Ashui.com

Sunday
Nov 03rd
Home Tương tác Góc nhìn Quyết hạn chế xe cá nhân

Quyết hạn chế xe cá nhân

Viết email In

Tại buổi làm việc giữa Bộ Giao thông vận tải (GTVT) và UBND TP.HCM ngày 23/9, các đại biểu đều cho rằng cần phải từng bước hạn chế ôtô và xe máy cá nhân trước sự phát triển quá mạnh của các phương tiện này dẫn tới quá tải cho hạ tầng giao thông.

Đại diện Vụ Vận tải Bộ GTVT cho biết đang chờ những đề án cụ thể của TP.HCM và Hà Nội để làm cơ sở báo cáo Chính phủ. Dự kiến vào tháng 10/2011 sẽ thành lập ban chỉ đạo cấp trung ương về đề án giảm xe cá nhân.


TP.HCM quyết tâm hạn chế xe cá nhân để giải quyết nạn kẹt xe (Ảnh: Hoàng Thạch Vân)

Sẽ không còn chỗ lưu thông

Ông Trần Quang Phượng - giám đốc Sở GTVT TP.HCM - cho biết dù là đầu mối giao thông lớn với tất cả các loại hình vận tải nhưng hiện nay hệ thống hạ tầng giao thông của TP đã trở nên quá tải. Tính tới hết tháng 8/2011, TP.HCM đã có gần 500.000 ôtô (chiếm gần 1/3 tổng số ôtô của cả nước), khoảng 5 triệu xe máy và hơn 1 triệu xe cộ ngoại tỉnh ra vào TP mỗi ngày. Mật độ dân số cao, số lượng phương tiện lớn, trong khi quỹ đất cho giao thông của TP hiện nay rất thấp.

Báo cáo của Bộ GTVT đánh giá diện tích của TP.HCM chưa bằng 1% cả nước nhưng số lượng xe cá nhân đã chiếm 1/3 số lượng của cả nước. Với dân số trên 7 triệu người, tỉ lệ xe cơ giới trên số dân của TP đã vượt mức 1/2 (cứ hai người có hơn một chiếc xe).

Trong khi đó để hạn chế quá tải trên đường bộ, biện pháp quan trọng là phải hạn chế xe cá nhân. Ông Trần Quang Phượng cho biết dự án thu phí ôtô vào khu vực trung tâm TP đang được Sở GTVT phối hợp với nhà đầu tư nghiên cứu, đề xuất thực hiện dự án theo hình thức BOT (xây dựng - vận hành - chuyển giao). Dự án này sẽ phải lấy ý kiến của các bộ, ngành trước khi triển khai các bước tiếp theo. “Sở GTVT TP.HCM sẽ chủ động thực hiện, nhưng có tiếng nói của bộ vấn đề mới được đẩy nhanh” - ông Phượng nói.

Chủ tịch UBND TP Lê Hoàng Quân cho rằng đang “cân nhắc rất dữ” về dự án này, nhưng việc dần hạn chế xe máy và ôtô là việc cần phải làm vì với sự phát triển phương tiện như hiện nay (mỗi tháng TP.HCM có khoảng 20.000 xe gắn máy và 3.000 ôtô đăng ký mới), TP.HCM sẽ không còn chỗ để lưu thông.

“Trên trời cũng quá tải”

Đó là câu ví von của Thứ trưởng Phạm Quý Tiêu được sự đồng tình của cả hội trường khi ông cho rằng tình trạng quá tải diễn ra không chỉ trên đường bộ mà còn xảy ra với đường hàng không, đường thủy...

Theo ông Tiêu, một nghiên cứu quốc tế đánh giá trong vòng năm năm tới thị trường vận tải hàng không của VN sẽ rất lớn, đứng thứ hai thế giới (chỉ sau Trung Quốc). Năm 2010, lượng vận tải hành khách tại sân bay Tân Sơn Nhất đạt 15 triệu lượt; tính riêng tám tháng đầu năm 2011 con số này đã đạt 11 triệu lượt.

Cứ với tốc độ này, chỉ tới năm 2013 hoặc 2014 nhu cầu vận tải hành khách bằng đường hàng không tại TP.HCM sẽ đạt khoảng 20 triệu lượt và tiếp tục tăng lên 25 triệu hành khách/năm trong năm năm tới. Trong khi đó sức tiếp nhận của sân bay Tân Sơn Nhất chỉ đạt khoảng 19 triệu hành khách/năm.


Kẹt xe, giao thông rối loạn tại vòng xoay Lăng Cha Cả, Q.Tân Bình, TP.HCM  (Ảnh: T.T.D.)

Cần có cách đi riêng

Để kéo giảm ùn tắc, bên cạnh việc hạn chế xe cá nhân, sắp tới TP.HCM sẽ đẩy mạnh phát triển giao thông công cộng và mở rộng đường, đặc biệt là các tuyến đường cao tốc xuyên tâm và đường vành đai.

Từ nay tới năm 2020, TP.HCM sẽ xây dựng sáu tuyến đường sắt đô thị (metro), ba tuyến xe điện mặt đất hoặc monorail (tàu điện một ray). Sáu tuyến metro có tổng chiều dài 108km, tổng mức đầu tư khoảng 6 tỉ USD, trong đó tuyến số 1 (Bến Thành - Suối Tiên) dài 18km đang được thiết kế kỹ thuật và giải phóng mặt bằng. Năm tuyến còn lại cũng đang trong giai đoạn đầu tư. Bộ GTVT đề nghị TP.HCM đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng và chuẩn bị kỹ dự án để báo cáo Quốc hội vào cuối năm nay. Các tuyến đường cao tốc xuyên tâm và đường vành đai cũng đang được TP.HCM đẩy mạnh xây dựng.

Phát biểu cuối buổi làm việc, Bộ trưởng Đinh La Thăng cho rằng sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước cần có những đột phá về GTVT, trong đó sự phát triển của hai đô thị lớn Hà Nội và TP.HCM rất quan trọng. Để có thể đi nhanh hơn, đi trước các địa phương khác, TP.HCM cần có cách đi riêng và quyết liệt hơn nữa.

BÁ SƠN

Ưu tiên vốn cho hạ tầng giao thông 

Tại cuộc họp, Sở GTVT cho biết việc huy động vốn cho các công trình giao thông đang gặp khó khăn nghiêm trọng do cắt giảm đầu tư công và trượt giá. Hàng loạt công trình đang rơi vào đình trệ do thiếu vốn.

Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng cho rằng cần ưu tiên vốn cho các công trình hạ tầng giao thông. Nghị quyết 11 ra đời vì lợi ích của cả nước, ngành giao thông không đòi hỏi ưu tiên, nhưng khi thực hiện nghị quyết này sẽ ảnh hưởng rất lớn tới các công trình đang thi công dở dang.

“Các phương tiện, máy móc phải phơi mưa phơi nắng sẽ hư hỏng rất nhanh, tới khi khởi động lại dự án phải sắm mới sẽ rất lãng phí. Mặt khác, các tuyến đường bị phá để thi công mới bị dừng/giãn sẽ dở dang, ảnh hưởng tới đi lại của người dân và dễ gây tai nạn giao thông” - Bộ trưởng Đinh La Thăng phân tích. Bộ trưởng đề nghị TP.HCM và các địa phương cần ưu tiên vốn cho hạ tầng giao thông vì “có đột phá được hạ tầng thì mới đột phá được phát triển kinh tế - xã hội”. 

 

Ủng hộ TP.HCM thu phí ôtô vào trung tâm 

Xung quanh dự án thu phí ôtô vào trung tâm TP.HCM, Bộ trưởng GTVT Đinh La Thăng (ảnh) cho rằng:

- Quan điểm của tôi là hoàn toàn ủng hộ TP.HCM để thực hiện hiệu quả việc quản lý GTVT trên địa bàn cũng như việc phân luồng, phân làn để tránh được ùn tắc giao thông trong địa bàn TP.

Nhưng nhiều ý kiến đòi hỏi Nhà nước làm sao để vừa chống được ùn tắc nhưng cũng không ảnh hưởng đến quyền đi lại của người dân?

- Tất nhiên các biện pháp đưa ra phải rất hài hòa, nhưng cũng phải thấy không chỉ riêng Việt Nam có ý định thu phí xe vào trung tâm TP mà các nước trong khu vực đều sử dụng biện pháp này. Nếu sang Singapore sẽ thấy đi ôtô cực khổ chứ chưa nói tới đi xe máy, đi ôtô phải mất đủ thứ tiền mới có chỗ để xe.

Về lâu dài, Chính phủ đã chỉ đạo Bộ GTVT chủ trì để xây dựng đề án tăng cường vận tải công cộng và hạn chế phương tiện vận tải cá nhân. Biện pháp dài hạn tất nhiên phải đầu tư để cơ sở hạ tầng tốt lên, phát triển các loại hình vận tải công cộng có khả năng chuyên chở lớn như đường sắt đô thị, tàu điện ngầm...

Bộ GTVT có xây dựng lộ trình để hạn chế xe cá nhân ở các đô thị khác trong cả nước?

- Theo yêu cầu của Chính phủ, tới quý 4-2012 phải trình đề án hạn chế xe cá nhân, nhưng chúng tôi đang phấn đấu cuối năm nay sẽ xây dựng xong dự thảo, tháng 1-2012 sẽ lấy ý kiến các bộ ngành, địa phương để báo cáo Chính phủ sớm đưa vào thực hiện.

Lộ trình hạn chế xe cá nhân cần phải có sự hài hòa với việc đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng, hài hòa với việc xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật và việc tuyên truyền vận động chứ không thực hiện gấp gáp sẽ gây khó khăn cho người dân. Trong đó sẽ ưu tiên thực hiện ở hai đô thị lớn là Hà Nội và TP.HCM vì tình trạng ùn tắc tại hai đô thị này đã quá nghiêm trọng, gây thiệt hại không chỉ cho Nhà nước mà còn cho chính người dân.

(Theo Tuổi Trẻ

 

Thêm bình luận


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo