Ý tưởng hình thành trục Thăng Long và chuyển trung tâm hành chính lên Ba Vì đã không thuyết phục được nhiều đại biểu khi đồ án quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, được Quốc hội thảo luận tại tổ chiều 3/6.
Khẳng định sự cần thiết phải có quy hoạch xứng tầm để xây dựng Thủ đô văn minh hiện đại, song nguồn lực tài chính và vấn đề tổ chức thực hiện vẫn là nỗi băn khoăn lớn của hầu hết các góp ý.
Mặt khác, "ý kiến của đại biểu sẽ được ghi nhận, tiếp thu như thế nào, bởi Quốc hội sẽ không ra nghị quyết về vấn đề này và việc Quốc hội cho ý kiến về một đồ án quy hoạch chung chưa được pháp luật quy định" cũng là vấn đề được một số vị đại biểu đặt ra.
- Ảnh bên : Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Thế Thảo trong "vòng vây" của báo chí, chiều 3/6 (Ảnh: LQP)
“Không được suôn sẻ”
Theo phân tích của Phó thủ tướng Chính phủ Phạm Gia Khiêm thì trục Thăng Long và trung tâm hành chính là hai vấn đề “không được suôn sẻ lắm” tại đồ án.
Vì, trục Thăng Long rất gần trục Láng - Hòa Lạc, chỉ cách nhau có 4km. “Ý kiến cá nhân tôi không đồng ý đặt trục Thăng Long như thế, quá tốn kém. Nên chăng nghiên cứu một trục khác phù hợp hơn”, Phó thủ tướng nói.
Với trung tâm hành chính quốc gia, Phó thủ tướng phân vân vì “trụ sở Bộ Tài chính đã xây to tướng trong nội thành rồi. Các bộ khác cũng đã nhắm không gian quy hoạch riêng. Công trình Bộ Ngoại giao đang xây dựng là công trình thế kỷ có phải một chốc một lát mà dời đi được đâu”.
Phó chủ tịch Quốc hội Huỳnh Ngọc Sơn băn khoăn, tại sao lại có trục Thăng Long quy mô như vậy với điểm đầu là Hồ Tây, điểm cuối là Ba Vì. “Nếu chỉ làm đến núi để chơi thì không ai làm như thế. Chắc chắn nó liên quan đến ý tưởng điểm cuối là trung tâm hành chính quốc gia. Có ý gì đó mà người làm quy hoạch chưa nói ra.”.
Đại biểu Nguyễn Minh Thuyết thì cho rằng “ở Việt Nam không có trung tâm hành chính phi chính trị”.
Còn theo phản ánh của đại biểu Huỳnh Văn Tiếp, dư luận bức xúc vì cả nước đang chuẩn bị 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội, sao lại bàn thay đổi trung tâm hành chính quốc gia. “Cá nhân tôi thì không đồng tình vì mất nhiều kinh phí, đi lại cũng không phù hợp”, đại biểu Tiếp nói.
Chỉ ra hai điểm khác của đồ án này so với quy hoạch Thủ đô trước đây chính là trục Thăng Long và trung tâm hành chính, song đại biểu Nguyễn Văn Thuận “không tán thành vì lãng phí”.
Ngay tại đoàn “chủ nhà” Hà Nội, một số ý kiến cũng tỏ ra hoài nghi về lý do làm trục Thăng Long và tính khả thi của việc chuyển trung tâm hành chính quốc gia lên Ba Vì.
Minh họa trục Thăng Long trong Đồ án QHC Xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 tầm nhìn 2050
(nguồn: Ashui.com)
Thiếu tiền không sợ bằng phí tiền
Con số 90 tỷ USD cho hạ tầng khung của phương án tài chính tại đồ án đã thu hút sự quan tâm đặc biệt của các vị đại biểu. Nhiều ý kiến đề nghị Chính phủ cần làm rõ trong tổng đầu tư đó thì Hà Nội cân đối bao nhiêu, vay bao nhiêu, rồi tác động đến nợ quốc gia cùng bội chi ngân sách… thế nào?
Cho rằng đây là vấn đề “dời non lấp bể”, đại biểu Nguyễn Phụ Đông dự liệu con số khi thực hiện phải gấp rưỡi 90 tỷ USD, trong khi gần 56 tỷ USD cho đường sắt cao tốc cũng đã thấy “xót xa rồi”.
Hơn nữa nếu tổ chức thực hiện không đồng bộ thì lãng phí là không thể tính hết chứ không chỉ là 90 tỷ USD, vị đại biểu này lo ngại.
Một điều nữa cũng khiến nhiều đại biểu hết sức băn khoăn là những tác động không đúng đắn của các nhóm lợi ích, ảnh hưởng tới các định hướng của quy hoạch.
Đại biểu Phạm Thị Loan nói, “trục Thăng Long được đưa vào quy hoạch này có vẻ như là hợp thức hóa những dự án đã cấp phép và có cái gì đó không bình thường”. 90 tỷ USD không biết lấy ở đâu ra, như nhiều ý kiến khác, đại biểu Loan lo ngại.
- Ảnh bên : Sau khi nghe Chính phủ báo cáo, đại biểu xem sa bàn và thảo luận về quy hoạch thủ đô Hà Nội (Ảnh: VnExpress)
Trao đổi với PV ngay khi đồ án vừa được trình Quốc hội vào sáng 2/6, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội cho biết, vì ngân sách có hạn nên sẽ huy động vốn bằng nhiều hình thức như BT, BOT, PPP (công - tư hợp doanh). Vừa rồi Hà Nội đã đề nghị và Thủ tướng cũng đã đồng ý cho áp dụng hình thức PPP.
Tuy nhiên, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Hà Văn Hiền cho rằng “tạm thời để vấn đề tài chính sang một bên, phải bắt đầu từ mục tiêu mà quyết định làm cái gì để đạt mục tiêu đó, chứ cứ nói bao nhiêu tỷ thì không phù hợp".
Ở một góc nhìn khác, đại biểu Nguyễn Minh Thuyết cho rằng, nếu 90 tỷ USD mà ta xây được một thành phố bề thế, hiện đại thì cũng không sao. Nhưng vấn đề là lấy tiền ở đâu ra. "Nếu Nhà nước lại xắn tay lên bao cấp hết, giải phóng mặt bằng, mở đường, lại đền bù rồi mời bà con đến mua, đến ở thì tôi nghĩ không ngân sách nào chịu nổi, nhất là ngân sách của nước ta", ông nói.
Đại biểu Thuyết cũng đề nghị Chính phủ cho tổng kết các đề án cũ. Vì từ năm 1954 đến nay đã có 6 lần quy hoạch Thủ đô, làm hoành tráng nhưng chưa lần nào làm đầy đủ, nghiêm túc, vậy các đề án đó có khuyết điểm gì, hay do quá trình thực hiện, đề án mới này khắc phục được gì?
Nguyên Hà
>>
- Giá trị thực của bất động sản: Khách hàng quyết định
- Ngẫm về cái giá phải trả của đồ án Quy hoạch nửa vời
- Vấn đề giao thông đô thị: Không chỉ là ùn tắc
- Những tòa nhà tiết kiệm năng lượng
- Nhiều ý kiến trái chiều về căn hộ siêu nhỏ
- Quy hoạch Hà Nội: Phi lý trở thành hợp lý?
- Ngành xây dựng - Nút thắt hành chính đã được gỡ?
- Rót 4.000 tỷ, sinh viên vẫn chờ nhà ở
- Chỉnh trang đô thị, mạnh ai nấy làm
- Hoang phí nhà làng