Trong lúc Hà Nội đang đối mặt nạn ùn tắc giao thông và quá tải hạ tầng kỹ thuật tại khu vực Hoàn Kiếm thì việc cho xây một công trình cao tầng gần bờ hồ là nghịch lý.
Tiến sỹ Khuất Việt Hùng (ảnh bên), Phó Viện trưởng quy hoạch và Quản lý giao thông vận tải cho rằng, với bất kỳ công trình nào cũng phải xét đến tác động của giao thông trước khi phê duyệt dự án.
Với kinh nghiệm của người có nhiều nghiên cứu về mạng lưới giao thông đô thị Hà Nội, Tiến sỹ Khuất Việt Hùng đã bày tỏ quan ngại khi ngày càng có quá nhiều công trình cao tầng tập trung co cụm tại khu vực nội đô. Các công trình này sẽ chất tải lên mạng lưới giao thông đô thị vốn đã quá tải của Hà Nội.
Tôi không bàn việc xây trung tâm thương mại gần hồ Gươm có nhạy cảm hay không, nhưng dưới góc độ giao thông, việc xây dựng các công trình ở đây cần tính toán kỹ, tránh những tác động xấu.
Xây dựng trung tâm thương mại ở khu vực gần hồ Gươm có thể chấp nhận được, nếu chúng ta cấm xe hơi, hạn chế đến mức tối thiểu lượng phương tiện giao thông công cộng ra vào; hình thành được các tuyến phố đi bộ thì không có vấn đề.
Trung tâm Thương mại Tràng Tiền gần bờ hồ, dù quy mô nhỏ bé như thế, nhưng luôn có rất nhiều xe đỗ chiếm lòng đường, gây ùn tắc. Còn nếu chúng ta xây dựng một trung tâm thương mại, văn phòng cho thuê lớn thì phải giải quyết được các câu hỏi: “Hoạt động gì sẽ diễn ra trong trung tâm thương mại ấy? Giao thông để đến trung tâm thương mại được giải quyết bằng phương thức nào?...”.
Về mặt nguyên tắc phải có đánh giá tác động giao thông trong từng giai đoạn phát triển.
Nếu bây giờ giai đoạn một, chỉ xây dựng trung tâm thương mại thấp tầng từ 2-3 tầng thôi như trường hợp Trung tâm Thương mại Tràng Tiền thì trước mắt có thể hợp lý. Nhưng thiết kế công trình từ 12 đến 16 tầng thì lại khác.
Thiết kế như thế sẽ ảnh hưởng đến cái lõi của Thủ đô. Trái tim Thủ đô là hồ Gươm sẽ bị ảnh hưởng.
UBND TP Hà Nội nên đề nghị có một cơ quan nghiên cứu độc lập, đánh giá tác động giao thông khi chấp thuận dự án ở khu vực này. Chúng ta đủ năng lực để đánh giá tác động giao thông của công trình đó đối với toàn bộ mạng lưới giao thông của khu vực xung quanh hồ Gươm.
- Ảnh bên : Bên Hồ Gươm đã có Tràng Tiền Plaza, có cần phải xây thêm Trung tâm Thương mại nữa không (Ảnh: Phạm Yên)
Chúng tôi đã từng có đánh giá tác động mạng lưới giao thông của khu vực tây Hồ Tây. Qua đánh giá cho thấy, khu vực này nếu xây dựng nhiều cao ốc thì chức năng của đường vành đai 2, vành đai 2 rưỡi, vành đại 3 bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
Vì lưu lượng giao thông quá lớn mà cái nút giao bằng quá nhiều, dày đặc sẽ đe dọa nghiêm trọng chất lượng giao thông các đường vành đai.
Xây dựng đô thị với mật độ cao thì phải giải quyết nhiều vấn đề liên quan hiệu quả kinh tế, đặc biệt tại các khu đất vàng; mật độ cao phải gắn liền với năng lực lớn.
"Tôi không bàn việc xây trung tâm thương mại gần hồ Gươm có nhạy cảm hay không, nhưng dưới góc độ giao thông, việc xây dựng các công trình ở đây cần tính toán kỹ, tránh những tác động xấu." |
Nếu chưa có hệ thống vận tải công cộng gắn liền với những trung tâm mật độ cao như thế thì nên hạn chế thay vì cho xây.
Khi các trung tâm thương mại, văn phòng cho thuê này ra đời, nó là nguồn phát sinh thu hút nhu cầu giao thông. Việc đến đó và đi sẽ làm tăng lưu lượng giao thông trên đường phố hiện tại trong khu vực trung tâm và đường đến khu vực trung tâm.
Có người nói, ở TPHCM trong khu trung tâm thành phố ít ùn tắc giao thông, nhưng thực ra người ta muốn đến khu trung tâm thì đã tắc ở ngoài nên vào trung tâm không tắc nữa.
Ở Hà Nội cũng rất dễ xảy ra như vậy, khi các công trình cao ốc tập trung khu trung tâm, dẫn đến nhiều người muốn vào trung tâm nên ùn tắc từ ngoài cửa ngõ đến trung tâm.
Các chủ đầu tư có quyền xây dựng công trình trên đất của mình, nhưng họ không có quyền xâm phạm lợi ích toàn bộ nhân dân thành phố để có một hệ thống giao thông thông suốt.
Nguyễn Tú (ghi)
>>
- Từ Singapore nghĩ về Hà Nội
- Không gian văn hóa Hồ Gươm: Đừng đè thêm lên
- Những sai lầm trong thiết kế gây ra tai họa
- Cần bao lâu để nhà ống nhường chỗ cho đô thị sinh thái?
- Người nghèo tái định cư sập bẫy cò nhà đất
- Hà Nội - Những lưu ý nhỏ không chỉ dành cho ngày hội lớn
- Khoảng thở thị dân
- Trào lưu tiếp thị mới của bất động sản cao cấp
- Ngôi nhà “cổ nhất Hà Nội”: “Tôi đã nghĩ, thế nào cũng có lúc bị cháy!”
- Áp lực bảo tồn di sản