Hai cuộc trò chuyện với nguyên Phó chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình, nhà báo Hữu Thọ về quá khứ, hiện tại, tương lai đất nước nhân kỷ niệm 68 năm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2/9 thật sự khơi gợi cho chúng ta trong ngày 2/9 hôm nay rất nhiều điều.
Những gương mặt tài năng trong bộ ảnh 'Tâm và tài' đã có nhiều đóng góp trong việc xây dựng đất nước (Ảnh: Nguyễn Á)
- Nguyên Phó chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình viết trong hồi ký của mình: “Giành chính quyền, đòi độc lập dân tộc là cực kỳ khó, nhưng để đem đến cuộc sống tự do hạnh phúc cho nhân dân còn khó hơn biết bao lần”.
Trò chuyện với Tuổi Trẻ nhân dịp Quốc khánh, bà Nguyễn Thị Bình nói: Trong Cách mạng Tháng Tám, chỉ có 5.000 đảng viên mà làm nên cuộc cách mạng long trời lở đất suốt một dải non sông. Đó là nhờ sức mạnh vô bờ bến của ý chí giành độc lập thống nhất trong hàng triệu con người đoàn kết một lòng dưới một sự lãnh đạo sáng suốt. Đây cũng là điều quan trọng số một đối với chúng ta hiện nay.
Chúng ta còn chậm phát triển, còn nghèo lắm
Hoàn cảnh và mục tiêu của đất nước hiện nay đã khác, bài học lịch sử đó có còn phù hợp nữa không?
- Ngày nay chúng ta đã giành được độc lập rồi, nhưng có khi nào mỗi người để ý ở dưới tên nước luôn có dòng chữ “Độc lập - Tự do - Hạnh phúc”? Có hòa bình và độc lập rồi, trong dựng xây đất nước phải có tự do dân chủ thì mới có điều kiện để phát triển đất nước, mang lại hạnh phúc cho mọi người. Tôi nhớ cựu tổng thống Nelson Mandela, nhà chính trị lỗi lạc của Nam Phi, từng nói: “Khi ta giải phóng được đất nước, ta mới giành được quyền để có tự do chứ ta chưa thật sự có được tự do”.
Nhìn lại chặng đường vừa qua, đất nước đã có những bước phát triển với nhiều thành tựu đáng phấn khởi về kinh tế, nhưng đó là sự phấn khởi so với điểm xuất phát của chúng ta, nếu so với các nước bạn bè trên thế giới và ngay trong khu vực thì chúng ta còn chậm phát triển, còn nghèo lắm.
Bà có điều gì muốn chia sẻ, gửi gắm với giới trẻ hiện nay?
- Nói về tuổi trẻ hiện nay, xã hội có hai cách nhìn. Có người cho là tuổi trẻ ít quan tâm và ít hiểu biết cuộc chiến đấu của cha ông trước kia, nhưng cũng có người nói không phải vậy. Đúng là hiện nay có những hiện tượng không hay trong giới trẻ, nhưng bình tĩnh xem lại có khi trẻ hư là lỗi tại người lớn. Tôi rất không đồng tình với việc đưa nội dung chống tham nhũng vào trong trường học. Ta nên dạy các cháu những đức tính cơ bản về trung thực, thật thà..., còn tham nhũng không phải là bản chất của xã hội ta, nó tồn tại trong một tình hình xã hội nhất định. Người lớn phải làm gương, trong gia đình bố mẹ hãy làm gương. Tôi vẫn tin tuổi trẻ VN sẽ là người chủ tương lai, sẽ tiếp nối xứng đáng sự nghiệp vẻ vang của ông cha mình.
Trong bối cảnh thế giới ngày nay, nếu đất nước không lớn mạnh nhanh chóng sẽ không có đủ nội lực để bảo vệ chủ quyền quốc gia, đến lúc đó không những khó đảm bảo tự do, hạnh phúc cho người dân mà còn không bảo vệ được độc lập, chủ quyền quốc gia. Chính vì vậy ngày nay mục tiêu có thể khác so với trước, nhưng vẫn phải có tinh thần đại đoàn kết và thống nhất ý chí mạnh mẽ để phát triển đất nước nhanh và vững bền mới đưa dân tộc đi lên được.
Bà vừa nhắc đến vấn đề chủ quyền quốc gia. Từng là nữ bộ trưởng ngoại giao, bà suy nghĩ như thế nào về vấn đề bảo vệ lợi ích quốc gia trong bối cảnh quốc tế hiện nay?
