Trung bình cặp vợ chồng một con thu nhập 4 triệu đồng một tháng thì 1,5 triệu để trả tiền phòng, rộng 15m2 kể cả nhà vệ sinh. 0,5 triệu tiền con đi học. Còn lại 2 triệu 3 miệng ăn hàng tháng. Cứ xem giá thực phẩm thì biết hàng ngày họ ăn gì, đủ dinh dưỡng hay không. Tích luỹ bằng 0. Dịp Tết giá chợ tăng 12-15%, bình ổn mấy vẫn cứ tăng. Không mua được vé tàu về quê thì ăn Tết với 15m2 nhà cấp bốn và một buổi đi Suối Tiên hay Đầm Sen vậy.
Cả nước ăn mừng GDP/đầu người đạt 1200 USD nhưng có bao nhiêu gia đình thu nhập thực như vậy khi vực ngăn cách giàu nghèo ngày càng sâu thăm thẳm. 10 tỉ USD nhập hàng xa xỉ là cho ai? Sự bùng nổ sân golf và resort nghỉ dưỡng 4-5 sao dành cho bao nhiêu gia đình? Nông thôn mênh mông thu nhập bình quân bao nhiêu USD? Đã có các chương trình hoành tráng về “Nhà cho người thu nhập thấp”, “Nhà cho người thu nhập trung bình”, “Căn hộ siêu nhỏ 20m2 giá chỉ 300-400 triệu đồng” và mới đây là Chương trình xây nhà cho thuê. Ở đầu kia của chuỗi “giá trị ở - văn hoá ở” là thị trường nhà đất đóng băng, phố biệt thự, khu chung cư bỏ hoang và làn sóng đầu cơ mua găm nhà đất.
Câu chuyện nhà ở đất ở của Việt Nam ta là câu chuyện cổ tích hay viễn tưởng? Lại theo thống kê lương công nhân TPHCM trung bình 50 USD =1 triệu đồng/tháng. Tuyệt đối muôn đời nữa cũng không thể mua nhà hay căn hộ siêu nhỏ giá 15-20 nghìn USD. Thu nhập trung bình một hộ được quy ước khoảng 8 triệu đồng/tháng. Bóp mồm miệng, mỗi tháng tích luỹ một nửa tức 4 triệu=200 USD thì phải 100 tháng hay 10 năm mới có được căn hộ mi-ni kia.
Nhà đất 2 tỉ thì cần 100 năm tích luỹ! Chưa kể giá đất sẽ mãi tung cánh và ta mãi “bắt chuồn chuồn” mà thôi. Giấc mộng có chỗ ở của lớp thu nhập thấp và trung bình rõ ràng là hão mà sao cứ đưa ra chương trình nọ chương trình kia làm hoa mắt người ta hả bà chị? Hay chỉ là tuyên truyền để xoa dịu lòng dân nghèo và “mánh” chia dự án của các chủ đầu tư?
Đất là tài nguyên quý giá nhất của công dân. Đất ở lại là phần quý nhất của các loại đất. Ta vừa hân hoan khánh thành nhà máy lọc dầu Dung Quất bước đầu khắc phục tình trạng bán tài nguyên thô. Quỹ đất ở của nước ta cũng phải theo hướng đó thì dân mới có chỗ mà “chui ra chui vào” cô em ạ.
Nghiêm khắc mà nói quỹ đất của ta hoàn toàn bị khai thác kiểu bán dầu thô. Bị xé lẻ, băm nát và đầu cơ tệ hại. Nghịch lý là ở chỗ đất là sở hữu nhà nước nhưng lại được mua bán lẻ tư nhân hoàn toàn. Trong nhiều nguyên do thiếu đất ở thì cái nhà ống phân lô bán nền 4/16m là cái vòng kim cô không biết từ khung trời nào rơi ập xuống đầu mỗi gia đình.
Đi liền với nó là cái “nguyên lý ở”, cái “luật bất thành văn” là tất tật bám đường, úp mặt vào đường giao thông với mặt tiền buôn bán vặt. 25 triệu người quay mặt ra đường, lấn chiếm vỉa hè, chen chúc mua bán giữa biển ùn tắc và tai nạn giao thông. “Quy hoạch” thứ “văn hoá ở” kỳ dị như thế thì ta mới có con đường đắt nhất hành tinh và giá đất phi lý nhất hoàn cầu. Giả sử cấm hẳn chia lô bán nền. Cấm hẳn xây nhà dọc huyện lộ, tỉnh lộ, quốc lộ và những đường cao tốc mới mở trên đất nông nghiệp thì có phải sẽ có một “văn hoá ở” tiết kiệm, mạch lạc, khang trang và văn minh hơn hẳn không nào!
Cũng tại dân ta còn cổ hủ, còn nặng tư duy nông nghiệp cứ khổ vì đòi có đất riêng nhà riêng dù biết rằng đó là “phim viễn tưởng”. Dân thu nhập thấp và trung bình ở các nước văn minh quen thuê nhà trừ vào lương. Sống khoẻ re, đi đâu thuê nhà ở đó, nội ngoại thất hảo hạng hơn cả trăm lần cái nhà ống chui rúc. Họ “tạm bợ” mà an cư. Ta an cư mà chui rúc.
Năm mới phải chuyển hướng tư duy về văn hoá ở. Nhà riêng là chuyện 10 năm hay 100 năm chả thành vấn đề!
Nguyễn Bỉnh Quân
Tin mới hơn:
- Xóm cầu khỉ Thái Hà
- Đô thị vạn dân không trường học
- Đà Lạt dần hết mộng mơ...
- Có còn di tích nữa không để trùng tu?
- Độc đáo khu phố cổ bằng gỗ nghiến ở Bắc Kạn
Tin cũ hơn:
- Hay, dở - nhìn vào công cộng
- Sở hữu nhà chung cư có thời hạn, tại sao không?
- Doanh nghiệp đã tìm ra cách xây dựng chung cư mini?
- Nền tảng của sự phát triển
- Đầu năm đến thăm ngôi chùa của những kỷ lục