Tin Hà Nội bị xếp hạng chỉ số xanh dưới mức trung bình đã khiến biết bao người dân của thành phố và nhiều người dân cả nước yêu mến thủ đô cảm thấy bị chạm tự ái.
Thủ đô ngàn năm tuổi, ngàn năm văn hiến, được đầu tư ngân sách lớn nhất nhì cả nước, nơi hội tụ bao nhân tài tuấn kiệt của dân tộc, một hình ảnh đầu tầu phát triển, nơi đi tiên phong trong nhiều dự án quy hoạch hoành tráng nhất cả nước mà lại thế ư? Những ngàn tỉ đồng, những đại dự án, biết bao công trình mới mọc lên từng ngày, các khu đô thị mới mọc lên theo tháng, tất cả đều như đang lao vun vút về phía trước, về tương lai, về ước vọng. Ấy vậy mà tiền của, đầu tư, phát triển, công sức lao động và trí tuệ… những nguồn nguyên liệu lớn lao, hừng hực hun đúc cho con tàu thủ đô sẽ đưa các chủ nhân của mình, đưa tình yêu mến Hà Nội đi về đâu. Những người lái “đoàn tàu thủ đô” sẽ đưa thành phố này đi đến đâu trong tương lai. Và nếu như, đó là một tương lai không bền vững?
Kết quả đánh giá 22 thành phố của châu Á có 7 thành phố xếp hạng chỉ số xanh tốt, 9 thành phố trung bình, và 5 thành phố dưới mức trung bình trong đó có Hà Nội, có một thành phố khác ở mức đáy. Kết quả này có được từ nghiên cứu của tập đoàn Siemens thực hiện dựa trên phân tích đánh giá mục tiêu và kết quả đạt được của các thành phố liên quan đến bảo vệ môi trường. Chỉ số Thành phố xanh châu Á được xét theo 8 tiêu chí: năng lượng và CO2, sử dụng đất và các tòa nhà, giao thông, rác thải, nước, vệ sinh, chất lượng không khí và quản lý về lĩnh vực môi trường.
Trong 8 tiêu chí dùng để đánh giá một thành phố xanh thì cả 8 đều trực tiếp liên quan đến công tác quản lý đô thị và nếu nhìn rộng hơn, nó còn phản ảnh trình độ quy hoạch và xây dựng một thành phố lớn và có vị trí đặc biệt quan trọng như Hà Nội. Có thể tìm thấy đâu đấy trong 8 tiêu chí trên một hai tiêu chí có thể ít nhiều liên quan đến ý thức của người dân đã góp phần làm xấu hơn như rác thải, vệ sinh. Nhưng vẫn cần nhắc lại, cả 8 tiêu chí đều trực tiếp liên quan đến tầm làm quy hoạch, xây dựng và quản lý một đô thị lớn như Hà Nội. Liệu việc công bố kết quả đáng buồn về Hà Nội có làm cho cơn lốc quy hoạch, xây dựng và đầu tư ở đây tạm lắng xuống đôi chút để những ai đó có trách nhiệm kịp có lúc trăn trở, băn khoăn về những gì đang làm và toan tính lại, tư duy lại, hành động lại để những nguồn lực khổng lồ của nhân dân thủ đô và sự đóng góp của cả nước sẽ được sử dụng phát triển đời sống theo hướng bền vững, tốt lành.
Có bao giờ chúng ta tự hỏi, tự tính ra bao nhiêu nguồn lực của nhân dân, bao nhiêu tiền, bao nhiêu sức lao động, bao nhiêu trí tuệ, bao nhiêu tình yêu và tâm huyết dành cho Hà Nội đang được điều hành chưa đúng, khiến cho chúng biến thành những khối bê tông vô nghĩa, cản trở? Thành những khói bụi mù mịt, thành rác rưởi vương vãi, thành những đám mây hóa chất che ám, cay xè? Thành những con sông ô nhiễm không loài sinh vật nào có thể sống sót? Thành những trận lụt lội không thể tiêu thoát, thành bệnh tật cho con người, thành những cố tật cho một thân thể thủ đô mà sau này rất khó lòng chữa chạy???
Mỗi người dân cho đến những nhà quản lý liệu nên coi kết quả vừa được công bố là một động lực để chúng ta xem xét lại, tư duy lại và hành động lại vì một mục tiêu cao cả hơn là hành động cho một thủ đô phát triển bền vững nói riêng và cho mọi đô thị lớn nhỏ trên khắp đất nước nói chung.
Nghiêm Túc
- Bảo tồn các nhà vườn Huế - Nói dễ nhưng khó làm
- Chủ trương bị đảo ngược: trường học đã thua cao ốc!
- Điều đọng lại sau việc Quốc hội bác dự thảo Luật Thủ đô
- Bán đảo Thanh Đa: bao giờ hết bị sạt lở bờ sông?
- Có một Đà Nẵng hiện đại
- Nỗi kinh hoàng tại các chung cư cũ sau dư chấn động đất
- Quản lý dân số đô thị, bài toán đa nghiệm
- Chạy đua vị trí “nóc nhà”
- Ai thương cái chợ?
- "Ta hóa" không gian đô thị