Luật Đấu thầu hiện hành đang có quá nhiều lỗ hổng khiến tính minh bạch và cạnh tranh bị hạn chế, trong khi đó luật đang để “lọt lưới” các nhà thầu giá rẻ, chất lượng kém, mang cả lao động phổ thông ngoài nước vào VN. Đây là cảnh báo từ Hội thảo “Hoàn thiện báo cáo rà soát Luật Xây dựng, Luật Đấu thầu” diễn ra ngày 29/9.
Nêu những lý do cần thiết phải sửa Luật Đấu thầu hiện hành, ông Ninh Viết Định - Trưởng ban Quản lý đấu thầu Tập đoàn Điện lực VN (EVN), Trưởng nhóm rà soát Luật Đấu thầu cho biết: Hiện có quá nhiều văn bản, quy định về đấu thầu cùng tồn tại và thay đổi quá nhanh, nhưng không cụ thể, rõ ràng, nhiều quy định chồng chéo, khó nắm bắt. Do chưa có các tiêu chí cụ thể nên tình trạng áp dụng các hình thức đấu thầu và chỉ định thầu tràn lan.
Tại hội thảo “Hoàn thiện báo cáo rà soát Luật Xây dựng, Luật Đấu thầu” do Phòng Thương mại và Công nghiệp VN (VCCI) và Đại sứ Anh tại HN và Bộ Phát triển Anh Quốc (UKAID) đồng tổ chức ngày 29/9, các tham luận đều nêu lên một thực tế khá phổ biến hiện nay, tình trạng tràn lan các đấu thầu, chỉ định thầu, nhưng việc thực hiện chỉ là hình thức, vừa lãng phí thời gian, tiền bạc, nhưng chất lượng các cuộc thầu thường không cao. Ông Nguyễn Anh Tuấn - Viện Kinh tế xây dựng cho rằng: “Đấu thầu hình thức đã trở thành bệnh phổ biến. Nhiều công trình theo quy định buộc phải đấu thầu, kéo dài cả 2 năm trời, nhưng rút cục chất lượng vẫn không tương xứng."
Tại hội nghị sơ kết 1 năm thực hiện chỉ thị của Bộ Công Thương về tăng cường sử dụng máy móc, thiết bị, vật tư trong nước được tổ chức 1 ngày trước đó, Chủ tịch Hiệp hội Cơ khí VN - ông Nguyễn Văn Thụ ta thán, với quy định về giá đánh giá theo các tiêu chí “rẻ” là trúng của Luật Đấu thầu hiện hành thì các nhà thầu cơ khí VN chỉ còn nước “ngồi nhìn” nhà thầu nước ngoài giành miếng bánh thị phần ngay trên sân nhà. Hiện trạng hiện nay là có tới 20 công trình điện do nhà thầu Trung Quốc thực hiện theo hình thức tổng thầu EPC, ngoài ra các công trình lớn như phân đạm Ninh Bình, đạm Cà Mau, khai khoáng bôxít Tây Nguyên đều do các nhà thầu Trung Quốc giành được hợp đồng. Có điều này là do các chủ đầu tư kể cả nhà nước và tư nhân đều nhập khẩu thiết bị toàn bộ của nước ngoài vào trong nước, kèm theo đó là các DN nước ngoài đưa toàn bộ vật tư, lao động, kể cả lao động phổ thông sang. Ông Thụ kiến nghị: “Cần sửa Luật Đấu thầu, theo hướng nghiêm cấm chủ đầu tư khi mời thầu cho phép nhà thầu sử dụng lao động phổ thông nước ngoài”.
Các chuyên gia tham dự cũng cho rằng, giải pháp quan trọng trong tình hình “sức khỏe” của các nhà thầu VN chưa thể sánh với nhà thầu nước ngoài cả về vốn, công nghệ, kinh nghiệm thực tế thì cần xây dựng các hàng rào kỹ thuật đảm bảo tuân thủ quy định của WTO trong cạnh tranh nhằm bảo vệ các nhà thầu trong nước.
Hồng Quân
- Thủ đô ngàn lẻ một năm
- Mua nhà giá gốc: Thôi đừng chiêm bao
- Chuyện dải phân cách
- Tổng quan thị trường bất động sản: Cần thời gian để phục hồi
- Vẻ đẹp làng quê đang biến dạng
- Giảm phương tiện cá nhân: Xe buýt có "gồng" nổi?
- Lãng mạn hóa một cây cầu
- Xây dựng nhà chọc trời - Mối lo về giải pháp đồng bộ
- Quy định về tiền sử dụng đất: Dễ phát sinh cơ chế xin - cho
- TPHCM đã cẩn trọng hơn khi phát triển trên vùng đất yếu