Ashui.com

Tuesday
Nov 05th
Home Tương tác Góc nhìn Có còn di tích nữa không để trùng tu?

Có còn di tích nữa không để trùng tu?

Viết email In

Muốn trùng tu di tích văn hoá, di tích lịch sử, phải yêu tới từng cọng rêu, viên gạch và phải am hiểu chuyên môn.

Thành Sơn Tây: Thêm 2 lần thất thủ

"Sẽ chẳng cần phải quá lo lắng về thực trạng trùng tu các di tích lớn nữa đâu, vì cứ đà này sẽ chẳng còn nơi nào còn gọi di tích để mà lo lắng nữa..." - câu nói vui đó của nhà thơ Nguyễn Trung Sơn - nguyên Uỷ viên BCH Hội nhà văn Hà Nội, có lẽ thái quá, nhưng nó là sự chua xót, cám cảnh trước Thành cổ Sơn Tây qua các đợt trùng tu lớn nhỏ.

Toà thành này không tính lần thất thủ hơn 100 năm về trước dưới tay giặc Pháp, thì đã trải qua hai đợt trùng tu mà người dân vẫn tếu táo "thêm 2 lần thất thủ nữa".

Nhiều người Sơn Tây không ai quên được cái ngày năm 1994 trên báo Hà Nội mới đăng lệnh tạm ngừng cải tạo Bắc môn Thành cổ Sơn Tây, thì ngay sớm hôm đó cây cổ thụ phủ gốc rễ gân guốc trên Bắc Môn bị chặt hạ; cổng Bắc cũng nhanh chóng được phá dỡ phần trên, trùng tu... theo lối sự đã rồi! 

  • Ảnh bên : Kết quả trùng tu: đoạn tường thành mới toanh (trái) và gốc si cổ thụ vừa bị đốt (phải). (Ảnh: Tuổi Trẻ) 

"Nếu Bắc Môn trước đây in hằn nhiều vết đạn, chứng tích cho những năm tháng anh hùng của dân tộc, là nơi hy sinh của nhiều con dân Việt, thì sau đợt trùng tu đó, nó hiện lên xám ngoét, vô hồn, lạnh lẽo. Ngay sau cánh cổng đó là nơi nhiều máu xương đổ xuống trấn giữ, thì nay là chỗ chứa xe rác... Nếu còn giữ được hiện trạng, thì ngày nay tôi có thể minh chứng cho con cháu về lịch sử quê hương" - Thầy giáo Minh - nguyên đại biểu Hội đồng nhân dân Sơn Tây nhiều năm sưu tập, nghiên cứu về Thành cổ Sơn Tây đau xót chia sẻ.

Năm 2008, dự án trung tu lần 2 Thành cổ Sơn Tây được khởi công. Ngân sách đầu tư khoảng 48 tỉ đồng. Hơn 100m thành cổ phía bờ Tây bị san phẳng, thay vào đó là một bức tường đá ong mới tinh cao hơn 5m. Bức tường lăm le tiến tới cổng Tây, thể hiện rõ ý đồ muốn đập bỏ nó của những nhà "trùng tu, tôn tạo".

Nếu như không có sự phản đối quyết liệt của người dân và không có những người tâm huyết như nhà báo Đỗ Doãn Hoàng lăn lê hết Sở này Bộ nọ kêu cứu, thì có lẽ Thành cổ Sơn Tây sẽ giống kiểu "nhà tù" với tường cao hào sâu bao quanh chứ không phải là bảo tàng lịch sử và văn hoá cho con cháu nữa.

Các bức tường thành sau đó không xây theo ý định ban đầu nữa mà thay vào đó là xây lên cao khoảng 1,2 - 1,5m để tái hiện hình hài tòa thành cổ. Bên trong Điện Kính thiên, Kì đài và 2 ao sen lớn được phục dựng mới hoàn toàn nhưng giữ được nguyên bản và nét văn hoá vốn có đã nhận được sự ủng hộ của người dân.

Tất nhiên, vết thương trải qua năm tháng có bị day lại nhiều lần thì cũng phải lành hoặc người ta quá quen mà quên đi cái đau đớn. Và chỉ có người dân nơi này chua chát hỏi nhau: "Hàng chục tỉ đồng đổ ra kia, làm gì và được gì. Bắc môn phải 200 năm nữa mới được như xưa!"

Phải yêu tới từng cọng rêu, viên gạch

"Qua việc trùng tu, tôn tạo thành cổ Sơn Tây, Thành cổ Tuyên Quang... cho thấy tư duy trùng tu tôn tạo di tích của chúng ta vẫn chưa thoát được cái tư duy chắp vá, vừa làm vừa sửa, sai đâu sửa đấy. Có nơi còn có tính chất chụp giật, "giải ngân" ...

Chúng ta phải có tư duy khoa học. Di tích lịch sử, văn hoá phải nằm trong chỉnh thể, có tính thống nhất, tính hệ thống, hài hoà với cảnh quan, khơi dậy những tình cảm của hậu thế trước những di tích ẩn chứa tư tưởng, trình độ tư duy của người xưa...
"

- Nhà thơ Nguyễn Trung Sơn 

Những năm qua, nhận thức người dân cũng như chính sách quan tâm tới văn hoá của nhà nước ngày càng được nâng cao hơn. Kĩ thuật xây dựng cũng tiến bộ lên nhưng có vẻ càng trùng tu di tích, kết quả càng bết bát hơn.

Thứ nhất, nhiều công trình sau khi tôn tạo trở nên lạ lẫm, thành phế tích hoặc bị xoá sổ. Làm mới bản thân di tích không xấu, nhưng đừng lầm lẫn giữa hai khái niệm trùng tu và làm mới di tích.

Trùng tu cần tôn trọng cái nguyên gốc. Còn nếu làm mới thì hãy làm mới như kiểu xây chùa Bái Đính - thực sự quy mô, mĩ thuật đáp ứng nhu cầu tôn giáo của người dân trong khi vẫn bảo tồn một Bái Đính cổ kính cách đó vài trăm mét trên đỉnh núi.

Thứ hai, trùng tu di tích văn hoá tức là phải tôn tạo được cả phần di tích và cả phần văn hoá của di tích. Một di tích mà chỉ quan tâm tới làm sao làm cho nhanh để được khen thưởng vượt tiến độ, để được tiếng là giải ngân hiệu quả... thì chỉ có thể thu về một mớ bê tông xi măng mới tinh mà thôi.

Tôn tạo di tích văn hoá cơ bản là lấy tôn tạo văn hoá làm đầu. Văn hoá của mỗi di tích gắn liền với tâm thức của người dân, gắn liền những câu chuyện lịch sử, truyền thuyết... phản ánh hệ thống tư tưởng xã hội và các giá trị vật chất lẫn tinh thần mà tiền nhân đã gửi gắm.

Muốn trùng tu tốt một công trình còn phải xuất phát từ tình cảm với di tích đó. Tình cảm không đơn thuần là của một cá nhân mà là tình cảm của con người qua các thế hệ đúc kết thành hồn cốt văn hoá. Trong các chi tiết phù điêu, các bức tượng rồi thể thức tam quan, gác chuông, gác trống... ông cha ta đã đưa vào đó tình cảm gắn bó, đưa vào đó những biểu tượng ước lệ cho khát vọng, tín ngưỡng của người dân.

"Người Hà Nội khó có thể chấp nhận Tháp Rùa được trùng tu theo kiểu trát xi măng trắng toát. Ngay cái cách xây chân tháp làm mất đi hình ảnh Cụ Rùa lên sưởi nắng vốn đã in đậm vào tâm cảm người dân" - PGS. Hà Đình Đức chia sẻ

Cũng giống như người Hà Nội, người Sơn Tây hay người Tuyên Quang không thể chấp nhận hình ảnh toà thành cổ với rêu phong, cây cổ thụ bao quanh, nơi ngày ngày họ nghỉ dưới bóng; giờ đây trở thành "cái nhà táng" trắng toát lạnh lẽo hay "cái lò gạch 1 ngày tuổi". Đơn giản vì mất hàng trăm năm nữa cây cối mới thành cổ thụ và địa y mới bám đầy mang lại vẻ cổ kính xưa.

Muốn trùng tu di tích văn hoá, di tích lịch sử, phải yêu tới từng cọng rêu, viên gạch và phải am hiểu chuyên môn.

Trong trào lưu trùng tu tôn tạo di tích, vẫn còn đó những công trình được trùng tu theo đúng nghĩa, được ghi nhận như đình Chu Quyến, Tây Đằng, hay Đền Hùng... Ở đó ngoài tình cảm, sự tôn trọng di tích, các nhà trùng tu, tôn tạo đã thể hiện được sự am hiểu chuyên môn. Như vậy, chúng ta thực sự có thể có những công trình tôn tạo mang đúng nghĩa là trùng tu di tích.

Tuy nhiên, thực trạng trùng tu, tôn tạo di tích ngày nay cho thấy không phải cách trùng tu nào cũng chứng tỏ người trùng tu di tích am hiểu chuyên môn. Hoạ sĩ Lê Thiết Cương từng bức xúc: Họ cho được chút tiền thì muốn thế này thế kia, trong khi cái họ muốn thường rất "phản" văn hoá!

Trường hợp Thành cổ Sơn Tây hay với nhiều di tích khác thì những người trực tiếp đốc thúc, quản lý, giám sát lại có hiểu biết hạn chế về văn hoá của di tích nên mới để xảy ra "thảm cảnh" trùng tu. Nói cách khác, là phá hết các di tích văn hóa và lịch sử mang hồn cốt và dấu ấn chiến tích của ông cha.

Liệu có còn di tích nữa không để trùng tu?

Ngọc Nguyễn

[ Chuyên đề : Bảo tồn di tích

 

Thêm bình luận


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo