Ashui.com

Tuesday
Nov 05th
Home Tương tác Góc nhìn Ai thương cái chợ?

Ai thương cái chợ?

Viết email In

Bên hành lang một cuộc hội thảo về chợ dân sinh trong thành phố đang phát triển tại Hà Nội mới đây, một câu hỏi đã được đặt ra: “Tại sao nhìn thấy rõ ràng những cái chợ được xây mới là bỏ hoang nhưng các kiến trúc sư vẫn thiết kế và “người ta” vẫn bỏ tiền xây những cái chợ như thế khắp đất nước?”. Vị chuyên gia của Viện Kiến trúc, quy hoạch đô thị và nông thôn chỉ biết trả lời: “Ai cũng biết là vô lý nhưng… vẫn phải làm.”


Chợ Mơ là một trong những ngôi chợ lâu đời ở Hà Nội, với định kỳ tháng họp chợ 6 phiên ngày 2 và 7. Nhưng từ tháng 12/2008, ngôi chợ cũ đã bị phá bỏ để xây dựng Trung tâm Thương mại Chợ Mơ. Ba năm qua, những người buôn bán chuyển về khu chợ tạm trên đường Kim Ngưu. Cứ đến ngày phiên, đoạn đường này lại nhộn nhịp người bán kẻ mua từ chó mèo, các loại sản vật tới cây cảnh. Nhưng khi Chợ Mơ mới được khánh thành, chợ Mơ “tạm” sẽ bị xóa bỏ. Một nét truyền thống đầy nhân văn nữa của người Hà Nội có thể cũng sẽ biến mất. (Ảnh: Ngọc Linh)

Câu chuyện về chợ trong các đô thị tại Việt Nam đã dấy lên từ vài năm nay. Nó xuất phát từ tình trạng khắp nơi trên cả nước, cùng với quá trình đô thị hóa là những dự án xây mới chợ. Nhưng kết quả chợ xây xong không ai vào kinh doanh buôn bán và thậm chí bỏ hoang. Hoặc từ chợ, xây xong thì nâng cấp lên thành trung tâm thương mại, siêu thị, thay đổi hoàn toàn thói quen mua và bán của người dân cũng như người kinh doanh. Giới kiến trúc sư, giới nghiên cứu xã hội, các nhà hoạt động xã hội… đã thực hiện nhiều công trình nghiên cứu về chợ, nhiều hội thảo về vấn đề chợ được tổ chức. Nhưng có vẻ như những con số, những khảo sát và giải pháp trên giấy vẫn chưa thay đổi được thực trạng đang diễn ra.

Năm ngoái, trong cuộc hội thảo lớn đúng dịp kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long Hà Nội với tên gọi "Hà Nội – Thiên niên kỷ", giáo sư Michael Douglas, giáo sư ĐH Hawaii về phát triển đô thị từng chia sẻ: “Mỗi năm trở lại Việt Nam tôi lại nghe nói có một cái chợ mới mọc lên hoặc được phá đi xây lại. Tôi luôn cố gắng dành thời gian tới đó và lần nào tôi cũng ra về với tâm trạng buồn…”. Lần đó, ông Michael đã tới thăm chợ Hàng Da mới. “Một cái chợ dân sinh tồn tại trên một mặt phẳng là không gian được tạo nên để phục vụ nhu cầu mua bán của người có thu nhập trung bình và thấp. Như vậy khi một cái chợ được thay bằng một trung tâm thương mại hoặc siêu thị nghĩa là những người thu nhập không mấy khá giả đang bị “ép” phải lựa chọn những thứ sản phẩm kém chất lượng nhất tại nơi bán những thứ quá mức thu nhập của họ. Điều đó có nghĩa, chất lượng sống của đô thị bị giảm đi”.

