Ashui.com

Wednesday
Apr 17th
Home Tương tác Đối thoại Khởi đầu phát triển không gian điêu khắc ở TP.HCM

Khởi đầu phát triển không gian điêu khắc ở TP.HCM

Viết email In

UBND TP.HCM đang tổ chức trưng cầu dân ý về mẫu tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh thay thế cho tượng cũ đang đặt trước toà nhà UBND Thành phố. 32 mẫu phác thảo tượng đài Bác được trưng bày tại Bảo tàng Hồ Chí Minh chi nhánh TP. HCM để người dân (kể cả người nước ngoài) tham quan và đóng góp ý kiến. Có lẽ đây là lần đầu tiên lãnh đạo thành phố lấy ý kiến người dân về việc xây dựng tượng đài- một loại công trình kiến trúc đô thị đặc biệt, lâu nay vốn ít được để ý, coi trọng đúng mức.

Những nhà điêu khắc và các kiến trúc sư đang có sự phối hợp trong việc xây dựng tượng đài Bác Hồ và không gian xung quanh phía trước UBND TP.HCM để tạo thành một phối cảnh hoàn chỉnh. Lâu nay, tại TP.HCM, việc xây dựng tượng tài ở nhiều nơi công cộng chưa có sự phối hợp này.


Tượng đài Tình mẫu tử đặt trước Nhà hát TPHCM từng bị chỉ trích là lấy mẫu từ Trung Quốc.
(Ảnh: Ngô Trung)

Nhà điêu khắc Bùi Hải Sơn, Trưởng ngành điêu khắc của Hội Mỹ thuật TP.HCM, giảng dạy tại ĐH Kiến trúc TP.HCM, chia sẻ mối quan tâm về tính mỹ thuật của tượng đài cũng như không gian đặt tượng đài.

Về mặt mỹ thuật, theo anh những mẫu tượng về Bác Hồ đang lấy ý kiến nhân dân đợt này so với tuợng Bác do nhà điêu khắc Diệp Minh Châu thực hiện có những ưu điểm nào?

Nhà điêu khắc Bùi Hải Sơn (ảnh bên): -  Ba mẫu tượng Bác Hồ được chọn trưng bày đang trong tiến trình phác thảo qua nhiều giai đoạn để chọn ra mẫu tượng phù hợp nhất nên trách nhiệm tư vấn thuộc về hội đồng nghệ thuật quốc gia. Với qui trình làm việc khá chặt chẽ chúng ta hi vọng hội đồng sẽ tư vấn để thành phố có được tượng đài Bác chuẩn mực từ tạo hình điêu khắc đến không gian chung quanh.

Ở góc độ chuyên môn 3 mẫu tượng được chọn đều có bố cục đứng và dạng bố cục này dễ thích hợp với tượng đài danh nhân được đặt trang trọng với quãng trường chung quanh. Tượng “Bác Hồ và thiếu nhi” cũ phù hợp với một không gian vừa phải nên việc bố trí lại ở Nhà văn hóa Thiếu nhi TP.HCM là phù hợp. Có một ưu tư là dáng tượng Bác đứng (trục dọc) nếu không khai tác tốt bố cục và ngôn ngữ khối sẽ rất dễ bị chìm lẫn vào các khối kiến trúc chung quanh.

Việc nghiên cứu và thiết kế không gian đặt tượng trước hoặc song song với việc chọn mẫu tượng là một trình tự cần thiết đối với tượng ngoài trời, nhất là tượng đài danh nhân lịch sử. Trước đây chúng ta thường đảo ngược qui trình hoặc tách rời công việc giữa điêu khắc và kiến trúc. Nay thì điêu khắc và kiến trúc đã kết hợp lại với nhau trong việc dựng tượng Bác sắp tới. Điều này rất đáng mừng!

Từ việc làm mới tượng đài của Bác, anh có nhận xét gì về hệ thống tuợng đài danh nhân đã khá cũ (đuợc xây dựng truớc 1975) hiện nay ở TP.HCM?

- Hệ thống tượng đài tượng danh nhân lịch sử là phần văn hóa và lịch sử của một thành phố dù là cổ hay hiện đại. Cùng với kiến trúc, tượng đài định hình nét văn hóa đặc thù của một thành phố. Tuy vậy, TP.HCM đang sở hữu một hệ thống tượng danh nhân đa phần được xây dựng từ trước 1975, hệ thống tượng này hầu như được xây dựng không đúng qui trình mỹ thuật và kỹ thuật nên có nhiều khuyết điểm và không còn phù hợp với cảnh quan thành phố. Xin nêu các nhận xét sau:

Về tạo hình: không đạt yêu cầu vì đa phần được xây dựng gấp gáp trong vòng vài tháng bởi những người không chuyên môn nên tư duy tạo hình kém, phong cách ở từng tượng không nhất quán.

Về chất liệu: không bền vững và việc đắp trực tiếp cũng hạn chế về mặt tạo hình. Đa số các tượng này có tuổi thọ khoảng 40 năm nên kết cấu khung beton không còn bảo đảm. (Việc rơi vỡ một phần chân tượng Trần Nguyên Hãn là một ví vụ).

Về không gian: không còn hợp lý do sự thay đổi và phát triển của thành phố. Nhiều tượng không còn phù hợp với cảnh quan chung quanh như tượng Phù Đổng, hay tượng An Dương Vương (nay lưu giữ ở Bảo tàng Mỹ Thuật)… phải di dời để xây dựng hệ thống giao thông và sắp tới là việc di chuyển tượng Trần Nguyên Hãn (dự định dời về Bảo tàng Lịch sử) để chuẩn bị cho việc xây dựng công trình ngầm Metro.

Vừa qua, tượng Trần Nguyên Hãn truớc chợ Bến Thành bị hư hỏng báo động về chất lượng các tuợng đài cũ. Anh nghĩ thế nào về phương án làm mới những tuợng đài cũ tại TP.HCM?

- Nói chung chúng ta cần phải thẳng thắn nhìn nhận những tượng này hầu hết không đẹp và cần phải thay đổi. Có nhiều ý kiến e ngại vì sợ đụng chạm đến danh nhân lịch sử của đất nước... Thực sự thì việc thay đổi chỉ mang ý nghĩa tích cực, tượng nào ở vị trí không gian phù hợp thì có kế hoạch làm tượng mới tốt hơn chất liệu bền vững hơn (như tượng Trần Hưng Đạo ở Bến Bạch Đằng), tượng nào không gian và vị trí không còn phù hợp thì phải thay đổi. Chúng ta bảo tồn và xây dựng mới những tác phẩm điêu khắc có giá trị cho thành phố chứ không làm điều ngược lại.

Nếu cần làm mới những tượng đài cũ tại TP.HCM, theo anh thì những tượng tài nào cần ưu tiên làm trước ?

- Quy hoạch tượng đài, tượng danh nhân, tượng công viên cho thành phố cần được hoàn thành sớm nhất có thể để định hướng cho sự phát triển điêu khắc ngoài trời của thành phố. Qui hoạch này sẽ giúp chúng ta có một kế hoạch chung đối với các tượng đài cũ không còn phù hợp đồng thời có một định hướng lâu dài đối với việc xây dựng tượng mới, tránh tình trạng ứng phó từng việc khi sự cố xảy ra như trường hợp tượng Trần Nguyên Hãn hoặc vội vã xây dựng tượng mới vì phải đáp ứng một thời điểm nào đó.

Không thể chủ quan đưa ra ý kiến nên làm lại tượng nào trước tượng nào sau, vì mọi thứ còn tùy thuộc vào qui hoạch chi tiết của thành phố, nhưng nếu là tượng xấu thì phải thay, càng sớm càng tốt vì đó là diện mạo của thành phố!

Hy vọng việc xây dựng mới tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh sẽ là bước khởi đầu giúp thành phố có những kinh nghiệm phối hợp giữa kiến trúc và điêu khắc trong việc phát triển các không gian điêu khắc khác cho thành phố.

Tượng đài Bác Hồ xây mới với nhiều con số 9

Theo dự kiến của chính quyền TP.HCM, tượng Bác Hồ sẽ được xây mới cách tượng cũ hiện nay phía trước UBND TP.HCM 9m, hướng về sông Sài Gòn. Tượng được chọn xây dựng là tượng đứng toàn thân, trong đó phần thân tượng cao 4,5m, phần đế tượng cao 1,8m, đài tượng 0,9m. Như vậy, tượng Bác sẽ có chiều cao với nhiều con “số 9” thật đẹp theo văn hóa tâm linh của người Việt.

Không gian xung quanh tượng đài Bác Hồ được chính quyền giao cho Hội Kiến trúc sư TP.HCM phối cảnh thật hài hòa để làm nổi bậc tượng đài Bác với hàng cây bên ngoài là loại cây 50 năm tuổi, cao khoảng 30m và hàng cây bên trong cao khoảng 10m.

Thanh Kiều (thực hiện)


Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

 

Thêm bình luận


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo

Tìm kiếm

Tạp chí

Hiện có 2222 khách Trực tuyến

Quảng cáo