Ashui.com

Tuesday
Nov 05th
Home Tương tác Góc nhìn Hoang phí nhà làng

Hoang phí nhà làng

Viết email In

Lên các xã vùng cao huyện Bắc Trà My (Quảng Nam), thấy ven đường có những sườn nhà xiêu vẹo, xung quanh cỏ lác mọc um tùm. Khi được hỏi, người dân địa phương thở dài: “Nhà làng truyền thống đó”.

Nhà hoang

Nhà làng thôn 2 xã Trà Giác đang trong tình trạng “ba không”: không mái, không phên, không sàn, người dân địa phương linh hoạt dùng làm …giàn mướp và cột trâu bò. Còn tại thôn 2 xã Trà Giáp, có một nhà mái chưa hỏng hết đang được những công nhân xa nhà làm nơi ở tạm.

Được biết, năm 2004, HĐND huyện Bắc Trà My thông qua đề án xây dựng Nhà làng truyền thống các dân tộc thiểu số. Đề án đưa ra nhiều mục tiêu rất tích cực như: nhà làng là biểu tượng đặc trưng chứa đựng các yếu tố giá trị văn hoá vật thể và phi vật thể; tạo ra nơi hội họp, giao lưu, sinh hoạt trao đổi kinh nghiệm trong sản xuất và đời sống… của các dân tộc địa phương.

  • Ảnh bên : Nhà làng truyền thống tại thôn 1 xã Trà Giang, huyện Bắc Trà My. 

Kế hoạch trong 5 năm tới xây dựng 40 nhà, tại 40 thôn ở các xã vùng dân tộc thiểu số của huyện. Theo đó, nhà làng xây dựng theo kiểu nhà sàn, sườn gỗ, mái lợp lá hoặc lợp tôn, phên sàn khép ván hoặc tre nứa. Kinh phí, huyện và tỉnh hỗ trợ mỗi nhà 14 triệu đồng, còn lại do dân đóng góp.

Đến năm 2007, chỉ mới triển khai xây dựng được 17/40 nhà. Người dân ở vùng dân tộc Bắc Trà My đa số nghèo khó, nhận hàng cứu trợ, cho không thì được chứ huy động đóng góp lâu nay rất hiếm. Do vậy làm nhà làng chủ yếu từ nguồn hỗ trợ ít ỏi vỏn vẹn 14 triệu đồng của nhà nước.

Trong 17 nhà triển khai xây dựng, có 14 nhà được xây dựng cơ bản khép kín, có mái lợp, có phên và đưa vào sử dụng; còn lại 3 nhà làm dở dang, chỉ mới làm xong phần gỗ đã hết kinh phí. Tất cả 14 nhà làm xong cũng đều tạm bợ, kết cấu yếu lại không được bảo quản, đưa vào sử dụng chỉ trong vòng vài tháng nhiều nhà đã hư hỏng. Đến nay, chỉ vài ba nhà còn một ít mảnh mái lợp và phên nhưng đều tả tơi, còn lại hầu hết đều trơ trọi không người lui tới, quạnh hiu như nhà hoang. 

  • Ảnh bên : Nhà làng truyền thống tại thôn 2 xã Trà Giác, huyện Bắc Trà My. 

Nâng mức đầu tư, cũng chẳng ra nhà làng

Cuối năm 2007, nhận thấy việc thực hiện đề án ngày càng không khả thi, huyện Bắc Trà My vận dụng kết hợp với nguồn kinh phí Chương trình 134 nâng mức hỗ trợ xây dựng mỗi nhà lên 40 triệu đồng (gấp gần 3 lần so với mức cũ) và giao chỉ tiêu kế hoạch xây dựng 5 nhà trong năm 2008.

Cả hai năm 2008 - 2009, chỉ có 1 nhà tại xã Trà Nú và 1 nhà tại làng Tân Hiệp, xã Trà Sơn do hai địa phương này rất quyết tâm và huy động được sự đóng góp của dân nên đã xây dựng hoàn tất đưa vào sử dụng. Còn lại 3 nhà xây dựng dở dang thậm chí vẫn chưa xây dựng.

Nguyên nhân cũng là do kinh phí hỗ trợ quá ít, không huy động được dân đóng góp. Sau đợt giám sát của ngành chức năng huyện giữa năm 2009, việc triển khai xây dựng ba nhà còn lại được tiếp nối. Tuy vậy, những căn nhà xây dựng hoàn thành từ nguồn kinh phí nâng lên gấp gần 3 lần cũng chẳng thể hiện được nét truyền thống của người dân bản địa. Có nhà lợp tôn, có nhà lợp tôn giả ngói, kết cấu yếu, chẳng được trang trí hoa văn hay chứa đựng được các yếu tố văn hóa truyền thống và chưa thực sự tương xứng với tên gọi “Nhà làng truyền thống”.

Tổng kinh phí Nhà nước đầu tư vào đề án nhà làng này là gần nửa tỷ đồng, đối với một huyện miền núi nghèo như Bắc Trà My là khoản tiền không nhỏ. Mới chỉ có 22/40 nhà được triển khai xây dựng so với kế hoạch ban đầu. 5 nhà hiện đang được sử dụng, 3 nhà xây dựng dở dang vì không đủ nguồn; có đến 14 nhà hư hỏng đang trống hoác … 

Thuỳ Trang

 

Thêm bình luận


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo