Ashui.com

Thursday
Mar 28th
Home Tương tác Phản biện Giải pháp tổng thể chống ngập ở TPHCM

Giải pháp tổng thể chống ngập ở TPHCM

Viết email In

TPHCM ở lằn ranh của rừng sác chạy tới biển, từ Tây Nguyên đổ xuống, ăn thấp xuống Đồng Tháp Mười, có diện tích tự nhiên 2.095, 01km2, dân số khoảng 6.480 triệu người, dự kiến đến năm 2025 lên tới 10 triệu người, có gần 60% diện tích là vùng đất thấp dưới 1,5m trên mực nước biển (120.000ha), với mạng lưới sông rạch chằng chịt (7.880km kênh rạch chính).


(Ảnh: Lê Hồng Thái /SGTT)

Nguy cơ ngập lan rộng

TPHCM lại nằm trên vùng cửa các con sông lớn: Lòng Tàu, Soài Rạp là nơi thoát nước của hệ thống sông Đồng Nai với bờ biển (khoảng 70-80km) nên một mặt chịu áp lực của nước nguồn từ trên đổ về hoặc khi mưa xuống, mặt khác lại chịu áp lực của biển từ dưới dâng lên quanh năm là lúc triều cao, xâm nhập mặn, gió bão và tình trạng mực nước biển dâng do khí hậu trái đất ấm dần lên (dự báo nước biển có thể dâng cao khoảng 1m so với hiện nay vào cuối thế kỷ này). Triều, lũ, mưa và các tổ hợp của chúng chính là nguyên nhân gây ngập.

Các trận mưa xuống, lũ về và các đợt triều cường làm ngập lụt, không chỉ riêng ở vùng đất thấp khu vực ngoại thành mà ngay cả một số quận trong khu vực nội thành như Bình Thạnh, Q.6, Q.7, Q.8 v.v… làm ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế xã hội và gây nên những khó khăn và thiệt hại đáng kể cho người dân.

Để khắc phục tình hình nêu trên, Bộ Nông nghiệp - Phát triển Nông thôn đã đưa ra giải pháp quy hoặch thủy lợi để chống ngập lụt cho thành phố tuy nhiên hiệu quả còn hạn chế, do vậy cần có giải pháp tổng thể  mới có thể khắc phục được tình trạng ngập lụt ngày càng nặng nề ở thành phố.

Thủy lợi - giải pháp hàng đầu

Trước tiên là phân vùng kiểm soát nước chống ngập úng:

- Vùng I: Gồm toàn bộ khu vực bờ hữu sông Sài Gòn - Nhà Bè
- Vùng II: Khu vực ngã 3 sông Sài Gòn – Đồng Nai
- Vùng III: Khu vực bờ tả sông Nhà Bè - Soài Rạp

Trong dự án này tập trung vào vùng I, là vùng khống chế khu vực nội thành cũ, với nhiều vấn đề bức xúc về tiêu thoát nước đô thị, môi trường và cải tạo đất.

Để giải quyết các vấn đề trên cần xây dựng một hệ thống công trình khép kín bao gồm 13 cống kiểm soát triều và 172km đê bao kết hợp với các tuyến giao thông, cao trình không thấp hơn 2,5m.

Sau khi hoàn thành hệ thống khép kín đảm bảo kiểm soát mực nước kênh rạch trong khu vực, trong đó có thể hạ thấp mực nước trong kênh rạch theo yêu cầu để tăng cường khả năng thoát nước của hệ thống thoát nước của đô thị cũ, biến dòng chảy 2 chiều thành dòng chảy một chiều từ trên xuống dưới, tạo điều kiện tốt cho việc thoát lũ, ngăn chặn ảnh hưởng của hiện tượng mực nước biển dâng.

Giải pháp quy hoạch

Để thoát nước nhanh cần quy hoạch các hồ điều hòa nước tại các lưu vực, nơi nào không còn đất làm hồ điều hòa thì có thể nạo vét sâu các kênh rạch để trữ nước và thoát nước, duy trì một số vùng đất ướt ngập nước, hạn chế bê tông hóa diện tích đất để tăng lượng nước thấm xuống lòng đất, tăng mực nước ngầm và hạn chế  lún sụt đất. Giải pháp này có thể giảm 20-40% lượng nước chảy trên bề mặt.

