141 là số phường trên địa bàn TPHCM đang bị ngập thường xuyên. Điều này xuất phát không chỉ do hiện tượng nước biển dâng mà còn do sự sụt lún địa tầng trên diện rộng. Làm thế nào để hạn chế cũng như giảm diện tích ngập là vấn đề rất khó. Chúng tôi đã có cuộc trao đổi với Giáo sư Trần Thục, Viện trưởng Viện Khoa học khí tượng - thủy văn, Bộ Tài nguyên và Môi trường, về vấn đề này.
Không dừng ở 141 phường
Giáo sư nhận xét như thế nào về kết quả nghiên cứu cho thấy TPHCM có đến 141 phường đang bị ngập nước?
GS Trần Thục (ảnh bên): - Đây là thực tế. Theo kịch bản biến đổi khí hậu mà Bộ Tài nguyên và Môi trường đã công bố, TPHCM nói riêng và khu vực đồng bằng sông Cửu Long nói chung chỉ cao hơn mực nước biển 1,5 - 2m. Do vậy, với tốc độ gia tăng nhiệt độ trái đất khoảng 20C - 30C thì trong vòng 100 năm tới, khu vực đồng bằng sông Cửu Long có nguy cơ bị ngập 40% diện tích. Riêng tại TPHCM, diện tích ngập không dừng lại ở con số 141 phường như hiện nay mà sẽ tăng lên rất nhiều. Chỉ có điều, tác nhân gây ngập nước tại TPHCM không chỉ do nguyên nhân mực nước biển dâng.
Vậy có nghĩa ngoài nguyên nhân bị ngập do mực nước biển dâng, TPHCM còn bị ngập bởi những nguyên nhân khác?
- Đúng vậy! TPHCM có điểm khác biệt so với các tỉnh thành khác ở khu vực đồng bằng sông Cửu Long, đó là tốc độ đô thị hóa diễn ra rất nhanh. Điều này đã làm gia tăng sức nặng lên địa tầng vốn rất yếu của thành phố, dẫn đến tình trạng sụt lún hạ tầng trên diện rộng. Hiện chưa có nghiên cứu quy mô lớn nào để có thể xác định độ lún của hạ tầng thành phố. Tuy nhiên, có thể căn cứ vào chiều cao nâng nền nhà tại các khu dân cư để tạm xác định mức độ lún hạ tầng. Trên thực tế, tại một số địa phương như quận 8, quận 6 và huyện Bình Chánh… là những khu vực có địa chất mềm, yếu, nhiều hộ dân đã phải nâng nền nhà 4 đến 6 lần từ năm 1975 - 2012. Khoảng cách theo chiều cao giữa nền nhà cũ và nền nhà mới khoảng 0,5m.
Không dừng lại đó, việc cho phép khai thác nguồn nước ngầm nhưng chưa kiểm soát được số lượng, cũng như mức độ khai thác như hiện nay đang tạo nên độ rỗng rất lớn dưới lòng đất. Điều này càng khiến hạ tầng lún nhanh hơn và ngày càng thấp hơn mực nước biển. Ngoài ra, mật độ xây dựng tại thành phố, nhất là tại những vùng trũng diễn ra nhanh nhưng chưa được đánh giá đầy đủ những tác hại đến chất lượng môi trường, khiến tình trạng ngập nước ngày càng nặng nề hơn.
(Ảnh: Kinh Luân /TBKTSG)
Cùng cải thiện môi trường sống
Trong tương lai gần, có thể dự báo về mức độ ngập nước tại TPHCM?
- Như đã cảnh báo ở trên, trong vòng 100 năm tới, nhiệt độ tại TPHCM sẽ tăng khoảng 20C - 30C. Đồng thời, mực nước biển sẽ dâng lên 1m, thành phố sẽ có ít nhất 20% diện tích đất bị ngập, chưa kể những yếu tố khác như triều cường, mưa bất thường và những tác động khác từ quá trình phát triển kinh tế. Chỉ có điều, nếu công tác chống ngập và hệ thống thoát nước được quản lý và xử lý tốt thì những thiệt hại do ngập nước sẽ giảm, thời gian ngập úng nước của thành phố cũng sẽ được rút ngắn.
Theo Giáo sư, giải pháp nào để TPHCM có thể chủ động giảm diện tích đất ngập và ứng phó với thực trạng biến đổi khí hậu?
- Phải thấy rằng thời gian qua thành phố đang thực hiện rất tốt công tác chống ngập. Cụ thể, đã có nhiều công trình chống ngập đi vào hoạt động và phát huy hiệu quả tích cực. Điển hình như công trình cải tạo hệ thống kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè, kênh Tàu Hủ - Bến Nghé, gia cố lại bờ bao, xây dựng giải pháp nâng cao hiệu quả quản lý tài nguyên nước…
Tuy nhiên, cần thiết phải thực hiện thêm một số giải pháp có tính thiết yếu khác, như: quy hoạch lại theo hướng giảm xây dựng các công trình cố định tại những khu vực trũng, có chức năng chứa và điều tiết nước cho thành phố; cấm khai thác nước ngầm. Giải pháp này vốn đang được áp dụng rất phổ biến tại nhiều nước có địa hình tương tự như nước ta; phục hồi lại những vùng trũng để tăng khả năng lưu chứa và dẫn thoát nước; gia cố bờ bao quanh thành phố và tiến tới xây dựng hệ thống bơm điều tiết nước…
Quan trọng hơn, thích ứng với biến đổi khí hậu không chỉ tập trung vào những dự án có quy mô lớn do nhà nước đầu tư mà công tác tuyên truyền, vận động cộng đồng cùng tham gia hết sức quan trọng. Mỗi người hoàn toàn có thể cải thiện chất lượng môi trường sống của mình theo hướng thân thiện với môi trường hơn cũng chính là đã góp phần thích ứng với biến đổi khí hậu.
Ái Vân (thực hiện)
- Đông dân, Hà Nội cũng nên lập chính quyền đô thị
- TP HCM thí điểm mô hình chính quyền đô thị: Vướng từ đâu?
- “Không thể có chuyện khung giá đất bằng giá thị trường”
- "Đừng bắt người dân giữ di tích không công"
- Dân hỏi Bộ trưởng trả lời - Gói hỗ trợ 30.000 tỷ đồng cho nhà ở xã hội
- Tách nhóm lợi ích ra khỏi đất đai
- Hà Nội tạm ngừng dự án nhà ở thương mại nội đô
- Phân loại chất thải rắn tại nguồn, kiên trì thực hiện sẽ thành công
- Tìm sự hòa hợp giữa cái cũ và cái mới
- Giao thông đô thị bứt phá cùng Hitachi