Ashui.com

Wednesday
Nov 27th
Home Tương tác Góc nhìn Những mái nhà xưa

Những mái nhà xưa

Viết email In

Thuở nhỏ, tôi ao ước nhà mình có cái nền xi măng láng bóng như nhà ngoại.

Nhà tôi cũng như bao nhà ở thôn xóm nghèo, là nhà tranh vách đất do ba mẹ tự gánh đất ruộng đổ lên thành nền, đắp đất bùn với rơm để bện thành vách, cắt tranh về đánh thành từng tấm để lợp.

Về sau nhà được nâng cấp lên thành nhà ngói, vách lá, nhưng nền vẫn là nền đất, mỗi sáng con bé 5 tuổi là tôi được phân công quét nhà, bụi bay mù trong ánh nắng xuyên qua cửa sổ vào nhà.

Nên khi lên nhà ngoại, tôi rất thích thả chân trần lên nền xi măng mát lạnh. Sàn nhà lâu năm, được lau chùi kỹ nên bóng như gương. Thỉnh thoảng có một vài lỗ thủng trên sàn nhà và tôi cứ ngồi nhìn chăm chú, như sàn nhà là một bức địa đồ kỳ lạ, có sức hấp dẫn lớn khiến con nhóc tôi cứ ngồi suy tư mãi không rời đi.

Căn nhà ngói vách lá và nền đất của chúng tôi, mùa nắng thì bụi, mưa thì dột đọng vũng trong nhà. Vì thế tôi ao ước cả nền nhà và sân vườn nhà mình đều lát xi măng cả. Như thế tôi có thể đi chân trần trên đó mà không sợ bùn đất hay gai đâm. Tôi có thể nằm lăn trên đó mà ngủ một giấc trưa. Tôi cũng có thể bày đồ hàng để chơi mà không cần chờ mẹ quét sạch đất sỏi dưới gốc me.

Ấy vậy mà khi đi xa, rời khỏi hẳn quê nhà, tôi lại nhớ da diết nền nhà đất, nhớ gốc me được mẹ quét sạch bong những buổi chiều xế nắng cho chị em chúng tôi ngồi chơi.

Tôi cũng nhớ cái nền nhà xi măng của ngoại, bóng loáng, mát lạnh và mang lại cảm giác xa vắng những trưa hè, khiến tôi tưởng như mình lạc về thời cổ xưa nào đó. Tôi nhớ cả “bức địa đồ” là nền xi măng lỗ chỗ vết thủng mà tôi say sưa ngồi tưởng tượng.

Ở nơi mới, khi ba mẹ làm ăn khấm khá một chút, định cất một ngôi nhà mái bằng, tường gạch và nền lát gạch bông. Tôi tự dưng buột miệng: “Sao mình không tráng nền bằng xi măng? Con thích sàn nhà láng bóng như nhà ngoại”. Ba mẹ tôi phì cười, bảo tôi lạc hậu. Bây giờ người ta đâu còn tráng nền xi măng nữa mà gạch bông là thời thượng. (Đó là thời điểm những năm 1990). Gạch bông đẹp, tiện và còn “láng bóng” hơn cả xi măng.

Thế là nhà tôi trở thành nhà mái bằng, tường gạch, nền gạch bông, là một căn nhà điển hình như bao căn nhà thời đó. Nền gạch bông đẹp và bóng láng vẫn không làm tôi quên nền nhà xi măng của ngoại. Tôi cũng nhớ nền nhà đất bụi được tôi quét sạch mỗi sáng ngày xưa, nhớ gốc me mẹ quét sạch đất sỏi...

Về sau, gạch bông cũng đến lượt lỗi thời, nhà tôi “lên đời” gạch men to đẹp hơn, sáng bóng hơn. Tôi lại bắt đầu nhớ về nền gạch bông với những hoa văn đẹp giờ đã trở thành đồ cổ.

Có lẽ, đời người ta cứ thế mà mãi nhớ những gì đã đi qua trong đời mình.

Tôi nhớ căn nhà tranh vách đất hay mái ngói vách lá đó vì tự tay ba mẹ tôi gánh từng gánh đất, đánh từng tấm tranh, chuyển từng viên ngói, có anh em tôi chạy giẫm chân lên nền nhà để đất “dẻ”, làm chắc nền. Mảnh vườn đó nơi tôi quét sân mỗi sáng, chơi với từng bông hoa ngọn cỏ, ngủ trưa dưới gốc me...

Tôi nhớ nền nhà xi măng láng bóng của ngoại vì đó là nơi tôi ngồi chơi mỗi trưa hè. Hơi mát từ nền gạch xua đi cái oi nóng và ru tôi vào giấc ngủ êm êm trên võng của ngoại.

Và nền gạch bông sau này là một thời đoạn khác in dấu trong đời, cũng khiến tôi hoài tưởng khi thay đổi sang một thứ mới hiện đại hơn, sang trọng hơn.

Thì ra, khi đã đạt được điều ao ước, người ta lại có xu hướng nhớ về những thứ mình đã có ngày xưa. Những thứ đó càng quý giá hơn vì nó gắn liền với một thời đoạn mà ta không bao giờ được quay trở lại để gặp lần nữa.

Ngày nay, khi những trang thiết bị nội thất ngày càng phong phú, nhiều người lại muốn rời nay tìm xưa, lục lọi trong ký ức mình để tôn vinh những kỷ niệm. Khi gạch men ngày càng nhiều chủng loại, ngày càng được cải tiến đẹp hơn, bắt mắt hơn, nhiều mẫu mã hơn, gạch bông tưởng chừng tuyệt chủng thì nay xuất hiện trở lại ở vai trò là đồ trang trí. Những nền nhà lát gạch bông mang nét hoài cổ hay những khu vực phòng khách trong nhà, quán cà phê được ốp gạch vừa mang phong cách vintage mà vẫn thở hơi thở cuộc sống hiện đại. Một sự dung hòa tinh tế để người nay vẫn được thưởng thức phong vị xưa và thỏa mãn cái tình mến yêu kỷ niệm.

Thật may, vẫn còn ai đó luyến nhớ kỷ niệm, nên những xưa cũ được tái hiện, làm phong phú thêm cho đời sống, cũng là để mỗi người không quên cội rễ quê xứ, có một dấu mốc trong lòng để neo về, những khi mệt mỏi bối rối giữa chốn bộn bề của nhân gian.

Trân Mai

(TBKTSG)


Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

 

Thêm bình luận

3000 ký tự


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo

Loading...