lên phố!). Nhà ống tất đặt cược giá trị vào mặt tiền. Ta không xây thành phố mà chỉ xây các con đường, đường mở đến đâu nhà ống bám hút đến đó, thương mại hóa một cách nhếch nhác toàn bộ, băm vụn đô thị, tạo một không gian và lối sống thủ công bán lẻ kiểu "china town" cho toàn dân. Không gian văn hóa, công cộng, vỉa hè, cây xanh, mặt nước, giao thông công cộng… bị bóp nghẹt hoặc hoàn toàn lạc lõng trong mớ hỗn độn mặt tiền-nhà ống-lô nền. 80% dân đô thị "úp mặt vào đường" để buôn bán vặt và hứng chịu ô nhiễm. Nền đất dưới 300m2 thì không cần duyệt kiến trúc mặt tiền vì thế 90% mặt tiền các đường phố được phó mặc cho "kiến trúc dân gian hiện đại". Người dân tự xây nhà, tự sao chép làm cho các phố nhà ống từ Mục Nam Quan tới Mũi Cà Mau giống nhau đến bất ngờ và các KTS thất nghiệp! Có cách gì thay đổi không? Tôi cứ nghĩ cái tư duy chia lô mặt tiền nhà ống này là cái vòng kim cô của phát triển đô thị mà ta đã tự tạo ra một cách vô ý thức vô trách nhiệm.

- Dự án thắng quy hoạch. Thành phố của tôi được quy hoạch phát triển về phía Nam, ra biển. Tất nhiên sau 20 năm nó cũng có tiền về phía đó nhưng phát triển nhanh mạnh gấp nhiều lần về phía Bắc vì các dự án kinh tế, vì dân nhập cư đổ về, dân thu nhập thấp từ các quận hạt nhân dạt ra, vì đất quân đội còn mênh mông v.v và v.v. Quận tôi quy hoạch trung tâm là đường rộng rãi ra công viên hiện còn để hoang. Nhưng các dự án siêu thị, ngân hàng, khách sạn chen nhau đã biến ‘ngã năm chuồng chó’ cũ thành trung tâm mới và một nút giao thông kẹt cứng. Quy hoạch đường vào sân bay to, thẳng, hai chiều nhưng các dự án bám vào mặt tiền con đường trên giấy này đã làm nó hẹp lại, một chiều, cong vòng trên thực tế. Không rõ có quy hoạch nào cho vùng sân bay xưa ở ngoại thành bây giờ nằm giữa bản đồ du lịch hay không nhưng nay đột nhiên có dự án sân gôn rất to ở đó, đất thuê quân đội 50 năm không cần lo giải tỏa. Dân mới giàu có thể chơi gôn dưới cánh máy bay nửa thế kỷ nữa chăng!

Hàng trăm đô thị hình thành với hàng trăm quy hoạch và mỗi quy hoạch liên tục được điều chỉnh dưới áp lực cụ thể của các dự án. Cuộc chiến giữa lợi ích toàn cục, toàn cộng đồng với lợi ích nhóm, cục bộ diễn ra gay gắt và phần thắng luôn luôn thuộc về vế thứ hai. Vì vậy khó có thể tìm thấy một đô thị được quy hoạch thành công để nhờ thế mà có bản sắc. 


Khu đô thị mới Trung Hòa - Nhân Chính, Hà Nội (ảnh: Ngụy Hà)

- Hàng nhái và giả cổ. Ở cấp độ công trình những người chọn tặng bảng hiệu "Công trình tiêu biểu thời kỳ Đổi mới" đã khá vất vả tìm kiếm hai chục công trình thực sự "thành công". Trong một cuốn sách giới thiệu vài trăm tòa cao ốc châu Á in mấy năm trước đây, Việt Nam chỉ có một tòa nhà Saigon Center trong cụm kiến trúc xây dở dang rồi ngừng.

Hình ảnh đô thị Việt Nam hiện được định dạng bởi kiến trúc nhà ống "dân gian hiện đại" nhái cóp, tạp nham nêu trên và khuynh hướng thẩm mỹ hàng nhái và giả cổ ở các công trình lớn. Tràn lan khắp nơi là nhái phong cách thực dân thời Pháp với những gắn ghép ‘hậu hiện đại’ rất tùy tiện. Các kiến trúc sư (KTS) lớn tiếng cảnh báo "bệnh dịch" này mà không hiệu quả. (Thậm chí một giáo sư nghiên cứu văn hóa dân gian còn thành thực ngạc nhiên: Tôi cứ tưởng kiến trúc Pháp là tuyệt đỉnh, là phải đẹp rồi còn chê gì nữa!).

Các công trình đồ sộ nhất do các văn phòng kiến trúc quốc tế làm cũng có vẻ như nhái lại những gì họ đã làm ở các nơi khác, vừa thiếu bản sắc địa phương vừa thiếu tầm quốc tế. Chùa Bái Đính- Ninh Bình đồ sộ nhất trong các công trình tôn giáo và tòa nhà Bộ Tài chính-Hà Nội là hai thí dụ tiêu biểu về đồ giả cổ. Song ai có thể, KTS nào có thể xoay chuyển được ý chí thẩm mỹ thế quyền và thần quyền tạo dựng các công trình ấy? Phải chăng thẩm mỹ hàng nhái và giả cổ là định mệnh của kiến trúc các nước đang phát triền?

Bản sắc đô thị tất nhiên được xây đắp bằng bản sắc các công trình. Nếu các khuynh hướng thẩm mỹ trên còn thống trị tới khi ta xong công cuộc CNH-HĐH thì liệu chúng ta có hy vọng các đô thị của cũng ta có bản sắc được không. Tối đa là mong ước đô thị đẹp giàu bản sắc. Tối thiểu là cố ngăn bớt các "thảm họa kiến trúc" tức sự xóa bỏ bản sắc đô thị đang và sẽ xảy ra.

Tôi xin lỗi các KTS vì ở ba phần bài nói trên đã không dành đủ nhiều lời ca ngợi những đóng góp của họ. Song công và lỗi của KTS chỉ là 25% thành công hay thất bại mà thôi.

Họa sỹ Nguyễn Quân  

 

Thêm bình luận


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo