Dù đã được UBND TP.HCM chấp thuận chủ trương và giao cho tổng công ty cổ phần xuất nhập khẩu và xây dựng Việt Nam (Vinaconex) làm chủ đầu tư, tiến hành nghiên cứu, thiết kế... dự án xây dựng cầu Thủ Thiêm 2 (từ năm 2010), tuy nhiên nhiều ý kiến của các đại biểu trong buổi “Góp ý đầu tư xây dựng cầu Thủ Thiêm 2” tổ chức sáng 26/8 (tại TP.HCM) cho rằng, cần xem xét lại tính hiệu quả của dự án xây dựng cầu Thủ Thiêm 2 vào thời điểm này.
Theo quy hoạch được duyệt, vị trí xây dựng cầu Thủ Thiêm 2 nằm trên trục đường Tôn Đức Thắng (Q.1) qua nhà máy Ba Son - sông Sài Gòn - nối với khu đô thị mới Thủ Thiêm (Q.2). Trong quy hoạch đến năm 2030, có tổng cộng 4 cây cầu Thủ Thiêm, một hầm dìm và một cầu đi bộ nối từ khu đô thị Thủ Thiêm với trung tâm TP.HCM.
Theo quy hoạch được duyệt, đến năm 2030 khu đô thị Thủ Thiêm sẽ có 5 cây cầu, 1 hầm chui vượt sông Sài Gòn nối trung tâm TP.HCM.
Đại biểu nói: chưa cần thiết
Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Giao, chủ tịch liên hiệp các hội Khoa học kỹ thuật TP.HCM phân vân, hiện nay chúng ta đang chuẩn bị đưa vào khai thác đường hầm Thủ Thiêm và cầu Thủ Thiêm 1 hiện hữu lưu lượng xe cộ vẫn không đông, không quá tải... Do đó, việc xây dựng cầu Thủ Thiêm 2 này cần phải xem xét và có nên hay không.
Cùng quan điểm, ông Đồng Văn Khiêm, phó chủ tịch hội Sinh vật cảnh TP.HCM cho rằng, cái bức xúc nhất hiện nay là vấn đề ùn tắc giao thông ở TP.HCM đang trầm trọng, nếu chúng ta đầu tư xây dựng một cây cầu, tiêu chí hàng đầu phải giải quyết được tình trạng ùn tắc giao thông... Thế nhưng, cầu Thủ Thiêm 1 hiện nay vẫn rơi vào cảnh trống không, ít xe cộ qua lại, khu đô thị Thủ Thiêm vẫn ít dân cư sinh sống. Trong khi đó, bây giờ chúng ta xây cầu Thủ Thiêm 2 và trong tương lai sẽ có thêm ba cây cầu Thủ Thiêm khác được xây lên... liệu việc này có quá sức mình. Việc xây dựng nhiều cây cầu là khang trang cho thành phố, chúng tôi không phản đối nhưng thời gian này có hợp hay không, có giải quyết được tình trạng ùn tắc giao thông hay không... hay chỉ để làm cảnh?
Ông Phạm Văn Chấn, đại diện công ty tư vấn thiết kế Giao thông vận tải phía Nam cho rằng, chưa cần thiết phải xây cầu Thủ Thiêm 2 lúc này. “Việc TP.HCM bỏ ra 1.664 tỉ đồng (vốn xây cầu, chưa kể các khoản khác) để xây dựng một cây cầu phải xác định mục đích là làm việc gì, phục vụ ai?”, ông Chấn nói.
Phối cảnh cầu Thủ Thiêm 2.
Đại diện sở GTVT TP.HCM: cần thiết
Trả lời những bức xúc của các đại biểu, ông Bùi Xuân Cường, phó giám đốc sở Giao thông vận tải (GTVT) TP.HCM cho rằng, mục tiêu giao thông là phải xây dựng cơ sở giao thông trước, sau đó mới phát triển cơ sở hạ tầng. Nên việc xây dựng cầu Thủ Thiêm 2 được thực hiện trước sau đó mới phát triển cơ sở hạ tầng.
“Theo tính toán, dân số đến năm 2030, khu đô thị mới Thủ Thiêm sẽ có 120.000 người sinh sống, cộng thêm mỗi ngày sẽ có 350.000 người qua lại làm việc. Trong khi quy hoạch đến năm 2030, khu đô thị mới Thủ Thiêm sẽ có bốn cây cầu Thủ Thiêm, một cây cầu đi bộ, một đường hầm mới... Quá trình nghiên cứu như vậy là rất dài hơi và kỹ càng, mới đủ khả năng đáp ứng nhu cầu qua lại của người dân”, ông Cường nói.
Ngoài ra, khi cầu Thủ Thiêm 2 hoàn thành sẽ kết nối trực tiếp với bốn tuyến đường hiện nay đang bắt đầu xây dựng trong khu đô thị mới Thủ Thiêm, góp phần phát triển mạng lưới giao thông phía Đông thành phố.
Từ An
Cầu Thủ Thiêm 2 sẽ có vốn đầu tư trên 3.200 tỉ đồng Theo tính toán Vinaconex, tổng mức đầu tư dự kiến cầu Thủ Thiêm 2 khoảng 3.258,8 tỉ đồng. Vốn đầu tư theo phương thức BT (đầu tư – chuyển giao). Kết cấu cầu được xây dựng là cầu dây văng hai mặt phẳng. Tổng chiều dài dự kiến của cầu chính 413m, chiều dài cầu dẫn 479,5m, nhịp chính dài 200m. Tĩnh không thông thuyền cao 110m. Ông Bùi Xuân Cường, phó giám đốc sở GTVT cho biết, hiện nay dự án đã được bộ Xây dựng chấp thuận và đang chờ ý kiến của một số bộ, ngành khác như bộ GTVT... "Nếu nhanh nhất, việc làm thủ tục đến hết năm 2012 mới xong, đầu năm 2013 mới có thể thi công, đến cuối năm 2015 mới có thể hoàn thành dự án", ông Cường cho biết. |
- Chuyện xây dựng luật đất đai mới
- Quy hoạch Hà Nội, một cơ hội để làm lại
- Cải thiện sức chống chịu vùng ven biển
- Giữ sắc xanh cho bức tranh quy hoạch Hà Nội
- Phát triển khu kinh tế biển: Không thể "phong trào"
- Thu hút vốn tư nhân: Bệ phóng xây dựng cơ sở hạ tầng
- “Giải cứu” bất động sản Việt Nam và góc nhìn từ Ireland
- Giải pháp tổng thể chống ngập ở TPHCM
- Tái cơ cấu kinh tế Thủ đô Hà Nội
- Khu phố đi bộ tại trung tâm TPHCM - Điểm nhấn kiến trúc đặc sắc
Lời bình
tin bình luận RSS của chủ đề này