Việc xây dựng Luật Đất đai mới của Việt Nam được khá nhiều tổ chức phát triển quốc tế quan tâm đầu tư nghiên cứu để trợ giúp; được sự quan tâm của rất nhiều Bộ, ngành của Chính phủ, của UBND các cấp địa phương và của rất nhiều doanh nghiệp cũng như người dân. Tất nhiên, có những quan tâm rất khách quan và cũng có những quan tâm đan xen với lợi ích riêng.
Nhìn lại chặng đường đã qua về đổi mới chính sách, pháp luật đất đai
Trước năm 2013, Luật Đất đai mới phải được Quốc hội thông qua vì đó là thời điểm buộc Nhà nước phải quyết định về chính sách đất đai đối với đất sản xuất nông nghiệp đã được giao không thu tiền cho nông dân sử dụng ổn định trong thời hạn 20 năm kể từ ngày 15/10/1993.
Ngoài ra, nhiều chính sách đất đai, quy định pháp luật đất đai cũng cần phải tiếp tục đổi mới cho phù hợp với giai đoạn phát triển mới của thị trường và hướng tới hội nhập quốc tế. Lý luận kinh tế chính trị học về đất đai cần được nhất quán cho lộ trình định hướng xã hội chủ nghĩa, phù hợp hơn với thực tại. Mọi quan hệ đất đai phải trong sáng, hệ thống quản lý phải minh bạch, trách nhiệm giải trình của người quản lý phải cao, sự tham gia của cộng đồng phải nhiều để tạo nên đồng thuận trong xã hội. Các điều luật phải thật thà và giản dị, người quản lý hiểu cũng đúng như ngươi dân hiểu. Bài toán chia sẻ địa tô phải được giải quyết thỏa đáng theo giá trị thị trường. Có muốn quên đi cũng khó, khi dư luận xã hội luôn cho rằng tham nhũng trong quản lý đất đai đang đứng ở đầu bảng, đầu cơ về đất đai đang vượt giới hạn quá nhiều và đã góp phần rất đáng kể vào tình trạng lạm phát hiện nay.
Chủ trương "Đổi mới" đất nước đã được Nhà nước Việt Nam quyết định vào năm 1986 trên nguyên tắc tiếp nhận mô hình kinh tế thị trường có sự quản lý của Nhà nước với 5 thành phần kinh tế. Điểm đột phá của quá trình đổi mới là điều chỉnh lại chính sách đất đai nông nghiệp dựa trên chủ trương Nhà nước giao đất nông nghiệp của hợp tác xã nông nghiệp cho hộ gia đình, cá nhân để sử dụng ổn định lâu dài mà không thu tiền sử dụng đất. Luật Đất đai đã được đổi mới từng bước, nói chung chậm hơn quá trình đổi mới kinh tế.
Lộ trình đổi mới chính sách, pháp luật đất đai
12/1980: Thông qua Quốc hội khoá VI, kỳ họp thứ 7, phiên họp ngày 18/12/1980 quy định 1 hình thức sở hữu toàn dân về đất đai. 1/1981: Ban Bí thư ban hành Chỉ thị 100 về khoán sản phẩm đến nhóm và người lao động (khoán 100). 12/1986: Đai hội VI của Đảng đánh giá lại các yếu kém và quyết định chủ trương ĐỔI MỚI. 12/1987: Quốc hội thông qua: (1) Luật Đất đai nhằm thể chế hóa cơ chế Nhà nước giao đất không thu tiền và chính thức hóa một số công cụ quản lý đất đai trên nguyên tắc Nhà nước bao cấp hoàn toàn về đất đai, người sử dụng đất chỉ được quyền sử dụng và hưởng lợi, đất không có giá trị và giá cả, Nhà nước thu hồi đất để giao cho dự án đầu tư và nhà đầu tư thực hiện bồi thường; (2) Luật Đầu tư nước ngoài tại Việt Nam nhằm thu hút đầu tư trực tiếp từ nước ngoài. 4/1988: Bộ Chính trị thông qua Nghị quyết 10 về khoán đất đai cho hộ gia đình. 4/1991: Quốc hội thông qua Luật Công ty và Luật Doanh nghiệp tư nhân nhằm khuyến khích khu vực kinh tế ngoài Nhà nước 7/1993: Quốc hội thông qua Luật Đất đai nhằm thể chế hóa cơ chế Nhà nước giao 5 quyền chuyển đổi, chuyển nhượng, thừa kế, cho thuê, thế chấp đất đai cho hộ gia đình, cá nhân đối với đất nông nghiệp được giao, đất ở và đất chuyên dùng phi nông nghiệp nhằm phát triển kinh tế hàng hóa nông nghiệp; doanh nghiệp chỉ được thuê đất của Nhà nước có thời hạn; đất đai có giá và giá đất do Nhà nước quy định; các công cụ quản lý đất đai được quy định cụ thể hơn; Nhà nước thu hồi đất để giao cho dự án đầu tư và nhà đầu tư thực hiện bồi thường, hỗ trợ, tái định cư. 6-7/1994: Quốc hội thông qua Luật Khuyến khích đầu tư trong nước (tháng 6/1994); Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá VII thông qua Nghị quyết về phát triển công nghiệp, công nghệ đến năm 2000 theo hướng công nghiệp hoá,hiện đại hoá đất nước và xây dựng giai cấp công nhân trong giai đoạn mới (tháng 7/1994). 12/1998: Quốc hội thông qua Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đất đai nhằm mở rộng thêm quyền cho thuê lại đất trong khu công nghiệp, bảo lãnh, góp vốn; nhà đầu tư trong nước được Nhà nước cho thuê đất trả tiền một lần và có các quyền giao dịch về đất đai (chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê lại trong khu công nghiệp, thế chấp, bảo lãnh, góp vốn), được nhận chuyển quyền sử dụng đất từ hộ gia đình, cá nhân và được Nhà nước giao đất để thực hiện dự án xây dựng kinh doanh nhà ở, hạ tầng khu công nghiệp, đổi đất lấy hạ tầng. 6/2001: Quốc hội thông qua Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đất đai nhằm phần cấp quản lý nhiều hơn cho cấp huyện về cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất 3/2003: Nghị quyết số 26-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (kỳ họp thứ 7, khóa IX) về tiếp tục đổi mới chính sách, pháp luật đất đai trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. 11/2003: Quốc hội thông qua Luật Đất đai Luật Đất đai 2003 với các đổi mới chủ yếu bao gồm: (1) chế độ sở hữu toàn dân về đất đai được cụ thể hóa dưới dạng các quy định chi tiết về quyền và trách nhiệm của các cơ quan nhà nước đối với đất đai, quyền và nghĩa vụ của người sử dụng đất đối với đất đai; (2) có quy định cụ thể về việc giải quyết các tồn tại lịch sử về đất đai; (3) giá đất do Nhà nước quy định phải phù hợp với giá đất trên thị trường trong điều kiện bình thường; (4) các tổ chức kinh tế có tài sản là quyền sử dụng đất được phép thực hiện các giao dịch về đất đai trên thị trường; (5) tạo bình đẳng hơn về quyền và nghĩa vụ đối với đất đai giữa nhà đầu tư trong nước và nhà đầu tư nước ngoài; (6) cơ chế Nhà nước thu hồi đất được hạn chế lại, chỉ áp dụng cho các trường hợp sử dụng đất vì lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng, quốc phòng, an ninh và một số dự án đầu tư phát triển kinh tế quan trọng như đầu tư xây dựng hạ tầng khu công nghiệp, khu kinh tế, khu công nghệ cao, khu dân cư đô thị và nông thôn, các dự án có vốn đầu tư thuộc nhóm A, các dự án sử dụng 100% vốn đầu tư nước ngoài; (7) có quy định cụ thể về việc tính bồi thường về đất, về điều kiện nơi tái định cư đối với các trường hợp áp dụng cơ chế chuyển dịch đất đai bắt buộc; (8) thiết lập một hệ thống trình tự, thủ tục hành chính đầy đủ, hợp lý trên nguyên tắc cụ thể, đơn giản, ít chi phí, nhanh chóng, công khai, minh bạch; (9) tăng cường vai trò giám sát của dân đối với thi hành pháp luật đất đai; (10) hoàn chỉnh cơ chế giải quyết tranh chấp, khiếu nại, tố cáo của dân về đất đai trên nguyên tắc nâng cao trách nhiệm của các cấp địa phương và chủ yếu chuyển sang giải quyết tại tòa án. 11/2005: Quốc hội thông qua Luật Doanh nghiệp thống nhất và Luật Đầu tư thống nhất. |
Đổi mới chính sách, pháp luật về đất đai ở nước ta trải qua một quá trình khá tích cực nhưng rất thận trọng. Những tư duy bao cấp về đất đai còn nặng nề, làm cho chính sách, pháp luật về đất đai luôn phải đuổi theo nhu cầu của phát triển thị trường, làm cho từng bước đổi mới ngắn lại nên phải bước gấp hơn. Lý luận cũng còn vướng víu làm khó cho thống nhất nhận thức về tính phù hợp của chính sách, pháp luật trong giai đoạn quá độ lên chủ nghĩa xã hội với công cụ là cơ chế thị trường. Đặc thù này làm nên ngữ cảnh rất phức tạp trong thực thi pháp luật trên thực tế. Pháp luật khó được thực hiện nghiêm, có nhiều kẽ hở, tham nhũng và đầu cơ còn nhiều.
Trước năm 2003, trung bình khoảng 2,5 năm lại sửa luật và pháp lệnh 1 lần. Trong giai đoạn sau năm 2003, trung bình khoảng 2 năm lại sửa nghị định về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư một lần. Mặt khác, tính thống nhất trong chỉ đạo thực thi pháp luật giữa các Bộ cũng không được bảo đảm. Riêng việc thống nhất một hệ thống đăng ký, một loại giấy chứng nhận cho cả đất đai và tài sản gắn liền cũng mất tới 15 năm thảo luận để đi đến quyết định.
Sau gần 10 năm thực hiện Luật Đất đai 2003, có thể rút ra một số nhận xét sau đây:
1. Một số điểm mong muốn đổi mới từ khi chuẩn bị dự thảo Luật này nhưng chưa đủ điều kiện để nhất trí nên phải để lại nghiên cứu tiếp và đưa vào quá trình xây dựng Luật Đất đai tiếp theo, trong đó chế độ sử dụng đất sản xuất nông nghiệp với thời hạn ổn định 20 năm và hạn điền là một trọng điểm.
2. Việc mở rộng quyền cho các nhà đầu tư gắn với cơ chế Nhà nước giao đất, cho thuê đất để tạo thuận lợi cho phát triển thị trường bất động sản nhưng cũng gây bất cập trong ngăn ngừa đầu cơ nhà đất vượt giới hạn, chế độ sử dụng đất thiếu công bằng giữa các nhà đầu tư trong nước và nước ngoài.
3. Công tác quy hoạch sử dụng đất chưa tạo được hiệu quả trong quản lý đất đai, chưa tính tới phân vùng sử dụng đất mà chỉ quan tâm tới tổng diện tích đất, phương án quy hoạch chưa tạo được căn cứ để quyết định thu hồi đất, giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất, quy hoạch sử dụng đất còn chồng chéo với quy hoạch xây dựng, quy hoạch đô thị, thậm chí gây lãng phí trong chi phí xây dựng quy hoạch.
4. Những bất cập trong quản lý giá đất phù hợp giá trị thị trường vẫn tồn tại ở nhiều địa phương, một mặt tạo nên nguy cơ tham nhũng trong giao đất cho nhà đầu tư đã được chỉ định, mặt khác gây bức xúc cho người bị Nhà nước thu hồi đất khi tiếp nhận giá trị bồi thường, hỗ trợ, tái định cư không thỏa đáng.
5. Cơ chế nhà nước thu hồi đất cũng như cơ chế nhà đầu tư tự thỏa thuận với người đang sử dụng đất đều có những bất cập, cần bổ sung các quy định đối với từng cơ chế để nâng cao hiệu quả triển khai thực tế.
6. Những đổi mới về cơ chế giải quyết khiếu nại hành chính về đất đai chưa làm giảm số lượng khiếu nại, nhất là những khiếu nại có liên quan tới cơ chế Nhà nước thu hồi đất và thực hiện bồi thường, hỗ trợ, tái định cư.
7. Phân cấp hoàn toàn quản lý cụ thể về đất đai cho địa phương cấp tỉnh và cấp huyện cũng gây các ý kiến trái chiều khác nhau, có ý kiến cho rằng cần thu quyền lại Trung ương, có ý kiến cần tăng cường việc giám sát, đánh giá thực thi pháp luật ở địa phương.
Việc xây dựng Luật Đất đai mới đã được Quốc hội quyết định trong Chương trình xây dựng pháp luật, Chính phủ đang tích cực chuẩn bị dự thảo Luật này. Dự thảo Luật hiện nay còn phụ thuộc vào kết quả đánh giá quá trình thực hiện Nghị quyết số 26-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng và quyết định về sửa đổi, bổ sung Hiến pháp nước ta.
Kinh tế thị trường ở nước ta đã phát triển ở mức đáng kể, đầu tư không cần tập trung vào tăng tổng vốn đầu tư mà cần tăng hiệu quả đầu tư. Hội nhập quốc tế của ta cũng đi vào chiều sâu với một mối quan hệ kinh tế đa phương, cũng không còn nhiều thời gian để chúng ta phải thực hiện đầy đủ "luật chơi" kinh tế trên sân chơi của Tổ chức Thương mại Thế giới. Đất đai là một câu chuyện phức tạp trong hội nhập quốc tế, cần những cơ chế thông minh để giữ được mối lợi cho đất nước mà vẫn bảo đảm nguyên vẹn đất đai của dân tộc.
Việc xây dựng Luật Đất đai mới của Việt Nam được khá nhiều tổ chức phát triển quốc tế quan tâm đầu tư nghiên cứu để trợ giúp; được sự quan tâm của rất nhiều Bộ, ngành của Chính phủ, của UBND các cấp địa phương và của rất nhiều doanh nghiệp cũng như người dân. Tất nhiên, có những quan tâm rất khách quan và cũng có những quan tâm đan xen với lợi ích riêng.
Vì vậy, việc đổi mới phải thận trọng nhưng cũng không được "bước gằn" với tầm nhìn ngắn ngủi như trước đây đã làm.
Bài viết này muốn giới thiệu với độc giả một mạch liên tục từ nhìn nhận tổng thể vấn đề xây dựng Luật Đất đai lần này, sau đó phân tích sâu vào 7 vấn đề bức xúc trong Luật Đất đai hiện hành đã đặt ra ở trên, giới thiệu các giải pháp có thể hữu ích cho đổi mới lần này.
GS. Đặng Hùng Võ
- Việt Nam trước thách thức quản trị đô thị
- Quy hoạch sử dụng đất ở đâu?
- Đất đai thuộc “sở hữu toàn dân” nhưng dân thiếu chỗ ở
- Cầu Long Biên - từ giao thông sang văn hóa
- Địa - Văn hóa quá đa dạng, đô thị mới quá đơn điệu
- Quy hoạch Hà Nội, một cơ hội để làm lại
- Cải thiện sức chống chịu vùng ven biển
- Giữ sắc xanh cho bức tranh quy hoạch Hà Nội
- Phát triển khu kinh tế biển: Không thể "phong trào"
- Có nên xây cầu Thủ Thiêm 2?