Việc đề xuất xây dựng thí điểm căn hộ 20 mét vuông của Công ty TNHH địa ốc Đất Lành đang được nhìn dưới nhiều góc độ khác nhau, trong đó một số ý kiến cho rằng chỉ nên phát triển mô hình này theo một tỷ lệ nhỏ trong các dự án nhà ở chung cư thương mại, chứ không thể phát triển độc lập như các dự án khác.
Liên quan đến đề xuất này, Bộ Xây dựng cũng vừa có văn bản đề nghị UBND TPHCM xem xét, đánh giá nhu cầu thực tế căn hộ 20 mét vuông, và nếu thấy cần thì có thể cho phép xây dựng thí điểm với một tỷ lệ hợp lý trong nhà ở chung cư thương mại.
Ông Lê Chí Hiếu, Tổng giám đốc Công ty Phát triển nhà Thủ Đức (Thuduc House), cho rằng nếu cho phép phát triển căn hộ 20 mét vuông giới hạn trong một tỷ lệ 10-15% trên tổng số căn hộ của dự án thì có thể chấp nhận được. Còn nếu xây dựng như những dự án khác thì không khả thi và không nên phát triển loại hình căn hộ này.
- Ảnh bên : Một góc căn hộ mẫu 20 mét vuông của Công ty địa ốc Đất Lành ở TPHCM (Ảnh: Đình Dũng)
Dưới góc nhìn của nhà đầu tư, ông Hiếu cho rằng xét về mặt kỹ thuật khi làm căn hộ có diện tích quá nhỏ thì chi phí sẽ tăng do phát sinh thêm hệ thống kỹ thuật, khiến giá thành sẽ tăng thêm chứ không hề rẻ đi như nhiều người nghĩ. Ngoài ra, với căn hộ quá nhỏ, số dân sinh sống sẽ đông hơn nên các chỉ tiêu về thiết kế trong tòa nhà như tiện ích công cộng cũng phải thiết kế sao cho đảm bảo nhu cầu tối thiểu vì nếu làm quá sơ sài thì có thể sẽ biến thành ổ chuột trên không. Hơn nữa, xét về mặt kiến trúc cũng không ổn vì mỗi căn hộ đương nhiên phải có cửa sổ, và do số lượng căn hộ nhiều nên bộ mặt của dự án sẽ rất xấu vì quá nhiều cửa.
Theo ông Hiếu, loại căn hộ này chỉ có một điểm lợi duy nhất là giá bán căn hộ thấp, vừa túi tiền của nhiều người vì diện tích căn hộ quá nhỏ.
Ở một góc nhìn khác, ông H. V, giám đốc công ty địa ốc T. B, cho rằng thành phố cần mạnh dạn cho thí điểm mô hình này, vì thực tế nhu cầu về nhà ở rất lớn, nhưng đại đa số lại không đủ tiền để mua. Vấn đề hiện nay là chấp nhận mô hình này hay cứ để dân phải ở nhà ổ chuột, nhà trọ. “Theo tôi ai làm tốt, làm được cứ cho làm, không cần phải khống chế. Chỗ nào nhếch nhác thì kiểm tra xử phạt. Chế tài thật nghiêm thì vẫn giải quyết được vấn đề”, vị giám đốc này nói.
Tuy nhiên, vị giám đốc này cho biết công ty ông sẽ không tham gia vào phân khúc này vì đã định vị phân khúc thị trường của mình là những dự án căn hộ 50 mét vuông trở lên.
Trao đổi về vấn đề này, kiến trúc sư Nguyễn Văn Tất cho rằng loại hình căn hộ này không thể tồn tại một cách độc lập mà phải nằm trong một dự án nhà ở chung cư nào đó.
Theo ông Tất, thành phố nên dành hoặc chỉ định những khu vực có quy hoạch hẳn hoi để phát triển dự án phù hợp với loại hình căn hộ nhỏ. Đó là những cụm dân cư chuyển tiếp trong phát triển đô thị. Và dĩ nhiên những khu vực này cần có sự đầu tư về hạ tầng giao thông công cộng, hạ tầng xã hội.phù hợp với mức sống và nhu cầu đi lại của người ở xa trung tâm hoặc các điểm sử dụng lao động tập trung. “Theo tôi, căn hộ 20 mét vuông hoặc thậm chí nhỏ hơn vẫn có thể ra đời, nhưng quan trọng là thiết kế phù hợp và làm trong điều kiện cụ thể nào”, ông Tất phát biểu.
“Tại sao mình lại không cho người mua nhà được quyền quy hoạch kinh tế gia đình của họ qua việc chấp nhận sống ở khu đô thị chuyển tiếp, trong căn hộ nhỏ, phù hợp với thu nhập hiện tại, và 5-10 năm sau này có điều kiện sẽ chuyển sang căn hộ rộng hơn. Khi đó, khu dân cư chuyển tiếp này lại phục vụ cho những lớp cư dân mới”, ông Tất đặt vấn đề.
Đình Dũng
>>
- Chúng tôi viết bài: “Băm nát quy hoạch trước ngày Thủ đô mở rộng”
- Giá trị thực của bất động sản: Khách hàng quyết định
- Ngẫm về cái giá phải trả của đồ án Quy hoạch nửa vời
- Vấn đề giao thông đô thị: Không chỉ là ùn tắc
- Những tòa nhà tiết kiệm năng lượng
- Vì sao trung tâm hành chính quốc gia phải lên tận Ba Vì?
- Quy hoạch Hà Nội: Phi lý trở thành hợp lý?
- Ngành xây dựng - Nút thắt hành chính đã được gỡ?
- Rót 4.000 tỷ, sinh viên vẫn chờ nhà ở
- Chỉnh trang đô thị, mạnh ai nấy làm