Kỷ lục tòa nhà cao nhất Hà Nội liên tục bị cạnh tranh gay gắt trong vài năm trở lại đây.
Các đại gia ngân hàng, bất động sản liên tiếp công bố các dự án đình đám với chiều cao và số tầng kỷ lục, không chỉ của Hà Nội mà còn mang tầm cỡ thế giới.
Chạm ngưỡng... 400m!
Văn bản mới nhất từ Bộ Xây dựng do Thứ trưởng Nguyễn Đình Toàn ký gửi UBND TP Hà Nội đã cơ bản đồng ý với điều chỉnh các chỉ tiêu quy hoạch kiến trúc và chức năng công trình khách sạn Hoa Sen tại xã Mễ Trì, huyện Từ Liêm. Theo Bộ Xây dựng, việc xây dựng các công trình kiến trúc cao tầng, hiện đại (cụ thể là khách sạn Hoa Sen - P.V.) trên tuyến đường Bắc Thăng Long - Nội Bài, Phạm Văn Đồng và Phạm Hùng là phù hợp với định hướng của Quy hoạch chung xây dựng thủ đô Hà Nội đến năm 2030 tầm nhìn đến năm 2050 đang trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt.
- Ảnh bên : Tòa nhà Vietinbank Tower sẽ là một 'nóc nhà' của Hà Nội trong tương lai
Tuy vậy, lãnh đạo Bộ Xây dựng cũng lưu ý, công trình có tính biểu tượng cao nhưng phải thân thiện, phù hợp với không gian kiến trúc hiện đại trên toàn bộ trục đường Phạm Hùng. Tòa nhà cần nghiên cứu hai khối có chiều cao chênh lệch nhau từ 50-100m, khối cao nhất không quá 400m. Không gian chức năng bên trong của hai tòa tháp khách sạn Hoa Sen cần nghiên cứu bố trí với những đường nét đơn giản hơn, quy về những hình học cơ bản (vuông, chữ nhật) để đảm bảo sử dụng không gian hiệu quả. Hình thức kiến trúc cách điệu bông lúa chỉ nên nghiên cứu là hình thức kết cấu vỏ bọc bao che bên ngoài công trình và cần có sự thống nhất. Khối đế cần nghiên cứu đảm bảo không gian thoát người ở dưới mặt đất, chú ý diện tích sân, cây xanh, mặt nước đủ rộng...
Sẽ có nhiều “người khổng lồ”
Với những thông số mà Bộ Xây dựng đã chấp thuận kể trên, khách sạn Hoa Sen trong tương lai sẽ là tòa nhà cao nhất Hà Nội cũng như có “vai vế” đáng nể trên thế giới về mặt chiều cao. Nhìn lại lịch sử phát triển nhà cao tầng của Hà Nội, người ta hẳn sẽ rất ngạc nhiên với những bước tiến chóng mặt của thủ đô. Giữa thập niên 90 của thế kỷ trước, khách sạn Daewoo Hà Nội xuất hiện như một ngôi sao sáng đã xô đổ kỷ lục 11 tầng được giữ trong nhiều năm của khách sạn Hà Nội. Nay, đi qua nút giao thông Daewoo, mới thấy "người hùng" này thật quá khiêm tốn so với những gã cao kều mới trong thế kỷ XXI của Hà thành. Chỉ sau hơn 2 năm thi công, tổ hợp Keangnam Hanoi Landmark Tower đã cơ bản hoàn thành phần thô. Đây là tòa nhà cao nhất Việt Nam đã được xây dựng ở thời điểm hiện tại với 70 tầng và chiều cao 336m.
Tuy nhiên, kỷ lục của tổ hợp Keangnam đang bị "đe dọa" bởi dù có số tầng ít hơn (68 tầng), nhưng dự án VietinBank Tower lại cao tới 362m. Dự án nằm trong quần thể khu đô thị Ciputra, quận Tây Hồ, do Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam làm chủ đầu tư. Công trình đã được động thổ vào ngày 20-10-2010 vừa qua. Song, kẻ "khủng bố" còn tiếp tục ở phía sau với dự án tòa nhà 102 tầng trị giá 1 tỉ USD của Tập đoàn Đại Dương và Tổng công ty xây lắp dầu khí - PVN Tower. Chiều cao dự kiến của tòa nhà này, theo công bố của nhà đầu tư, lên tới 400m! Tuy nhiên, đến nay, do PVN Tower vẫn chưa chính thức khởi công xây dựng, VietinBank Tower còn đang thi công nên Tháp Keangnam vẫn là nóc nhà Hà Nội.
Cần có tầm nhìn chiến lược
Hiện tượng những người khổng lồ đua nhau chen chân trong thành phố cho thấy một cuộc bắt nhịp kinh doanh mới đang diễn ra. Đó là kinh doanh thương hiệu và tạo dựng hình ảnh tập đoàn. Mỗi tòa nhà cao tầng thể hiện nội lực hùng mạnh của tập đoàn, tầm nhìn chiến lược về phát triển thương hiệu và tầm quản trị hiện đại. Với góc nhìn rộng hơn, ở tầm quốc gia, một quốc gia hùng mạnh cần có những tập đoàn hùng mạnh, cần có những biểu tượng mới cho sự phát triển của họ và tòa nhà chọc trời hay tháp chọc trời đều là một phương tiện tốt. Những tòa nhà có tầm trong khu vực, thậm chí trong phạm vi một châu lục, hoặc toàn cầu sẽ còn là một đại diện về hình ảnh cho một quốc gia mà nhiều nước khác sẽ phải trầm trồ thán phục. Vì thế, việc các doanh nghiệp, tập đoàn hiện nay đang trong cuộc đua tòa nhà chọc trời xét trên phương diện này là tích cực và phù hợp với sự phát triển, vị thế của đất nước.
Tuy nhiên, trong khi mải vươn lên cao mãi trên không trung để tạo dựng những hình ảnh mới hùng mạnh và phát triển, thiết nghĩ chúng ta không nên để cho một diện tích lớn bên dưới nhếch nhác, tồi tàn, nhiều nơi được gọi là khu ổ chuột. Làm hình ảnh và thương hiệu không phải là cách cố giơ lên một cánh tay đầy nhẫn đá quý và bên dưới thì cố gắng che đạy những manh áo quần rách rưới.
Vì thế, không nên loại trừ một mối quan tâm tưởng như không liên quan đến hiện tượng trên. Đó là tình trạng hiện có hơn 1 triệu hộ dân đang có thu nhập thấp, sống trong những căn nhà chật hẹp, tồi tàn. Dự báo, từ nay đến năm 2020, tại khu vực đô thị, cần phát triển thêm gần 6,74 triệu căn nhà. Trong đó, các đô thị loại II trở lên sẽ cần 3,37 triệu căn, chiếm gần 50%. Riêng các đối tượng thu nhập thấp đã cần tới 500.000 căn. Như vậy, tổng nhu cầu về nhà ở của đối tượng thu nhập thấp và thực sự rất khó khăn để cải thiện chỗ ở khoảng 1.175.000 căn. Thêm một thực trạng đáng lưu ý, đa số các dự án nhà thu nhập thấp, nhà xã hội hiện nay đều đang thiếu vốn trầm trọng nhưng lại rất khó tiếp cận nguồn vốn ưu đãi vì vướng thủ tục.
Doanh nghiệp, tập đoàn có nhiệm vụ gây dựng thương hiệu, xây dựng hình ảnh thì phần còn lại của đời sống người dân có thu nhập thấp, một hình ảnh có diện phủ khá lớn trên bản đồ các đô thị lại thuộc trách nhiệm của các nhà quản lý.
Tuy nhiên, trong khi mải vươn lên cao mãi trên không trung để tạo dựng những hình ảnh mới hùng mạnh và phát triển, thiết nghĩ chúng ta không nên để cho một diện tích lớn bên dưới nhếch nhác, tồi tàn, nhiều nơi được gọi là khu ổ chuột. |
Ngọc Anh
- Bán đảo Thanh Đa: bao giờ hết bị sạt lở bờ sông?
- Có một Đà Nẵng hiện đại
- Câu chuyện “chỉ số xanh” và quản lý đô thị
- Nỗi kinh hoàng tại các chung cư cũ sau dư chấn động đất
- Quản lý dân số đô thị, bài toán đa nghiệm
- Ai thương cái chợ?
- "Ta hóa" không gian đô thị
- Những dự án vĩ cuồng
- Hội chứng sân bay
- Cảnh báo nguy cơ cao với chung cư cũ khi động đất
Lời bình
tin bình luận RSS của chủ đề này