Ashui.com

Friday
Nov 29th
Home Tương tác Góc nhìn Một dấu son trên bản đồ Hà Nội

Một dấu son trên bản đồ Hà Nội

Viết email In

Trên bản đồ thủ đô Hà Nội ngày nay, trung tâm chính trị của quốc gia là khu Ba Đình, mà tâm điểm là quảng trường cũng mang tên Ba Đình.

Cái địa danh này có người liên tưởng đến ba toà kiến trúc kiểu Pháp được xây làm cổng ra vào của khu vườn Bách thảo, một thiết chế đô thị được người Pháp rất chú ý, tạo nên cảnh quan sinh thái tôn thêm vẻ sang trọng của Phủ Toàn quyền Đông Dương. Những công trình này đều được xây dựng vào thập kỷ cuối cùng của thế kỷ XIX.


Vườn hoa Rond Point Puginier nhìn từ phía Đông Nam, sau là Vườn hoa Ba Đình rồi trở thành Quảng trường Ba Đình lịch sử. Công trình phía trên là phủ Toàn quyền, nay là Phủ Chủ tịch (ảnh tư liệu: Hanoi.org.vn)

Nhưng, thực ra cái tên Ba Đình, địa danh của một cuộc khởi nghĩa vũ trang chống Pháp nổi tiếng ở Thanh Hoá nửa sau thế kỷ XIX chỉ được chính thức định danh cho cái quảng trường, mà trước đó là cái chảo đua xe đạp, rồi trở thành cái đảo giao thông mang tên viên cố đạo Pugignier gắn bó với công cuộc chinh phục thuộc địa. Và người chọn đặt cái tên “Ba Đình” chính là Thị trưởng Trần Văn Lai, được Chính phủ Trần Trọng Kim bổ nhiệm ngay sau khi Nhật hất cẳng Pháp, và sau này cũng từng đảm nhận cương vị Phó Chủ tịch Uỷ ban hành chính Hà Nội của chế độ ta.

Còn vì sao chính quyền cách mạng, mà trực tiếp là Chủ tịch Hồ Chí Minh chọn địa điểm này làm nơi Chính phủ Cách mạng lâm thời ra mắt quốc dân đồng bào và đọc “Tuyên ngôn Độc lập” vào ngày 2.9.1945, thì không gian rộng thoáng, có thể huy động được đông đảo quốc dân chỉ là một lý do. Còn lý do chủ yếu vì nó nằm giữa khu phố Tây và Phủ Toàn quyền, nơi mà lúc này quân Nhật mặc dù đã đầu hàng nhưng vẫn được giao quản lý làm địa điểm tiếp rước các phái đoàn của Đồng Minh đang có mặt ở Đông Dương, sau khi chiến tranh kết thúc. Chọn địa điểm này, Cụ Hồ muốn làm cho tiếng vang của lời “Tuyên ngôn Độc lập” không chỉ đến với quốc dân đồng bào Việt Nam.

Cũng với quan điểm quy hoạch đô thị của nền chính trị Tây phương, xung quanh biểu tượng quyền lực của Phủ Toàn quyền này, người Pháp cũng xây dựng những trường trung học công (lycée), một dành cho nam (trường Albert Sarraut), một dành cho nữ (trường Félix Faure), nói theo cách của ta bây giờ thì đó là nơi cung cấp nguồn nhân lực cho chế độ thuộc địa. Sau ngày ta tiếp quản Hà Nội (10.1954), Phủ Toàn quyền được dùng làm Phủ Chủ tịch, còn 2 trường trung học thì dùng làm trụ sở của Đảng và của Bộ Tư pháp... Trung tâm chính trị của chế độ mới hình thành từ đấy cùng với một quần thể kiến trúc biệt thự rất tiện dụng cho ngoại giao đoàn hay các cơ quan nhà nước, mà chủ nhân của nó hoặc là của người Pháp, hoặc là của người Việt giàu có không còn ở lại với chế độ mới...

Tuy nhiên, vào thời kỳ nước nhà mới độc lập thì khu vực Quảng trường Ba Đình, ngoài một lần duy nhất tổ chức Lễ Độc lập, thì sau đó không lâu đã bị quân Pháp khống chế, cùng với lực lượng vũ trang đóng trong Thành cổ Hà Nội trở thành sào huyệt của chế độ thực dân đang lăm le khôi phục lại thuộc địa của mình.

Có thể nói, trung tâm chính trị của cuộc cách mạng giải phóng dân tộc và của quốc gia Việt Nam sau khi gây nền độc lập, lại chính là khu vực Quảng trường Nhà hát Thành phố. Tất cả mọi sinh hoạt của đời sống chính trị, văn hoá của nước Việt Nam mới đều diễn ra ở đây. Ngoài ra khi cần một không gian rộng lớn hơn, tập hợp được nhiều dân chúng hơn, thì sử dụng khu vực “Việt Nam học xá” - mặt bằng mà chính quyền Pháp đang xây dựng một khu đại học có quy mô hoành tráng nhưng đang dang dở (nay là khu vực Đại học Bách khoa Hà Nội).

Năm nay Nhà hát Lớn vừa tròn trăm tuổi, căn cứ vào niên đại ghi trên “trán” của sân khấu nhà hát: “1911”. Nghe nói, năm nay Bộ Văn hoá - Thể thao - Du lịch sẽ tổ chức trọng thể lễ kỷ niệm 100 năm Nhà hát Thành phố Hà Nội với ý nghĩa đó là một di sản kiến trúc “thời thuộc địa” tiêu biểu hàng đầu, nó cũng là dấu tích tập trung cho tiến trình tiếp thu văn minh phương Tây nói chung, văn hoá Pháp nói riêng, tạo không gian cho sự du nhập rồi ra đời một số bộ môn nghệ thuật hiện đại của nước Việt Nam ta, ví như : kịch nói, nhạc mới, v.v... Cũng nghe nói ban tổ chức chưa tìm thấy ngày khánh thành trong sử sách nên lấy con số 11 của thế kỷ XX để ấn định thời điểm tổ chức kỷ niệm 100 năm Nhà hát Thành phố vào ngày 11.11.2011 và hẳn vào đúng 11 giờ sẽ có một dấu ấn gì đó để gây ấn tượng chăng?


Nhà hát Lớn Hà Nội xưa (ảnh tư liệu: Hanoi.org.vn)

Nhà hát Thành phố đến nay, sau 100 năm, hình hài về căn bản vẫn nguyên vẹn như khi nó mới được xây dựng cách nay một thế kỷ, cho dù đã qua một cuộc trùng tu quy mô khá căn bản khi bước vào thế kỷ XXI. So với Sài Gòn và Hải Phòng thì Nhà hát Thành phố Hà Nội được xây dựng sau. Vào thời điểm Nhà hát Thành phố Sài Gòn khánh thành (1900) thì dự án xây dựng nhà hát cho thành phố Hà Nội mới được khởi công. Nhưng so về quy mô và vẻ đẹp thì chắc không gì sánh nổi Nhà hát Thành phố Hà Nội, mà người dân quen gọi là Nhà hát Lớn.

Trước hết, nhà hát được xây dựng trên một địa điểm và vào thời điểm như để xác lập 20 năm khởi công xây dựng Hà Nội như một thành phố theo chuẩn của nước Pháp kể từ năm 1888, khi vua Đồng Khánh ra sắc dụ trao cái lõi của tỉnh Hà Nội lập từ thời Minh Mạng (cũng ứng với đất là Thăng Long xưa) cho người Pháp làm “nhượng địa” và sắc lệnh của Tổng thống Pháp ban hành tức thời để khai sinh một “thành phố” hiện đại.

Người ta từng khái quát rằng: “Khi chiếm được một vùng đất mới, người Tây Ban Nha xây nhà tù, người Ý xây nhà thờ, người Anh xây ngân hàng còn người Pháp thì xây nhà hát”. Ngay sau khi chiếm được Hà Nội (1883), người Pháp cũng sớm thu xếp một nơi để thoả mãn cái thú văn nghệ cho cộng đồng của mình. Địa điểm đầu tiên lại chính là khoảng đất trống trước cửa đền Ngọc Sơn, mà khi đó thường được gọi bằng cái tên “rạp Chùa Bút”, do ấn tượng của cái tháp đá mà Nguyễn Văn Siêu đã dựng lên gần đó.

Chính tại đây, ngày 23.2.1885, buổi biểu diễn tạp kỹ đầu tiên do vợ chồng nghệ sĩ chuyên nghiệp Deschamps từ Pháp sang, đã ra mắt tại Sài Gòn và Hải Phòng, lần đầu trình diễn tại Hà Nội. Một thời gian sau, ngoài sự ra đời của Hội Hiếu nhạc (Société Philarmonique), với một trụ sở khá khang trang xây tách ra khỏi khu vực đền chùa (nay là khu đất của rạp múa rối nước Thăng Long), thì các sinh hoạt nghệ thuật của người Âu chuyển về địa điểm ở phố Hàng Cót, nơi trước kia là một nhà hát của người Hoa có tên là “Takou” - một địa điểm mà những quân nhân Pháp đóng trong thành Hà Nội có thể theo Cửa Đông để tối tối đến xem hát.

Tuy nhiên, với sự bùng nổ dân số của Hà Nội vào thời điểm diễn ra Cuộc khai thác Thuộc địa lần thứ nhất, mà công trình tiêu biểu là hoàn thành xây dựng cầu Doumer (tức cầu Long Biên), cộng đồng dân cư người Pháp ngày càng đông đúc tập trung dọc trục phố chính từ Đồn Thuỷ đến Phủ Toàn quyền, sự cần thiết phải có một nhà hát đáp ứng nhu cầu văn hoá của thị dân Hà Nội đã đưa đến quyết định của chính quyền thành phố phải xây dựng một nhà hát tương xứng với vị thế của Hà Nội đối với toàn xứ Đông Dương.

Một nỗ lực to lớn của chính quyền thành phố dùng kinh phí bán được Nhà hát Takou (sau này xây thành trường học cho con gái bản xứ, ban đầu lấy tên là “Brieux”, sau mang tên nữ thi sĩ “Thanh Quan” , dân gian thì gọi là trường Hàng Cót) để đầu tư xây dựng nhà hát mới của thành phố. Các kiến trúc sư Francois Lagisquet và Harley với ngôn ngữ kiến trúc tân cổ điển đã phỏng theo nhưng không rập khuôn Nhà hát Grand Opera de Paris với diện mạo sang trọng có sức chứa chừng 700 chỗ ngồi (tối đa có thể đạt tới 800 ghế).

Vào thời điểm đó, dân cư Hà Nội mới chỉ có chừng hơn một trăm ngàn, trong đó số người Âu và tầng lớp cư dân có điều kiện và nhu cầu đến nhà hát vẫn còn là thiểu số. Công trình xây dựng phải kéo dài đến 10 năm vì thiếu kinh phí một cách nghiêm trọng, đến mức phần mái lợp (loại ngói đá màu chì (ardois) tiêu biểu của kiến trúc châu Âu phải thay thế bằng vật liệu khai thác ở ngay thuộc địa. Và cũng chính vì thế, dường như không có thời khắc khánh thành toàn bộ công trình, nhưng người ta ghi nhận được một sự kiện có ý nghĩa nhất đối với một nhà hát, đó là buổi “sáng đèn sân khấu đầu tiên” ở Nhà hát Lớn Hà Nội.

Tối 9.12.1911, đoàn kịch Philarmonique đã công diễn vở hài kịch có tên là “Chuyến đi của ông Perrichon”. Đương nhiên vở diễn do các diễn viên người Pháp trình diễn và nói bằng tiếng Pháp. Chỉ trong vài thập kỷ sau đó, trên sân khấu của nhà hát không chỉ là sân chơi của giới thượng lưu quý tộc nước ngoài, mà sự hình thành tầng lớp thị dân cùng trí thức mới đã biến Nhà hát Lớn thành cái nôi cho nhiều sinh hoạt nghệ thuật của người Việt.

Từ vở kịch “Người bệnh tưởng”, “Kẻ hà tiện” của Moilère do những diễn viên nghiệp dư là những trí thức say mê với nền nghệ thuật phương Tây đến những vở kịch nói đầu tiên của người Việt Nam, như vở “Chén thuốc độc” của Vũ Đình Long với đội ngũ các diễn viên ngày một mang tính chuyên nghiệp hơn đã trở thành khởi điểm cho sự ra đời bộ môn nghệ thuật mới mẻ này...

Sân khấu Nhà hát Lớn vào thời điểm đang diễn ra những biến chuyển trọng đại, gắn với sự khát khao tự do, độc lập của người dân Hà Nội đã là nơi chuyển tải bằng ngôn ngữ nghệ thuật ý chí đấu tranh cho độc lập quốc gia. Đó là những đêm diễn sôi động của Tổng hội Sinh viên, tổ chức Hướng đạo Việt Nam, hay Phong trào truyền bá quốc ngữ... Những bản hùng ca, sử ca, những vở kịch gợi lại những tấm gương của người xưa... tất cả chuẩn bị cho một cuộc nổi dậy giành đoạt lại tự do, độc lập cho Tổ quốc.

Và sự kiện ngày 17.8.1945, khi lần đầu tiên lá cờ đỏ sao vàng vĩ đại tung bay trước mặt tiền Nhà hát Lớn như một lời hiệu triệu quốc dân của những chiến sĩ Việt Minh, để rồi ngày 19.8.1945, cũng từ Quảng trường Nhà hát Lớn này, cuộc Tổng khởi nghĩa đã bùng nổ trên toàn thành phố, như sự khởi động cho cao trào Tổng khởi nghĩa diễn ra trên toàn quốc.

Có thể nói, trong suốt thời kỳ lịch sử của những ngày độc lập đầu tiên, Nhà hát Lớn đã trở thành một địa điểm hội tụ tất thảy hào khí của cuộc cách mạng. Hầu như mọi sự kiện quan trọng nhất đều diễn ra tại đây, các cuộc tập hợp quần chúng như Tuần lễ vàng, ra quân chống giặc dốt, giặc đói... ; những cuộc kỷ niệm trọng thể từ Giỗ tổ Hùng Vương, Giỗ Đức thánh Trần, Kỷ niệm Hoàng Diệu đều diễn ra trên Quảng trường Nhà hát Lớn...

Thắng lợi của cuộc Tổng tuyển cử đã bầu ra Quốc hội đầu tiên và hai kỳ họp đầu tiên của Quốc hội khoá I đã diễn ra tại đây, với việc ra mắt Chính phủ Nhân dân và thông qua bản Hiến pháp đầu tiên (11-1946). Cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp khởi đầu bằng 60 ngày đêm khói lửa của các chiến sĩ quyết tử cũng để lại không ít những vết đạn trong toà kiến trúc Nhà hát Lớn, mà đến nay vẫn được lưu lại như những dấu tích lịch sử...

Sau ngày giải phóng thủ đô, Nhà hát Lớn là nơi ra mắt Uỷ ban quân quản, rồi tiếp tục trở thành nơi Quốc hội họp cho đến khi Hội trường Ba Đình được xây dựng (1963). Các cuộc mít tinh, các hoạt động quần chúng đều diễn ra tại đây, đồng thời với những hoạt động nghệ thuật đúng với công năng của Nhà hát Lớn, nơi những thành tựu quan trọng nhất của nền nghệ thuật hiện đại được trình diễn, cũng là nơi sang trọng nhất trong những sinh hoạt nghệ thuật giao lưu quốc tế...

Có thể nói, trên mảnh đất thủ đô hôm nay, hiếm có thể có một địa điểm nào sánh được với Nhà hát Lớn về hàm lượng lịch sử mà nó chứa đựng, không chỉ trên lĩnh vực nghệ thuật mà cả trên phương diện của một di tích lịch sử.

Nhưng cũng đáng suy nghĩ, khi thấy trên một không gian giá trị như thế, ngoài sự tôn vinh vẻ đẹp kiến trúc thời thuộc địa của Nhà hát Lớn qua một lần trùng tu rất quy mô thì những dấu tích lịch sử ngày càng mờ nhạt. Ngoài một tấm đá nhỏ gắn trên tường ít ai để ý, ngoài một tấm đá ghi danh quảng trường luôn bị xe cộ chắn lấp thì hầu như không còn một cái gì gợi lại cho người đến đây một cảm xúc về bề dày lịch sử, những sự kiện đã diễn ra tại toà nhà và quảng trường lịch sử này.

Một tượng đài không cần lớn phù hợp với cảnh quan tôn vinh sự kiện vĩ đại của cuộc Tổng khởi nghĩa Tháng Tám 1945 vẫn là tâm niệm của một thế hệ đã từng chứng kiến và của cả những thế hệ không muốn lịch sử bị lãng quên. Bởi lẽ nơi đây không chỉ là một nhà hát, nó xứng đáng là dấu son đậm nét trên tấm bản đồ của thủ đô Hà Nội đáng tự hào của chúng ta. 

Dương Trung Quốc

 

Thêm bình luận

3000 ký tự


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo

Loading...