Ashui.com

Sunday
Dec 15th
Home Tương tác Góc nhìn Xóm cầu khỉ Thái Hà

Xóm cầu khỉ Thái Hà

Viết email In
Giữa lòng thủ đô, vẫn tồn tại những cây cầu tạm bợ bắc qua mương, tiềm ẩn nhiều nguy hiểm cho người dân qua lại.

Chỉ một đoạn gần 500m nối từ ngõ 150 Thái Hà ra đường Thái Thịnh (Q. Đống Đa) nhưng có đến gần chục cây cầu khỉ bắc qua mương. Nhỏ thì 1 mét, rộng tầm 3m dài thì lên đến 10m, nối từ nhà sang đường. Nhà bình thường dựng cầu gỗ, nhà khá giả xây chân cầu bằng sắt, mặt bằng gỗ, nhà giàu thì dựng cầu sắt toàn phần. Nhưng tất cả mọi cây cầu ở đây đều bấp bênh, ít có lan can bảo vệ. Mỗi chiếc xe máy đi qua, cầu rung lên bần bật, kêu ken két khiến người yếu bóng vía rợn tóc gáy tưởng chiếc cầu sắp sụp đến nơi.

Được biết, những cây cầu khỉ này chỉ là giải pháp tạm thời cho một khu dân cư đã được quy hoạch. Nhưng lâu rồi quen, cầu khỉ đã trở thành cần thiết với người dân. Một vài nhà may mắn có thể đi theo con đường đã mở sang phố Thái Thịnh, còn lại thì vẫn phải đi qua cầu. Là một trong những đại gia đình có điều kiện, ba ngôi nhà 5 tầng khang trang nhất xóm của gia đình ông Minh vẫn chỉ nối với thế giới bên ngoài bằng một cây cầu gỗ. Ông Minh cho biết, cây cầu này mới được gia cố để chuyển vậy liệu xây dựng nên mới chắc chắn thế. Hơn 40 năm ở đây, ông Minh đã phải xây 3-4 cây cầu như thế. Chi phí cho mỗi chiếc cầu cũng không đơn giản, tầm khoảng 2-3 triệu.
  • Ảnh bên : Dù nguy hiểm, nhiều người dân trong khu vự vẫn phải đi qua cầu khỉ mỗi ngày (Ảnh: Trang Thu)
Chị Yến theo chồng làm công trình ở đây. Vợ chồng chị cùng gần chục trai tráng khác ở nhờ căn nhà chờ giải tỏa ở khu vực này đã một năm, vậy mà mỗi lần đi xe máy qua cầu vẫn thót tim vì sợ lao xuống mương. Chiếc cầu gỗ mục nát, các lỗ thủng lớn nối tiếp nhau, người đi bộ nếu không chú ý thụt chân rơi xuống như chơi. “Nhà toàn con trai, nhưng nhiều khi tôi vẫn rất sợ vì thường có những ông đi nhậu về khuya, say xỉn nên qua cầu bị ngã xuống mương. Cả xóm phải gọi nhau ra vớt cả người lẫn xe, may mà chưa ai chết, lần nào được phen hú vía”.

Xóm cũng có một cây cầu sắt kiên cố nhưng hầu như các nhà ở đây vẫn phải tự làm cầu vì không có đường tới cầu chính. Chị Thủy, một người dân ở đây đã 13 năm cho biết, ngày mới đến đây, cây cầu đã khá cũ kỹ nhưng vẫn tồn tại đến hôm nay. Thanh gỗ nào mục rơi xuống mọi người lại đi kiếm thanh khác lắp vào. Họ tận dụng từng cánh cửa hỏng, những tấm gỗ ép để tăng thêm phần chắc chắn. “Một vài năm vẫn phải gọi thợ đến kè lại cầu cho chắc, mỗi lần như vậy cũng mất vài trăm nghìn, nhưng cũng chẳng dám chắc là có đảm bảo an toàn hay không”, chị Thủy nói.

Bà Thanh bán nước ở đây đã gần 30 năm, nhà đông trẻ con, đứa nào đi học hay đi chơi đều phải có người lớn dẫn hoặc trông vì đã từng có đứa rơi xuống mương. Ngay đến bà Thanh vẫn tự hào là “trẻ so với tuổi và mắt mũi vẫn còn tinh lắm” nhưng mỗi khi đi qua cầu cũng phải dò dẫm từng bước một. Bà cười bảo, “đi qua cầu này cũng là nghệ thuật đấy, lơ là một chút là thụt chân ngã ngay”. Trời mưa qua cầu càng khó khăn hơn, sàn gỗ trơn tuột, người lớn phải xuống dắt xe, trẻ con thì phải có người bế.

Lâu rồi cũng quen, người dân khu vực cứ bình thản sử dụng những cây cầu, trẻ em vẫn tha hồ chạy qua lại, xe máy vẫn phi ầm ầm. Người ngoài lo lắng, nhưng người dân sở tại thì cũng chẳng hơi đâu lo sợ cho mệt óc, mệt đầu. thế nên khi chào chúng tôi, bà Thanh chuyển giọng từ đăm chiêu sang tự hào: “Trông thế thôi nhưng mấy chục năm nay cả xóm này vẫn đi trên cái cầu này mà đi làm ăn, kiếm sống đấy”.

C.Phương – T.Thu
 

Thêm bình luận

3000 ký tự


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo

Loading...