Ashui.com

Sunday
Dec 15th
Home Tương tác Góc nhìn Hay, dở - nhìn vào công cộng

Hay, dở - nhìn vào công cộng

Viết email In

Chợt nhìn thấy cái nọ cái kia ở nước người ta, bất giác nghĩ về, liên tưởng đến nhà mình - là tâm trạng của người du ngoạn.

Mùa thu năm ngoái tôi có dịp đi qua vài nước châu Âu...

Không thể bình yên hơn

Mới tháng 9, Helsinki, thủ đô Phần Lan, đã 14-15 độ C, se lạnh, trời lúc nào cũng đầy mây xám, rất hiếm nắng. Mùa thu phương Bắc buồn như mùa đông xứ mình. Đang ngồi uống cà phê ở một quán ngoài trời bên bờ vịnh ăm ắp nước và cũng xám như bầu trời, chợt mưa lắc rắc, vội chạy trú dưới một tán dù. Những con chim sẻ, hải âu... cũng lao vào tránh mưa, chúng giành chỗ rất thành thạo, đá nhau hăng, kêu chí chóe, đậu lên vai, lên đầu tôi... Lần đầu tiên tôi cảm thấy những con vật nhỏ bé này có thể xua đuổi được con người, hay dưới bầu trời nơi đây người phải nhường nhịn chúng. Xung quanh tôi lúc đó bầy ngỗng trời vẫn thong thả ăn cỏ, cả bờ vịnh không một bóng người - càng làm cho ta tưởng thế giới này thuộc về các loài chim.


Những con ngỗng trời bên bờ vịnh Phần Lan

Có lẽ cảm nhận về thiên nhiên như vậy rõ nét hơn khi nhìn các khẩu hiệu kêu gọi bảo vệ môi trường, động vật hoang dã treo chi chít ở quê nhà, nơi thịt chim luôn là món khoái khẩu. Phải rồi, nơi nào càng ít thiên nhiên người ta càng hô to gìn giữ nó.

Oulu, thành phố phía bắc Phần Lan, lạnh hơn Helsinki vài độ C và cũng vắng vẻ hơn. Vắng đến nỗi tôi đi suốt một con phố không gặp ai, yên tĩnh đến nỗi ta muốn nói thành tiếng một mình. Chính vì thế những tiếng động nghe như có người gõ cạch, cạch, cạch... mỗi khi qua ngã tư rất rõ. Ở những chỗ đó, vỉa hè (cho người đi bộ) được hạ thấp xuống bằng mặt đường xe ô tô chạy. Và âm thanh cạch, cạch, cạch... lúc vang lên dồn dập để báo (cùng với đèn tín hiệu) cho phép người đi bộ qua đường (bình thường tiếng cạch, cạch... thưa thớt). Cả Oulu đều được thiết kế, xây dựng và lắp đặt các thiết bị như vậy (tốn kém chứ) để phục vụ người tàn tật ngồi xe lăn, kể cả người mù đi phố không cần ai giúp. Những “thành phố vì hòa bình” hay “thành phố sống tốt” ở nước mình không có món này, người già trẻ con không dám ra đường chứ đừng nói tàn tật. Các thành phố của chúng ta chỉ dành cho người có sức cạnh tranh cao, cơ bắp lực lưỡng, “đầu gấu” càng tốt. Phải khỏe khoắn, hung hăng mới sống được!

Nhân chuyện vỉa hè bổ sung luôn, tôi chưa thấy ở đâu như Helsinki cạp thêm vào vỉa hè một làn đường dành cho xe đạp. Nghĩa là người ta phải thu hẹp phần đường của ô tô - quyết định này nâng cao vị thế xe đạp, tức  hạ quyền lợi của ô tô. Nghĩa là nó ngược với cách ứng xử ở xứ mình.


Vỉa hè được cạp thêm cho người đi xe đạp

Hay, dở - nhìn vào công cộng

Một lần cà phê ở khu trung tâm thành phố Oxford (Anh), phố Queen thì phải, tôi ngồi gần hơn nửa giờ nhìn một công nhân vệ sinh môi trường điều khiển chiếc máy phun nước, cọ rửa vỉa hè. Trên diện tích chỉ khoảng 100m2, tiếng máy chạy rầm rĩ, hơi nước phun mù mịt... người đàn ông ra sức đẩy đi kéo lại chiếc máy... khiến tôi thắc mắc về “năng suất lao động”. Chăm chú xem rồi tôi cũng vỡ lẽ, ông ta vất vả thế vì phải dùng cái máy nhổ bật vô số miếng bã kẹo cao su bám rất chặt vào mặt đường do chân người qua lại dẫm lên. Tôi không đủ kiên nhẫn nhìn người ta làm sạch 100m2 đường, cũng chẳng đủ thời gian đếm lực lượng lao động quét từng mẩu thuốc lá, mảnh giấy gói, lá cây, rác rưởi... trên khắp các quảng trường, công viên, rừng cây ở London, Paris, Helsinki... Nhưng chắc chắn chi phí mà chính quyền phải trả hàng ngày cho công việc ấy rất lớn, để người dân của họ (dù giàu hay nghèo) đều được hưởng môi trường đô thị lúc nào cũng sạch. Thế là lại bất giác nhớ đến những công trình, không gian, đất đai công cộng ở mình không chỉ mất vệ sinh, mà còn thường bị chiếm đoạt bằng các quyết định “chuyển đổi mục đích sử dụng” của nhà quản lý đô thị. Tin tôi đi, cứ nhìn vào những gì thuộc về công cộng là thấy được hình ảnh của chính quyền đấy ạ!


Người đàn ông với cái máy nhổ bã kẹo cao su 

Cũng vẫn chuyện công cộng, tôi đi ngang một quảng trường lớn ở Helsinki đang trưng bày hàng trăm bức tượng gấu (cùng kiểu dáng, kích thước) do mỗi quốc gia (tự vẽ lên thân gấu) gửi đến. Bằng cách  này người ta hi vọng qua lối tô điểm các con gấu, người xem có thể thấy phong vị của mỗi quốc gia chăng? Việt Nam cũng có mặt, loanh quanh đi tìm mãi chúng tôi mới gặp gấu Việt Nam. Hỏi cô bạn cùng đi vì sao không dễ nhận ra gấu nhà mình? Cô trả lời: - Nó không rõ đặc điểm. - Vậy trang trí thế nào thì rõ? Cô nói làm tôi buồn cười: - Viết các số điện thoại khoan cắt bê tông, hút hầm cầu... hay đủ thứ quảng cáo lên. Hoặc đeo cho nó một cái thắt lưng, gài thật nhiều... phong bì.


Gấu Việt Nam (giữa)

Bất giác nhìn, bất giác nghĩ thế đã hơi nhiều - rồi người viết bài này lại bất giác tự hỏi những người có điều kiện đi qua nhiều nước trên thế giới có bất giác nghĩ về các đô thị của nước mình như tôi đã nghĩ?

Hân Hương

 

Thêm bình luận

3000 ký tự


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo

Loading...