Ngay từ năm 2007, TP HCM đã đề xuất kế hoạch xây dựng chính quyền đô thị nhưng đến nay vẫn đang chờ Trung ương phê duyệt. Tới thời điểm này, TP đang chuẩn bị mọi điều kiện cho việc thí điểm chính quyền đô thị ở một số quận nội thành, sau đó triển khai trên tổng thể. Tuy nhiên, do sự phân cấp quá mạnh đối với quận, huyện nên việc thí điểm mô hình chính quyền đô thị sẽ gặp rất nhiều khó khăn.
Phóng viên đã có cuộc trao đổi với GS.TS Nguyễn Thị Cành - Trưởng Khoa Tài chính-Ngân hàng, Đại học Kinh tế-Luật, Đại học Quốc gia TPHCM, người có nhiều năm nghiên cứu chính quyền đô thị tại TP HCM xung quanh vấn đề này.
GS.TS Nguyễn Thị Cành (ảnh bên) cho biết, có 2 lý do TP thí điểm chính quyền đô thị: Thứ nhất là TP HCM chưa có một mô hình chính quyền đô thị và chưa được pháp luật quy định tách bạch rõ chính quyền đô thị với chính quyền nông thôn nên mục tiêu của việc thí điểm để tổ chức chính quyền đô thị cho phù hợp, tạo động lực cho phát triển kinh tế; Thứ hai, chính quyền đô thị của TP HCM được tổ chức theo khu vực: khu vực đã đô thị hóa, khu vực đang đô thị hóa và khu vực nông thôn. Về cơ bản có một cấp và hai cấp. Một cấp là chính quyền đô thị ở khu vực đã đô thị hóa (13 quận nội thành) và hai cấp là khu vực đang đô thị hóa (tổ chức 4 thành phố trực thuộc). Cần phải có một cấp chính quyền hoàn chỉnh ở 4 đô thị này để chính quyền TP phân cấp cho chính quyền đô thị đó mạnh hơn nhằm đẩy nhanh tiến trình đô thị hóa.
Vậy lợi ích của việc thí điểm chính quyền đô thị tại TP HCM sẽ mang lại cho người dân và doanh nghiệp?
GS.TS Nguyễn Thị Cành: - Quan điểm của TP HCM không phải là lấy lợi ích, quyền lực của nhân dân đem ra thí điểm mà trên tinh thần việc thí điểm này phải đảm bảo cung cấp tốt nhất quyền lợi nhân dân và tìm ra các giải pháp để cung cấp, giải quyết những vướng mắc cho doanh nghiệp (DN), người dân một cách nhanh và sớm nhất. Do đó, việc thí điểm là hết sức cần thiết.
Xây dựng thành công chính quyền đô thị thành công sẽ làm cho vấn đề minh bạch thông tin đối với DN, người dân, sòng phẳng với lợi ích của người dân, DN. Đồng thời sẽ hòa lợi ích của DN và người dân vào lợi ích chung của TP. Cụ thể, là các thông tin về quy hoạch, thông tin về quản lý nhà nước khác, chính sách đền bù hỗ trợ và tái định cư… Thậm chí cả những đơn kiện và tiến trình xử lý đơn kiện đối với lãnh đạo TP cũng được minh bạch đưa lên web của TP.
Nhiều DN cho rằng, mô hình tổ chức chính quyền 3 cấp hiện nay (TP- quận, huyện- phường, xã) đã tạo ra nhiều đầu mối quản lý nhà nước đối với hoạt động kinh doanh của họ, khiến cho DN chịu chi phí (về thời gian, công sức, tiền bạc) khá cao. Đôi khi, DN không biết liên hệ với cơ quan nào để hỗ trợ cho họ. Vì thế, thí điểm mô hình chính quyền đô thị sẽ giúp cho bộ máy chính quyền tinh gọn, hiệu quả, từ đó chính quyền có thể hỗ trợ DN tốt hơn và cũng giúp DN giảm chi phí kinh doanh.
Theo bà, hạn chế lớn nhất trong xây dựng chính quyền đô thị của TP HCM hiện nay là gì?
- Hiện nay, việc xây dựng chính quyền đô thị của TP HCM có mặt hạn chế là TP phân cấp quá mạnh cho các quận, huyện. Từ việc phân cấp quá mạnh ấy, dẫn tới sự cắt khúc, mỗi quận, huyện một kiểu thì khó thông suốt được. Hơn nữa, sự phát sinh cục bộ địa phương, quận nào cũng muốn phát triển nhanh, không theo quy hoạch chung dẫn tới cắt khúc, thiếu sự kết nối đồng bộ.
Bà có thể phân tích rõ hơn về sự cắt khúc đó ?
Xây dựng chính quyền đô thị một cấp sẽ hiệu quả hơn là phân cấp chức năng. |
- Điểm dễ thấy nhất là Sở Quy hoạch Kiến trúc có chức năng quy hoạch các khu vực nhưng quy hoạch về xây dựng lại phải xin phép Sở Xây dựng nên nảy sinh mâu thuẫn giữa hai sở này trong việc quy hoạch đất và quy hoạch không gian lãnh thổ không ăn khớp nhau. Hơn nữa, hai sở này có nhiều chức năng gắn kết nhưng lại chồng chéo, trong khi cấp Trung ương thì chỉ có một Bộ.
Đối với Sở Giao thông Vận tải, ở góc độ quản lý đường thì những tuyến đường lớn do Sở quản lý, những trục chính là do các khu, ban quản lý còn UBND quận, huyện quản lý đường nội quận và đường dưới 12 m, UBND phường quản lý các hẻm. Trong khi đó, mỗi quận lập theo quy hoạch khác nhau tại thời điểm khác nhau nên khi làm một con đường thì đào lên, lấp xuống nhiều vì không có đồng nhất về mặt quy hoạch.
Ở TP HCM để có được giấy phép xây dựng nhà thì phải qua 9 bước và mỗi một bước phải chạy qua rất nhiều đầu mối sở - quận - phường. DN không hài lòng vì vừa là quy hoạch đô thị vừa là thủ tục hành chính rườm rà, nhiều đầu mối tạo nên vòng xoáy thủ tục. Để có giấy phép đầu tư thì gần 80% số dự án phải mất từ 2 - 3 năm, gần 20% dự án mất trên 3 năm, thậm chí có những dự án kéo dài 10 năm. Mỗi bước có thể kéo dài 1 - 2 năm (nhiêu khê nhất là bước duyệt 1/500) và cứ mỗi bước quận chuyển lên sở là kéo dài vài tháng. Thủ tục dự án nhanh nhất là 24 tháng (không bị cản trở). Nhưng theo quy định là nếu quá 1 năm không thực hiện được thì thu hồi đất nên hầu hết dự án phải gia hạn.
Nếu chính quyền đô thị được áp dụng thì sẽ bớt nhiều đầu mối, chỉ còn một đầu mối là TP với cách quản lý thông suốt giúp giảm thời gian chờ đợi cho người dân và DN. Khi DN xin được giấy phép nhanh, hoạt động nhanh thì sẽ thúc đẩy đô thị phát triển.
Cần những yếu tố nào để TP thí điểm thành công mô hình chính quyền đô thị, thưa bà ?
- Theo quan điểm cá nhân, tôi cho rằng xây dựng chính quyền đô thị một cấp sẽ hiệu quả hơn là phân cấp chức năng. Thế nhưng, mô hình chính quyền đô thị như vậy chỉ áp dụng được khi Hiến pháp phải thay đổi, vì Hiến pháp hiện nay là chính quyền đô thị nằm trong chính quyền địa phương (chính quyền nông thôn). Hai là, phải thay đổi luật pháp và các quy định của bộ, ngành liên quan.
Thực tế, nếu TP HCM thực hiện thành công chính quyền đô thị sẽ giúp xóa bỏ được sự cắt khúc, chồng chéo giữa sở- quận - huyện giúp cho công tác quản lý tốt hơn, tạo đà cho đô thị phát triển nhanh và mạnh mẽ.
Để làm được điều đó, Trung ương cần cho TP HCM quyền tự quyết, chứ nếu đồng ý cho TP mở rộng chính quyền đô thị nhưng quyền hạn lại bị hạn chế thì cũng rất khó để xây dựng thành công mô hình này.
Nguyễn Thành (DĐDN /thực hiện)
- Việt Nam cần giải pháp cấp bách cho biến đổi khí hậu
- Không đủ nội lực, sẽ khó giữ chủ quyền
- Từ sư tử đá tới bản sắc văn hóa Việt
- Giải ngân gói 30.000 tỷ đồng: Cần cơ chế thế chấp nhà ở linh hoạt
- Đông dân, Hà Nội cũng nên lập chính quyền đô thị
- “Không thể có chuyện khung giá đất bằng giá thị trường”
- "Đừng bắt người dân giữ di tích không công"
- Dân hỏi Bộ trưởng trả lời - Gói hỗ trợ 30.000 tỷ đồng cho nhà ở xã hội
- Nỗi lo từ lún hạ tầng
- Tách nhóm lợi ích ra khỏi đất đai