Việt Nam đang đứng trước 2 vấn đề lớn: bảo đảm an ninh năng lượng (NL) và ứng phó với biến đổi khí hậu. Cả 2 vấn đề này có chung một giải pháp: sử dụng NL tiết kiệm và hiệu quả.
Từ hệ thống điều hòa...
Để đảm bảo an ninh NL quốc gia, VN không chỉ cần có chính sách phát triển các nguồn NL tái tạo từ mặt trời, gió, địa nhiệt hay các nguồn NL sinh khối từ phế phẩm nông nghiệp... mà còn cần tiết kiệm năng lượng (TKNL). Hiện Quốc hội đang thảo luận, đóng góp ý kiến cho Luật Sử dụng NL tiết kiệm và hiệu quả, điều này cho thấy tầm quan trọng của việc TKNL.
- Ảnh bên : Trụ sở của Unilever Việt Nam ở khu đô thị mới Phú Mỹ Hưng (quận 7) được trao giải 1 thể loại "Tòa nhà mới xây từ 5 năm trở lại" trong cuộc thi "Tòa nhà hiệu quả năng lượng-2009" (Ảnh: Kinh Luân)
Thực ra, TKNL không khó, có nhiều giải pháp, trong đó có giải pháp không tốn đồng vốn đầu tư nào cả. Theo thạc sĩ Huỳnh Kim Tước, Giám đốc Trung tâm TKNL TP.HCM (ECC-HCM), chỉ cần mỗi người nhận thức đúng về sử dụng NL thì có thể tiết kiệm được từ 5 - 10% lượng điện tiêu thụ. Ông Tước cho biết, trong các tòa nhà văn phòng, hệ thống điều hòa nhiệt độ là thiết bị tiêu tốn điện nhiều nhất. Một thực tế đang diễn ra phổ biến trong các cơ quan công sở, đó là còn có nhiều người không bận tâm đến việc cài đặt nhiệt độ là bao nhiêu cho hợp lý. "Ít ai biết rằng, chỉ cần cài đặt tăng 1 độ C là sẽ tiết kiệm được 2% lượng điện tiêu thụ. Nếu để máy điều hòa ở 25 độ C thay vì 20 độ C, chúng ta đã tiết kiệm được 10% lượng điện tiêu thụ" - ông Tước nói.
... đến người đứng đầu đơn vị
Ông Huỳnh Kim Tước nhận định, để thực hiện tốt TKNL, điều tiên quyết là con người phải được trang bị đầy đủ kiến thức về TKNL, và đối với doanh nghiệp (DN), bài toán TKNL trước hết bắt đầu từ giám đốc. Theo khảo sát của ECC-HCM, phần lớn các nhà quản lý không nắm rõ chi phí NL cho DN mình là bao nhiêu và giám đốc DN thường không phải là người đề xuất các giải pháp TKNL. Hơn nữa, quan điểm của nhà quản lý DN thường là ngại thay đổi công nghệ (máy móc cũ quá nếu sửa chữa thì tốn kém nhiều, ảnh hưởng tới tình hình sản xuất kinh doanh, nhà xưởng chật chội, chưa có vốn,...). Vì vậy, một chương trình đào tạo chuyên nghiệp về TKNL do ECC-HCMC và Tổ chức Tài chính quốc tế (IFC) hợp tác xây dựng nhằm giúp cho giám đốc và kỹ thuật viên trong DN hiểu đúng bản chất TKNL, đồng thời xây dựng hệ thống quản lý NL tại DN.
Nhiều DN khách sạn còn thực hiện TKNL để hướng đến chứng chỉ xanh, bởi vì khách du lịch nước ngoài, đặc biệt là khách đến từ châu Âu có xu hướng lựa chọn các khách sạn có các chứng chỉ về bảo vệ môi trường. Anh Nguyễn Đông Hòa - Phó giám đốc khách sạn Caravelle - TP.HCM (đoạt giải nhì Tòa nhà hiệu quả NL năm 2009, loại hình tòa nhà cải tạo lại) cho hay lúc đầu mục đích TKNL của DN là để giảm chi phí, nhưng giờ thì nó là một phần của chương trình bảo vệ môi trường mà khách sạn đang triển khai thực hiện. |
Một khi giám đốc DN đã nhận thức đầy đủ, quyết tâm thực hiện TKNL, thì việc trước tiên là phải thực hiện kiểm toán NL, tức là đánh giá các hệ thống, thiết bị, công nghệ sử dụng NL, tìm ra những nguyên nhân gây tổn thất NL của hệ thống thiết bị, từ đó đưa ra các giải pháp nâng cao hiệu suất sử dụng NL và giảm chi phí NL cho DN. Ông Nguyễn Thanh Toàn, chuyên viên kỹ thuật của ECC-HCM cho biết, tiềm năng TKNL của nhiều ngành sản xuất ở VN là khá lớn, từ 20-50%, như các ngành nông nghiệp, sản xuất xi măng, gốm, dệt may và các tòa nhà thương mại. Còn trong các hệ thống sử dụng NL hiện nay tại VN, tiềm năng TKNL lớn nhất là ở hệ thống điều hòa không khí (40%) và hệ thống chiếu sáng (30%).
Những mô hình từ DN
Nhằm tôn vinh những DN có các công trình, tòa nhà hiệu quả NL và tìm kiếm các mô hình tòa nhà kiểu mẫu, Bộ Công thương, Bộ Xây dựng, UBND TP. HCM phối hợp tổ chức cuộc thi “Tòa nhà hiệu quả NL”. Năm nay, cuộc thi “Tòa nhà hiệu quả NL" Đông Nam Á lần thứ IV, do Trung tâm NL Đông Nam Á tổ chức, diễn ra vào tháng 6 tại VN. Đặc biệt cuộc thi năm 2010 là giải thưởng dành riêng cho kiến trúc sư, nhằm nâng cao vai trò và tầm quan trọng của kiến trúc sư có những công trình kiến trúc xanh, sử dụng NL tiết kiệm, hiệu quả.
- Ảnh bên : resort Tiến Đạt Mũi Né - Bình Thuận
Sau 3 năm tổ chức, cuộc thi đã thu hút trên 100 tòa nhà dự thi, qua đó đã có những mô hình TKNL từ một số DN đoạt giải. Câu chuyện ở cao ốc The Landmark - TP.HCM (do Tập đoàn Peninsula Properties quản lý) cho thấy hiệu quả của sự đầu tư cho TKNL. Kỹ sư trưởng Nguyễn Thành Vinh (cao ốc The Landmark) cho biết, khi giá cả trên thị trường có những biến động, tập đoàn đã có chủ trương giảm 20% NL tiêu thụ. Anh Vinh kể: "Công việc đầu tiên là mời Trung tâm TKNL TP.HCM đến để kiểm toán NL. Sau đó, chúng tôi đã có bước tiếp theo là đầu tư thay thế toàn bộ hệ thống đèn chiếu sáng bằng loại bóng đèn có hiệu suất cao. Kết quả ban đầu là giảm được 3% tổng lượng điện năng tiêu thụ. Từ kết quả phấn khởi này, chúng tôi tiếp tục đầu tư thay thế toàn bộ hệ thống máy bơm nước thế hệ cũ sang thế hệ mới, có hiệu suất cao. Kết quả năm 2009 đã tiết kiệm được từ 7-10% điện năng tiêu thụ so với năm 2008 và 3 tháng đầu năm 2010 đã tiết kiệm được 5% so với cùng kỳ năm 2009. Năm nay, chúng tôi đầu tư thay thế hệ thống máy lạnh và hy vọng từ tháng 7, tháng 8 tới sẽ tiết kiệm được 30% NL tiêu thụ". Kết quả này đã giúp The Landmark đoạt giải nhất “Tòa nhà hiệu quả NL” năm 2009, loại hình tòa nhà cải tạo lại.
Ở resort Tiến Đạt Mũi Né - Bình Thuận (đoạt giải ba “Tòa nhà hiệu quả NL” năm 2009, loại hình tòa nhà nhiệt đới), ngay từ khi bắt đầu triển khai dự án, Ban điều hành đã tính đến việc thiết kế sao cho ít tiêu tốn NL nhất. Ông Trần Trọng Nho (Giám đốc điều hành resort Tiến Đạt Mũi Né) cho biết, toàn bộ máy nước nóng ở resort đều sử dụng NL mặt trời; các phòng đều được lắp đặt kính lấy ánh sáng tự nhiên, để ít sử dụng đèn chiếu sáng vào ban ngày; xung quanh resort trồng nhiều cây xanh để giảm bớt ánh nắng mặt trời chiếu trực tiếp vào các phòng, giúp giảm sử dụng NL cho máy điều hòa nhiệt độ. Hệ thống chiếu sáng của resort đều được kiểm soát về thời gian tắt, mở đèn và được sử dụng tối đa bằng bóng đèn tiết kiệm điện. Chi phí NL chiếm từ 7-10% trong doanh thu của DN và khi áp dụng các giải pháp TKNL, DN này đã giảm được khoảng 30% chi phí cho NL.
Mai Vọng
>>
- Khi ODA là dự án dân sinh
- Chúng tôi viết bài: “Băm nát quy hoạch trước ngày Thủ đô mở rộng”
- Giá trị thực của bất động sản: Khách hàng quyết định
- Ngẫm về cái giá phải trả của đồ án Quy hoạch nửa vời
- Vấn đề giao thông đô thị: Không chỉ là ùn tắc
- Nhiều ý kiến trái chiều về căn hộ siêu nhỏ
- Vì sao trung tâm hành chính quốc gia phải lên tận Ba Vì?
- Quy hoạch Hà Nội: Phi lý trở thành hợp lý?
- Ngành xây dựng - Nút thắt hành chính đã được gỡ?
- Rót 4.000 tỷ, sinh viên vẫn chờ nhà ở