Ashui.com

Tuesday
Nov 05th
Home Tương tác Góc nhìn Tên là sự tự trọng, uy tín người Việt

Tên là sự tự trọng, uy tín người Việt

Viết email In

Ở bất cứ quốc gia có nền văn hóa lâu đời hoặc có sự tự tôn dân tộc, không bao giờ có chuyện họ đặt tên công trình, dự án bằng tên nước ngoài. Ở nước ta, dường như đang có một loại xu hướng khách hàng thích được khoác tên nước ngoài mà tôi nghĩ đó là một loại văn hóa của những kẻ trọc phú, một loại trưởng giả học làm sang. Bên cạnh đó, nhiều chủ dự án cũng thích câu khách bằng những cái tên mà chính họ phát âm còn không đúng, một chữ ngoại ngữ bẻ đôi cũng không có.

Đẳng cấp thì rất nên phấn đấu và đạt đến. Tôi và đa số người dân sẽ rất hoan nghênh các công trình, dự án đẳng cấp. Nhưng vấn đề là bạn có thể tin nổi vào đẳng cấp ở một công trình, dự án mà ngay đến cái tên đặt cho nó, cái chất lượng, cái giá trị, thương hiệu phải núp dưới một cái tên tây nào đó hay không? Nếu đã là đẳng cấp, người ta luôn tự tin vào đẳng cấp của chính mình. Những chủ dự án, chủ đầu tư công trình đẳng cấp thực thụ bao giờ cũng tự tin với chính sản phẩm của mình, với chính tên của mình, thương hiệu của mình… họ không bao giờ làm cái việc phản đẳng cấp là treo tên tây bán… hàng Việt.

  • Ảnh minh họa bên: Dự án Khu đô thị mới Waterfront City - TP Hải Phòng

Không nói thì ai cũng hiểu cái cách bán hàng “treo tên tây bán hàng Việt” đó là gì. Đa phần đó là những dự án mà chủ đầu tư không tự tin với mục tiêu đặt ra bởi mức đầu tư hạn chế và chắc chắn hạn chế hơn nhiều cái mong muốn có được “đẳng cấp”.

Đôi khi người ta bảo cái tên tây có ý nghĩa hay hơn. Đấy là nói tù mù với nhau thế cho xong chuyện. Rạch ròi ra, hãy thử dịch nghĩa của tất cả các cái tên tây đó ra tiếng Việt rồi lấy cái tên đã dịch đó làm biển thật lớn, gắn lên công trình, dự án xem có còn đẹp nữa hay không. Tôi tin rằng, nhiều chủ dự án và khách hàng sẽ nhận ra sự kệch cỡm giữ cái tên và sản phẩm. Kệch cỡm ở chỗ đa phần ý nghĩa của cái tên không liên quan hoặc không thể diễn giải hợp lý cho công trình và dự án rằng tại sao lại thế. Nếu có khả năng xét đoán đẳng cấp, người ta sẽ xem xét kỹ ngay cả những cái tên có vẻ được diễn giải hợp lý với công trình, dự án rằng, bên trong cái sản phẩm đó có cái gì thực sự là “chất liệu” và chất liệu đó có đủ sức làm nên cái đặc trưng được đặt thành tên cho nó hay không, hay chỉ là tán tán ra từ những thứ li ti, không đủ tạo nên đặc sắc.

Ví dụ, một dự án có tên là Sunset mà dịch nghĩa ra là "Hoàng hôn" chẳng hạn. Tại sao lại có tên là "Hoàng hôn"? Vì vị trí của công trình đặt ở chỗ có thể quan sát được hoàng hôn? Thế ở khu vực xung quanh người ta không thể nhìn thấy hoàng hôn hay sao? Có gì đặc sắc liên quan đến hoàng hôn ở công trình đó không? Hay là kết cấu, vật liệu của công trình này phản chiếu ánh hoàng hôn đến tối đa và tạo nên một hòa sắc kỳ lạ nào đó trong không gian kiến trúc tổng thể của dự án? Hay là kiến trúc của nó khiến cho từ mọi góc nhìn đều có thể chiêm ngưỡng được hoàng hôn thuận lợi và đẹp nhất. Hay như một công trình đặt tên dịch ra tiếng Việt là Quán gió chẳng hạn. Liệu chỗ đó có thực sự là quán gió theo nghĩa là lợi thế nổi bất nhất về vị trí đón gió và có gió hay không? Hay đó là chỗ cũng có một ít gió như những chỗ khác và thua xa một vị trí nhiều gió ở gần đấy? Tôi đưa ra một hai ví dụ để hiểu hơn về cái gọi là “chất liệu”, tức là nó phải có đặc trưng, nổi bật để toát lên cái tên đó. Nếu xét theo cách này, hầu hết những cái tên tây nào bạn đang đọc được đều không thỏa mãn. Nhưng như thế mới thực là đẳng cấp. Đẳng cấp là phải tự tin đứng trên đôi chân của mình.

Đẳng cấp là một tiêu chuẩn khá xa với đa số dự án và công trình ở nước ta. Nhưng làm thế nào với số đông những công trình, dự án không đỉnh mà cũng chẳng đẳng lại khoác lên nó những cái tên Tây? Có nhiều câu trả lời cho câu hỏi đó và nó tùy thuộc vị trí người trả lời. Nếu bạn là chủ đầu tư, câu trả lời phụ thuộc vào trình độ văn hóa và mong muốn của ông chủ, trừ khi họ nhận ra và muốn thay đổi. Nếu bạn là khách hàng cũng lại phụ thuộc vào văn hóa của bạn. Khó có thể kêu ca hay trách móc gì nếu còn quá nhiều những khách hàng cứ hễ thấy tên tây hay người tây nào đó được thuê lên nói vài lời về dự án là lao vào mua ào ào, thậm chí tranh nhau mua. Nếu bạn là vai của người làm quản lý, câu trả lời cũng phụ thuộc vào cái tầm văn hóa của bạn, văn hóa thấp thì quản lý sẽ tạo điều kiện để những thứ quái dị hình thành trong xã hội.

  • Ảnh minh họa bên: Dự án Royal City - Hà Nội

Về cơ bản là phụ thuộc phần lớn vào tầm mức văn hóa của người quản lý, chủ đầu tư, khách hàng. Nhưng ai dám bảo người văn hóa thấp thì không có lòng tự trọng? Nếu có tự trọng người ta cũng sẽ có cách hàng xử khác.

Tự trọng có thể còn dễ tìm thấy vì cái tôi cá nhân dễ khơi dậy hơn, có vẻ như văn hóa là một giá trị khó đưa vào, khó thay đổi cái hiện thực “không bình thường”? Đúng là khó. Nhưng không phải không làm được. Chủ đầu tư thấy khó tự bổ sung giá trị văn hóa vào các dòng sản phẩm của mình thì thuê các chuyên gia về văn hóa bổ sung cái mình cần. Khách hàng thấy không tự tin thì thuê tư vấn. Nhà quản lý ít văn hóa thì phải tham vấn chuyên gia hoặc tự học hỏi. Không đầu tư cho văn hóa thì làm sao để khỏa lấp khoảng trống về văn hóa, làm sao tránh khỏi thua thiệt, thấp kém. Đồng thời phải hiểu, muốn có văn hóa, muốn trang bị văn hóa cho mình trước tiên phải có tự trọng cá nhân, tự tôn dân tộc, tự hào về các giá trị lợi thế và truyền thống của đất nước.

Hoàng Hữu Hải - Nguyên Đại sứ Việt Nam tại Liên hiệp quốc

 

Thêm bình luận


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo