Các nước không áp dụng một bộ chứng chỉ chứng nhận Công trình Xanh mà lại có những bộ tiêu chuẩn khác nhau. Hiện nay trên thế giới có những chứng chỉ Công trình Xanh nào phổ biến và Việt Nam đang áp dụng chứng chỉ nào?
Các hệ thống đánh giá Công trình Xanh trên thế giới
Các tổ chức nghiên cứu và chứng nhận Công trình Xanh ở mọi quốc gia đều cố gắng đưa ra định nghĩa về Công trình Xanh chính xác và phù hợp nhất với nhu cầu và hoàn cảnh riêng. Điều này được thể hiện rõ nhất ở các nhóm tiêu chí mà các hệ thống đánh giá của từng quốc gia đặt ra với Công trình Xanh.
Các hệ thống đánh giá Công trình Xanh là các hệ tiêu chí mà các tổ chức/quốc gia xác lập nhằm định nghĩa cách rõ ràng nhất thế nào là một Công trình Xanh. Đa số các hệ thống đánh giá đều cố gắng lượng hóa mức độ “xanh” của các công trình thành con số cụ thể. Ví dụ như phần trăm giảm sử dụng năng lượng hoặc nước của công trình, hay số lượng loại sinh vật tồn tại trong khu đất, hay khoảng cách giao thông từ công trình tới các tiện ích…
Với mọi khía cạnh xanh được cụ thể hóa và đo đếm được, các hệ thống có thể áp đặt hệ tính điểm để so sánh mức độ xanh của công trình này với công trình khác. Đặc biệt, sự xuất hiện của hệ đánh giá khoa học sẽ giúp chấm dứt tình trạng “tẩy xanh” (green wash) với các sản phẩm tự gán mác “xanh” nhằm mục đích quảng cáo đang xuất hiện ngày càng nhiều trên thị trường.
Chuyên gia Công trình Xanh Đỗ Ngọc Diệp (Tổ chức Tài chính quốc tế IFC) cho biết, tại hội nghị do Hội đồng Công trình Xanh Thế giới (WorldGBC) tổ chức vào tuần lễ Công trình Xanh năm 2009, các tổ chức phát triển Công trình Xanh đã chính thức thể hiện sự ủng hộ đối với việc các quốc gia/tổ chức đưa ra các hệ thống đánh giá Công trình Xanh phù hợp với điều kiện tự nhiên cũng như phát triển của từng quốc gia, khu vực, cũng như với mục tiêu đặt ra.
Động thái này đã tạo tiền đề cho chính phủ và các cơ quan nghiên cứu xây dựng xanh tại nhiều quốc gia đang phát triển xây dựng các hệ thống đánh giá cho riêng mình, thay vì tiếp tục đi theo các hệ thống của các nước lớn như BREEAM, LEED, Green Star… vốn tồn tại nhiều yêu cầu bị cho là quá phức tạp và không thực sự mang lại hiệu quả khi triển khai tại các quốc gia đang phát triển.
Một số các hệ thống như EnergyStar chỉ chú trọng tới khía cạnh năng lượng, hay Green Globe chủ yếu đánh giá các công trình khách sạn, nghĩ dưỡng. Trong rất nhiều trường hợp, các tổ chức khác nhau tại cùng một quốc gia đồng thời đưa ra các hệ thống đánh giá cho quốc gia đó. Ví dụ như nước Úc có hệ thống Green Star do Hội đồng Công trình Xanh Úc – một tổ chức phi chính phủ - đưa ra, nhưng song song với nó là hệ thống NABERS do chính phủ Úc phát triển.
Cả hai hệ thống đều đánh giá các tiêu chí tương tự về Công trình Xanh, tuy nhiên trong khi Green Star đánh giá trên thiết kế công trình thì NABERS đánh giá trên thông số tiêu thụ thực của công trình trong quá trình vận hành.
Một tổng kết của Richard Reed vào năm 2009 tuy còn chưa đầy đủ nhưng đã phần nào thể hiện sự đa dạng của các hệ thống đánh giá Công trình Xanh trên toàn cầu. Tuy vậy các hệ thống đều phải đảm bảo tuân thủ Hướng dẫn Quản lý Chất lượng đối với các Công cụ Đánh giá Công trình Xanh của Hội đồng Công trình Xanh Thế giới. Hiện tại chưa có nghiên cứu nào tổng kết toàn bộ các hệ thống đánh giá trên thế giới do nhiều hệ thống có tính địa phương cao và ít được các tổ chức quốc tế biết đến.
Các chứng chỉ xanh phổ biến tại Việt Nam
Tại Việt Nam, khái niệm Công trình Xanh chỉ mới được giới thiệu vào thị trường từ những năm 2007 khi một số nhà máy của Mỹ đầu tư tại Việt Nam sử dụng tiêu chuẩn của hệ thống đánh giá LEED, tuân thủ theo chính sách của tập đoàn mẹ.
Cũng vào khoảng thời gian này, Hội đồng Công trình Xanh Việt Nam (VGBC -Vietnam Green Building Council), một tổ chức phi chính phủ hoạt động vì mục tiêu phát triển Công trình Xanh tại Việt Nam được chính thức thành lập. Với sự ủng hộ tích cực của các chuyên gia, tổ chức nước ngoài cũng như trong nước, VGBC đã nghiên cứu và cho ra đời hệ thống đánh giá Công trình Xanh LOTUS, tập trung các tiêu chí cho Công trình Xanh của các hệ thống lớn trên thế giới nhưng có sự điều chỉnh nhằm phù hợp hơn với điều kiện Việt Nam.
Ngoài ra, hệ thống Green Mark cũng được các chủ đầu tư Singapore mang tới giới thiệu tại các dự án đầu tư vào Việt Nam trong khoảng thời gian này.
Thời gian sau đó, một số tổ chức Việt Nam như Hội Kiến trúc sư Việt Nam và Hội Môi trường Xây dựng Việt Nam cũng đưa ra những tiêu chí của riêng mình.
Gần đây nhất vào tháng 4 năm 2015, IFC-WBG đã chính thức công bố hệ thống đánh giá Công trình Xanh cho các thị trường mới nổi mang tên EDGE (Excellence in Design for Greater Efficiencies).
Theo ông Đỗ Viết Chiến - Tổng thư ký Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, kiêm thành viên Ban điều phối Chương trình Vận động phát triển Công trình Xanh tại Việt Nam, với điều kiện thực tế ở nước ta, việc áp dụng các chứng chỉ xanh quốc tế chưa hẳn đã phù hợp. Ví dụ thu nhập bình quân đầu người của nước phát triển từ 40.000-50.000 USD/năm, trong khi Việt Nam chỉ khoảng 3000 USD/năm, điều kiện văn hoá, xã hội cũng có đặc thù riêng nên khó áp dụng máy móc các tiêu chuẩn quốc tế. Chúng ta vẫn cần xây dựng một bộ chứng chỉ xanh riêng, phù hợp với các điều kiện thực tế. Đây cũng chính là vấn đề đặt ra cho các nhà hoạch định chính sách và cần sự vào cuộc của cơ quan quản lý.
Lam Anh
(Reatimes)
- Ô nhiễm ánh sáng
- Đừng làm vơi dần các di sản
- Đội vốn - hiện tượng không thể xem thường!
- Dung nạp ẩm thực đường phố vào văn hóa đô thị
- Quy hoạch sân bay và quy hoạch đô thị
- Đô thị dễ tổn thương
- Singapore: Một mô hình cho Đông Dương?
- Ưu tiên thêm cho xe buýt?
- Đừng để “tư nhân hóa” bất động sản ven sông
- Người Hà Nội và TPHCM phải bỏ ra gần 1 giờ mỗi ngày để vượt qua tắc đường