Kiến trúc sư Việt kiều Pháp Nguyễn Nga đang cố gắng kết hợp cả sự lãng mạn lẫn thực tế của mình vào dự án bảo tồn cầu Long Biên theo hình thức hợp tác công - tư.
Cầu Long Biên được ví như “tháp Eiffel nằm ngang của Hà Nội”. Cầu từng được coi là công trình kiến trúc sắt thép đồ sộ bậc nhất tại khu vực Đông Nam Á trong những năm đầu thế kỷ XX. Trong tâm thức người Hà Nội, cây cầu này không chỉ là phương tiện giao thông mà còn là nơi in dấu lịch sử bi thương nhưng oai hùng của chiến tranh. Ý nghĩa văn hóa, kiến trúc và giá trị lịch sử của cầu Long Biên khiến nó trở thành một biểu tượng của Hà Nội.
Ý tưởng lãng mạn
Mỗi lần đi qua cây cầu này, bà Nguyễn Nga lại thấy buồn khi nhìn thấy sự xuống cấp nghiêm trọng của nó. Bà đã nảy ra ý tưởng và viết Dự án Quy hoạch Bảo tồn, Tôn tạo và Phát triển cầu Long Biên và khu vực xung quanh theo hình thức hợp tác công - tư (PPP). Theo đó, dự án sẽ có sự tham gia của Chính phủ Pháp và Việt Nam. Phía Pháp sẽ cung cấp vốn trong khuôn khổ viện trợ phát triển chính thức (ODA), dự trù ban đầu là 80 triệu euro, được Chính phủ Pháp tài trợ cho Hà Nội bảo tồn cầu Long Biên từ 10 năm nay nhưng chưa được sử dụng. Và Việt Nam sẽ cung cấp thêm vốn đối ứng. Phía tư nhân bày tỏ ý định góp vốn cho dự án là các tập đoàn của Pháp như Eiffage và các doanh nghiệp Việt Nam mà bà Nga đã mời tham gia như Tập đoàn Mai Linh, Tổng Công ty Vinaconex, Tập đoàn Dầu khí.
Ý tưởng xuyên suốt của Dự án là bảo tồn, phát huy các giá trị lịch sử của cầu Long Biên cũng như khu vực xung quanh và trung tâm Hà Nội. Việc cải tạo, nâng cấp và nâng cao giá trị sử dụng của cầu Long Biên phải đi đôi với cải thiện môi trường dân sinh góp phần phát triển kinh tế-xã hội, tạo công ăn việc làm cho người dân nội đô và các làng nghề truyền thống.
Lấy cảm hứng từ cây cầu treo Millau ở Pháp do kiến trúc sư người Anh Norman Foster thiết kế và Công ty Eiffage thực hiện, Kiến trúc sư Nguyễn Nga muốn biến cầu Long Biên trở thành một bảo tàng nghệ thuật và kiến trúc, đồng thời vẫn đảm bảo công năng giao thông. Quan điểm của bà là giữ nguyên vẹn các yếu tố kiến trúc còn lại của cầu (các nhịp, dầm thép, mố cầu) nhằm giữ lại một phần ký ức lịch sử xa xưa. Cầu sẽ được tái dựng những nhịp đã mất nhằm khôi phục hình dáng ban đầu. Bà Nga cũng muốn nâng cây cầu lên thêm 3 mét nữa và mở rộng hai bên thành cầu để tăng hiệu quả sử dụng không gian.
Thực tế khó khăn
Hiện nay, theo bà Nguyễn Nga, xe cộ đi qua cây cầu Millau ở Pháp vẫn phải trả tiền. Xe du lịch trả 4,9 euro, xe hàng phải trả 24,3 euro. Tuy nhiên theo bà Nga, nếu Dự án Quy hoạch Bảo tồn, Tôn tạo và Phát triển cầu Long Biên được triển khai, việc khai thác cây cầu sẽ hướng tới việc khai thác du lịch bảo tàng hơn là thu phí qua cầu.
“Tôi muốn khai thác yếu tố du lịch và cải thiện môi trường dân sinh của cầu Long Biên theo hướng xây dựng cây cầu trở thành bảo tàng lịch sử cận đại”, bà Nga cho biết.
Tuy nhiên, theo bà hiện nay việc biến ý tưởng của dự án thành hiện thực còn gặp nhiều khó khăn. Nhiều người trong ngành giao thông Việt Nam cho rằng, việc “bảo tàng hóa” cây cầu là chưa thực tế. Nhiệm vụ của bà Nga rất nặng nề: phải đảm bảo yếu tố nghệ thuật, kiến trúc nhằm bảo tồn cây cầu biểu tượng này, đồng thời lại phải biến nó thành một dự án có hiệu quả kinh doanh cao nhằm thu hút giới doanh nghiệp tham gia.
KTS Nguyễn Nga trả lời báo chí về ý tưởng của mình
Một trong những ý tưởng độc đáo của dự án bảo tồn cầu Long Biên là tạo ra “Phố nghề Nghệ thuật” bằng cách mở lại 131 vòm cầu gạch đang bị bịt kín. Những vòm ở khu vực đầu cầu sẽ được mở thông ra để tạo nên một dãy phòng triển lãm mang tên “Các làng nghề thủ công nghệ thuật và truyền thống”. Phố nghề Nghệ thuật sẽ có các xưởng sản xuất và sáng tác, khu vực thử nghiệm và đào tạo để kích thích sáng tạo và đổi mới, đồng thời thể nghiệm các chất liệu và công nghệ khác nhau. Tuy nhiên, ngay cả giới kiến trúc sư Hà Nội cũng khá dè dặt trước tính khả thi trong khai thác cây cầu này sau khi quá trình tu bổ và bảo tồn hoàn thành.
Tất cả vẫn đang chỉ là ý tưởng. Theo bà Nga, các doanh nghiệp Việt Nam như Mai Linh hay Vinaconex đều tỏ ra hào hứng khi nghe bà thuyết trình về việc đầu tư cho dự án theo mô hình PPP. Bà cũng tin rằng, dự án có thể gọi vốn từ các nguồn tài trợ của Pháp.
Một thách thức lớn mà bà Nga phải đối mặt là làm sao hài hòa lợi ích và quan điểm bảo tồn, khai thác cây cầu của các bên liên quan. Bà cho biết, phía Pháp sẵn sàng dành khoản vốn 80 triệu euro ODA nói trên cho dự án này. Thậm chí nếu làm tốt, họ sẽ cấp thêm vốn. Thế nhưng yêu cầu của họ là bà phải đảm bảo cây cầu sau khi tôn tạo vừa giữ được tính biểu tượng của Hà Nội vừa gắn kết tình hữu nghị Việt - Pháp. Muốn làm được điều này, bà Nga phải thuyết phục được các cơ quan chức năng, đặc biệt là ngành giao thông, về tính hiện thực của dự án.
Vẫn còn quá sớm để khẳng định dự án đồ sộ này sẽ thành công ở cả 2 khía cạnh kiến trúc và kinh doanh. Đối với bà Nga, được góp một viên gạch nhỏ cho một công trình lớn giữa Hà Nội đã là niềm hạnh phúc không gì sánh nổi.
Thành Trung
- Chuyện dải phân cách
- Tổng quan thị trường bất động sản: Cần thời gian để phục hồi
- Vẻ đẹp làng quê đang biến dạng
- Đấu thầu chỉ là hình thức
- Giảm phương tiện cá nhân: Xe buýt có "gồng" nổi?
- Xây dựng nhà chọc trời - Mối lo về giải pháp đồng bộ
- Quy định về tiền sử dụng đất: Dễ phát sinh cơ chế xin - cho
- TPHCM đã cẩn trọng hơn khi phát triển trên vùng đất yếu
- Thay đổi nhận thức “coi trọng kinh tế, coi nhẹ môi trường”
- Quyết hạn chế xe cá nhân