Năm năm trôi qua từ ngày UBND TP Hà Nội có chỉ đạo các cơ quan của thành phố bố trí nhà ở để thu hồi biệt thự 12 Nguyễn Chế Nghĩa mà ông Hoàng Văn Nghiên, nguyên Chủ tịch UBND TP thuê ở. Nhưng, đến nay, việc thu hồi vẫn nằm trên giấy.
Qua nhiều ngày quan sát ngôi biệt thự bề thế tại 12 Nguyễn Chế Nghĩa, quận Hoàn Kiếm, phóng viên (PV) được biết, con trai ông Hoàng Văn Nghiên đang sinh sống tại đây. So với 5 năm trước, căn biệt thự giờ đây đã được sửa sang khang trang hơn.
Trao đổi với PV, ông Nguyễn Hữu Nghĩa (80 tuổi, nhà sát cạnh biệt thự 12 Nguyễn Chế Nghĩa)-Tổ trưởng Dân phố 18 thuộc phường Hàng Bài, nói: “Cả khu phố này ai cũng biết con ông Hoàng Văn Nghiên vẫn ở tại khu biệt thự này. Trả nhà hay không thì không biết, nhưng từ ngày đó đến giờ, con ông ấy vẫn ở đây. Tôi nhớ, sau khi báo chí thông tin ầm ĩ, họ chỉ bỏ không khoảng vài tháng rồi sau đó lại quay về ở. Sau này, anh Nam (con trai ông Nghiên-PV) có sửa sang và quét vôi ve lại biệt thự”.
Ông Nghĩa cho biết, ông vẫn lĩnh lương và nộp một số khoản đóng góp cho tổ dân phố giúp ông Nghiên, nên thỉnh thoảng vẫn vào biệt thự số 12 này.
- Ảnh bên: Biệt thự 12 Nguyễn Chế Nghĩa (Ảnh: Hồng Vĩnh)
Pháp luật chưa được thực thi
Theo hồ sơ của cơ quan quản lý, ngôi biệt thự 12 Nguyễn Chế Nghĩa, diện tích trên 400 m2, là 1 trong 30 biệt thự thuộc diện phải thu hồi đầu những năm 90 theo chủ trương của thành phố, để cho người nước ngoài thuê, tăng nguồn thu. Thực hiện chủ trương đó, thành phố đã phải bồi thường cho hơn chục hộ dân di dời, mỗi hộ 50-60 m2 đất để giải phóng mặt bằng.
Sau khi thu hồi, biệt thự 12 Nguyễn Chế Nghĩa được Sở Nhà đất sửa sang lại, cho một người Nhật thuê với giá 5.000 USD/tháng. Khi hợp đồng hết hạn, ngôi biệt thự được cho một cơ quan của thành phố mượn tạm. Đầu năm 2002, ông Hoàng Văn Nghiên trả lại căn hộ 406 B nhà K11 Khu tập thể Bách Khoa (cũng là nhà thuê) chuyển về biệt thự 12 Nguyễn Chế Nghĩa thuê ở, với giá thuê khi đó khoảng 500.000 đồng/tháng.
Khi đã rời chức Chủ tịch UBND TP, ông Hoàng Văn Nghiên có đơn xin hoá giá căn biệt thự theo Nghị định 61/CP và đã được một số cơ quan chức năng của thành phố đồng tình. Tuy nhiên, sau đó, việc hoá giá không thành, do báo chí thông tin, khẳng định căn biệt thự này không thuộc diện được hóa giá. Mọi việc buộc phải dừng lại.
Cần lưu ý rằng, từ năm 1994 Nhà nước đã bãi bỏ việc bao cấp về nhà ở cho cán bộ. Tiền nhà ở được tính vào lương. Bởi vậy, ngày 5/10/2006, Văn phòng UBND TP Hà Nội đã có văn bản số 225, thông báo, khẳng định sẽ thu hồi ngôi biệt thự, đồng thời giao Sở TN&MT phối hợp cơ quan chức năng, căn cứ quy định hiện hành của nhà nước, có phương án giải quyết nơi ở mới cho ông Hoàng Văn Nghiên.
Vậy nhưng đã qua 5 năm, các cơ quan của thành phố vẫn chưa thực hiện được việc bố trí nhà ở mới cho ông Nghiên, để thu hồi biệt thự công này.
Một lãnh đạo UBND TP Hà Nội, cho biết: “Trong trường hợp này chúng tôi cũng rất khó xử, vì xét về công trạng, anh Hoàng Văn Nghiên làm chủ tịch đến 10 năm, có công lớn với Thủ đô, nên nếu chỉ căn cứ theo pháp luật thì cũng khó. Việc bố trí nơi ở mới cho anh Nghiên ở đâu, vị trí nào, thành phố đang cố gắng để giải quyết. Chúng tôi sẽ trao đổi với gia đình để đạt được sự đồng thuận”. |
(Nhóm phóng viên Tiền Phong)
- “Sống tốt” trong lòng di tích
- Hội An: Trăn trở giữa truyền thống và hiện đại
- Tư duy nào cho khu kinh tế, nhìn từ lựa chọn ở Chu Lai
- Căn hộ: chuyện nhỏ - to đã không còn là chuyện nhỏ!
- Tuyệt vời “Giờ không xe máy”!
- Nhà người Nhật ở Hội An và những dự án hoang phế...
- Bài toán quản lý đô thị: cần lời giải đơn giản
- Vỉa hè Hà Nội: Bao giờ mới hết bị băm nát?
- Nghệ thuật thổi bong bóng
- Tên là sự tự trọng, uy tín người Việt