Ashui.com

Saturday
Apr 27th
Home Tương tác Góc nhìn Thay đổi nhận thức “coi trọng kinh tế, coi nhẹ môi trường”

Thay đổi nhận thức “coi trọng kinh tế, coi nhẹ môi trường”

Viết email In

Việc xây dựng hạ tầng bảo vệ môi trường tại các khu kinh tế (KKT) hiện nay rất chậm, trong khi nguy cơ ô nhiễm môi trường tại các KKT và làng nghề đã hiện hữu. Nếu cứ tiếp tục “coi trọng kinh tế, coi nhẹ môi trường” thì từ 1 đồng ngân sách thu được sẽ phải bỏ 3 đồng để khắc phục hậu quả môi trường.

Đó là những cảnh báo của các đại biểu tham dự cuộc họp với các bộ, ngành về kết quả bước đầu chuyên đề giám sát bảo vệ môi trường do đoàn Giám sát của Uỷ ban thường vụ Quốc hội thực hiện tại 15 khu kinh tế và 48 làng nghề mới đây.


Làng sản xuất gạch tại xã Đông Tĩnh, huyện Tam Dương, tỉnh Vĩnh Phúc. (Ảnh: Trần Việt Đức)

Chỉ vận hành khi bị kiểm tra

Đánh giá của đoàn giám sát cho thấy, rất ít KTT có khu xử lý nước thải tập trung. Ngay như KKT mở Chu Lai được thành lập năm 2003, nhưng đến nay cũng chỉ mới bắt đầu giải phóng mặt bằng để xây dựng hai nhà máy xử lý nước thải tập trung.

Theo kết luận thanh tra của bộ Tài nguyên và môi trường tiến hành từ năm 2009 đến nay, nhiều cơ sở thường xuyên xả nước thải chưa xử lý ra ngoài môi trường vượt tiêu chuẩn cho phép (có nơi vượt từ mười lần đến vài chục lần). Một số nơi, hệ thống xử lý nước thải chỉ hoạt động khi có đoàn thanh tra, kiểm tra tới.

Trong khi, quy định xử phạt hành chính hiện nay đối với hành vi vi phạm môi trường của doanh nghiệp hoặc cơ sở sản xuất trong thời hạn một năm là quá thấp so với chi phí doanh nghiệp bỏ ra đầu tư hệ thống xử lý, chi phí vận hành hệ thống, hoặc kinh phí khắc phục ô nhiễm môi trường.

Theo thứ trưởng bộ Tài nguyên và môi trường Bùi Cách Tuyến, hầu hết các địa phương đều chưa thực hiện việc phân bổ hoặc phân bổ không đúng, không đủ nguồn chi sự nghiệp môi trường. Mới chỉ có bốn tỉnh là Bình Định, Khánh Hoà, Nghệ An, Hà Tĩnh làm rõ được số kinh phí phân bổ cho sự nghiệp môi trường tại các KKT. Trong đó, số kinh phí chi cho sự nghiệp môi trường ở các KKT cao nhất là 618 triệu đồng (Hà Tĩnh, năm 2009), thấp nhất là KKT Vân Phong (Khánh Hoà) chỉ có 10 triệu đồng năm 2009 và 30 triệu đồng năm 2010. Thậm chí, nhiều tỉnh còn không bố trí ngân sách cho hoạt động này.

Núp bóng để gây ô nhiễm

Phí thu được từ môi trường bằng 1/10 phí bỏ ra xử lý chất thải. Hàng năm, Nhà nước dành 1% tổng chi ngân sách nhà nước chi cho sự nghiệp môi trường. Tuy nhiên, việc phân bố còn dàn trải, kinh phí chi trực tiếp cho KKT rất thấp. Theo ý kiến của một số chuyên gia, số kinh phí thu được từ phí môi trường ước tính chỉ bằng khoảng 1/10 tổng kinh phí nhà nước cần phải bỏ ra để thu gom, xử lý chất thải.

(Báo cáo kết quả giám sát của Uỷ ban thường vụ Quốc hội) 
Kiểm tra môi trường các làng nghề, đoàn giám sát cũng chỉ ra rằng tình trạng ô nhiễm ở khu vực này là một thách thức lớn, bởi các khu vực sản xuất đan xen các hộ dân nên rất khó kiểm soát và chưa có biện pháp giải quyết triệt để.

Theo tổng cục Môi trường, chất lượng môi trường tại hầu hết các làng nghề đều không đạt tiêu chuẩn. Kết quả khảo sát 52 làng nghề cho thấy, có 46% làng nghề bị ô nhiễm nặng, 27% bị ô nhiễm vừa, và 27% bị ô nhiễm nhẹ.

Tại nhiều khu quy hoạch sản xuất tập trung, các hộ sản xuất không chỉ di chuyển bộ phận sản xuất mà còn di chuyển cả gia đình đến đó sinh sống, đơn cử như cụm công nghiệp Đồng Kỵ – Bắc Ninh. Do vậy, các cụm công nghiệp này giống như khu vực giãn dân và là một hình thức mở rộng ô nhiễm. Theo đánh giá của nhiều chuyên gia, đây sẽ là loại hình gây ô nhiễm hàng đầu, có xu hướng báo động. Nếu không đưa các cụm công nghiệp vào đúng khung pháp lý hiện hành, thì thay vì xử lý ô nhiễm trong phạm vi 3.355 làng có nghề và làng nghề được công nhận thì chúng ta sẽ phải xem xét và xử lý số lượng các khu vực ô nhiễm gấp đôi, gấp ba lần con số hiện tại trong vài năm tới.

Đặc biệt, với nếp sống tiểu nông chỉ quan tâm lợi ích trước mắt nên nhiều cơ sở sản xuất đã sử dụng nguyên, nhiên liệu rẻ tiền, hoá chất độc hại gây tác động xấu lên sức khoẻ của người dân trong khu vực. Một số nơi còn phát triển các cơ sở sản xuất “núp bóng” làng nghề gây ô nhiễm nghiêm trọng, trong khi việc thanh tra, xử lý vi phạm ở các làng nghề còn đang “bỏ trống”. Chưa kể do tâm lý họ hàng, dòng tộc làng xã nên các hộ dân mang tâm lý e ngại, nể nang không tố giác các hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường.

Chia sẻ với đoàn giám sát, đại diện của bộ Công an cho biết, do có tình trạng người dân ở xen lẫn trong làng sản xuất nên ở làng thép Đa Hội mới có trường hợp một nhà trẻ 50 bé bị bao vây bởi tiếng gõ thép từ bốn phía, cô giáo muốn nhắc học sinh phải dùng biện pháp “gào”. Đại biểu này đề xuất, nên áp dụng chế tài mạnh, thậm chí loại bỏ để làm gương đối với những làng nghề gây ô nhiễm quá mức.

Trong số các giải pháp đưa ra, có ý kiến cho rằng đã đến lúc phải thay đổi nhận thức “coi trọng kinh tế, coi nhẹ môi trường”. Ông Nguyễn Hữu Chí, thứ trưởng bộ Tài chính cảnh báo, đầu tư 1 đồng ngân sách vào phát triển kinh tế đang phải mất từ 3 – 5 đồng xử lý môi trường. Ông cũng đề nghị, sau đợt giám sát này, nên chọn một số địa điểm, cùng địa phương xử lý triệt để. Nếu buộc doanh nghiệp xử lý sai phạm thì phải có thời hạn, đồng thời chấm dứt tình trạng báo cáo chung chung khiến các sai phạm dễ bị cho qua.

Thanh Tuyền
 

Thêm bình luận


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo