Ashui.com

Friday
Nov 29th
Home Tương tác Góc nhìn “Sống tốt” trong lòng di tích

“Sống tốt” trong lòng di tích

Viết email In

Không lâm vào cảnh “phố cổ là phố khổ” như khu phố cổ Hà Nội, khu đô thị cổ Hội An (Quảng Nam) đang là “mảnh đất vàng” dù không còn chỗ để dễ chen chân, và đời sống người dân ngày một phát triển, khá giả.

Vì sao vậy? Đó là bởi Hội An giải quyết được vấn đề bảo tồn di tích và phát triển du lịch dịch vụ, khai thác được giá trị di sản để tạo nên giá trị kinh tế phục vụ đời sống của chính những người dân nơi đây. 

Thành phố cổ, đời sống mới

Phố cổ Hội An chỉ có diện tích chưa đầy 2 cây số vuông, hàng ngàn di tích nhà cổ, với vô số quy định ngặt nghèo, nhưng hơn 30 ngàn con người “chen chúc” trong đó vẫn có thể sinh sống bình thường, thậm chí còn “sống tốt”. Các nhà nghiên cứu đương đại đánh giá, đô thị cổ Hội An - không chỉ bằng quá trình lịch sử đã trải qua, mà còn đang diễn ra - là một bằng chứng sống động về lịch sử hình thành và phát triển của các đô thị VN qua các thời đại... Rằng, đô thị cổ Hội An là một tập hợp các loại hình kiến trúc đô thị cổ với một cơ cấu cư dân đô thị còn nguyên vẹn.

  • Ảnh bên: Tái hiện một đám rước xưa tại phố cổ. (Ảnh: T.T.T)

Sự nguyên vẹn trong kiến trúc đô thị vẫn được bảo tồn ở ba bình diện: hình thái đô thị, đơn vị không gian kiến trúc tức khu phố cổ và từng công trình kiến trúc riêng lẻ. Và đặc biệt hấp dẫn ở chỗ, hầu như toàn bộ các công trình lịch sử đó đều có chủ nhân, đều đang được sử dụng trong cuộc sống hiện tại. Trong những ngôi nhà cổ hình ống đã được xây dựng cách đây hàng trăm năm, các thế hệ con cháu đời nay vẫn tiếp tục sống nối tiếp các thế hệ cha ông của họ, tạo thành “một thành phố cổ đang sống”.

Từ ngày Hội An trở thành di sản văn hoá thế giới (1999), “thành phố cổ đang sống” này ngày càng thêm sinh khí. Ông Trần Văn An, Phó GĐ Trung tâm quản lý bảo tồn di sản Hội An cho biết, trung bình mỗi năm, các nguồn kinh phí ngân sách, tài trợ của các tổ chức nước ngoài cùng người dân đầu tư khoảng 100 tỉ đồng trùng tu khoảng 100 di tích, theo đúng các quy định đặc thù về trùng tu nhà cổ Hội An.

Chính trên cơ sở bảo tồn, giữ gìn được vẻ đẹp nguyên trạng mà Hội An hình thành nên một “thương hiệu” du lịch văn hoá mang tầm quốc tế. Mỗi năm, Hội An đón hàng triệu lượt du khách đa quốc tịch tham quan, lưu trú, mua sắm, tham gia lễ hội văn hóa du lịch suốt tháng quanh năm. Nhờ vậy, đời sống kinh tế của các chủ dân di sản ngày một khá giả. Hiện tại, gần như toàn bộ “mặt tiền” các tuyến phố chính Hội An đều là những cửa hiệu buôn bán. Các nhà cổ này, hầu hết là thuộc sở hữu của người dân, được các chủ nhân vừa giữ gìn, vừa khai thác hiệu quả.

Theo ông Lê Văn Giảng, Chủ tịch UBND TP.Hội An, ngành du lịch -  dịch vụ - thương mại luôn chiếm hơn 65% tỉ trọng GDP, người Hội An thu nhập ngày càng cao, đến 14,7 triệu đồng GDP bình quân đầu người, lại thêm được va đập, học hỏi mở mang nhờ tiếp nhận văn hoá thế giới qua phát triển du lịch.


(Ảnh: Lê Quang Nhật /SGTT)

Thử giải mã “mô hình Hội An”

Nhờ đâu mà phố cổ nhỏ bé này không những không trở thành “phố khổ” đối với các chủ nhân, mà còn bảo tồn và phát triển đời sống đương đại trên chính nền tảng di sản của cha ông? Trước hết, với tính đặc thù mình, Hội An đã trở thành “tâm điểm” thu hút sự “quan tâm đầu tư, chăm sóc” của giới nghiên cứu, bảo tồn quốc gia và quốc tế. GS.TS.KTS Hoàng Đạo Kính nhận xét, công tác bảo tồn và trùng tu di sản kiến trúc ở Hội An thời gian qua chẳng những khắc phục tình trạng xuống cấp “kịch tính” của các di tích, mà còn nâng cấp diện mạo chung của khu phố cổ, nâng cao chất lượng sống cho người dân, tạo nên sự đảm bảo cho di sản tồn tại lâu dài hơn.

Sự đầu tư của chính quyền cấp tỉnh đến trung ương cả về cơ chế chính sách lẫn nguồn kinh phí cho một đề án tổng thể bảo tồn, phát huy giá trị di sản cũng giúp Hội An có đủ điều kiện, cơ sở thực hiện các kế hoạch liên quan đến phố cổ.

Hơn mọi nơi nào khác, dân Hội An hiểu rằng di sản ông cha họ để lại chính là tài nguyên của họ. Không giữ được, lấy gì mà làm ra tiền của. Do vậy, người dân phố cổ tuân thủ rất tốt vô số quy định ngặt nghèo về quy chế quản lý, sử dụng, sửa chữa chính ngôi nhà cổ của mình. Còn về phía cơ quan quản lý, theo ông Trần Văn An, bảo tồn không chỉ là gìn giữ, để nghiên cứu, mà còn để phát triển, đối với một di tích sống động như Hội An, thì cuộc sống hàng ngày của hàng chục ngàn người là một áp lực vô cùng to lớn. Chính vì vậy, các quy định về quản lý di tích phải vừa nghiêm ngặt, vừa đáp ứng nhu cầu sinh hoạt, làm ăn của cư dân.

Ông Lê Văn Giảng, Chủ tịch UBND TP.Hội An khẳng định: “Kinh doanh “kiểu cũ” sẽ làm hỏng di sản, cả về hữu hình lẫn vô hình. Như vấn đề cháy nổ chẳng hạn, với đặc điểm nhỏ hẹp, nhà gỗ, liên cư liên địa, chỉ cần một mồi lửa phát ra là sẽ cháy tất cả. Rồi cạnh tranh không lành mạnh là hệ quả tất yếu của sự “quá tải”. Phố cổ là di tích “sống”, hầu hết do người dân làm chủ, nên nhà nước và người dân phải cộng đồng trách nhiệm, cộng đồng hưởng lợi. Việc khai thác kinh tế là tất yếu, nhưng không phải là bằng sự trả giá bất kỳ, mà phải được định hướng, quản lý chặt chẽ. Nhưng hoàn toàn đó không phải là những áp đặt nghiêm lệnh cấm. Quy chế cũ không còn phù hợp, bộc lộ bất cập, hạn chế trước tình hình mới, Hội An sẵn sàng thay đổi, thử nghiệm, điều chỉnh để áp dụng các quy chế phù hợp, hài hoà hơn để phát triển”.

Một điều đặc biệt nữa khiến phố cổ Hội An “sống tốt”, là sự đồng thuận hiếm có giữa chính quyền và người dân. Người dân phố cổ đã tìm cách nối tiếp một cách rất sáng tạo và dĩ nhiên là thành công quá trình xây dựng chứ không chỉ là khai thác di sản-tài sản của ông cha để lại, để làm nên một Hội An sống động như hôm nay. Đó chính là ý thực tự thân của người Hội An.

Trương Tâm Thư

 

Thêm bình luận

3000 ký tự


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo

Loading...