Michael DiGregorio (Mỹ) đã sống tại Hà Nội gần hai thập niên. Anh cũng là một chuyên gia về phát triển đô thị. “Ở Hà Nội tôi ít đi siêu thị mà chủ yếu là đi chợ. Ban đầu vì tò mò nhưng sau thì thành thói quen. Chợ dân sinh đem lại cho bạn cảm giác về cuộc sống nhân bản chứ không khiến bạn bị xâm chiếm hoàn toàn bởi giá trị thực dụng từ nhu cầu tới hành vi khi bước vào một siêu thị.


Một góc chợ Mơ. (Ảnh: Ngọc Linh)

Trong công trình nghiên cứu mới nhất của mình mang tên "Hà Nội – Chợ dân sinh, lối sống và sức khỏe cộng đồng bị đe dọa", tiến sĩ Stephanie Geertman, chuyên gia của tổ chức HealthBridge Canada đưa ra 7 lý do tại sao các chợ dân sinh đóng góp cho thành phố sống tốt. Trong đó, ở lý do về sự chuyển đổi dinh dưỡng và an toàn thực phẩm, bà phân tích khá rõ sự “bất công” mà xã hội tạo nên đối với cái chợ.

Theo một nghiên cứu của Hiệp hội khoa học Hoàng gia Anh năm 2010, những nước có thu nhập thấp và trung bình đang trải qua một quá trình chuyển đổi chế độ ăn uống dẫn đến sự tiêu dùng những thực phẩm đã qua nhiều công đoạn bảo quản và chế biến, giàu năng lượng với mức độ lớn hơn. Điều đó tạo nên nhiều bệnh lý mà ở Việt Nam đang gia tăng như đột quỵ, tim mạch, béo phì. “Nghiên cứu trên chỉ ra rằng siêu thị và đại siêu thị chịu trách nhiệm chính cho sự phổ biến này”, bà Geertman phân tích và nói thêm: “Đã có nhiều vụ tai tiếng về vấn đề an toàn thực phẩm, đặc biệt là với thuốc trừ sâu, ở Việt Nam. Chợ truyền thống và những người bán hàng ở chợ thường là mục tiêu của sự chỉ trích gay gắt về những vấn đề an toàn thực phẩm. Tuy nhiên, việc sử dụng những thực phẩm có chứa nhiều loại hóa chất khác nhau hoặc được chế biến qua nhiều công đoạn (ở siêu thị) có ảnh hưởng lâu dài và nguy hiểm hơn như gia tăng nguy cơ bị ung thư. Khi so sánh như vậy, không chắc rằng siêu thị luôn cung cấp những thực phẩm an toàn hơn.”

Lạ, chuyện cái chợ ở Việt Nam lại được nhiều chuyên gia nước ngoài quan tâm. Trong khi chính những người Việt Nam có chuyên môn và thẩm quyền lại chưa để ý. “Kinh nghiệm nhiều năm nghiên cứu ở Việt Nam tôi thấy có lẽ không phải không ai nhìn thấy những bất cập và nghịch lý của vấn đề. Nhưng mọi thứ vẫn diễn ra theo một logic khác, không phải logic của xã hội, của người dân hay logic tồn tại của cái chợ. Mà nó là logic lợi ích của thiểu số…”, giáo sư Michael Douglas nhận xét.

Nhưng tại sao những chuyên gia này vẫn lên tiếng bảo vệ cái chợ? “Vì chúng tôi mong các bạn sẽ không rơi vào tình trạng của nhiều nước khác từ Mỹ tới châu Âu và cả châu Á. Những quốc gia mà sau khi phá bỏ sự tồn tại của chợ dân sinh, họ mới nhận ra ý nghĩa và giá trị của nó. Và giờ đây quá trình ngược, khôi phục lại những cái chợ trong các đô thị lớn, đang tiêu tốn rất nhiều tiền của và công sức. Điều quan trọng hơn. Từ câu chuyện cái chợ, chính là câu chuyện của con người trong thành phố. Sự mát mất này sẽ gây ra những vết thương vô hình nhưng rất sâu sắc”, bà Stephanie Geertman giải thích.

Dung P.

 

Thêm bình luận


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo