Ashui.com

Saturday
Apr 27th
Home Tương tác Góc nhìn Vỉa hè Hà Nội: Bao giờ mới hết bị băm nát?

Vỉa hè Hà Nội: Bao giờ mới hết bị băm nát?

Viết email In

Sau mỗi lần ra quân nhằm trả lại thông thoáng vỉa hè, đảm bảo mỹ quan đô thị, thì chỉ một thời gian sau, vỉa hè hàng trăm tuyến phố ở Hà Nội lại bị lấn chiếm như cũ, khiến người dân kêu trời.

Biến thành “đại công trường”

Tuyến phố Thái Hà luôn diễn ra tình trạng tắc đường nghiêm trọng vì có nhiều công trình  đang xây dựng. Chủ đầu tư công trình nhà cao tầng I1, I2, I3 Thành Công để máy trộn bêtông ngay dưới lòng đường cùng với việc tập kết nguyên - vật liệu trên vỉa hè mỗi khi đổ sàn là gây ách tắc giao thông.


Vỉa hè đường Láng ngổn ngang gạch cát.

Vỉa hè Hà Nội giờ thành “đại công trường” ngổn ngang những thùng rác, đống rác, gây mất vệ sinh; rồi quán cóc vỉa hè và đặc biệt hơn là trách nhiệm của chủ công trình khi lát gạch, thi công mà không hoàn trả mặt bằng. Ngay trên tuyến phố Trần Hưng Đạo, sau khi lát xong đường, đơn vị thi công vẫn xếp gạch, vật liệu xây dựng ngay trên vỉa hè, gây cản trở giao thông cho người đi bộ và những nhà dân xung quanh.

Hiện tượng đào bới vỉa hè thi công cũng đang diễn ra tại phố Trần Khát Chân từ số nhà 327 – 377. Tiếng máy khoan ầm ĩ cả ngày, bụi bay tứ tung, vật liệu xây dựng ngổn ngang, có nhiều nơi, đơn vị thi công cứ khoan rồi để đấy chưa lát gạch, nên mặc dù có vỉa hè nhưng người đi bộ vẫn phải đi xuống lòng đường.

Trên các đường Láng, Trần Duy Hưng (đoạn gần siêu thị BigC Thăng Long) cũng đang bị “cày” tung lên để lát lại. Ngoài tiếng ồn diễn ra thường xuyên vì công trình đang thi công, kèm theo đó là bụi và vật liệu tập kết bừa bãi của chủ công trình đã ảnh hưởng đến người dân sống xung quanh. Rất nhiều người dân bức xúc phản ánh: Vỉa hè vừa lát lại dịp kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long – Hà Nội, nay lại thấy lật lên, gây tốn kém và việc hoàn trả mặt bằng đối với các khu vực này rất lâu, ảnh hưởng trực tiếp tới người dân và các phương tiện giao thông.

Tại đường Nguyễn Khang, các loại dây treo lủng lẳng vắt ngang qua đường gây phản cảm, dưới vỉa hè mới lát ngổn ngang vật liệu xây dựng và bị chiếm dụng bởi hàng dãy xe ôtô “ngự” trên vỉa hè, khiến người đi bộ không biết đi đường nào, phải tràn xuống đường.

Biến thành nơi kinh doanh

Đối với người dân kinh doanh, có lẽ chưa bao giờ vỉa hè lại có tác dụng như vậy. Trên đường Nguyễn Trãi, vỉa hè là nơi tập kết xe môtô,  ôtô hoặc là nơi bày bán bàn ghế.  Tại phố Trường Chinh, Cát Linh, vật liệu gạch, nội thất, gốm sứ, inox... xếp đầy trên vỉa hè phục vụ cho việc kinh doanh, buôn bán. Còn trên phố Đê La Thành, khi cả tuyến phố, vỉa hè không còn chỗ nào cho người đi bộ len chân. Ngay từ đầu tuyến phố, sắt, thép được các cửa hàng bê ra ngoài vỉa hè để hàn, để cưa. Đoạn giữa phố vỉa hè lại bị chiếm dụng để đồ gỗ và các vật dụng bằng gỗ.

Không chỉ có tuyến phố giáp ranh, nhiều tuyến phố trong khu phố cổ như: Lò Sũ, Hàng Dầu, vỉa hè cũng biến thành nơi kinh doanh giày dép, quần áo. Những tuyến phố nằm trong khu phố gần với khu vực bán hàng trên tuyến phố đi bộ thì được rất nhiều cá nhân căng dây trông xe trên vỉa hè vào những ngày cuối tuần như: Gia Ngư, Cầu Gỗ, Đinh Liệt...

Khi lực lượng chức năng tiến hành kiểm tra, bước đầu tình trạng lấn chiếm vỉa hè lòng đường bị dẹp bỏ, khi lực lượng kiểm tra rút quân, tình trạng tái chiếm lại diễn ra. Gần đây nhất là ngày 10/8, UBND TP chỉ đạo các ngành chức năng ra quân lập lại trật tự đô thị, kiểm tra, xử lý vi phạm lấn chiếm vỉa hè. Nếu cơ quan chức năng không chốt giữ thì những ngày sau đợt ra quân tình trạng vi phạm lại tái diễn.

Sở Công Thương TP.Hà Nội cũng sẽ tiến hành kiểm tra từ nay đến cuối năm các tuyến phố văn minh đô thị, nếu tuyến phố nào nhếch nhác, lấn chiếm vỉa hè thì sẽ xem xét rút khỏi danh hiệu tuyến phố văn minh đô thị. Tuy nhiên, nhiều người dân vẫn hoài nghi về khả năng lập lại trật tự đô thị Hà Nội: Mỗi khi cơ quan chức năng vào cuộc, hè lại thông, đường lại thoáng, nhưng hậu kỳ của các đợt kiểm tra thì đâu lại vào đấy – vỉa hè bị lấn chiếm, đường lại tắc.

Xuân Long - Hà Anh

 

Thêm bình luận


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo