Ashui.com

Tuesday
Nov 05th
Home Tương tác Phản biện Việt Nam trước thách thức quản trị đô thị

Việt Nam trước thách thức quản trị đô thị

Viết email In

Việt Nam đang gặp thách thức lớn về quản trị đô thị bởi thiếu hoạch định ngay từ giai đoạn đầu phát triển, hệ quả là đối diện với vòng luẩn quẩn giữa chất lượng dân sinh và tăng trưởng kinh tế, gia tăng dân số và gia tăng đầu tư nhưng thiếu chi phí cho môi trường bền vững. Những bất cập này được bàn luận tại diễn đàn kinh doanh xanh châu Âu (GreenBiz 2011) tại TP.HCM cuối tuần trước.

Phát biểu khai mạc diễn đàn, phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân cho biết Việt Nam muốn hợp tác với các chuyên gia châu Âu để nâng cao năng lực hoạch định đô thị, tìm kiếm các giải pháp cho khai thác và sử dụng nguồn tài nguyên hiệu quả. Nhiều lĩnh vực nổi cộm đang được quan tâm như phát triển các thành phố ven biển, năng lượng tái tạo, tiết kiệm năng lượng…

Những con số biết nói

Theo các nghiên cứu được công bố tại diễn đàn, Việt Nam phải tốn chi phí gấp 1,5 – 1,8 lần so với các quốc gia có cùng mức độ phát triển khác để giải quyết các vấn đề năng lượng. Việt Nam cũng nằm trong top năm quốc gia chịu tác động nhiều nhất thế giới về biến đổi khí hậu. Việc hy sinh môi trường quá nhiều cho phát triển kinh tế đã để lại những thách thức lớn trong việc giải quyết hậu quả.

Theo thứ trưởng bộ Tài nguyên và môi trường Bùi Cách Tuyến, trong 20 năm qua hàng triệu hecta đất đã bị kiệt hoá, dự báo đến 2030 nửa triệu hécta nữa sẽ chuyển mục đích sử dụng. Theo đó lượng nước thải tăng lên hàng chục lần, ô nhiễm nguồn nước diễn ra trên khắp các con sông. Việt Nam từng tự hào là quốc gia có vị trí thứ mười về đa dạng sinh học nhưng hiện là nơi suy giảm nhanh nhất thế giới. Rừng bị tàn phá nặng nề để phải nỗ lực đạt được 4% độ che phủ vào năm 2010 nhưng chất lượng rừng suy giảm mạnh. Hiện cả nước có hơn 2.000 làng nghề không có hệ thống xử lý nước thải, cả ngàn nhà máy không đạt tiêu chuẩn môi trường...

Trong khi đó việc bảo vệ môi trường ở Việt Nam còn nhiều hạn chế với cơ sở hạ tầng và công nghệ lạc hậu, nguồn nhân lực vừa ít ỏi lại thiếu tiêu chuẩn chuyên môn, chưa kể các nhà quản lý bị đặt trong trình trạng thiếu cơ chế phối hợp liên ngành và đối diện với các xung đột lợi ích địa phương về tài nguyên thuỷ điện, khoáng sản và hệ sinh thái… Mức đầu tư cho bảo vệ môi trường quá thấp (trước đây là 1% và hiện là 2% tổng chi ngân sách nhà nước) đã làm gia tăng tình trạng bất hợp lý. “Việc phát triển kinh tế chủ yếu phụ thuộc vào nguồn tài nguyên thiên nhiên, năng lực và chất lượng lao động còn thấp và công nghệ lạc hậu đang là thách thức lớn để giải quyết các vấn đề môi trường trong nhiều năm tới”, thứ trưởng Tuyến nhận định.


Việc bảo vệ môi trường ở Việt Nam còn nhiều hạn chế với cơ sở hạ tầng và công nghệ lạc hậu. (Ảnh: TL SGTT)

Theo số liệu của bộ Xây dựng, 15 năm qua quá trình đô thị hoá diễn ra nhanh chóng. Năm 1986 Việt Nam có 489 đô thị với 12% dân số thì năm 2010 tăng lên 755 đô thị và 30% dân số. Tổng lượng chất thải rắn hàng năm là 12,8 triệu tấn thì riêng các đô thị từ loại 4 đã chiếm đến 54%. Nguồn tài nguyên năng lượng cạn kiệt do bị khai thác quá mức cho xây dựng đô thị: chỉ năm 2007 Việt Nam sản xuất 40 triệu tấn ximăng, 22 tỉ viên gạch, 230 triệu m2 gạch ốp lát. “Quá trình đó không chỉ làm cạn kiệt nguồn tài nguyên mà còn tiêu tốn hơn 20% tổng năng lượng quốc gia và môi trường phải chịu một lượng phát thải đô thị quá lớn. Hệ quả là Việt Nam đối diện với các khó khăn do thiếu giải pháp công nghệ và vật liệu sạch”, thứ trưởng bộ Xây dựng Bùi Phạm Khánh cho biết.

Chính sách tạo ra cơ hội

Việt Nam vì thế đang rất khó khăn để hoạch định lại các khung phát triển bởi thiếu các hoạch định nền móng ngay từ đầu.

Việc bảo vệ môi trường ở Việt Nam còn nhiều hạn chế với cơ sở hạ tầng và công nghệ lạc hậu, chưa kể các nhà quản lý bị đặt trong trình trạng thiếu cơ chế phối hợp liên ngành và đối diện với các xung đột lợi ích địa phương về tài nguyên thuỷ điện, khoáng sản và hệ sinh thái… 
GS Steffen Lehmann từ đại học South Australia cho rằng việc đô thị hoá luôn gắn liền với phát triển hạ tầng, các giải pháp năng lượng và kết nối các dịch vụ đô thị. Điều này không phải thành phố nào cũng giải quyết được bởi chính sách năng lượng còn thể hiện ở các hoạt động thường ngày của người dân như thói quen tiêu dùng năng lượng, kỳ vọng của doanh nghiệp vào phát triển sạch. Theo ông, Việt Nam đề ra mức phấn đấu đạt nguồn năng lượng tái tạo 2% vào năm 2030 là quá khiêm tốn so với các quốc gia khác. Trong cùng khung thời gian mà nhiều quốc gia đã đặt ra kỳ vọng 20 – 30%. “Thách thức lớn nhất của Việt Nam là đô thị hoá như thế nào để không sử dụng mô hình cũ của thế giới từ 25 năm trước. Điều này đòi hỏi việc hoạch định dài hạn và các quy trình chặt chẽ trong quản trị đô thị”.

Theo GS Peter Droege, chủ tịch Hội đồng thế giới về năng lượng tái tạo, để giải quyết, Việt Nam cần có những chính sách mạnh mẽ hơn để dần dần đưa công nghiệp năng lượng sạch đóng vai trò chủ đạo trong ngành năng lượng. Xu hướng thế giới hiện nay là hạn chế khai thác nhiên liệu hoá thạch và điện hạt nhân vì sự hữu hạn và nhiều rủi ro. Các chính quyền có tầm nhìn xa hiện đưa ra giải pháp sử dụng nguồn năng lượng thân thiện song song với các dự án tận thu nguồn phát thải để tái tạo năng lượng cho sản xuất. “Việt Nam sẽ có nhiều cơ hội lựa chọn giải pháp môi trường với chi phí có lợi nhất, tuy nhiên, điều này đòi hỏi năng lực quản trị đô thị và áp lực cần phải đổi mới công nghệ từ ở cấp Chính phủ, chính quyền các địa phương cho đến các tổ chức và doanh nghiệp”, ông khuyến cáo.

Nhiều quỹ đầu tư ở diễn đàn này cho rằng nếu không có chính sách năng lượng và môi trường bền vững và rõ ràng đi trước, thì người dân và doanh nghiệp không nhìn thấy cơ hội góp phần vào sự phát triển chung. Theo TS Romel M. Carlos, đại diện công ty tài chính quốc tế IFC, ngày nay có nhiều quỹ đầu tư rất kỳ vọng tài trợ vốn cho các dự án có kế hoạch sử dụng năng lượng tốt. Việt Nam là quốc gia có nhu cầu lớn về giảm thiểu carbon, nhưng nhà đầu tư chỉ tham gia được khi nhìn thấy các chính sách đủ mạnh để khuyến khích người dân và doanh nghiệp thực hiện nghĩa vụ về luật pháp; các cam kết canh tân của Chính phủ; và tính minh bạch cho nhà đầu tư trong lĩnh vực này.

Theo ông Gavin Smith, giám đốc bộ phận phát triển sạch thuộc quỹ đầu tư Dragon Capital, cho biết: “Chúng tôi có chiến lược phát triển xanh tại Việt Nam bởi thấy đây là thị trường tiềm năng, tuy nhiên, nhiều thách thức vì còn thiếu các cơ chế phát triển và tiêu chuẩn thị trường ổn định”.

Tuyết Ân
 

Thêm bình luận


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo