Ashui.com

Friday
Nov 29th
Home Tương tác Góc nhìn 40km sông Kôn “cõng” 14 công trình thủy điện

40km sông Kôn “cõng” 14 công trình thủy điện

Viết email In

Chỉ trên một đoạn sông dài chưa đến 40 km ở đầu nguồn sông Kôn nằm trên địa bàn huyện Vĩnh Thạnh, tỉnh Bình Định có đến năm công trình thủy điện đã và đang xây dựng; trong khi đó người ta đã và đang lập hồ sơ để chuẩn xây dựng tiếp sáu nhà máy thủy điện khác; ngoài ra, còn ba công trình khác đang trong giai đoạn lập dự án.

Câu chuyện thủy điện ở Bình Định “nóng” lên gần đây khi UBND tỉnh này phải nhiều lần trực tiếp lên đầu nguồn sông Kôn kiểm tra, các cơ quan chức năng liên tục làm việc với các nhà đầu tư để khẩn cấp cứu lấy dòng sông này. Hiện nay, người dân, chính quyền địa phương đã quá bức xúc vì việc xâm hại của hàng loạt công trình thủy điện trên một địa bàn nhỏ.

Theo quy hoạch của bộ Công thương, trên lưu vực sông Kôn có đến 14 bậc thang thủy điện, trong đó riêng địa bàn huyện Vĩnh Thạnh có 11 công trình thủy điện.

Hiện nay, ở Vĩnh Thạnh có hai nhà máy thủy điện đã vận hành là Vĩnh Sơn - Sông Hinh (công suất 66 MW), Định Bình (công suất 6,6 MW); ba công trình đang xây dựng là Vĩnh Sơn 3 (công suất 30 MW), Vĩnh Sơn 5 (công suất 25 MW), Trà Xom (công suất 30 MW); hai công trình đang chuẩn bị thi công là Ken Lút Hạ (công suất 6 MW), Định Bình mở rộng (công suất 3,5 MW).

Sự chen chúc của những công trình thủy điện này đã làm dòng sông Kôn bị biến dạng, những cánh rừng già đầu nguồn cũng đang dần bị xóa sổ, hàng ngàn người dân phải rời khỏi không gian sống bao đời nay của họ.

 

"Bức tử" môi trường

Trả lời vì sao lại quy hoạch hàng loạt công trình thủy điện với mật độ quá dày trên một đoạn sông ngắn ở đầu nguồn sông Kôn, ông Nguyễn Văn Thắng, phó giám đốc sở Công thương Bình Định cho biết, đây là quy hoạch của bộ Công thương nhằm tận thu thủy điện bậc thang của dòng sông này, góp phần điều tiết nước. Trước đây, bộ Công thương quy hoạch đến 20 công trình thủy điện trên hệ thống bậc thang thủy điện sông Kôn, nhưng sau đó đã cắt bỏ 6 công trình. Tuy nhiên, hiện nay có nhiều ý kiến lo ngại về đánh giá tác động môi trường của những công trình thủy điện này có thể “chồng lắp” lên nhau; đặc biệt đến mùa lũ này có nguy cơ xả lũ đồng loạt, sẽ gây hậu quả khó lường.


Trong khi thi công công trình thủy điện Vĩnh Sơn 5, chủ đầu tư cho đổ hàng chục ngàn tấn đất đá thải xuống sông Kôn.

Sông Kôn biến dạng

Hàng chục km hai bờ sông Kôn, đoạn qua huyện Vĩnh Thạnh, giờ đây không còn cây cối xanh thẳm như ngày trước, mà trở nên nham nhở với hàng chục ngàn tấn đất đá thải từ các công trình thủy điện do các đơn vị thi công đổ ập xuống. Ở đoạn chảy qua xã Vĩnh Kim, huyện Vĩnh Thạnh, dòng sông bị đất đá đổ xuống làm biến dạng hoàn toàn; nhiều nơi bị thu hẹp khiến hai bờ sông như vực thẳm. Nhiều suối lớn chảy ra sông Kôn cũng bị đất đá lấp đầy.

Ông Từ Hải, trưởng phòng Tài nguyên - môi trường huyện Vĩnh Thạnh cho biết, những khối đất đá thải này bị cuốn trôi theo dòng nước xuống bồi lấp hồ Định Bình - hồ thủy lợi lớn nhất tỉnh Bình Định có khả năng cung cấp nước tưới cho gần 16.000 ha đất nông nghiệp, cung cấp nước sinh hoạt cho vùng hạ lưu. Từ ngày các công trình thủy điện đổ đất đá thải xuống sông Kôn, hơn 5.000 hộ dân của xã Vĩnh Hảo, thị trấn Vĩnh Thạnh thuộc huyện Vĩnh Thạnh phải dùng nước sinh hoạt nhiễm bẩn do sông Kôn bị ô nhiễm trầm trọng.

Đề nghị đình chỉ thi 3 công trình thuỷ điện

Theo ông Bùi Tấn Thành, chánh văn phòng UBND huyện Vĩnh Thạnh, UBND huyện này đã đề nghị tỉnh Bình Định đình chỉ thi công đối với hai công trình thủy điện Vĩnh Sơn 5 và Trà Xom do vi phạm môi trường trong quá trình thi công, chậm đền bù giải phóng mặt bằng, chưa thực hiện tái định cư, định canh cho người dân. Ngoài ra, huyện Vĩnh Thạnh cũng đề nghị đình chỉ thi công công trình thủy điện Định Bình mở rộng vì chưa thực hiện đầy đủ các thủ tục xây dựng theo quy định. 

Đến nay, chủ đầu tư các công trình thủy điện Vĩnh Sơn 3, Vĩnh Sơn 5, Trà Xom đều chưa hoàn thành các thủ tục giao đất, chưa được cấp thẩm quyền phê duyệt, nhưng vẫn triển khai xây dựng. Với công trình Vĩnh Sơn 3 do công ty cổ phần thủy điện Vĩnh Sơn - Sông Hinh làm chủ đầu tư, tuy UBND tỉnh chưa chấp thuận một số hạng mục bổ trợ cho việc thi công công trình, nhưng chủ đầu tư vẫn cho san ủi làm đường giao thông, hầu hết đất đá đều đổ xuống sông Kôn. Với công trình thủy điện Vĩnh Sơn 5 do công ty cổ phần đầu tư Vĩnh Sơn làm chủ đầu tư, huyện Vĩnh Thạnh chưa thống nhất các địa điểm xây dựng bãi thải, nhưng công ty này vẫn cho đổ hàng trăm ngàn mét khối đất, đá thải xuống sông Kôn,” ông Hải bức xúc.

Theo ông Trần Quốc Lại, chủ tịch UBND huyện Vĩnh Thạnh, sau khi phát hiện sự việc, các cơ quan chức năng của tỉnh và huyện đã ra quyết định xử phạt hành chính 32 triệu đồng đối với công ty cổ phần thủy điện Vĩnh Sơn - Sông Hinh, công ty cổ phần phần đầu tư Vĩnh Sơn do đã đổ thải không đúng quy định, không thực hiện gia cố các bãi thải, làm sạt lở, bồi lấp sông Kôn, gây ô nhiễm môi trường… đồng thời yêu cầu các chủ đầu tư phải khắc phục tình trạng trên trước khi tiếp tục thi công. Tuy nhiên, đến nay, những đống đất đá thải khổng lồ vẫn nằm đó, ngày càng tràn xuống dòng sông. Không những thế, chủ đầu tư thủy điện Vĩnh Sơn 5 vẫn tiếp tục cho đổ đất đá thải lấp cả suối Nước Mật - nơi chảy ra sông Kôn.

Phó giám đốc sở Công thương Bình Định, ông Nguyễn Văn Thắng cho biết, trong đợt kiểm tra mới đây tại các công trình thủy điện trên địa bàn huyện Vĩnh Thạnh, có ý kiến đề nghị cho tồn tại các đống đất đá thải đã “lỡ” đổ hiện nay vì khối lượng quá lớn, khó di chuyển.Tuy nhiên, trao đổi với chúng tôi, nhiều cán bộ lãnh đạo huyện Vĩnh Thạnh phản đối đề xuất này vì cho rằng, các bãi đất đá khổng lồ đang “bức tử” sông Kôn; về lâu dài dòng sông sẽ bị chặn lại hoàn toàn.


Xe tải ồ ạt chở đất đá thải đổ lấp các con suối.

5 công trình thủy điện xóa 5.000 ha rừng

Vĩnh Thạnh có diện tích rừng nhiều nhất tỉnh Bình Định với hơn 32.400 ha, chiếm 45% trong tổng số 72.000 ha diện tích tự nhiên của huyện này. Theo ban Quản lý rừng phòng hộ huyện Vĩnh Thạnh, phần lớn diện tích rừng ở Vĩnh Thạnh là rừng già đầu nguồn, rừng nguyên sinh được bảo vệ nghiêm ngặt lâu nay. Thế nhưng, từ khi các công trình thủy điện ồ ạt xây dựng, hàng loạt cánh rừng bị xóa sổ. Ông Bùi Tấn Thành, chánh văn phòng UBND huyện Vĩnh Thạnh cho biết, chỉ với năm công trình thủy điện đã và đang xây dựng tại huyện này đã làm cho gần 5.000 ha, tương đương 15% diện tích rừng của địa phương bị xóa mất.

Theo ông Đinh Khánh, phó chủ tịch UBND xã Vĩnh Sơn, phần lớn diện tích rừng bị thủy điện xóa sổ là rừng già; riêng trong lòng hồ thủy điện Trà Xom có 15% diện tích rừng nguyên sinh. Ông Đoàn Siêng, giám đốc ban Quản lý rừng phòng hộ huyện Vĩnh Thạnh, bức xúc: “Trong khi chưa chưa chuyển đổi mục đích sử dụng, chưa bồi thường thiệt hại rừng tự nhiên, công ty cổ phần thủy điện Trà Xom đã thi công xây dựng công trình thủy điện Trà Xom trên diện tích đất rừng tự nhiên. Việc làm này trái với quy định của nhà nước, vi phạm luật Bảo vệ và phát triển rừng. Ngoài ra, dù tỉnh Bình Định chưa chấp thuận nhiều hạng mục bổ trợ cho việc thi công công trình thủy điện, nhưng các chủ đầu tư vẫn tiến hành san ủi, mở đường đường giao thông, hủy hoại hàng loạt khu rừng.

Ông Từ Hải lo lắng: “Chỉ mới năm công trình thủy điện đã làm mất diện tích rừng lớn như vậy, nếu xây dựng hết các công trình như quy hoạch sẽ có hàng ngàn ha rừng nữa bị xâm hại”. Trong khi đó, ông Nguyễn Trung Thành, phó giám đốc sở Tài nguyên - môi trường Bình Định cho biết, qua kiểm tra cơ quan này đã phát hiện nhiều chủ đầu tư các dự án thủy điện ở huyện Vĩnh Thạnh không thực hiện đúng cam kết như báo cáo đánh giá tác động môi trường được phê duyệt.

 

Chặn đường mưu sinh 

Chưa thấy lợi đâu, chỉ thấy hệ luỵ đầu tiên mà người dân sống trong vùng xây dựng các nhà máy thuỷ điện phải chịu là bị đẩy ra khỏi không gian sống bao đời nay của họ. Đến nay nhiều gia đình vẫn chưa được định cư, hàng trăm gia đình thiếu đất sản xuất trong khi họ không nghề nghiệp gì để mưu sinh.

Mất đất vẫn chưa định cư, định canh

Ba công trình thuỷ điện đang xây dựng ở huyện Vĩnh Thạnh (Bình Định) là: Trà Xom, Vĩnh Sơn 3, Vĩnh Sơn 5 đã lấy đi gần 600ha đất ở và đất sản xuất của 160 hộ dân tại địa phương này, trong đó nhiều nhất là thuỷ điện Trà Xom. Ông Đinh Khánh, phó chủ tịch UBND xã Vĩnh Sơn (huyện Vĩnh Thạnh), bức xúc: “Trước khi xây dựng công trình thuỷ điện Trà Xom, chủ đầu tư là công ty cổ phần thuỷ điện Trà Xom hứa hẹn rất nhiều điều với người dân, chính quyền địa phương. Thế nhưng, công trình này thi công đã bốn năm và sắp hoàn thành, nhưng chủ đầu tư vẫn chưa thực hiện nhiều cam kết”.

Mấy năm nay, 14 hộ dân ở địa phương sống trong tình cảnh bấp bênh do công ty này chưa hoàn thành khu tái định cư. Trong khi đó, 103 hộ dân khác cũng ở xã Vĩnh Sơn rơi vào cảnh điêu đứng khi hầu hết đất sản xuất, trong đó có 25ha lúa nước bị thu hồi, nhưng chưa được tái định canh. Suốt bốn năm qua, những gia đình này chủ yếu sống bằng nguồn hỗ trợ lương thực của chủ đầu tư với mỗi người 15kg gạo/tháng. Tuy nhiên, theo ông Khánh, 16 tháng nay, hơn 500 người của những hộ trên chưa được nhận gạo trợ cấp; còn 14 hộ dân chưa được tái định cư cũng rơi vào tình cảnh khốn đốn tương tự khi năm tháng nay không còn được trợ cấp gạo.


Những ngôi làng và cánh đồng lúa nằm lọt trong hồ thuỷ điện, rồi đây người dân biết lấy gì để mưu sinh?

Ông Khánh nói: “Bức xúc nhất là việc tái định canh cho 103 hộ dân bị thu hồi hầu hết đất sản xuất. Công ty cổ phần thuỷ điện Trà Xom cam kết san ủi 15ha đất sản xuất lúa nước để cấp cho số hộ dân này, nhưng mấy năm nay vẫn chưa làm xong. Nếu có cấp thì với diện tích đó vẫn không đủ diện tích sản xuất lúa nước đã thu hồi của người dân. Mặc dù chính quyền địa phương liên tục yêu cầu công ty bồi thường đất sản xuất cho người dân để họ ổn định đời sống nhưng công ty vẫn tỏ ra thiếu trách nhiệm”.

Ông Đinh Hý, trưởng thôn K8, xã Vĩnh Sơn – nơi có 103 hộ chưa được cấp đất tái định canh – than: “Đất sản xuất đã bị lấy hết, bây giờ bà con không biết làm gì để sống. Thời gian đầu bà con còn lấy tiền bồi thường để sinh sống, nay mai tiền ấy hết, chắc cả làng đói mất”. Ông Hý kể, sau khi nhận tiền đền bù, hàng chục gia đình ở thôn K8 đua nhau đi mua xe máy, sắm vật dụng; bây giờ đã hết tiền, cũng không có đất sản xuất. Từ nhiều tháng nay, hơn mười gia đình ở làng này đã rơi vào cảnh thiếu ăn, trong đó khốn khổ nhất là những gia đình không có tiền đền bù.

Cùng đường nên đi phá rừng

Vốn là một ngôi làng nhộn nhịp ở vùng cao Vĩnh Sơn, nhưng giờ đây làng K8 trở nên hiu hắt. Buổi chiều, khi chúng tôi đến nhà ông Đinh Bình, ngôi nhà nhỏ vắng vẻ không có người. Tìm mãi mới thấy hai đứa con nhỏ của ông Bình đang chơi lăn lóc ở góc rừng. Những người hàng xóm cho biết, gia đình ông Đinh Bình là một trong những hộ nghèo khó nhất ở làng K8. Mấy tháng nay, hàng ngày vợ chồng ông Bình lên núi chặt cây, tìm đất để trồng bắp, sắn sống qua ngày. Gần đây, nhiều người ở làng K8 cũng kéo nhau lên núi tìm đường mưu sinh như vợ chồng ông Đinh Bình. Ông Đinh Thăng, ở làng K8, nói: “Thuỷ điện lấy hết đất rồi, họ hứa nhưng chờ mãi có thấy đền lại đâu. Trước đây, không ai muốn phá rừng, nhưng bây giờ phải tìm chỗ để trồng cây có cái mà ăn”.

Chủ đầu tư chưa thực hiện cam kết ban đầu

Theo UBND huyện Vĩnh Thạnh, đến nay, mặc dù công trình thuỷ điện Trà Xom sắp hoàn thành nhưng công ty cổ phần thuỷ điện Trà Xom vẫn chưa hoàn thành việc chi trả bồi thường thiệt hại đất đai, cây cối, hoa màu cho người dân. Ngoài ra, công ty này cũng chưa thực hiện hỗ trợ khuyến nông, hỗ trợ chính sách, hỗ trợ lương thực, xây dựng nhà rông cho người dân như cam kết ban đầu. Dù đã san lấp hàng trăm hecta rừng tự nhiên, nhưng đến nay, công ty này cũng chưa bồi thường thiệt hại cho Nhà nước.  

Ông Bùi Tấn Thành, chánh văn phòng UBND huyện Vĩnh Thạnh cho biết, từ khi xây dựng các công trình thuỷ điện, ở địa phương này bắt đầu phát sinh tình trạng phá rừng làm nương rẫy; trong đó nguyên nhân chính là do người dân bị thu hồi hết đất sản xuất. Gần đây, các lực lượng chức năng đã phát hiện 26 hộ phá rừng làm nương rẫy với tổng diện tích hàng chục hecta. “Đây cũng là một trong những vấn đề bức xúc hiện nay của huyện Vĩnh Thạnh. Bên cạnh việc ngăn chặn, xử lý các trường hợp vi phạm, huyện đang tìm cách hỗ trợ an sinh cho người dân để hạn chế tình trạng phá rừng; đồng thời yêu cầu chủ đầu tư các công trình thuỷ điện phải thực hiện đúng các cam kết về hỗ trợ người dân ổn định cuộc sống”, ông Thành nói.

Theo ông Thành, theo cam kết ban đầu, chủ đầu tư các công trình thuỷ điện phải hỗ trợ kinh phí đào tạo nghề, chuyển đổi nghề, ưu tiên tuyển dụng con em những gia đình bị thu hồi đất để làm thuỷ điện. Tuy nhiên, đến nay, huyện Vĩnh Thạnh chỉ mới có ba em được công ty cổ phần thuỷ điện Trà Xom hỗ trợ kinh phí học nghề vận hành máy. Ngoài ra, cả huyện chưa có một gia đình nào được hỗ trợ chuyển đổi nghề. Ông Đinh Khánh nói: “Hiện nay, khi không còn đất sản xuất hoặc còn quá ít, nhiều con em thanh niên ở Vĩnh Sơn cũng muốn được chuyển sang một nghề nào đó để ổn định cuộc sống lâu dài, nhưng hầu hết đều không có điều kiện. Nhiều bà con cũng nhận thức được rằng không thể phá rừng để sống, tuy nhiên, các chủ đầu tư thuỷ điện không hề quan tâm đến vấn đề này như cam kết ban đầu”.

Cùng chúng tôi leo lên một sườn núi cao ở xã Vĩnh Sơn, giọng ông Đinh Khánh trầm buồn: “Bây giờ hầu như không ai còn nhận ra dòng sông Kôn ngày nào nữa. Những ngôi làng cùng các cánh rừng kia rồi sẽ chìm trong lòng hồ thuỷ điện. Không biết rồi bà con sẽ lấy gì để mưu sinh?

Uyên Thu 

 

Thêm bình luận

3000 ký tự


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo

Loading...