Ashui.com

Friday
Nov 29th
Home Tương tác Góc nhìn Kiến trúc đô thị và những bản sao tạp nham

Kiến trúc đô thị và những bản sao tạp nham

Viết email In

Có dịp đi đường bộ qua một loạt đô thị mới ở miền Bắc, miền Trung cũng như miền Nam ai cũng thấy là không thể phân biệt được nữa. Không nhớ được những nơi mình đã đi qua nữa. Sự giống nhau của các đô thị mới, đường phố mới, trung tâm mới, công trình mới thật thảm hại. Các đô thị phát triển bất chấp các đặc trưng và truyền thống làm tiêu tán nhiều giá trị địa – văn hoá địa phương. Một kiến trúc sư (KTS) nói chúng ta cưỡng bức đồng phục hoá các đô thị. Một nhà khoa học cảm thán: Có cảm tưởng ta xây thành phố như chọn nhặt các công trình có sẵn rồi cứ thế đặt vào bất cứ địa hình, địa điểm nào rồi buộc người nơi đó sống theo một phong cách giống nhau và xa lạ với họ. Ý niệm và tình cảm quê hương biến mất! Có thể những phát biểu đó là thái quá nhưng nó cũng thể hiện sự bức xúc, phẫn nộ của giới chuyên môn và người dân về tình trạng phi bản sắc của các đô thị đang phát triển.

Sau đây chỉ là một vài nhận biết của một người dân về những nguyên cớ cụ thể dẫn tới tình trạng phi bản sắc này:

1. Chia lô nhà ống 4/16m và tư duy mặt tiền. Một ông chuyên gia chuyên làm dự án đô thị, bất động sản đi qua dinh Thống Nhất nhẩm tính khu này chia được bao nhiêu nền, trong đó có bao nhiều lô mặt tiền và chua thêm “có khi còn “ăn” hơn cả khu nhà Quốc hội mới ấy chứ!”, không biết cái tiêu chuẩn 4/16m này sinh ra từ đâu mà nay phải chiếm tới 80% thực khối nhà ở. Có lẽ nó tự phát từ việc các cơ quan, xí nghiệp, quân đội chia đất cho cán bộ công nhân viên vì không xây được nhà tập thể cho họ. Hình mẫu để chia lô nền ấy có lẽ do bắt chước cái nhà ống của thợ thủ công và nhà buôn bán lẻ ở đô thị cũ (vốn là ước mơ của dân nghèo từ quê lên phố!) Nhà ống tất đặt cược giá trị vào mặt tiền. Ta không xây thành phố mà chỉ xây các con đường, đường mở đến đâu nhà ống bám hút đến đó, thương mại hoá một cách nhếch nhác toàn bộ, băm vụn đô thị, tạo một không gian và lối sống thủ công bán lẻ kiểu phố Tàu cho toàn dân. Không gian văn hoá, công cộng, vỉa hè, cây xanh, mặt nước, giao thông công cộng… bị bóp nghẹt hoặc hoàn toàn lạc lõng trong mớ hỗn độn mặt tiền – nhà ống – lô nền. 80% dân đô thị “úp mặt vào đường” để buôn bán vặt và hứng chịu ô nhiễm. Nền đất dưới 300m2 thì không cần duyệt kiến trúc mặt tiền, vì thế 90% mặt tiền các đường phố được phó mặc cho “kiến trúc dân gian hiện đại”. Người dân tự xây nhà, tự copy, nhái nhau làm cho các phố nhà ống từ Nam chí Bắc giống nhau đến bất ngờ mà không cần đến các KTS! Có cách gì thay đổi không? Tôi cứ nghĩ cái tư duy chia lô mặt tiền nhà ống này là cái vòng kim cô của phát triển đô thị mà ta đã tự tạo ra một cách vô ý thức, vô trách nhiệm.

2. Dự án thắng quy hoạch. Thành phố của tôi được quy hoạch phát triển về phía Nam, ra biển. Tất nhiên sau 20 năm nó cũng có tiến về phía đó nhưng lại phát triển nhanh mạnh gấp nhiều lần về phía Bắc vì các dự án kinh tế, vì dân nhập cư đổ về, dân thu nhập thấp từ các quận hạt nhân dạt ra, vì đất quân đội còn mênh mông v.v. và v.v. Quận tôi quy hoạch trung tâm là đường rộng rãi ra công viên hiện còn để hoang. Nhưng các dự án siêu thị, ngân hàng, khách sạn chen nhau đã biến “ngã năm Chuồng chó” cũ thành trung tâm mới và một nút giao thông kẹt cứng. Quy hoạch đường vào sân bay to, thẳng, hai chiều nhưng các dự án bám vào mặt tiền con đường trên giấy này đã làm nó hẹp lại, một chiều, cong vòng trên thực tế. Không rõ có quy hoạch nào cho vùng sân bay xưa ở ngoại thành bây giờ nằm giữa bản đồ du lịch hay không, nhưng nay đột nhiên có dự án sân golf rất to ở đó. Dân mới giàu có thể chơi golf dưới cánh máy bay 1/2 thế kỷ nữa chăng!

Hàng trăm đô thị hình thành với hàng trăm quy hoạch và mỗi quy hoạch liên tục được điều chỉnh dưới áp lực cụ thể của các dự án. Cuộc chiến giữa lợi ích toàn cục, toàn cộng đồng với lợi ích nhóm, cục bộ diễn ra gay gắt và phần thắng luôn luôn thuộc về vế thứ hai. Vì vậy khó có thể tìm thấy một đô thị được quy hoạch thành công để nhờ thế mà có bản sắc.

3. Hàng nhái và giả cổ. Ở cấp độ công trình, những người chọn tặng bảng hiệu “Công trình tiêu biểu thời kỳ đổi mới” đã khá vất vả tìm kiếm 20 công trình thực sự “thành công”. Trong một cuốn sách giới thiệu vài trăm toà cao ốc châu Á in mấy năm trước đây Việt Nam chỉ có một toà nhà Saigon Centre trong cụm kiến trúc xây dở dang rồi ngừng. Hình ảnh đô thị Việt Nam hiện được định dạng bởi kiến trúc nhà ống “dân gian hiện đại” tạp nham nêu trên và khuynh hướng thẩm mỹ hàng nhái và giả cổ ở các công trình lớn. Tràn lan khắp nơi là nhái phong cách thực dân thời Pháp với những gắn ghép “hậu hiện đại” rất tuỳ tiện. Các KTS lớn tiếng cảnh báo “bệnh dịch” này mà không hiệu quả. Phải chăng thẩm mỹ hàng nhái và giả cổ là định mệnh của kiến trúc các nước đang phát triển? Bản sắc đô thị tất nhiên được xây đắp bằng bản sắc các công trình. Nếu các khuynh hướng thẩm mỹ trên còn thống trị tới khi ta xong công cuộc công nghiệp hoá - hiện đại hoá thì liệu chúng ta có hy vọng các đô thị của chúng ta có bản sắc được không. Tối đa là mong ước đô thị đẹp giàu bản sắc. Tối thiểu là cố ngăn bớt các “thảm hoạ kiến trúc” tức sự xoá bỏ bản sắc đô thị đang và sẽ xảy ra.


Chỉ một đoạn ngắn ven đường trong dự án khu đô thị mới ở Hải Phòng đã có thể thấy đủ loại kiến trúc, kiểu dáng nhà ở thế này. (Ảnh: Quốc Dũng)

Tôi xin lỗi các KTS vì ở ba phần bài nói trên đã không dành đủ nhiều lời ca ngợi những đóng góp của họ. Song công và lỗi của KTS chỉ là 25% thành công hay thất bại mà thôi. 

(Lược trích tham luận của nhà phê bình mỹ thuật Nguyễn Quân tại Diễn đàn kiến trúc sư châu Á - ARCASIA Forum 16 với chủ đề “Đô thị châu Á thế kỷ 21”.

 

Mấy suy nghĩ sau ARCASIA 16 ở Đà Nẵng 

Trong xu hướng toàn cầu hoá, việc xoá nhoà ranh giới “địa văn hoá” của kiến trúc là một nguy cơ. Nỗi lo về việc xoá nhoà hình ảnh đặc thù, nét riêng của từng đô thị khác nhau là có thật khi mà Singapore và Hong Kong không khác nhau mấy, TP.HCM sẽ không khác gì Đà Nẵng với các công trình kiến trúc lặp lại nét tân kỳ của Thượng Hải hay Quảng Châu. Đó là ý nghĩ còn đọng lại trong tôi sau khi dự ARCASIA 16 tại Đà Nẵng mà lần đầu tiên tổ chức tại Việt Nam với sự có mặt của 18 nước của châu Á từ 15 – 19/8/2011.

Trong tham luận của diễn giả Man-wai Ng Danny từ Hong Kong, kiến trúc sư trẻ này đã rất chân thật khi vạch ra rất nhiều hình ảnh kiến trúc tuy đẹp nhưng rất không rõ nơi chốn đang mọc lên khắp nơi trong đất nước Trung Quốc nói chung và Hong Kong nói riêng. Trong tám giải pháp toàn diện để giúp có thể thay đổi này, tôi nhận định giáo dục đóng vai trò rất lớn trong việc thay đổi nhận thức. Giáo dục đến tận nhận thức của nhà cầm quyền, giáo dục đến nhận thức của người dân thụ hưởng và đương nhiên giáo dục cần đến tận chương trình đào tạo kiến trúc sư. Khi đồng loạt mọi người cùng quan tâm đến “cái riêng” (identity) của đô thị mình ở họ sẽ biết bảo vệ tôn tạo, đặt hàng, và hợp tác với kiến trúc sư. Cũng như tham luận cuối cùng của một nữ diễn giả đến từ Đài Loan, Vicki Wong, cô ta kể về một khu phố Di-hua xây dựng từ thời Nhật chiếm, đã chiếm trọn ký ức của người dân vùng này, nay phải đương đầu với quyết định mở rộng ra 20m thay cho 7 – 8m và họ đã phải vận động một chương trình “tôi yêu con đường Di-Hua” để đấu tranh giữ lại kèm với giải pháp kỹ thuật chia sẻ không gian bên trong các nhà và kiến trúc mặt tiền để tôn tạo mà không phá vỡ tuyến đường này. Phải chăng đây là một ví dụ tốt cho Hà Nội của ta?

Diễn đàn cũng đề cập đến các đề tài như kiến trúc xanh, kiến trúc bền vững trong đô thị nhưng đã không làm cho người xem cảm nhận sự gần gũi thiết thực: một quán càphê bằng tre đẹp như thêu và những lý giải về sự thông thoáng cho một kiến trúc không... vách che, sự giới thiệu về công trình trồng cỏ xanh rì trên mái được gọi là “xanh” của một diễn giả đến từ Đài Loan, một kiến trúc sư đến từ Anh quốc không ngần ngại giới thiệu những công trình viễn chinh của mình ở khắp nơi và trang sức cho bài nói của mình bằng những khái niệm về ADN của đô thị. Tôi chờ đợi một giải pháp cho “điều gì làm nên một đô thị tốt” (What makes a great city) nhưng lại là những giải pháp tốn tiền của trời Âu. Một nhà nghiên cứu Pháp dám chia kiến trúc Việt Nam ra làm ba thời kỳ nhưng bỏ sót một giai đoạn quan trọng của kiến trúc Việt Nam trước 1975 với một nền kiến trúc chỉ toàn của kiến trúc sư nội địa làm, đã làm tôi thất vọng.

Phải chăng khi là nước chủ nhà cầm chịch diễn đàn, những gợi ý cho các đề tài cần thiết thực hơn trong điều kiện lấy Việt Nam ra làm ví dụ, sẽ là một cơ hội tốt cho chúng ta gặt hái được nhiều hơn trong một lần vừa rồi. Một Đà Nẵng đang sôi động, một Hà Nội đang oằn mình chịu áp lực thay đổi hạ tầng trong khi vẫn phải bảo tồn, một Sài Gòn đang lưỡng lự chọn đường phát triển.

KTS Dương Hồng Hiến
 

Lời bình  

 
+1 # NTBinh 24/08/2011 20:39
Diện mạo đô thị là mối quan tâm và câu chuyện dài nhiều tập của các KTS, nhà đô thị, và những người yêu đô thị. Người ta cuối cùng thường gói gém mối quan tâm chung vào một khái niệm trừu tượng: “bản sắc”. Đô thị, kiến trúc phải có bản sắc của vùng miền… đồng thời, như yêu cầu bắt buộc của đời sống và nhu cầu sáng tạo, không thể không mang hơi thở của thời đại!

Phải có bản sắc là điều rõ ràng. Nhưng thế nào mới là có bản sắc? thế nào mới là thể hiện bản sắc của nơi chốn? ai là người định ra hay có thẩm quyền đánh giá đâu là bản sắc? đâu không phải?

Nếu đứng từ khía cạnh phát triển không gian công cộng, trong đó coi hình thức kiến trúc chỉ là một yếu tố tạo thành không gian công cộng, câu chuyện sẽ trở nên đơn giản hơn. Công trình kiến trúc sẽ có lợi ích lớn nhất với không gian công cộng, chính xác là mọi người dùng (trực tiếp hay gián tiếp) KGCC, nếu công trình đó thỏa mản những đòi hỏi mà KGCC – trong mối tương tác hàng ngày với xã hội – đặt ra. Sự đa dạng và local của các đòi hỏi đó – từ hình thức đến ý nghĩa, hình dạng, thậm chí yêu cầu về cả an toàn – sẽ khiến không có bất cứ công trình kiến trúc nào lặp lại công trình nào. Liệu sự đặc trưng đó có chính là bản sắc mà mọi người đang tìm tòi không?
Trả lời | Trả lời kèm trích dẫn | Trích dẫn
 

Thêm bình luận

3000 ký tự


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo

Loading...