Cảnh quan không gian làng quê Việt đang biến dạng. Trong khi đây lại là những yếu tố quan trọng bảo tồn văn hoá, nuôi giữ cảm xúc quê hương của cộng đồng.
Cùng với việc tôn tạo, phát huy giá trị các di tích làng quê, việc bảo vệ cảnh quan, không gian công cộng nơi đây cần được quan tâm đúng mức.
Nhiều làng quê bị tàn phá bởi đô thị hoá
Những năm qua, dư luận lên tiếng nhiều về thực trạng xuống cấp, sự vi phạm đối với các di tích, di sản ở nông thôn, sự phá vỡ kiến trúc nhà truyền thống và những yêu cầu bức thiết phải trùng tu, phục hồi, bảo vệ các công trình đình, chùa, nhà ở... Dư luận cũng cảnh báo về thực trạng đô thị hoá làm mất đi vẻ đẹp làng quê và mai một bản sắc nông thôn Việt.
- Ảnh bên: Nghĩa địa lấn sát cổng chùa Sổ, thôn Ước Lễ, xã Tân Ước, huyện Thanh Oai (Hà Nội).
Trong rất nhiều những vấn đề ấy, việc bảo tồn cảnh quan làng Việt, đặc biệt là những không gian công cộng của làng quê, vẫn chưa được đưa ra như một trọng tâm cần nghiên cứu và thực hiện, trong khi nó rất cần được nâng lên thành những tiêu chí, quy định có tính chất pháp lý. Bảo tồn cảnh quan làng Việt chính là một cơ sở chống lại sự xâm phạm đối với các di tích, sự phá hoại không gian xanh và giữ được dáng nét truyền thống của các làng quê. Ở nhiều nơi, nét thuần phác ở các làng quê bị phá bỏ thay vào đó là cảnh nhà cửa xây cao, loè loẹt bao vây những ngôi đình, những cổng ngõ bị nhà xây mới chèn ép, những chiếc giếng cổ bị kè đá, láng ximăng cứng nhắc, những cây lớn bên di tích bị đốn hạ và mặt nước ao, hồ vốn là lá phổi xanh tạo cảnh quan cho làng quê cũng bị lấp dần...
Xã Tây Mỗ, Đại Mỗ... (huyện Từ Liêm, Hà Nội) với những con đường lớn chạy qua và nhà cửa xây dựng ồ ạt, ở hầu khắp mọi chỗ đã mang hình hài của phố xá. Thôn Cự Đà, xã Cự Khê (huyện Thanh Oai, Hà Nội) đang mất dần những phối cảnh đẹp và bình lặng để thay bằng cảnh quan đã bắt đầu lộn xộn. Không còn nhiều cơ hội để gặp những không gian công cộng ở làng quê còn thoáng đãng như làng Nôm, xã Đại Đồng, huyện Văn Lâm (Hưng Yên); làng Diềm, xã Hoà Long, huyện Yên Phong (Bắc Ninh); thôn Long Châu, xã Phụng Châu (huyện Chương Mỹ, Hà Nội)...
Nên “luật hoá”
Việc cần giữ gìn, chống mọi sự xâm phạm làm phá vỡ, ảnh hưởng cảnh quan, không gian công cộng ở các làng quê không nên chỉ được thực hiện bằng truyền thống, thói quen của người dân sở tại mà cần được đưa vào văn bản pháp luật của Nhà nước, quy định của địa phương, nhằm làm cơ sở xử lý những hành vi xâm phạm không gian chung, cũng như từng bước làm sống lại các cảnh quan, không gian đó.
Ví dụ như việc cấm xây nhà nhiều tầng trong phạm vi một bán kính nhất định tính từ trung tâm ngôi đình làng, chùa làng. Hay việc phải có một độ lùi đối với các công trình xây dựng phía sau cổng làng, cổng xóm. Hoặc cần có khoảng diện tích bảo vệ xung quanh chiếc giếng cổ, kết hợp với trồng cây tạo bóng mát... Những công trình khác cũng thuộc sở hữu chung của cộng đồng như đền, quán, cầu, ao làng... cũng cần được tạo không gian bao quanh phù hợp. Ở đó, cấm xây dựng nhà cửa, quán xá, thi công, sản xuất... Kể cả những rặng tre, những cây cổ thụ, những hàng cây lớn tạo vẻ đẹp cho cảnh quan làng quê cũng phải được giữ gìn, chăm sóc thường xuyên.
Những quy định này lại cần áp dụng uyển chuyển vào các không gian làng quê cụ thể, dựa theo đặc trưng văn hoá, tập quán của địa phương. Nhà nước, địa phương cần đầu tư, song song với vận động cộng đồng dân cư sở tại đóng góp để bảo vệ những không gian này và các di tích trong đó. Việc bảo vệ không nên câu nệ, phân biệt một vài làng Việt cổ đã được công nhận là di tích quốc gia, hay cấp tỉnh, thành phố... với những làng, những di tích “chưa có gì”. Bởi trước mục tiêu giữ gìn cảnh quan, không gian của làng Việt truyền thống thì tất cả các làng quê hay di tích đều ngang bằng nhau. Cũng như với những tình cảm gửi gắm của các thế hệ người đang sống, từng sống ở làng quê thì những không gian chung của riêng làng họ vẫn luôn thân thuộc, gần gũi nhất.
Nhà nước, ngành VHTTDL, các địa phương cần có ngay những nghiên cứu, xây dựng các quy định phù hợp trước khi sự phát triển mạnh mẽ của đô thị hoá và sự vô trách nhiệm, tuỳ tiện trong xây dựng, sản xuất, sinh hoạt... ở làng quê đang làm hỏng, làm biến dạng nốt những gì còn lại nét duyên làng quê Việt.
Xuyên Sơn
- Hà Nội lại nóng... chung cư cũ
- Thủ đô ngàn lẻ một năm
- Mua nhà giá gốc: Thôi đừng chiêm bao
- Chuyện dải phân cách
- Tổng quan thị trường bất động sản: Cần thời gian để phục hồi
- Đấu thầu chỉ là hình thức
- Giảm phương tiện cá nhân: Xe buýt có "gồng" nổi?
- Lãng mạn hóa một cây cầu
- Xây dựng nhà chọc trời - Mối lo về giải pháp đồng bộ
- Quy định về tiền sử dụng đất: Dễ phát sinh cơ chế xin - cho