Để thu hút nguồn vốn nhàn rỗi của người dân khi nhận tiền đền bù giá trị sử dụng đất, chính quyền nên khuyến khích họ cùng góp vốn để xây dựng cơ sở hạ tầng. Điều này giúp tiến độ xây dựng cơ sở hạ tầng được thực hiện nhanh hơn.
Đó là đề xuất của thạc sĩ Đoàn Kim Thành, Viện nghiên cứu phát triển TPHCM, đưa ra trong buổi hội thảo “Phát triển đô thị bền vững” được tổ chức ngày 17-5 tại TPHCM.
Đề xuất này được một số ý kiến tại hội thảo đồng tình, bởi nếu áp dụng thành công, sẽ là phương thức hiệu quả để huy động các nguồn vốn cho xây dựng cơ sở hạ tầng.
- Ảnh bên : Công trình đường chui Nguyễn Hữu Cảnh, TPHCM (Ảnh: Minh Khuê)
Theo đó, người dân trong khu vực bị giải tỏa thay vì nhận một số tiền đền bù lớn thì nên khuyến khích họ nhận một phần đền bù, phần còn lại thay vì nhận tiền họ sẽ nhận cổ phần hay trái phiếu chuyển đổi của công ty kinh doanh hạ tầng.
Đây là cổ phần ưu đãi hoặc có những chế độ ưu đãi khác để khuyến khích người có tiền đền bù tham gia. Điều này vừa có lợi cho người dân vừa giúp nhà đầu tư có tiền để đẩy nhanh việc xây dựng.
Ông Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường nói rằng việc huy động vốn trong dân là rất cần thiết, bởi trong vài năm trở lại đây tình trạng người dân sử dụng tiền đền bù không hiệu quả đã kéo theo những hệ lụy như con cái lâm vào tệ nạn, không có công ăn việc làm và việc này đang trở thành vấn nạn ở một số địa phương.
Ông Võ phân tích khi người dân tham gia góp vốn ngoài lợi ích về cổ tức, giá trị cổ phần mà người dân nắm giữ sẽ tăng lên đáng kể khi công ty hoạt động có hiệu quả. Cùng với sự phát triển của thị trường chứng khoán, việc người dân góp vốn xây dựng hạ tầng là điều kiện để họ chuyển nhượng lại với giá trị cao hơn nhiều lần so với giá đền bù.
Tuy nhiên, để thực hiện được điều này cần phải có sự hỗ trợ từ chính quyền và các công ty.
Thứ nhất, việc bồi thường giải tỏa mặt bằng phải cùng một lúc, tránh tình trạng kéo dài gây mâu thuẫn cho người dân trước và sau giải tỏa.
Trong thời gian đầu khi công ty hoạt động chưa có lợi nhuận, mức độ chia lợi nhuận cho người dân góp vốn phải dựa trên lãi suất ngân hàng thậm chí có thể cao hơn để thu hút vốn vì người dân sẽ so sánh giữa việc gửi tiết kiệm ngân hàng và đầu tư vào lĩnh vực hạ tầng.
Thứ hai, về phía nhà nước cần đảm bảo đồng vốn cho người dân khi công ty làm ăn thua lỗ có như vậy thì họ mới yên tâm góp vốn. Ngoài ra, việc thí điểm mô hình này chỉ nên chọn những dự án vừa phải để số lượng người tham gia góp vốn bằng tiền bồi thường giá trị quyền sử dụng đất không quá lớn.
Hiện nay, việc huy động các nguồn vốn để xây dựng cơ sở hạ tầng đang gặp nhiều khó khăn. Theo ước tính của Sở Giao thông vận tải TPHCM, mỗi năm thành phố cần đầu tư khoảng 1 tỉ đô la Mỹ (gần 20.000 tỉ đồng) để phát triển hạ tầng giao thông đô thị. Trong khi đó ngân sách của thành phố đầu tư cho cơ sở hạ tầng mỗi năm chỉ vào khoảng 5 ngàn tỉ đồng.
Anh Quân
- Chỉnh trang đô thị, mạnh ai nấy làm
- Hoang phí nhà làng
- Làm đô thị vệ tinh - không quá khó
- Phải tìm giải pháp tốt hơn “miếng bánh” phố cổ
- Quy hoạch đô thị: Những khái niệm bị lật nhào
- Lợi tiền tỉ từ những toà nhà tiết kiệm được năng lượng
- Huế: Văn hóa Phật giáo và sản phẩm du lịch
- Đi tìm một mô hình chợ cho Hà Nội
- Ai giàu lên từ chỉnh trang đô thị?
- “Biệt thự” Pháp ở Hà Nội