- Trong lịch sử đấu tranh giải phóng dân tộc, chúng ta luôn biết phát huy cao nhất nội lực, đồng thời tranh thủ sự giúp đỡ của quốc tế. Trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước, có thể nói phong trào đoàn kết quốc tế là một trong những yếu tố góp phần quan trọng vào thắng lợi của cuộc chiến đấu của nhân dân ta. Nhưng chúng ta cũng hiểu tinh thần quốc tế không đồng nghĩa với lợi ích quốc gia. Nước nào cũng có lợi ích quốc gia của mình, tinh thần đoàn kết quốc tế lên cao khi cuộc chiến đấu của ta là chính nghĩa và phù hợp với công lý, nguyện vọng của bạn, nhưng nói đến lợi ích quốc gia thì khác. Không phải là không có những lúc chúng ta nhầm lẫn đánh đồng tinh thần đoàn kết quốc tế với lợi ích quốc gia. Trong quan hệ quốc tế hiện nay, chúng ta không xâm phạm lợi ích quốc gia của nước khác, nhưng phải kiên quyết bảo vệ lợi ích quốc gia cơ bản và chính đáng của mình.
Không có đoàn kết khi xuất hiện “nhóm lợi ích”
Nhiều người đồng tình phải đấu tranh chống “nhóm lợi ích” đi ngược lại lợi ích chung của dân tộc, nhưng qua bước đầu thực hiện nghị quyết trung ương 4 đến nay, có ý kiến cho rằng địa chỉ cụ thể của “nhóm lợi ích” vẫn chưa rõ?
- Một khi đã hình thành các “nhóm lợi ích” thì không thể có đoàn kết và thống nhất ý chí được, đó cũng là mầm mống của sự chia rẽ và phân hóa.
“Nhóm lợi ích” chỉ có thể xuất hiện ở những nơi nắm quyền lực, những nơi nắm tài sản, có nghĩa là những người trong nội bộ bộ máy Đảng và Nhà nước. Nước VN chỉ có một Đảng cầm quyền, sự lãnh đạo của Đảng quyết định vận mệnh của đất nước. Những tệ nạn nguy hiểm như “nhóm lợi ích”, “tư duy nhiệm kỳ”, “địa phương chủ nghĩa”, “chủ nghĩa cá nhân ích kỷ”... làm ảnh hưởng đến sự lãnh đạo của Đảng, làm suy giảm niềm tin trong Đảng và trong nhân dân, ảnh hưởng to lớn đến sự đoàn kết nhất trí, là mảnh đất cho sự tấn công của các lực lượng thù địch. Phải ngăn chặn, xóa bỏ những tệ nạn đó thì Đảng mới có thể trong sạch, vững mạnh, mới đảm đương được nhiệm vụ mà nhân dân giao phó, đáp ứng được đòi hỏi của thời đại. Và như tôi đã nói, muốn chống được “nhóm lợi ích” thì hãy nhớ lại bài học lịch sử chưa xa, để thấy rằng hơn bao giờ hết cần phải có đại đoàn kết toàn dân tộc với một ý chí thống nhất từ trên xuống dưới. Đặt lợi ích nhân dân lên trên tất cả.
Còn về mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh”?
- Thật ra đường lối chính sách đều có cả rồi, nhưng phải xác định rõ mục tiêu trước mắt thế nào và từ trên xuống dưới phải có sự quyết tâm thực hiện. Chẳng hạn nói vấn đề kinh tế đang rất khó, phải tái cơ cấu, nhưng mà ngay đến các cơ quan có trách nhiệm làm còn rất lúng túng, còn chậm chạp. Tất nhiên có vấn đề do trình độ của mình, nhưng bên cạnh đó còn vấn đề gì khác không? Xã hội dân chủ, công bằng, văn minh là một mục tiêu rất đẹp, nhưng phải cụ thể hơn và có sự chỉ đạo của Nhà nước, có sự vận động trong nhân dân. Đông đảo cán bộ, đảng viên và nhân dân đồng tình với công cuộc chỉnh đốn Đảng, mong muốn Đảng có đạo đức, có trí tuệ, trong sạch, vững mạnh, luôn luôn xứng đáng với sự tin yêu của nhân dân. Rất nhiều việc đòi hỏi phải làm mạnh mẽ, làm thật sự với một ý chí thống nhất hơn.
ĐÀ TRANG - VÕ VĂN THÀNH (thực hiện) - Ảnh: Việt Dũng
TP.HCM) trình diễn trong ngày hội liên hoan các đội hình nhảy múa tập thể với chủ đề 'Vũ điệu non sông' lần 2-2013 (Ảnh: Thuận Thắng)
Nhà báo Hữu Thọ (nguyên trưởng Ban Tư tưởng văn hóa trung ương):
Đồng thuận cao hơn đạt đến chữ “đồng”
Có thể chưa bằng lòng với việc này việc khác nhưng không ai có thể phủ nhận những gì đã làm được, rất to lớn, có ý nghĩa lịch sử trong 68 năm qua. Đất nước đã phát triển nhanh chóng, đặc biệt trong hơn 20 năm đổi mới. Từ một nước nghèo nàn lạc hậu đã trở thành nước có thu nhập ở mức trung bình. Nhìn lại gia đình mình, làng xóm mình, mỗi người trung thực đều thấy những đổi thay to lớn đó.
Đã có nhiều tài liệu và thực tế chứng minh, tôi không nói thêm. Tuy nhiên, không chỉ có những thành tựu mà còn cả những mặt không thành công, thậm chí thất bại, có những vấn đề trở thành nỗi bức xúc của xã hội. Người dân chưa hài lòng khi thấy sự phát triển thiếu bền vững, bệnh phô trương, hình thức, thiếu trung thực rất nặng nề; tệ lãng phí, tham nhũng chưa được ngăn chặn, có mặt phát triển; không ít cán bộ ngày càng xa dân, không những không gần gũi tôn trọng mà hách dịch, thậm chí áp bức nhân dân.
Hiện nay đất nước ta đang gặp khó khăn mà chúng ta đang cố gắng vượt qua. Thách thức rất lớn nhưng với những người lạc quan thì lại tìm thấy trong thách thức xuất hiện thời cơ cho các quyết sách tiếp tục đổi mới. Để nắm được thời cơ, vượt qua thách thức cần có bản lĩnh, trí tuệ và đặc biệt là ý chí của toàn dân. Còn nhớ sau 30 năm bôn ba hải ngoại, Bác Hồ về nước chủ trì hội nghị trung ương tại Pắc Bó quyết định tổng khởi nghĩa thành lập Mặt trận Việt Minh đoàn kết toàn dân đứng lên giành chính quyền. Tuyên truyền cho chương trình Việt Minh, Bác làm một bài thơ đăng trên báo Việt Nam Độc Lập, trong đó có câu “Sự nghiệp làm nên bởi chữ đồng”. Nhưng phải có chính sách hợp lòng dân thì dân mới đồng lòng, cán bộ, công chức phải gương mẫu, hết lòng vì dân thì dân mới đồng lòng nghe theo. Điều đó lại liên quan đến tầm nhìn xa, khả năng trí tuệ và tấm lòng vì nước vì dân của các cơ quan lãnh đạo, quản lý.
Lúc này xã hội đang có nhiều điều bức xúc, chúng ta, trong đó có tôi, còn có những chuyện không vừa lòng, băn khoăn, thậm chí bực dọc về chuyện này, chuyện khác nên cần tiếp tục góp ý phản biện, tranh luận thẳng thắn, có khi gay gắt nhưng để tạo ra sự đồng thuận cao hơn, đến được chữ “đồng” của Bác Hồ chứ không phải để chia ly, chia bè. Thời nào trong lúc khó khăn cũng có người dao động, thậm chí trở cờ, nhưng cũng xuất hiện thêm những người kiên định, sáng tạo, có trách nhiệm vì sự ổn định và phát triển của đất nước. Điều đó đã được lịch sử trung đại, hiện đại chứng minh. Tuy nhiên, những lúc khó khăn mà để phân tâm thì rất nguy hiểm.
V.V.THÀNH (ghi) - Ảnh: Quang Thế
(Theo Tuổi Trẻ)
- Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam - Vùng TPHCM: Hợp lực để phát triển
- Công trình xanh: Thiết kế kiến trúc là yếu tố cốt lõi
- Khởi đầu phát triển không gian điêu khắc ở TP.HCM
- Đừng đổ lỗi cho văn hóa đô thị
- Việt Nam cần giải pháp cấp bách cho biến đổi khí hậu
- Từ sư tử đá tới bản sắc văn hóa Việt
- Giải ngân gói 30.000 tỷ đồng: Cần cơ chế thế chấp nhà ở linh hoạt
- Đông dân, Hà Nội cũng nên lập chính quyền đô thị
- TP HCM thí điểm mô hình chính quyền đô thị: Vướng từ đâu?
- “Không thể có chuyện khung giá đất bằng giá thị trường”