Tinh hoa của Hà Nội có được là nhờ vào sự hội tụ tinh hoa của cả nước. Chính nhờ sức hấp dẫn của thủ đô mà Hà Nội có được ưu thế này. Tuy nhiên, nếu không biết cách dung nạp và nuôi dưỡng, những tinh hoa này không những không phát huy lên được mà còn có thể phát tán đi mất.
Kỳ họp thứ 9, kỳ họp cuối cùng của Quốc hội khóa XII đã khép lại với việc biểu quyết bốn dự án luật. Với 44,83% đại biểu bỏ phiếu chống trong khi chỉ có 35,90% đại biểu bỏ phiếu thuận (và 10,95% đại biểu bỏ phiếu trắng), dự thảo Luật Thủ đô đã không được Quốc hội thông qua. Sự kiện này, cùng với một loạt sự thiếu đồng thuận trước đó về những quyết định trọng yếu của thủ đô - từ việc sáp nhập Hà Tây đến đề án quy hoạch thủ đô và gần đây hơn là Đại lễ kỷ niệm 1.000 năm - cho thấy sự lúng túng của chính quyền Hà Nội trong việc quản lý cũng như xác định chiến lược phát triển cho thủ đô.
Chợ Hoa tại khu Nghi Tàm - Quảng An, Hà Nội (ảnh: photobucket.com)
Khoan bàn về những lợi ích có thể có nằm đằng sau những quyết định quan trọng, sự lúng túng này đầu tiên xuất phát từ tư duy quản lý mang nặng tính hành chính và thiên về phản ứng với tình thế trước mắt. Thấy tắc đường thì bịt lấp ngã tư. Thấy đất chật thì sáp nhập thêm tỉnh bên cạnh. Thấy người đông thì hạn chế nhập cư…
Quy luật tự nhiên là tinh hoa hội tụ ở đất kinh kỳ. Ngày xưa cũng vậy và ngày nay cũng vậy. Phương Tây cũng thế mà phương Đông cũng thế. Một dòng sông không được liên tục tiếp thêm dòng chảy sẽ thành dòng sông tù đọng và ô nhiễm. Tương tự như vậy, một thành phố không hội tụ được nhân tài sẽ trở nên thiếu sinh khí và kém phát triển. Thực tế là, trong lịch sử khoa cử phong kiến, số lượng các vị tiến sĩ xuất thân từ các tỉnh xung quanh Hà Nội - Bắc Ninh, Hải Dương, Nam Định - lớn hơn nhiều so với Hà Nội, và xu thế này vẫn được tiếp diễn cho đến ngày nay. Điều này cũng có nghĩa là một chính sách nhập cư thắt chặt sẽ vô tình ngăn chặn dòng chảy tri thức và văn hóa phong phú bồi đắp thêm cho tinh anh của đất kinh kỳ.
Cũng cần nói thêm rằng hiện tượng dòng người nhập cư chảy vào một địa phương nào đó chứng tỏ sự hấp dẫn của địa phương đó. Rất có thể là nhiều người nhập cư đến với Hà Nội ban đầu chỉ vì mục đích mưu cầu cuộc sống, sự quyến rũ của đất kinh kỳ, hay thậm chí là sự đưa đẩy của số phận. Nhưng để có thể lưu giữ bao thế hệ trong số họ ở lại, từ đó làm nên những lớp trầm tích văn hóa và tri thức thì hẳn phải nhờ vào sự hấp dẫn hay “sức hút mềm” của bản thân thủ đô. Mà sự hấp dẫn này chỉ có được khi thủ đô sẵn sàng tâm thế để chào đón những công dân mới và tạo mọi điều kiện thuận lợi, từ môi trường sống cho đến cơ hội nghề nghiệp, giúp họ khai thác hết tiềm năng để đạt đến đỉnh cao của sự nghiệp.
Như vậy, điều Hà Nội cần làm là thấu hiểu quy luật vận hành tự nhiên của đời sống kinh tế xã hội, để từ đó hành xử thuận theo những quy luật này. Việc tăng mật độ dân cư hay sự quá tải về giao thông cũng như các dịch vụ công khác là những điều có thể, và trên thực tế đã được dự báo từ trước. Rất tiếc là sau một thời gian dài chính quyền thành phố Hà Nội vẫn chưa tìm được những biện pháp khả dĩ ngoài những biện pháp có tính hành chính cưỡng chế để hóa giải được những vấn nạn trên.
Không những thế, với mục đích trở thành “anh cả” của cả nước, những nhà biên soạn dự thảo Luật Thủ đô đã đề nghị nhiều quy chế đặc biệt, trong đó có việc giới hạn sự nhập cư của người dân cũng như dành nhiều quyền lợi tài chính hơn cho mình. So sánh với một gia đình, việc này giống như một người anh “quyền huynh thế phụ” nhưng không chịu trau dồi ưu thế vốn có mà cứ đi cứ tìm kiếm những ưu quyền so với những người em khác. So sánh với cơ thể con người, điều này giống như việc trái tim ra lệnh ngăn bớt màu từ các bộ phận của cơ thể chạy về tim.
Tinh hoa của Hà Nội có được là nhờ vào sự hội tụ tinh hoa của cả nước. Chính nhờ sức hấp dẫn của thủ đô mà Hà Nội có được ưu thế này. Tuy nhiên, nếu không biết cách dung nạp và nuôi dưỡng, những tinh hoa này không những không phát huy lên được mà còn có thể phát tán đi mất.
Người dân cả nước mong muốn nhìn thấy ở thủ đô ngàn năm tuổi một sự đĩnh đạc, cẩn trọng, và nhìn xa trông rộng trong chiến lược phát triển của mình, và nhờ đó thực sự trở thành điểm hội tụ tinh hoa của cả nước. Chính quyền Hà Nội phải làm thế nào để một ngàn năm nữa, nhìn lại, người dân cả nước vẫn có thể tự hào về thủ đô của mình, một thủ đô hào hoa, phong nhã và khoáng đạt./.
Vũ Thành Tự Anh
[ Chuyên đề : Quy hoạch Hà Nội mở rộng ]
- TPHCM: Đề xuất phân biển số xe chẵn lẻ vào thành phố
- Nhà "siêu mỏng" tiếp tục mọc lên
- “Nghịch lý” nhà thu nhập thấp ở Hà Nội
- Bảo tồn các nhà vườn Huế - Nói dễ nhưng khó làm
- Chủ trương bị đảo ngược: trường học đã thua cao ốc!
- Bán đảo Thanh Đa: bao giờ hết bị sạt lở bờ sông?
- Có một Đà Nẵng hiện đại
- Câu chuyện “chỉ số xanh” và quản lý đô thị
- Nỗi kinh hoàng tại các chung cư cũ sau dư chấn động đất
- Quản lý dân số đô thị, bài toán đa nghiệm