Mới chỉ là ảnh hưởng của hoàn lưu bão đã khiến TP.HCM hoảng hốt. Nhiều tuyến đường ngập sâu. Thảm cảnh dễ nhận ra là người và xe nối dài, chen chúc bì bõm trong nước. Những dấu hiệu đó là lời cảnh báo cho các đô thị ở Việt Nam sẽ phải đối chọi với các đợt úng ngập có thể còn tệ hại hơn thế.
Một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng úng ngập của TP.HCM được các chuyên gia nhắc đến là tình trạng lún mặt đất.
(Ảnh minh họa. Nguồn: Zing.vn)
Kết quả quan trắc năm 2017 của Sở TN&MT TP.HCM cho thấy, nhiều khu vực bị lún với tốc độ 15mm/năm với diện tích gần 1.940ha. Trong khi đó, các khu vực bị lún từ 10 - 15mm/năm chiếm hơn 7.930ha. So với kết quả ghi nhận tình trạng lún giai đoạn năm 2011 - 2012, mức độ lún 10 - 15mm/năm ở năm 2017 tăng lên hơn 6.500ha, tập trung ở Q.9, Thủ Đức, Hóc Môn, Bình Chánh.
Về nguyên nhân gây lún, Sở TN&MT nhận định có liên quan đến việc khai thác nước ngầm với lưu lượng lớn; do đặc điểm địa chất (nền đất yếu); gia tăng các công trình xây dựng… Nhưng đến nay TP chưa có một đánh giá cụ thể tỷ lệ các nguyên nhân gây lún nêu trên.
Tầng khai thác nước ngầm của TP.HCM là tầng chứa nước Pleistocen (qp1). Nguồn cung cấp nước cho tầng chứa nước này chủ yếu là nước mưa và nước mặt, nhưng mức bù đắp nước của địa tầng này cao nhất vào mùa mưa cũng chỉ được 200 ~ 300 nghìn m3/ngđ, mà hiện nay ở TP.HCM đang khai thác trên 700 nghìn m3/ ngđ, gấp 2 - 3 lần khả năng bù đắp nguồn nước.
Theo các chuyên gia ngành Xây dựng, tầng đất đỡ đại bộ phận nhà từ 5 tầng trở xuống (thấp tầng) có móng nông, thuộc nền thiên nhiên nằm trên lớp vỏ đất sét yếu của TP.HCM. Lớp đất này có chiều dày thay đổi từ 8 - 15m từ mặt đất xuống, được nước ngầm đỡ lên với lực đẩy Archimède. Nay hút nước ngầm nhiều, làm chiều cao của lớp nước ngầm bị thấp xuống, mất đi lực đỡ, làm cho nền lún là quy luật tự nhiên. Nói một cách hình ảnh thì, loại nhà thấp tầng đang ở trên “một cái bè đang chìm”. Điều đó rất đáng lo ngại, do đang “nổi” ở tầng đất 40m trở lên. Nơi lún nhanh và nhiều là quanh giếng hút, vì tại đây hình thành phễu hoắm sâu trên mặt mức nước ngầm.
Một nguyên nhân khác khiến bộ mặt đô thị TP.HCM ngập sâu mỗi khi triều lên, mưa xuống là do mất đi một diện tích không nhỏ hệ thống sông hồ. Cộng thêm, tốc độ đô thị hóa nhanh với việc chất tải trên bề mặt những khối nhà cao tầng đang khiến các khu vực trung tâm của TP.HCM lâm vào tình trạng quá tải trầm trọng. Ngay tại các vùng lõi này, nhà cao tầng, bê tông hóa đang khiến các tầng đất có nguy cơ trống rỗng (do không được bù đắp lượng nước ngầm bị khai thác) và lún sụt nghiêm trọng.
Nhiều nhà khoa học đã cảnh báo về tình trạng bê tông hóa. Song không phải khi nào những phản biện của họ cũng “lọt tai” nhà lãnh đạo. Và hệ quả là chỉ sau một trận mưa lớn, triều cường đã khiến TP.HCM ngập sâu hơn. Đó là chưa kể những tác động từ biến đổi khí hậu hay ảnh hưởng của cơn bão số 9 vừa qua.
Theo đánh giá của các chuyên gia, đã đến lúc cần tính đến những tác động xấu của sự phát triển thái quá trong các vùng lõi đô thị. Đặc biệt, cần hướng khôi phục và bảo vệ các vùng cảnh quan tự nhiên (ao hồ, mặt đất…) để “trả lại” cho đất một phần nước ngầm mà chính con người đã lấy đi.
Với TP.HCM, cần tập trung khai thác nguồn nước mặt cung cấp từ hồ Dầu Tiếng, hồ Trị An và giảm dần là khai thác nước thô từ các giếng đặt cách TP khoảng 50km trong khi chờ nguồn nước khác. Hạ mức ngước ngầm quá mức, còn làm cho mức ngập triều cường thêm sâu. Làm giảm được việc hạ mức nước ngầm sâu gây sụt lún mặt đất cho TP.HCM là có lợi kép.
Nếu cứ khai thác các vùng đất trữ nước còn lại của TP.HCM như hiện nay, chất tải lên các đô thị cũ bằng các tòa nhà cao tầng, khai thác cùng kiệt tài nguyên trong lòng đất… thì sẽ đến lúc, TP.HCM phải hứng chịu nhiều hơn các đợt ngập lụt. Mà nhãn tiền là hình ảnh một Sài Gòn lấm lem trong mưa gió những ngày qua - Một đô thị với ám ảnh của ngập lụt, ô nhiễm, chất lượng cuộc sống suy giảm.
Ngọc Lý
(Báo Xây dựng)
- Dấu ấn kiến trúc Pháp, những gì đọng lại?
- Siêu phố đi bộ
- Có đáng gọi là quy hoạch?
- Những mái nhà xưa
- Từ trận mưa kỷ lục nhìn về đầu tư cho chống ngập của TPHCM
- Khơi mở những di sản đô thị
- Hình hài khu phố đi bộ ở Đà Nẵng
- Tích cóp 10 năm sửa chợ Bình Tây: Khẽ khàng với di tích
- Liên kết vùng ĐBSCL: chỉ mới ở mức gặp gỡ, trao đổi
- Nơi khởi nguồn cảm hứng đô thị