Trong số 39 dự án mà TP Hà Nội vừa yêu cầu kiểm tra, theo dõi, xử lý chấm dứt hoạt động do vi phạm pháp luật về đất đai trên địa bàn thì có 4 khu đô thị sẽ chấm dứt hoạt động, 2 dự án khu đô thị bị yêu cầu tiếp tục rà soát, kiến nghị xử lý dứt điểm.
39 dự án nói trên chỉ là con số nhỏ trong tổng số 383 dự án chậm triển khai, có dấu hiệu vi phạm mà Sở TN&MT công bố theo kết quả giám sát của Thường trực HĐND TP Hà Nội.
(Ảnh minh họa. Nguồn: Internet)
Hơn 5 năm trước, Hà Nội cũng đã trình Chính phủ 580 dự án đầu tư xây dựng trên địa bàn TP, trong đó có đến 1/3 các dự án là khu đô thị, nhà ở. Ở thời điểm đó, nhiều người đã lo ngại rằng, Hà Nội sẽ phải triển khai một cuộc tìm kiếm mới về quỹ đất cho các dự án này. Bởi trước đó, khi thực hiện các dự án cho việc mở rộng Thủ đô, một phần không nhỏ quỹ đất của TP đã nhanh chóng được lấp đầy các dự án.
Dù quỹ đất đô thị ngày một thu hẹp, nhưng một nghịch lý vẫn hiển hiện là, quá trình chuyển đổi sử dụng đất đô thị thời gian qua còn rất chậm và nhiều lúng túng, chưa tạo được một quỹ đất “sạch” cần thiết để phát triển đô thị. Câu chuyện không mới nhưng luôn được các nhà đầu tư “kêu” ở nhiều cuộc họp là thiếu đất, thiếu mặt bằng. Trong khi đó, nhiều nơi còn hàng chục héc-ta, hàng nghìn mét vuông đất để không hoặc sử dụng sai mục đích… Thế nên, việc hàng loạt dự án “chiếm chỗ” rồi để đó, sử dụng đất không hiệu quả, chậm tiến độ thực hiện, đã đến lúc, cần phải xem xét, điều chỉnh, thu hồi.
Không chỉ với Hà Nội, các viễn cảnh đô thị hóa trong tương lai của nhiều đô thị ở Việt Nam cũng đang lặp lại tình trạng tương tự: Chiếm chỗ rồi bỏ không! Một nguồn lực rất lớn là đất đai tại các đô thị đã bị các nhóm lợi ích chi phối, phong tỏa, gây lãng phí và mất mỹ quan.
Những tồn tại từ việc sử dụng đất tại các đô thị lớn đang đặt ra cho các nhà quản lý nhiều bài học về vấn đề chuẩn bị các quy hoạch phát triển vùng, tỉnh và chiến lược phát triển cho các đô thị. Các nhà quản lý và hoạch định quy hoạch cần phải có khả năng đánh giá được mức độ thiếu hụt cần bù đắp, khả năng có thể đáp ứng và vượt qua của khu vực phát triển. Nhằm xóa bỏ khoảng cách này, họ cần đánh giá được các nhu cầu thực tế, các rủi ro và chi phí cần được tính toán kỹ lưỡng, chuẩn bị nguồn lực về tài chính, nhân lực và các nguồn lực khác. Các thách thức trong sử dụng đất của tương lai còn phức tạp hơn trong quá khứ. Các chiến lược và chính sách quy hoạch cần giải quyết được cuộc đấu tranh nội bộ trong cả hệ thống nhằm xóa bỏ đói nghèo và cải thiện điều kiện sống và môi trường Việt Nam.
Một vấn đề lớn cần nghiên cứu là tình trạng các dự án rời rạc không kết nối được với nhau, sẽ gây ra những hậu quả gì (như việc phát triển ồ ạt các khu đô thị mới ở Hà Nội thời gian qua)? Chính quyền TP cần có câu trả lời, nhưng chắc chắn nó đang góp phần gây thêm sự hỗn loạn về giao thông và không dựa vào nhau để ra đời các hệ thống đô thị mới theo đúng nghĩa, cho cư dân Hà Nội, TP.HCM.
Đã đến lúc chúng ta phải hỏi sự chia cắt manh mún ấy có đáng gọi là quy hoạch? Hoặc ai, cơ quan nào phải chịu trách nhiệm về tình trạng “thực hiện quy hoạch” kiểu đó?
Ngọc Lý
(Báo Xây dựng)
- Bốn nhóm giải pháp vận động “không xả rác”
- Đô thị Tây Bắc có là Phú Mỹ Hưng thứ hai của TP Hồ Chí Minh?
- Những mảnh đất cỏ ngự
- Dấu ấn kiến trúc Pháp, những gì đọng lại?
- Siêu phố đi bộ
- Những mái nhà xưa
- Từ trận mưa kỷ lục nhìn về đầu tư cho chống ngập của TPHCM
- Sài Gòn lấm lem
- Khơi mở những di sản đô thị
- Hình hài khu phố đi bộ ở Đà Nẵng