Ở Khu đô thị mới Nam Sài Gòn công ty tư vấn Skidmore, Owings & Merrill - SOM (Mỹ) đã quy hoạch theo mô hình “đô thị đảo” (City of Island) kết hợp phát triển các đô thị với các kênh rạch bao quanh vừa bảo tồn hệ sinh thái tự nhiên vừa thoát nước dễ dàng, rất tiếc là ý tưởng này không được thực hiện đầy đủ trong thực tế. Ở Nhật trong quy hoặch họ luôn tính toán kỹ không gian dành cho nước thấm và thoát.

Theo tính toán của Bộ Nông nghiệp - Phát triển Nông thôn thì nếu tính với lũ lớn 200 năm mới có một lần và có xét tới mực nước biển dâng 0,7m thì mực nước ở trạm  Phú An có thể dâng lên đến 2,5m. Đó là cơ sở để xem xét cao trình đê và mộc cốt san nền.

Tiêu biểu cho giải pháp quy hoặch là quy hoặch khu trung tâm đô thị mới Thủ Thiêm có tính đến hồ điều hòa, vùng đất ướt ngập nước và cao trình  san nền là 2,5m.

Giải pháp kiến trúc xây dựng

Xây dựng mái nhà xanh, tạo mảng xanh trên mái nhà, mái nhà sinh thái (đổ đất trồng cây cỏ xanh bên trên mái) giữ cho nước mưa không chảy tràn quá nhanh giải pháp này có thể thu đến 75% lượng nước mưa, rất cần được khuyến khích thực hiện.

Xây dựng hệ thống bể ngầm thu gom nước mưa, ở các công viên, khu vui chơi giải trí, bãi đậu xe, các khu chung cư, các trường học tại những nơi còn ngập nước để sử dụng nước cho tưới cây, chữa cháy cục bộ v.v. đồng thời giảm lượng nước mưa chảy vào hệ thống cống, giảm tải cho hệ thống thoát nước và ngập nước trong mùa mưa (kinh nghiệm của Portland Oregon Hoa Kỳ).

Giải pháp quản lý

Lượng nước mưa trực tiếp trên vùng đô thị, nhất là sau những cơn mưa có vũ lượng trên 40mm trở lên, cũng là nguyên nhân quan trọng gây ngập nước, nơi các hệ thống tiêu thoát nước không đủ, không hợp lý hoặc xuống cấp nhất là ở những khu vực đô thị hoá nhanh, thậm chí là do không nạo vét hệ thống tiêu thoát nước và cửa xả, người dân 2 ven bờ kênh rạch thường xuyên hoặc lấn chiếm kênh rạch và san lấp vùng trũng để xây cất do vậy cần được tăng cường quản lý đô thị không buông lỏng, những trường hợp vi phạm cần xử lý nghiêm.

Dự án Bộ Nông nghiệp - Phát triển Nông thôn đã phân tích tình hình triều cường và ngập lũ đã xẩy ra thời gian gần đây và rút ra kết luận:  trong trường hợp xả lũ (từ Trị An, Dầu Tiếng, Thác Mơ, Phước Hòa v.v..) khoảng 5% như quy định hiện hành (từ 20.000-30.000m3/giây) là rất lớn. TPHCM sẽ phải chịu ngập lụt và thiệt hại rất nghiêm trọng, đặc biệt là khi nước biển dâng lên do khí hậu trên trái đất nóng dần và cơ sở hạ tầng ngày càng phát triển.

Do vậy yêu cầu có những chủ trương về vận hành các công trình thượng lưu để làm nhỏ lưu lượng nước xả xuống hạ du, tìm cách phân lũ sang những vùng ít quan trọng để giảm bớt áp lực cho vùng đô thị trung tâm đông dân.

Đề nghị ngưng 20 dự án thủy điện mới dự kiến xây dựng dọc sông Đồng Nai làm nguy cơ lũ ngày càng lớn và trầm trọng hơn.

Sự tham gia của cộng đồng

Cần đưa phong trào nếp sống văn minh đô thị đến các khu dân cư sống ven và trên kênh rạch để người dân tự giác và vận động các tàu ghe không xả rác xuồng dòng kênh làm tắc nghẽn kênh rạch, ảnh hưởng đến giao thông thủy, cũng như việc tiêu thoát nước mưa, giảm bớt tình trạng ngập nước, bảo vệ môi trường sống của chính dân cư sống ven kênh rạch nói riêng và người dân thành phố nói chung. 

Nguyễn Đăng Sơn - Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu Đô Thị và Phát triển Hạ tầng 

 

Thêm bình luận


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo