Những người làm quản lý bao giờ cũng muốn số lượng công dân và mật độ dân cư của thành phố luôn dưới ngưỡng, tức là không vượt quá sức chịu đựng của hệ thống cơ sở hạ tầng kỹ thuật, cũng như hạ tầng dịch vụ xã hội. Thêm vào nữa là những công dân của thành phố có chất lượng càng cao càng tốt. Đây là nguyện vọng chính đáng, nhưng trên thực tế việc chọn lựa và hạn chế dân cư chuyển dịch từ nơi khác đến là điều cực khó. Bởi thành phố lớn luôn toả ra sức hút như cục nam châm khổng lồ. Do vậy mà người ta sử dụng rất nhiều các chính sách hạn chế dân nhập cư. Nhưng trên thực tế, các chính sách ấy đều thất bại, chẳng hạn như chính sách sử dụng hộ khẩu một thời gian dài của Trung Quốc và Việt Nam, kèm theo đó là chính sách cung cấp các loại tem phiếu nhu yếu phẩm chỉ dành cho người có hộ khẩu.
Một cách khá phổ biến khác là phân chia dân cư thành hai loại để có hai cách đối xử khác nhau. Dân định cư lâu dài được hưởng các dịch vụ y tế, giáo dục, điện, nước với giá thấp (có thể có cả bao cấp), còn dân nhập cư phải trả tiền đắt đỏ cho các loại dịch vụ như thế. Mục tiêu của việc này là làm cho họ ngán ngại khi đến mưu sinh ở thành phố.
Hiện tượng “người nhập cư lao động tự do theo thời vụ” có cả hai mặt tích cực và tiêu cực. Ở khía cạnh tích cực, họ gánh vác khá nhiều công việc mà người dân sở tại không muốn làm, những công việc mà người ta gọi là 3 D: difficulty (khó khăn), dangerous (nguy hiểm), dirty (dơ bẩn). Ở một phía khác, họ thuộc nhóm thường xuyên gây ra những chuyện lộn xộn làm mất trật tự, làm xấu mỹ quan đô thị. Chính vì điều này mà nhiều thành phố ở châu Âu như Pháp, Bỉ người dân sở tại, nhất là thanh niên, luôn tìm cách tẩy chay họ một cách khá cực đoan.
Thật ra thì bài toán dân số có rất nhiều nghiệm khác nhau, phải tiếp cận đến nó bằng các giải pháp tổng hợp của quy hoạch, kinh tế, xã hội, văn hóa và luật pháp chứ chỉ một mình giải pháp hành chính không thôi thì chưa đủ. Về tư tưởng, phải chấp nhận những người nhập cư tự do và coi đó là một hiện tượng bình thường, sau đó là tìm cách khai thác thế mạnh và khắc chế những tiêu cực của họ, không nên nôn nóng mà phải giải quyết theo lộ trình một cách căn cơ. Phải hiểu một điều cực kỳ hệ trọng là khi còn sự khác biệt về kinh tế thì còn hiện tượng “nước chảy về chỗ trũng”. Hơn thế nữa, việc mở rộng đô thị thiếu tính toán làm mất đất sản xuất, mất cơ hội sống thì hệ quả đương nhiên là dân cư từ những nơi đó đổ dồn về thành phố lớn kiếm sống, hoặc đi theo phương châm “giàu nhà quê không bằng ngồi lê kẻ chợ”.
Giải quyết vấn nạn dân cư một cách căn cơ nhất chính là làm giảm khoảng cách đô thị và nông thôn, một khi tạo ra nông thôn mới, đời sống khấm khá thì chả tội gì mà họ phải bỏ quê để dấn thân vào những nơi đầy rủi ro – mà lại bị coi là công dân hạng hai. |
Về kinh tế, tất yếu sẽ xảy ra tình trạng giãn dân tự nhiên. Không có chủ trương nào cấm người nghèo sống ở vùng lõi các trung tâm, nhưng do giá nhà ở, dịch vụ quá cao mà họ phải dạt dần ra phía ngoài. Ngay bản thân nhiều người là dân sở tại, nhưng vì nhiều lý do khác nhau (như không thích ồn ào), cũng có thể lựa chọn việc bán nhà để chuyển ra các khu vực vành đai ngoài. Chính vì nắm được tâm lý này, chính quyền nhiều thành phố khôn ngoan đã quy hoạch đón trước dòng người “ly tâm” trên, bằng cách tạo ra những khu ở kèm theo hệ thống dịch vụ rất tốt ở cách trung tâm 7 – 10km. Những khu dân cư mới này rất nhanh chóng thu hút những người không thích ồn ào ra định cư. Điển hình nhất cho thành công này là thủ đô Seoul của Hàn Quốc và Bangkok của Thái Lan.
Về luật pháp, ngoài việc giáo dục thì nhiều thành phố đã sử dụng những biện pháp chế tài nghiêm minh để người nhập cư không phải “muốn làm gì thì làm”. Chúng ta thương người nghèo, nhưng không chấp nhận nhiều người nhân danh nghèo để làm bẩn thành phố. Thật khó có thể chấp nhận cảnh người bán hàng rong xả rác ra đường phố một cách vô tư, những người nhặt ve chai chạy qua ngã tư như chỗ không người. Ở thành phố Đại Liên của Trung Quốc, những người lao động tự do được cấp thẻ lao động, mỗi lần vi phạm luật của thành phố, thẻ sẽ bị đục lỗ. Nếu thẻ bị đục lỗ năm lần, họ sẽ không được làm việc ở thành phố. Tuy nhiên hình thức này chỉ thực hiện được khi áp dụng quản lý dân cư bằng “lý lịch điện tử”, mỗi thẻ đều được gắn chip và cơ quan công quyền dễ dàng kiểm tra thông tin ở bất cứ đâu. Cách quản lý dân cư thủ công như ở các thành phố của chúng ta hiện nay chưa tích hợp được với kiểu quản lý này.
Giải quyết vấn nạn di dân một cách căn cơ nhất chính là làm giảm khoảng cách đô thị và nông thôn. Một khi tạo ra nông thôn mới, đời sống khấm khá thì chả tội gì họ phải bỏ quê để dấn thân vào nơi đầy rủi ro mà còn bị coi là công dân hạng hai. Thật chí lý khi nói rằng, phát triển đô thị bền vững chính là phải bắt đầu từ phát triển nông thôn một cách căn cơ.
TS Nguyễn Minh Hoà
Tin mới hơn:
- Điều đọng lại sau việc Quốc hội bác dự thảo Luật Thủ đô
- Bán đảo Thanh Đa: bao giờ hết bị sạt lở bờ sông?
- Có một Đà Nẵng hiện đại
- Câu chuyện “chỉ số xanh” và quản lý đô thị
- Nỗi kinh hoàng tại các chung cư cũ sau dư chấn động đất
Tin cũ hơn:
- Chạy đua vị trí “nóc nhà”
- Ai thương cái chợ?
- "Ta hóa" không gian đô thị
- Những dự án vĩ cuồng
- Hội chứng sân bay